Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/01/2018

Dự báo diễn biến tình hình chính trị Việt Nam trong thời gian tới

Phạm Hưng Quốc

Phần I

Để có được cách nhìn tổng thể nhất, tác giả xin nhắc lại một luận điểm của người sáng lập ra Chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx, viết trong cuốn Tư bản như sau : Chủ nghĩa tư bản tìm mọi cách tạo giá trị lợi nhuận thặng dư, chúng không trừ thủ đoạn gì để đạt được giá trị thặng dư cao nhất. Khi giá trị thặng dư lên tới 70, 80, 100% thì chúng sẽ có những tâm lý điên loạn đến mức chúng có thể tự treo cổ !

Rất tiếc rằng những người tự nhận là đệ tử trung thành của chủ nghĩa Marx còn lại trong đội ngũ lãnh đạo của môt số quốc gia xã hội chủ nghĩa ít ỏi còn sót lại đã tạo ra một thế hệ lãnh đạo mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại, đó là tầng lớp tư bản đỏ. Tầng lớp những người lãnh đạo này mặc dù luôn khoác áo cộng sản hay xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất họ lại có ham muốn làm giàu cho bản thân một cách cuồng nhiệt nhất. Họ bất chấp những chuẩn mực về đạo đức, sẵn sàng thực hiện những thủ đoạn từ trắng trợn đến tinh vi để kiếm tiền. Phương tiện kiếm tiền của họ là "quyền lực", sự ranh ma tinh quái và cả sự tàn bạo... Lợi nhuận họ thu về luôn tỉ lệ thuận với những "phẩm chất" này. Hiện tượng tham nhũng trở nên phổ biến và dần trở thành xu thế, có tính chất nguyên lý tất yếu của việc hình thành bộ máy cai trị do họ lập ra mặc dù họ luôn khẳng định "quyết tâm xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân".

dubao1

Tại hội nghị trung ương 6 khóa 11, Nguyễn Tấn Dũng vẫn tại vị và ngạo nghễ thách thức quyền lực của Nguyễn Phú Trọng và đặc biệt thách thức những nỗ lực chống tham nhũng của Đảng

Thực tế đã chứng minh rằng đội ngũ lãnh đạo tại các nước xã hội chủ nghĩa này đã trở thành những kẻ giàu có nhất trong xã hội. Bọn họ giàu có hơn hẳn bất cứ một đội ngũ lãnh đạo nào của các nước tư bản phát triển. Nhóm người này có tâm lý làm giàu như các nhà tư bản chó sói thời hoang dại. Họ núp dưới bóng của chủ nghĩa vô sản nhưng lại hành động như những kẻ điên rồ tham lam tàn bạo nhất. Họ đã tự đặt mình lên trên pháp luật, lũng đoạn pháp luật. Đội ngũ lãnh đạo tại các nước này theo thời gian đã được phân hóa thành nhiều nhóm lợi ích...

Các nhóm lợi ích tranh giành xâu xé thậm chí triệt tiêu nhau để vơ vét tiền bạc của cải của đất nước mà chính họ là những người đang giữ cương vị lãnh đạo.

Các nhóm lợi ích tại các quốc gia này, trong đó có Việt Nam, đang có xu hướng phát triển không có giới hạn.

Các nhóm lợi ích dùng quyền lực chính trị, tư pháp, hành pháp và cả lập pháp để tranh giành biển thủ, tước đoạt những gì có thể, cho phe nhóm của mình, họ sẵn sàng dùng hàng tỷ đô la ngân sách nhà nước để phục vụ cho các dự án bình phong mà những nhóm lợi ích của họ dựng lên với chiêu bài phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, phục vụ an ninh quốc phòng để thực hiện các hành vi tham ô, tham nhũng.

Trên thực tế sự tha hóa này phát triển rất nhanh từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Thế hệ sau tham lam tàn bạo, táo tợn và tinh vi hơn thế hệ trước. Đây là một thực tế mà tất cả mọi người đều nhận ra. Mọi người trong đó có cả những kẻ tham nhũng đều nhận thức được rằng sự suy thoái này chắc chắn sẽ dẫn tới sự đổ vỡ diệt vong nhanh chóng cho đất nước của họ nhưng lại không ai có đủ dũng khí và khả năng để tìm cách ngăn chặn dòng thác tham nhũng đang cuốn phăng đi tất cả thậm trí cả lương tâm, lương tri… Dòng thác này được hình thành một cách tự phát như một xu thế và là hệ quả tất yếu trong quá trình chuyển đổi từ việc quản lý kinh tế quan liêu bao cấp theo mô hình xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường.

