Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/01/2018

Từ Biển Đông đến Một Vành Đai của Trung Quốc

Bill Hayton

Nhà nghiên cứu người Anh, ông Bill Hayton nói về giải pháp Biển Đông và rằng có những người ở Đông Nam Á 'làm giàu' nhờ dự án Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc.

obor1

Tàu cá Việt Nam chờ trong bến

Trả lời Quốc Phương của BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Oxford hồi hạ tuần tháng 10/2017, ông cũng nói hiện tình hình vùng biển này 'tạm yên' nhưng chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm' tiềm ẩn bất ổn.

BBC : Theo ông, đâu là cách tiếp cận khả thi nhất cho tranh luận và xung đột về Biển Đông hiện tại ?

Bill Hayton : Theo những gì tôi nghe được hôm nay trong hội thảo thì các nước Đông Nam Á buộc phải tiếp tục các thảo luận về vấn đề như hàng hải, ngư nghiệp và an toàn biển Đông mà không có Trung Quốc. Vì khả năng Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề này là rất thấp. Trung Quốc muốn kiểm soát hoàn toàn các vấn đề này. Tôi nghĩ đây là thời gian thích hợp để chính phủ Việt Nam, Malaysia, Philipinnes, Brunei và Indonesia hợp tác và cùng nhau phát triển các kế hoạch về bảo tồn [môi trường], an toàn và các vấn đề tương tự mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc. Vì Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường của mình và sẽ cản trở những nỗ lực cần thiết diễn ra lúc này để bảo tồn môi trường và bảo tồn tài nguyên biển.

obor2

Văn công Trung Quốc, Tống Tổ Anh, hát cho công nhân và chiến sĩ xây đắp Đá Chữ Thập ở Trường Sa nghe

BBC : Trung Quốc hiện tại không chỉ can thiệp vào vấn đề Biển Đông mà còn rất tham vọng với Sáng kiến Một vành đai, Một con đường và xây dựng rất nhiều dự án ở khu vực này. Có ý kiến cho rằng rất khó để có thể ngăn được tham vọng của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?

Bill Hayton : Tôi không nghĩ có quốc gia nào muốn ngăn cản Trung Quốc trong vấn đề phát triển kinh tế dù có những lợi ích trong việc duy trì tình trạng nghèo. Tôi nghĩ Trung Quốc giàu có về tiền, nguồn lực, kĩ năng và kĩ thuật mà các nước Đông Nam Á đều cần như tu sửa hệ thống cầu đường, đường tàu hỏa, vấn đề về năng lượng và các vấn đề tương tự.

Đồng thời theo tôi, dưới góc nhìn của các nước Đông Nam Á, khi Trung Quốc tham gia các vấn đề khu vực đều không có ý tốt hay trung lập mà đều, dù vô tình hay cố ý, muốn thống trị cả khu vực. Và mặc dù Trung Quốc luôn phản đối về cáo buộc này, tôi nghĩ có ba cách để mô tả thái độ của các nước Đông Nam Á về chính sách con đường và vành đai của Trung Quốc : 1/ Nhu cầu : các nước này đều cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ; 2/ Lòng tham : có thành phần muốn làm giàu từ những đầu tư xây dựng này ; 3/ Có cả nỗi sợ và lo lắng rằng khu vực sẽ bị thống trị bởi một Trung Quốc ngày càng bành trướng.

obor3

Tranh chấp về lãnh hải ở Biển Đông đặt ra nhu cầu liên kết quân sự trong khu vực

BBC : Trong phiên thảo luận về vấn đề biển Đông giữa các chuyên gia, Anh Quốc quan tâm nhất đề gì và tại sao ?Liệu ông có dự đoán gì về vấn đề tranh chấp biển Đông, liên quan các cường quốctrong khu vực, cũng như các nước Mỹ và Nhật ?

Bill Hayton : Tôi nghĩ vấn đề ưu tiên nhất với Anh là hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế, không cản trở tình hình phát triển và tạo ra làn sóng nhập cư và người tị nạn hay vấn đề tương tự. Thông thương hàng hải trên Biển Đông, một trong những ưu tiên của Anh là mấu chốt giải thích vì sao Anh quan tâm đến sự ổn định và hòa bình ở khu vực này. Nhưng mọi người quên rằng Anh vẫn còn ba đối tác là thành viên của Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) ở khu vực Châu Á, và Anh Quốc cũng quan tâm đến các vấn đề an ninh ở Nhật, ở Hàn Quốc, và các đối tác khác trong khu vực. Đây là một mối quan tâm chung kết hợp giữa mong muốn duy trì hòa bình trên thế giới để có thể thông thương, đầu tư, bảo tồn và an toàn cho nhân loại.

obor4

Repsol của Tây Ban Nha đã phải bỏ hoạt động dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam, bên cạnh dự án ở Lô 136-03, theo ông Bill Hayton

Tôi mới trở về từ Đông Nam Á, tôi đã thăm ba nước. Và ở mỗi nước tôi đến đều có chịu sức ép từ Trung Quốc về vấn đề khai thác dầu ở biển Đông và Trung Quốc đều muốn kiểm soát vấn đề này bất chấp quan điểm của các nước sở tại. Mặc dù mọi việc có vẻ chỉ ở bề nổi, nhưng có vẻ Trung Quốc đang dùng tình trạng yên bình này để gây sức ép buộc các nước phải hợp tác, đặc biệt các nước nằm trong khu vực kinh tế của chính sách Con đường và vành đai. Hiện tại các nước vẫn kiên trì chống lại áp lực từ Trung Quốc, nhưng theo tôi, tình hình tuy có vẻ yên bình ở bề nổi và chưa có bạo lực xảy ra, nhưng chắc chắn ở phần chìm của tảng băng thì không hề yên tĩnh như vậy.

Ông Bill Hayton là nhà báo tại BBC, London, cựu phóng viên thường trú của BBC ở Hà Nội và tác giả các cuốn sách về truyền thông Việt Nam, Biển Đông và chính trị Đông Nam Á. Ông tham dự hội thảo 'New Approaches to the South China Sea Conflicts' với tư cách học giả, thành viên Viện Nghiên cứu Chatham House.

Hội thảo diễn ra hôm 20/10/2017 tại University of Oxford China Centre, St Hugh's College, ngoài Bill Hayton còn có các diễn giả khác, trong đó có Antonio Carpio (Tòa Tối cao Philippines), Nong Hong (Institute for China-America Studies), Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao Việt Nam), do ông Rana Mitter (Trường St Cross) chủ tọa.

Nguồn : BBC, 03/01/2018

Quay lại trang chủ
Read 694 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)