Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/01/2018

Cuộc chiến Trọng – Dũng đến giai đoạn gay cấn

Lữ Giang

Hiện nay, ở trong và ngoài nước đang có một cuộc chiến khá sôi nổi giữa nhóm Nguyễn Phú Trọng và nhóm Nguyễn Tấn Dũng. Nhìn vào trận tuyến, chúng ta thấy có ba nhóm đang tham chiến : Nhóm thứ nhất thuộc phe Nguyễn Phú Trọng gồm các cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước. Nhóm thứ hai gồm các tay chân bộ hạ của Nguyễn Tấn Dũng. Nhóm này có hai website ở hải ngoại từ thời Nguyễn Tấn Dũng còn tại chức, nay dùng nó làm công cụ chính đối kháng với Nguyễn Phú Trọng. Nhóm thứ ba gồm các cơ quan truyền thông chuyên làm công tác "chiến tranh tâm lý" : Thọc gậy bách xe, tạo ra nhiều giả thuyết hay nghi vấn để gây hoang mang dư luận, đổ thêm dầu vào lữa cho đám cháy cứ lan dần ra…

cuocchien1

Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng : Hai đối thủ trước khi lên võ đài

Dĩ nhiên, phe Nguyễn Phú Trọng đánh có chiến lược với những chiến thuật khá tinh vi để hạ đối thủ, vì nhóm này do nhiều chuyên gia của đảng và nhà nước phụ trách.

Hai nhóm còn lại thường sử dụng chiến thuật tung hỏa mù để tạo ra những phản ứng bất lợi từ quần chúng. Những người ít hiểu biết hay theo dõi tình hình thường bị rơi vào nhũng mê hồn trận này, không phân biệt được đâu là "địch" và đâu là "ta". Rốt cuộc, đi theo phe nào, những kẻ thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính đều bị biến thành công cụ.

Một trái hỏa mù đáng sợ

Trên trang nhà Đàn Chim Việt, Thạch Đạt Lang cho biết : Một người bạn hỏi tôi : Nghe nói ở Việt Nam bây giờ, trong đảng cộng sản có 2 khuynh hướng, một là thân Tàu hai là thân Mỹ, bạn có tin không ?… Đồng thời dư luận cũng nói tới chuyện – Theo Mỹ thì còn nước, mất đảng, theo Tàu thì còn đảng, mất nước !

Rõ ràng là hiện nay đang có một tin đồn trong dư luận rằng Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc, còn Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ và cấp tiến. Một trang nhà thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng còn thổi thêm : Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm đảo chánh, hủy bỏ chế độ cộng sản và lập tổng thống chế… Những trái hỏa mù này đã tạo ra được phong trào ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng và chống Nguyễn Phú Trọng ở hải ngoại, coi Nguyễn Phú Trọng là "địch" còn Nguyễn Tấn Dũng là "ta" !

Chúng tôi xin nói lại một lần nữa : Đảng cộng sản Việt Nam theo chế độ "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" nên không thể xảy ra chuyện đó được. Điều 9 của bản Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam quy định : "Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành trung ương".

Đường lối và chính sách của Đảng do Ban Chấp Hàng trung ương Đảng ấn định, tất cả phải tuân theo, ai làm khác là bị "chém" ngay. Có hai trường hợp bị "chém" vì không đi theo đường lối của tập thể, được nhiều người biết đến :

Trường hợp thứ nhất là Tướng Võ Nguyên Giáp : Nghị quyết Hội nghị trung ương 9 ra quyết định giải phóng Miền Nam, nhưng sau đó Võ Nguyên Giáp cho rằng nếu phát động đấu tranh vũ trang sẽ khiến Hoa Kỳ nhảy vào trực tiếp tham chiến, khi đó chẳng những sẽ thất bại mà còn làm mất lòng Liên Xô. Nhóm Lê Duẫn cho rằng Võ Nguyên Giáp đã phản Đảng, "theo chủ nghĩa xét lại", vi phạm Nghị quyết 9, nên đã đuỗi Giáp ra khỏi Bộ chính trị, cất chức Tổng tư lệnh quân đội và Bộ trưởng Bộ quốc phòng, hạ nhục bằng cách cho làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Có 42 người thuộc phe Võ Nguyên Giáp bị bắt vì tội "theo chủ nghĩa xét lại" và "thân Liên Xô".

Trường hợp thứ hai là Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ chính trị, bị Hội nghị trung ương VIII cất chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng "vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu" do "đã tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng".

Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam đang chủ trương "bắt cá ba tay", vừa Trung Quốc, vừa Nga và vừa Mỹ để trục lợi. Chuyện Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc còn Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ là chuyện chuyện hoàn toàn bịa đặt do nhóm Nguyễn Tấn Dũng tung ra để đánh lừa dân chúng, nhất là người Việt đấu tranh ở hải ngoại.