Bài viết này không có ý định đi sâu vào việc phân tích các nguyên nhân cội rễ cũng như các biến cố lịch sử đã hình thành nên "dòng nước lũ tham nhũng" có tính đặc thù này mà chỉ định nêu ra một vài nhận định cơ bản để làm cơ sở nền tảng giúp bạn đọc hiểu thêm những phân tích về diễn biến trên chính trường tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Sự hình thành các nhóm lợi ích đã làm thay đổi đời sống chính trị tại Việt Nam ngay từ khi bắt đầu thực hiện quá trình "đổi mới". Các nhóm lợi ích luôn tìm cách tranh giành "hơn thua" với nhau trên chính trường. Quá trình "đổi mới" tại Việt Nam tất yếu đã đưa tới sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền lực chính trị với quyền lực kinh tế. Tuy rằng mặt tích cực do sự nghiêp đổi mới mang lại đối với Việt Nam là rõ ràng thậm chí đôi khi là kỳ diệu không thể phủ nhận được, cụ thể : sức sản xuất được cởi trói một phần, sức sáng tạo trong xã hội được phát huy, nền kinh tế không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cơ sở hạ tầng, mức sống của người dân trong xã hội không ngừng được nâng cao, bộ mặt đất nước được thay đổi toàn diện, vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế v.v… Song những thành tựu do công cuộc đổi mới mang lại ngày càng bị hạn chế và dần bị triệt tiêu bởi mặt trái của nó là tệ nạn tham những.

Trước hết trong lĩnh vực chính trị. Sự tranh giành giữa những nhóm lợi ích đã tạo ra một đặc thù trong việc hình thành bộ máy lãnh đạo đất nước mà trước đây chưa từng xẩy ra là vị trí số 1, vị trí của Tổng bí thư Đảng cộng sản thay vì phải là những cá nhân xuất sắc nhất, mạnh mẽ nhất nhưng trên thực tế lại ngược lại.

Tại Việt Nam gần hai thập kỷ trở lại đây vị trí Tổng bí thư lại giành cho những người có hình ảnh : nhu mỳ, ba phải, dĩ hòa vi quý, ít góc cạnh... Rõ ràng đây là những giải pháp tình thế để tạo sự hòa hoãn mà các nhóm lợi ích đã đi đến thỏa hiệp. Hai nhiệm kỳ làm tổng bí thư của Nông Đức Mạnh là cơ hội vàng cho các nhóm lợi ích tại Việt Nam kiếm chác và ăn chia.

Sang đến thời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi các mặt trái của sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích tham nhũng đã bi phơi bầy không thể che giấu nổi. Nhưng trong nhiệm kỳ đầu làm tổng bí thư với phương pháp tư duy và hành động mang nặng tính lý thuyết giáo điều, cộng với sự hạn chế về sức mạnh quyền lực cả trên lĩnh vực tài chính lẫn bạo lực cũng như không có phe cánh, nên Nguyễn Phú Trọng ngoài việc chỉ đưa ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, trên thực tế hầu như không làm được gì cụ thể đáng kể nào. Trên chính trường Nguyễn Phú Trọng trở thành một anh "hề cung đình" bất đắc dĩ.

Thực tế "tập thể" ban lãnh đạo đảng của ông ta luôn làm vô hiệu hóa các nghị quyết của đảng và làm ngược với mong muốn của ông ta về các vấn đề mà đặc biệt là vấn đề nhân sự cốt lõi của đảng. Thực tế này sẽ dẫn tới sự cáo chung rất nhanh chóng theo cách thức xấu nhất đối với chế độ cộng sản : Sự việc lên tới đỉnh điểm là tại hội nghị trung ương 6 khóa 11, ông trùm của những ông trùm tham nhũng và lợi ích nhóm Nguyễn Tấn Dũng đã bi phơi bầy quá nhiều sai phạm trên rất nhiều phương diện, việc trừng phạt con người này đã trở thành đòi hỏi của công lý và người dân Việt Nam. Nhưng đến giờ chót Nguyễn Phú Trọng cùng với "tập thể" Đảng cộng sản không làm nổi cái điều tưởng như đương nhiên này, Nguyễn Tấn Dũng vẫn tại vị và ngạo nghễ thách thức quyền lực của Nguyễn Phú Trọng và đặc biệt thách thức những nỗ lực chống tham nhũng của Đảng. Thực tế này lần đầu tiên tại Việt Nam Tổng bí thư đã trở thành một anh hề cung đình.

Có lẽ sự kiện này đã làm cho Nguyễn Phú Trọng phải tự lột xác, vì chỉ có như vậy thì mới có cơ may cứu Đảng cộng sản và chế độ do Đảng cộng sản lập ra khỏi sụp đổ một cách nhục nhã. Đến nay trên thực tế đã ghi nhận một số thành công bước đầu trong quá trình tự lột xác này của Nguyễn Phú Trọng. Bề ngoài ông ta không tỏ ra có bất kỳ một thay đổi đáng kể nào, vẫn phát ngôn giáo điều, lạc lõng, thái độ lời nói vẫn nhỏ nhẹ nhu mỳ đến buồn ngủ, nhưng bên trong ông ta cùng một số đội ngũ thân tín của mình chuẩn bị cho việc loại bỏ con "sâu chúa" bằng "mọi giá" trong đại hội Đảng cộng sản lần thứ 12.

Cái chữ "mọi giá" ở đây được thể hiện là ông ta đã chấp nhận mọi sự nhân nhượng kể cả việc để cho các đệ tử thân tín nhất của sâu chúa Nguyễn Tấn Dũng, những trùm tham nhũng được ở lại và lên chức cao hơn, mặt khác lại để cho môt số người tâm phúc của ông ta phải về vườn. Tất cả chỉ nhằm tới mục đích loại được "con sâu chúa" Nguyễn Tấn Dũng.

Người ta nhìn thấy ông ta đã trả một cái giá rất đắt để đạt được muc tiêu này. Một trong những cái giá phải trả là chấp nhận cho những đệ tử ruột nhất, trung thành nhất của sâu chúa và Bộ Chính trị và hơn thế nữa còn được đưa vào những vị trí sống còn của bộ máy cầm quyền.

Một thành công nhất cho đến nay trong quá trình "lột xác" của Nguyễn Phú Trọng là ông ta hành động rất "quyền biến" và khôn ngoan, biết mình biết ta, trái ngược phong cách giáo điều cứng nhắc, quan liêu như ông ta vẫn thể hiện. Mặt khác ông ta luôn giữ được bí mật tuyệt đối phương án hành động của mình, biết đánh hỏa mù, biết dàn trận giả để làm lạc hướng đối thủ. Để làm được những việc này chắc chắn Nguyễn Phú Trọng cũng đã thành công bước đầu trong việc xây dựng cho mình một "team hành động đủ mạnh"

Nhưng cần nhận định rằng sẽ là quá sớm nói đến một sự thành công chắc chắn, bền vững để ít nhất là đẩy lùi được sự đổ vỡ, hỗn loạn của chế độ hiện hành trong tương lai gần. Nguyễn Phú Trọng và đồng chí của ông ta phải hóa giải được các nguy cơ to lớn sau :

1. Mọi sự thanh trừng, tiểu phạt chỉ thành công khi Nguyễn Phú Trọng đảm bảo được sự ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ gìn. Đây là một thực tế rất mong manh tại Việt Nam hiện nay : đa số các nhân vật có kinh nghiệm trong chính phủ hiện nay đều đã từng là những đệ tử thân thiết của Nguyễn Tấn Dũng. Chính họ là những kẻ gây ra các ung nhọt trong nền kinh tế nhưng đồng thời cũng là những nhà ảo thuật bậc thầy về sự che đậy, biến báo cho những ung nhọt này. Đinh La Thăng là một trong những nhân vật sáng giá hàng đầu như vậy. Chỉ cần chính những nhân vật này không tiếp tục che đậy nữa thì cũng đủ để đất nước rơi vào khủng hoảng về tâm lý, sau đó là vỡ bung những ung nhọt trong nền kinh tế ở những nơi yếu nhất và nhạy cảm nhất, rồi lan sang các lĩnh vực khác về kinh tế, tài chính và xã hội. Tất nhiên khi còn chức quyền, hoặc ít ra được hạ cánh an toàn, thì những kẻ tham nhũng còn "vun đắp" cho chế độ, nhưng khi bị lao lý và truy thu của cải, tài sản thì tình hình sẽ khác, rất khác.

Liệu Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị các biện pháp để đối phó hay chưa ?