Nếu không tôn trọng nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã sụp đổ từ lâu. Với nguyên tắc này, dù ai lãnh đạo, đường lối và chính sách của Đảng đều như nhau. Vì thế, người Pháp đã bảo : "Un communiste vaut l’autre". Tên cộng sản nào cũng đều giống nhau.

Gạt ra một bên mặt trận "chiến tranh tâm lý" nhắm đánh lạc hướng hay đánh lừa dư luận, chúng ta thử tìm hiểu mục tiêu của nhóm Nguyễn Phủ Trọng, chiến thuật mà nhóm này đang áp dụng để loại trừ nhóm Nguyễn Tấn Dũng và dự đoán xem nó sẽ đi tới đâu.

Hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng

Từ ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đến nay, chưa có đảng viên cao cấp nào có thể thành lập một cơ chế tham nhũng rộng lớn và có hệ thống như Nguyễn Tấn Dũng. Trong thời gian cầm quyền, Dũng vừa cho áp dụng chế độ gia đình trị vừa biến hệ thống Ủy viên trung ương Đảng thành một cơ chế tham nhũng.

Em của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Tiến Thắng và ba đứa con của Dũng là Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Minh Triết đều nằm trong hệ thống tham nhũng. Đặc biệt, Nguyễn Thanh Phượng mới 26 tuổi đã làm Giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị trên 100 triệu USD. Năm 2011, Phượng 31 tuổi là một tỷ phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Bản Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bất động sản Bản Việt và là thành viên của Hội đồng quản trị Ngân hàng Bản Việt với số vốn là 3000 tỷ VND. Với những "thành tích" nầy, Phượng được mô tả là "nhà doanh thương trẻ tuổi kỳ tài nhất của thế giới" !

Về chính quyền, Dũng đặt khoảng 20 công ty quốc doanh lớn nhất nước dưới quyền của Thủ tướng để thao túng như Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VinaFood), v.v. Dưới mỗi công ty này có hàng chục công ty con dính theo, tha hồ mà "phân phát" chức vụ. Sau đó, Dũng cho một số lớn các ủy viên trung ương Đảng tham gia để kiếm ăn. Có ủy viên đã trực tiếp đứng ra kinh doanh, trong đó có cả Ủy viên Bộ chính trị, những ủy viên khác cho các "thái tử đảng" tham gia. Các thái tử này thường rất trẻ, nhiều khi chưa có chút kinh nghiệm gì.

Hình thức tham nhũng thiên hình vạn trạng và có khi rất trắng trợn. Trịnh Xuân Thanh đưa ra một thí dụ cụ thể : cứ bán 100.000 tấn dầu thì tàu mua chỉ trả 70.000 tấn qua ngân hàng có hoá đơn, còn 30.000 tấn thì họ trả bằng tiền mặt ngay trên tàu với giá chỉ bằng 50% giá thị trường và khoản tiền này không được đưa vào sổ sách. Chỉ tính trong 10 năm Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, mỗi năm Việt Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm. Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng đảng Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x 600 = 36 tỷ đô.

Lối ăn phổ biến nhất là ăn trên giá thực hiện công tác. Dưới thới Pháp hay Việt Nam Cộng Hòa, người ký giấy phép cho thực hiện công tác thường được biếu 15% trên trị giá công tác, người thực hiện tính tiền lời là 15% nữa, còn 70% để thực hiện công tác. Thời Nguyễn Tấn Dũng chơi cha hơn : người ký giấy phép cho thực hiện công tác thường được biếu 35% trị giá công tác, người thực hiện tính tiền lời là 15%, chỉ còn 50% để thực hiện công tác nên làm cái gì rồi cũng hư hỏng.

Vào thời Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI (2011 – 2015) ủy viên trung ương Đảng chính thức có 175 ghế. Với lối "hợp tác kinh doanh" nói trên, phe Dũng chiếm đến 70%, còn 30% thuộc về các phe khác, nên Dũng làm mưa làm gió. Vì thế, Dũng tin rằng khi ra tranh cử Tổng bí thư trong Đại Hội XII, chắc chắn Dũng sẽ thắng. Nhưng nhóm Nguyễn Phú Trọng đã lật ngược được thế cờ.

Chiến thuật của Nguyễn Phú Trọng

Ngày 3/12/2015, Ủy ban Kiểm soát trung ương đã gửi đến các ủy viên trung ương một Báo cáo mang số 9387, trong đó có "Thư phản ánh, kiến nghị về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ". Đó là một bản liệt kê bằng chứng tội ác của Nguyễn Tấn Dũng với thông điệp : "Phải liệu hồn đi !". Bị điểm trúng huyệt, ngày 10/12/2015 Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một bản giải trình với kết luận "Tôi xin không tái cử".