2. Mục tiêu lớn nhất của chống tham nhũng là lấy lại uy tín cho Đảng cộng sản, khôi phục lại lòng tin cho nhân dân là Đảng thực sự tôn trọng sự công bằng và công lý. Nhưng tại Việt Nam tham nhũng đã quá trầm trọng, diễn ra ở mọi nơi mọi cấp mọi lĩnh vực, vậy nếu chống tham nhũng không đúng cách thì sẽ phơi bầy sự mọt rỗng của chế độ qua nhiều thời kỳ lãnh đạo. Mặt khác, chính việc chống tham nhũng sẽ gây ra sự bất công giữa các phe nhóm, giữa các cá nhân.

Liệu những kẻ bị đưa vào tù có chấp nhận, những kẻ giống mình nhưng chưa bị lộ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thậm trí còn đang giao giảng về đạo đức ?

3. Các cơ quan sức mạnh của nhà nước Việt Nam hiện nay lại chính là nhưng cơ quan có tham nhũng nhiều nhất, trầm trọng nhất trong đó đặc biệt là cơ quan công an, vây khi "đánh" vào các nhân vật chủ chốt của các cơ quan này thì liệu có đảm bảo được an ninh, quốc phòng cho đất nước hay không ?

4. Liệu Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta có chứng minh được sự trong sạch của lực lượng chống tham nhũng hiện nay trước tin đồn cho rằng họ nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo của Trung Quốc, cả về kinh tế, tài chính, an ninh, quốc phòng, hay không ?

Cần hiểu rằng đây cũng là một tử huyệt về chính trị khi mà lòng dân Việt Nam đang có một sự mặc cảm rất lớn về chính sách bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Rõ ràng rằng yếu tố Trung Quốc có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự thắng hay thua của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, nếu không nói là sự ảnh hưởng này có tính quyết định trong tình thế hiện nay tại Việt Nam.

Nhưng lịch sử cận đại đã dạy cho Việt Nam những bài học quá đắt giá của việc lệ thuộc vào Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc của Tập Cận Bình "vô tình" đối với cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay mà tổ chức một vài sự kiện giống như dàn khoan 981 hay Formosa, hay tấn công ngư dân Việt Nam trên Biển Đông... thì cũng đủ để đẩy Nguyễn Phú Trọng và đồng chí vào chân tường. Nhưng nếu Tập Cận Bình mà ủng hộ Nguyễn Phú Trọng không đủ độ kí đáo, tế nhị thì Trung Quốc sẽ biến lực lượng chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu trở thành tay sai của Trung Quốc.

Người dân Việt Nam lại không bao giờ chấp nhận lãnh đạo của đất nước là tay sai của TRUNG QUỐC.

5. Thái độ của Mỹ và phương Tây cũng ảnh hưởng nhiều tới cuộc chiến này. Tuy không mạnh mẽ, trực tiếp bằng sự ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng xã hội Việt Nam và tâm lý của người dân Việt Nam đang hướng tới một xã hội dân chủ công bằng và văn minh. Khi nói đến khái niệm này thì tuyệt đại đa số người Việt Nam đều nghĩ tới Mỹ và phương Tây.

Trở lại một chút về thái độ của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Tác giả bài viết này không cho rằng phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Đức đối với chính phủ Việt Nam chỉ xuất phát từ những nguyên nhân bề nổi như báo chí đã nói. Ngược lại tác giả cũng không cho rằng lực lượng chống tham nhũng của nhà cầm quyền Việt Nam lại có hiểu biết và hành động thô thiển, vụng về nhưng những gì đã diễn ra công khai đã được công luận tường thuật.

Ngay từ khi Trịnh Xuân Thanh được đưa về Việt Nam, các cơ quan an ninh và chuyên gia trong và ngoài nước đã có những tư vấn kịp thời với lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm tránh đi những tổn hại đáng tiếc về ngoại giao và bang giao kinh tế. Nhưng dường như chẳng ai trong lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam quan tâm đến những lời tư vấn này và đã không làm những việc cực kỳ đơn giản để không làm trầm trọng hóa vấn đề này. Khi sự việc đã tiến triển theo chiều hướng xấu vượt mức bình thường thì phía Nguyễn Phú Trọng lại quy trách nhiêm cho Phạm Bình Minh ?

Môt số dấu hiệu này đã nói lên rõ ràng rằng cuộc chiến chống tham nhũng đã vượt qua phạm vi biên giới của Việt Nam mà sẽ là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa phương Tây và Trung Quốc đối với Việt Nam. Liệu Nguyễn Phú Trọng còn giữ được đường lối "đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước" được hay không, hay lại theo chân Malaysia, Thái Lan, Philippines thậm chí là Campuchia trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc ? Chắc chắn câu trả lời cho câu hỏi này không chỉ là ở phía Việt Nam mà còn ở Trung Quốc và các nước phương Tây và Mỹ. 

Tóm lại, Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông đã chọn một con đường khác hẳn với con đường mà người tiền nhiệm của ông là Nông Đức Mạnh đã lựa chọn. Cứ giả thiết, như nhiều lời đồn đoán dù thiện ý hay ác ý, cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng này chỉ là một cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái thì một thực tế không thể phủ nhân là :

1. Việt Nam không thể không chống tham nhũng và càng không thể chống tham nhũng bằng cách đưa những kẻ tham nhũng lên làm lãnh đạo đất nước.

2. Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam sẽ không phải chỉ là câu chuyện nội bộ của Việt Nam.

****************

Phần II

Trong cuộc chiến chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thì cái khó không phải là tìm ra những vụ án tham nhũng khủng, hay cực khủng của các quả đấm thép (tập đoàn kinh tế nhà nước) thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì chúng quá nhiều và quá lộ liễu. Ngược lại sẽ rất khó, thậm chí là không có, dự án lớn nào của các "quả đấm thép" lại không xẩy ra những tham nhũng nghiêm trọng. Cái khó cho Nguyễn Phú Trọng và lực lượng của ông ta là phải chọn ra những vụ án mà không làm "vỡ bình".

dubao2

Cái khó nhất cho Nguyễn Phú Trọng là làm sao cho việc xử lý các vụ án này mà không gây tổn thương quá lớn cho chế độ, cho sự ổn định của đất nước.

Một thực tế là những dự án lớn của các quả đấm thép không chỉ liên quan đến một vài ủy viên Bộ Chính trị mà có thể nói là đến rất nhiều ủy viên Bộ Chính trị. Tất nhiên sự phân bổ "lợi lộc" giữa các ủy viên Bộ Chính trị và các cá nhân khác trong ban lãnh đạo đảng, chính phủ và nhà nước sẽ rất không đồng đều, nhưng xét về con số tuyệt đối thì người được hưởng "lộc" ít nhất cũng cao hơn mức khung hình phạt cao nhất mà bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành dành cho tội tham ô, tham nhũng.

Cái khó nhất cho Nguyễn Phú Trọng là làm sao cho việc xử lý các vụ án này mà không gây tổn thương quá lớn cho chế độ, cho sự ổn định của đất nước. Cách thức xử lý đối với những vụ việc tham nhũng từ trước tới nay là giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của sự thiệt hại trong từng vụ án, khoanh vùng các đối tượng liên đới để rồi "giơ cao đánh khẽ". Như vậy vừa tạo ra bức tranh nghiêm minh về pháp luật vừa làm cho đối tượng bị "thí điểm làm gương" chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt". Giải pháp này ít ảnh hưởng tới hình ảnh của chế độ.

Đột phá ở mức độ nào

Nhưng sự kiện khởi tố, bắt giam và xử án nhanh chóng Đinh La Thăng đang minh chứng rằng Nguyễn Phú Trọng đã không muốn đi theo lối mòn cũ mà muốn tạo đột phá. Vấn đề là đột phá ở mức độ nào ? Mức giống như Tập Cận Bình là hay mức thấp hơn ? Nhưng cho dù ở mức thấp hơn Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc thì cũng vượt quá khả năng hiện có của lực lượng chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu tại Việt Nam hiện nay.

Để thành công Nguyễn Phú Trọng có ba chỗ dựa :

1. Lòng dân : Khái niệm này có một biên độ dao động rất cao. Đương nhiên tỉ lệ ủng hộ của lòng dân luôn tỷ lệ thuận với mức độ kiên quyết, triệt để, công bằng, minh bạch trong quá trình điều tra và xét xử những vụ án tham nhũng, nhưng điều này lại làm gia tăng sự phức tạp của vấn đề cả về chính trị, ngoại giao và các vấn đề an ninh, quốc phòng. Thông thường, để hỗ trợ đắc lực cho việc giải tỏa những nghịch lý này thì vai trò của Ban Tư tưởng văn hóa trung ương rất quan trọng. Song cho đến nay dường như các phương tiện thông tin "lề phải" còn rất thụ động trước diễn biến tình hình, hay nói cách khác Nguyễn Phú Trọng và lực lượng của ông ta vẫn chưa làm chủ được địa hạt này.