Tập Cận Bình sau khi nắm chính quyền, cũng phải thanh thoán nhóm Giang Trạch Dân với các tay chân bộ hạ cũng đã được kết hợp lại bằng tham nhũng như nhóm Nguyễn Tấn Dũng. Tập Cận Bình đã thực hiện kế hoạch "bẻ đũa bẻ cả nắm" để hạ các đối thủ một cách mạnh mẽ, vì Tập Cận Bình ở vào thế mạnh. Trái lại, nhóm Nguyễn Phú Trọng không thể áp dụng các biện pháp như Tập Cận Bình được vì Trọng ở thế yếu.

Tập Cận Bình gọi chiến dịch đánh tham nhũng của ông ta là chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" và "săn cáo" (bắt giữ các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài). Tập Cận Bình phá vỡ mọi "vùng cấm" khi thanh toán các quan chức "dính chàm", cho dù ở bất cứ cấp hay lĩnh vực nào. Tài liệu tổng kết sơ khởi cho thấy chỉ trong vòng 3 năm (2014-2016) đã có gần 36.000 đảng viên cấp cao bị khai trừ khỏi đảng và bị truy tố, trong đó có 22 cựu quan chức từ cấp Bộ trở lên cho đến ủy viên Bộ chính trị. Số quan chức cấp thấp bị trừng trị vì tham nhũng lên đến 1,34 triệu người. Có 3.339 nghi phạm lẩn trốn tại hơn 90 quốc gia và khu vực trên thế giới đã bị bắt, trong đó có 628 cựu quan chức. Khoảng 1,41 tỷ USD được thu hồi.

Nguyên tắc sống của người đảng viên cộng sản là "phù thịnh bất phù suy", vì phù suy là đi đời nhà ma. Do đó chẳng ai muốn tiếp tục theo Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng có nhiều viên chức theo Dũng đã "dính chàm" quá nặng, không có đường trở về nên tìm cách bỏ trốn hay liên kết với nhau để kháng cự lại. Do đó, nếu Trọng làm mạnh như Bình, sẽ đưa đến rối loạn. Nhóm Nguyễn Phú Trọng phải nghĩ đến biện pháp "bẻ đũa bẻ từng chiếc". Chính Trọng đã từng nói : "Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta".

Trước tiên Trọng cho mở các cuộc điều tra và lập hồ sơ tư pháp. Sau đó ban chỉ đạo nghiên cứu, phân loại và xem vụ nào nên xử phạt về kỷ luật rồi bỏ qua, vụ nào có thể thanh toán trước mà không bị phản ứng mạnh, vụ nào để lại thanh toán sau… Chúng tôi thấy có những vụ tham nhũng rất quan trọng, nhưng các cấp vi phạm không thuộc thành phần quan trọng nên đã bị đưa ra "làm thịt" trước như các vụ Agribank, Vinawaco, Vinashinlines, Trustbank, Vietinbank, Oceanbank, v.v. Tiếp đến là những vụ có dính líu đến các nhân vật quan trọng hơn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Xây lắp dầu khí, v.v. Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh nằm trong loại này.

Hiện nay, có một nhân vật được báo chí nói đến nhiều, đó là Hoàng Trung Hải, người gốc Hoa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại biểu quốc hội nhiều khóa, đã được Nguyễn Tấn Dũng đưa ra làm Phó Thủ tướng và giao cho nhiều nhiệm vụ và công tác quan trọng, có liên quan tới nhiều vụ sai phạm, nhưng vẫn chưa được Nguyễn Phú Trọng sờ tới.

Kế hoạch thanh toán của Trọng sẽ vẫn được tiếp tục, bất chấp các đánh phá từ bên ngoài. Nhiều người vẫn tin rằng nếu Tập Cận Bình phải thanh toán Giang Trạch Dân thì Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ phải thanh toán Nguyễn Tấn Dũng.

Rồi sẽ đi về đâu ?

Từ ngày thành lập cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã có tất cả 11 đời Tổng bí thư. Cở như Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống), Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh mà cũng làm Tổng bí thư được thì ai cũng có thề làm được. Tại sao ?

Như chúng tôi đã nói ở trên, Đảng cộng sản Việt Nam sinh hoạt và tồn tại được là nhờ thi hành triệt để nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Với nguyên tắc này, dù "Trọng lú thân Trung Quốc" hay "Dũng cấp tiến thân Mỹ" lên cầm quyền, cũng chẳng có thay đổi gì quan trọng về đường lối và chính sách.

Sở dĩ Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại đến ngày nay là nhờ Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Quốc cướp được chính quyền tại Trung Quốc năm 1949 và cầm quyền ở Trung Quốc cho đến ngày nay. Khi nào Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ đi theo.

Ngày 4/1/2018

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 2179 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)