2. Sự hỗ trợ của Tập Cận Bình : Đây cũng là một yếu tố có biên độ dao động rất cao. Rất rõ ràng Tập Cận Bình không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng ngay cả khi ông ta còn đương quyền, nhưng hiện nay họ lại công khai sự ủng hộ đối với Hoàng Trung Hải. Người ta dễ dàng quan sát thấy rằng công cuộc chống tham nhũng đang sục sôi tại Việt Nam, nhưng Hoàng Trung Hải gần như vẫn đứng ngoại phạm trong mọi vụ viêc mặc dù ông ta cũng đã trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào rất nhiều dự án bê bối trong quá khứ khi ông ta còn là một phó thủ tướng phụ trách công nghiệp và thương mại dưới thời Nguyễn Tấn Dũng. Đặc biệt là các dự án do các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, hoặc do tiền của Trung Quốc cho vay, đều là những thí dụ điển hình bê bối trên nhiều phương diện.

Đây có lẽ cũng là cái cớ rõ ràng của luận điểm cho rằng Nguyễn Phú Trọng đang dựa vào Trung Quốc để thanh lọc bộ máy thông qua cái cớ chống tham nhũng. Nhưng vì cần sự hỗ trợ của Trung Quốc nên ông ta không dám động tới các dự án của Trung Quốc và cá nhân Hoàng Trung Hải. Vậy câu hỏi đặt ra là Tập Cận Bình hỗ trợ Nguyễn Phú Trọng ở mức độ nào trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ? Liệu người ta có thể lấy việc ngoại phạm này để xác định màu sắc và diện mạo cho công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Nguyễn Phú Trọng ?

Tác giả bài viết này cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi thì thực tế sẽ cho mọi người thấy rõ màu sắc của công cuộc chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam. Nhưng để hiểu thêm về bản chất sự chi phối của Trung Quốc đối với bộ máy chính trị tại Việt Nam, tác giả bài viết cần phải nêu rõ nhận định của cá nhân về việc tại sao Trung Quốc hay nói cụ thể hơn là Tập Cận Bình không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng ngay từ khi ông ta còn đương chức. Họ không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng không phải vì ông ta chống Trung Quốc thân với Mỹ và phương Tây mà chỉ vì ông ta đã tự trở thành một con bài thối trên bàn cờ chính trị tại Việt Nam. Để minh chứng cho nhận định này xin hãy đánh giá Nguyễn Tấn Dũng thông qua những di sản mà ông ta để lại cho Việt Nam chứ không nên chỉ dựa vào một số lời nói hay động thái bề nổi có vẻ thân Mỹ và chống Trung Quốc của ông ta.

3. Mỹ và phương Tây : Tuy không có khả năng chi phối mạnh vào chính trường Việt Nam như Trung Quốc nhưng họ đang có lợi thế "trời cho", do quá trình "đổi mới" tại Việt Nam mang lại. Nhờ vào thành tựu mặt phải do quá trình đổi mới tại Việt Nam mang lại, người dân Việt Nam đã hiểu giá trị của sự cởi trói trong các hoạt động kinh tế, thương mại : giá trị của tự do dân chủ, của quyền con người và đương nhiên sự khát khao để có được nó. Việc không ngừng hoàn thiện nó đã và đang không chỉ là nhu cầu tất yếu của mọi người dân mà đã đần trở thành mục tiêu, lý tưởng của không ít người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ. Các giá trị phương Tây đã trở thành động lực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội. Mỹ và các nước phương Tây tuy khá chậm nhưng đã dần dần nhận ra xu thế này tại Việt Nam và họ đã có nhiều chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho Việt Nam đi theo hướng này. Song vì sự khác biệt về chế độ chính trị, về ý thức hệ nên đã kìm hãm khá nhiều sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và các nước phương Tây và Mỹ.

Chỉ trong những năm gần đây thì tiến trình hợp tác này mới đươc chú trọng tăng cường đáng kể do sự xuất hiện của sự kiện Biển Đông. Sự kiện này đã thúc đẩy hai bên hiểu đươc giá trị của nhau hơn. Rõ ràng rằng cho dù có đủ loại lời ong tiếng ve về cái gọi là "rắp tâm bán nước" hay "làm tay sai" cho Trung Quốc của một số lực lượng cầm quyền nào đó ở Việt Nam, nhưng không ai có thể phủ nhận một thực tế là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện này trở thành "cái gai" to nhất và khó chịu nhất của Trung Quốc trong quá trình thực hiện kế hoạch Biển Đông của họ.

Những hiềm khích giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông nhiều và lớn hơn rất nhiều so với các nước ASEAN khác với Trung Quốc cộng lại. Biển Đông có vai trò địa chính trị toàn cầu của nó. Nhà cầm quyền Hoa Kỳ trong thời gian qua đã dần ý thức được vai trò này của Việt Nam và đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối với Việt Nam trong những năm gần đây. Sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử vào đầu tháng ba năm 2018 sắp tới, một tầu sân bay Mỹ sẽ cập cảng dài ngày tại Đà Nẵng, một thành phố chiến lược của Việt Nam, là một minh chứng.

Nhà cầm quyền hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã khôn ngoan tận dụng cơ hội này để phát huy tối đa các hệ quả của nó không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, mà còn cho cả các lĩnh vực dân sự như giữ gìn sự ổn định và hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, đảm bảo một môi trường an toàn và ổn định trong việc cùng sử dụng và khai thác Biển Đông một cách hòa bình văn minh chống xu thế nước to bắt nạt nước nhỏ dưới mọi hình thức. Ngoài các phái đoàn quân sự phía Mỹ và được sự cho phép của nhà cầm quyền, Việt Nam còn mời rất nhiều các cơ quan, tổ chức phi quân sự Việt Nam viếng thăm tàu.

Thật ngoạn mục, mới chỉ cách đây bốn thập kỷ đối với Việt Nam, Mỹ luôn luôn là yếu tố đe dọa, nhưng bây giờ lại là yếu tố để giữ ổn định để bảo vệ hòa bình. Lạ lùng thay để làm cho tình thế bị xoay ngược 1800 như trên, nước Mỹ đã không mất một viên đạn nào, khi mà chỉ ngay trước đó họ đã phải chi tới hàng trăm tỷ đô la và hàng vạn sinh mạng mà không thể làm nổi dù chỉ là một phần nhỏ những gì họ đang có. Trớ trêu thay, nguyên nhân của sự thay đổi ngoạn muc này lại là do chính sách bành trướng trên tư thế của kẻ mạnh luôn muốn bắt nạt các nước khác của Trung Quốc.

Đương nhiên nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ cảm thấy khó chịu về sự kiện này cũng như sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam. Chắc chắn trong ngắn hạn và dài hạn họ sẽ tìm cách xoay ngược tình thế. Cụ thể ngay trong năm 2018 này lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc sẽ tổ chức những chuyến đi thăm rất thân mật tại hai nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Campuchia và đương nhiên họ sẽ tìm đủ mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để gây sức ép, để khuất phục ban lãnh đạo Việt Nam bớt "cứng đầu".

Tác giả không muốn dùng khái niệm "khuất phục Việt Nam" mà chỉ là "ban lãnh đạo Việt Nam" vì với hàng nghìn năm lịch sử tồn tại, người dân Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh cường quyền của ngoại bang.

Một chút tản mạn về đại án Petro Việt Nam

Tác giả bài viết cho rằng sự kiện vụ án Petro Việt Nam (PVN) là một câu chuyện rất điển hình, phản ảnh rõ nét thực trạng tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay : Tại sao lại là Petro Việt Nam trong khi mà bất cứ tập đoàn kinh tế nhà nước nào – các quả đấm thép của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - cũng có mức độ vi phạm luật pháp và tham nhũng nghiêm trọng không kém, đặc biệt là các sai phạm của tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam trong quá khứ còn lộ liễu công khai hơn nhiều ?

Công bằng mà nói, Petro Việt Nam là con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Việt Nam không những trong vài ba thập kỷ trở lại đây mà còn có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Chỉ cách đây vài năm khả năng thu hút vốn tài chính quốc tế của Petro Việt Nam còn cao hơn cả khả năng của chính phủ Việt Nam (Bộ Tài chính).

Có thể nói Petro Việt Nam không chỉ có vai trò cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế, tài chính đối với Việt Nam, mà nó còn gắn rất chặt tới các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cả ngoại giao của đất nước. Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông liệu có hiểu rằng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng do các thế hệ lãnh đạo Petro Việt Nam và các cá nhân trong chính phủ có liên quan đến Petro Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với những thiệt hại vô hình và hữu hình do sự ngừng trệ trong việc đầu tư và triển khai kinh doanh của các dự án của tập đoàn này ? (Theo ước tính các thiệt hại này có thể lên tới trên 5 triệu mỹ kim/ngày tức là hơn 1,5 tỷ mỹ kim/năm) ? Rõ ràng rằng nếu Nguyễn Phú Trọng và bộ máy của ông ta phạm sai lầm trong trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng tại Petro Việt Nam (hoặc quá mạnh, hoặc quá nhẹ, thậm chí chỉ cần vụng về …) thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Trong các cáo trạng của các cơ quan thực thi pháp luật thì nhà nước Việt Nam mới chỉ đụng tới một số sai phạm trong một số vụ án chưa phải là lớn và điển hình trong số các sai phạm mà Petro Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Thông thường một vụ án tham nhũng tại Việt Nam có dây mơ rễ má với nhiều quan chức trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong khi hệ thống pháp luật của Việt Nam còn quá non yếu để có thể đảm bảo rằng trong khi "phẫu thuật các vụ án" sẽ không để lây lan sang các việc khác mà lúc đầu tưởng chừng như không có liên quan. Quả thực hiện nay, các ngân hàng như Ocean Bank và Ngân hàng Xây dựng đang chuẩn bị khởi kiện Ngân hàng Nhà nước vì đã áp đặt việc mua các ngân hàng này với giá 0 đồng là trái pháp luật. Vậy một Ủy viên Bộ Chính trị thứ hai là Nguyễn Văn Bình liệu có đi theo số phận của Đinh La Thăng ? Hai vị này vốn cũng là hai tư lệnh ngành thân cận hàng đầu của Nguyễn Tấn Dũng.

Kết luận

Nếu ví tình hình chính trị Việt Nam như chiếc bình rượu chứa đựng những giọt rượu ngọt, bùi, đắng, cay của lịch sử Việt Nam từ ngày thoát khỏi ách thực dân đến nay thì rõ ràng cái bình này đã không phù hợp với những gì chứa trong nó. Nó có thể nứt và vỡ bất cứ lúc nào. Vấn đề là nếu nó bị nứt vỡ ở phần cổ thì chỉ mất ít rượu, nhưng nếu ở phần thân thì mất nhiều và nếu ở phần đáy thì đương nhiên sẽ mất sạch.

Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta đang cố gắng không để bình bị vỡ. Một trong những phương án mà họ đang cố gắng không để bình vỡ là tạo cho Việt Nam đi theo một tiến trình thay đổi rất cơ bản nhưng vẫn đảm bảo ổn định chính trị xã hội trong nước, đó là thực hiện cải cách triệt để nhưng lại từ từ "có lộ trình hợp lý". Quá trình cải cách này bắt đầu từ các cơ quan hành pháp (chính phủ), rồi sau đó là các cơ quan tư pháp, và cuối cùng là xây dựng một thể chế chính trị mới trên nền tảng của một học thuyết về tư tưởng và triết học mới trong khi mà học thuyết cũ đã hoàn toàn bất cập.

Khác với các nước phát triển khác, cụ thể như Châu Âu hay Bắc Mỹ khi họ đã có bề dày hàng trăm năm để làm quen với các khái niệm dân chủ, nhân quyền, Việt Nam vừa mới thoát ra từ chế độ thực dân hà khắc rồi sau đó lại tiếp tục các chính sách hà khắc của chế độ cộng sản duy ý chí, nay khi muốn phát triển theo hướng tự do dân chủ thì không thể không có một chủ thuyết đúng đắn cho riêng mình. Nếu không có điều này thì rất dễ mất phương hướng và đặc biệt các khái niệm cũ, mới sẽ bị ngộ nhận hay lạm dụng vì lợi ích của các nhóm quyền lực trong xã hội.

Nhưng trớ trêu thay, cho đến nay sẽ thật khó tin Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta (Ban Lý luận trung ương) có thể đưa ra một cái gì mới, sáng tạo dù chỉ là ở mức độ thấp.

Hỡi ôi, tác giả bài viết này chỉ cầu Trời khấn Phật là Ban Lý luận trung ương của ông ta, sau khi tổ chức hàng trăm buổi tọa đàm, hội thảo với các giáo sư tiến sĩ lừng lẫy uy tín cùng với hàng tỷ đồng tiền ngân sách sẽ không đưa ra kiến nghị lấy tên cho hướng đi mới, học thuyết chính trị mới của Việt Nam là "Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mang đậm tính đặc tính đặc sắc Việt Nam".

Việt Nam, ngày 7/1/2018

Phạm Hưng Quốc

Nguồn : viet-studies, 08/01/2018

Quay lại trang chủ
Read 749 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)