Trong bài "Donald Trump đăng quan, một thế giới mới đang thành hình", Tiến sĩ Phan Văn Song đã viết : "Thế giới của Donald Trump là thương trường ! Với một doanh nhơn, thương trường là rừng xanh - la jungle" ! Trong rừng không có sự trung thành, mà cũng chẳng có sự phản bội ! Chỉ có luật lệ của kẻ mạnh. Đó là luật của rừng xanh – La Loi de la jungle thôi ! (Dans la jungle il n’y a ni de fidèlité ni de trahison. Il n’y a que la loi du plus fort. C’est la Loi de la Jungle !)"
Biểu tình tại phi trường John F. Kennedy ở New York
Quả đúng như vậy. Điều 202 Đạo luật về Di trú và Quốc tịch 1965 (The Immigration and Nationality Act of 1965) quy định rằng không ai "bị phân biệt trong việc cấp thị thực di trú vì chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh hoặc nơi cư trú". Nhưng hôm 27/01/2017 vừa qua, Donald Trump đã ký một sắc lệnh về di trú hoàn toàn trái với những quy định đó. Sắc lệnh này đang bị phản đối trên khắp nước Mỹ và thế giới. Nói cách khác, Donald Trump đang sử dụng luật rừng của thương trường khi cai trị nước Mỹ.
Xảo thuật dùng "sắc lệnh" !
Từ hôm nhận chức đến nay, Donald Trump đã ký trên 20 "Sắc lệnh" để gọi là xóa đi "di sản của Obama" và chứng minh rằng những điều ông ta tuyên bố khi tranh cử đang được thực hiện. Nhưng sau khi nhìn lại, các cơ quan truyền thông Mỹ đã khám phá ra rằng đây cũng chỉ là những xảo thuật của Donald Trump đã sử dụng khi tranh cử để đánh lừa quần chúng. Một thí dụ cụ thể :
Ngày 23/01/2017 hãng thông tín Reuters loan tin Tổng thống Donald Trump đã ký một Sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Những người biết luật đã rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi : Cái gì thế này ? Làm sao có thể dùng Sắc lệnh để rút ra khỏi Hiệp định TTP được ?
Hiệp định TPP là một hiệp định đa phương đã được 12 quốc gia thành viên ký kết ngày 03/02/2016 tại New Zealand sau 5 năm thảo luận. Mặc dầu chưa được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, nhưng theo sự quy định của hiệp định này, quốc gia thành viên nào nếu muốn rút khỏi Hiệp định phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu tại New Zealand, đồng thời thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên khác của hiệp định về việc rút khỏi này. Việc rút khỏi sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày gửi thông báo đến New Zealand. Hiệp định sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực với các thành viên còn lại. Như vậy làm sao có thể dùng "sắc lệnh" để rút lui khỏi Hiệp định TPP được được ?
Khi đọc kỹ bản văn, các luật gia và cơ quan truyền thông mới ngã ngửa : Đây không phải là một "Sắc lệnh" (Executive order) mà chỉ là một "Bản hướng dẫn để thi hành" (Executive memorandum) ! Các luật gia và các cơ quan truyền thông Mỹ đã báo động : Phải coi chừng sự lừa đảo (cheat) giữa các Sắc lệnh (Executive orders), các Bản hướng dẫn (Memoranda) và các Tuyên ngôn (proclamations) của Donald Trump !
Để độc giả có thể thấy rõ hơn sự lừa đảo của nhóm Donald Trump về phương diện pháp lý, chúng tôi xin nói rõ về quyền ban hành Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ và sự khác biệt giữa các Sắc lệnh với các bản hướng dẫn và các tuyên ngôn.
Phân biệt giữa Sắc lệnh và Bản hướng dẫn
Quyền hành pháp (Executive power) của Tổng thống được quy định trong điều II khoản 1 và khoản 3 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Khoản 1 quy định rằng : "Quyền hành pháp sẽ được trao cho một vị Tổng thống Hợp chúng quốc" (The Executive power shall be vested in a President of the United States of America).
Khoản 3 nói rằng : "Tổng thống phải đôn đốc việc thi hành pháp luật một cách đúng đắn" (He shall take care that the Laws be faithfully executed).
Để thi hành quyền hành pháp, Tổng thống thường ban hành Sắc lệnh. Ngày xưa, chữ "Sắc lệnh" hay "Sắc chỉ" (Ordonnance) được dùng để chỉ mệnh lệnh của vua. Sau này Sắc lệnh được dùng để dịch chữ "Décret" của Pháp, tức văn kiện hành pháp của cấp cao trong chính phủ như Tổng thống hay Thủ tướng. Nay chữ "Sắc lệnh" cũng được dùng để dịch chữ "Executive Order" của Mỹ.
1. Sử dụng Sắc lệnh
Sắc lệnh (Executive Order) thường được dùng để chỉ đạo các cơ quan và các viên chức liên bang trong việc thi hành các luật pháp và chính sách do quốc hội lập ra (Executive Orders are generally used to direct federal agencies and officials in their execution of congressionally established laws or policies).
Nói rõ hơn, Tổng thống Mỹ chỉ có quyền ấn định các thể thức thi hành luật pháp do Quốc hội đã làm ra mà thôi. Tổng thống Mỹ không có quyền đặt ra luật pháp, quyền đó thuộc về Quốc hội. Nhưng qua một số Sắc lệnh mới được ban hành, chúng ta thấy có nhiều vấn đề Donald đang sử dụng Sắc lệnh để lấn quyền lập pháp của Quốc Hội, tức sử dụng luật rừng. Cụ thể là Sắc lệnh về di trú mới ban hành ngày 27/01/2017. Sắc lệnh này đang bị kiện vì vừa vi Hiến vừa vi Luật !
2. Sử dụng Bản hướng dẫn
"Executive Memorandum" hay "Presidential Memorandum" là gì ?
Chữ "Memorandum" có nhiều nghĩa khác nhau và số nhiều của nó là "Memoranda" (tiếng Latin) chứ không phải "Memorandums" như hãng thông tấn PBS đã viết. Nghĩa đầu tiên của Memorandum là bản ghi nhớ hay bản hướng dẫn. Trong danh từ ngoại giao, nó được dịch là giác thư hay công hàm. Về luật, chữ "Memorandum of Law" được dùng để chỉ bản lý đoán hay bản luận trạng của luật sư nộp để tranh cãi, v.v.
Bản hướng dẫn của Tổng thống (Presidential Memorandum) mà ông Trump đã dùng nói trên chỉ là một bản hướng dẫn các cơ quan chính quyền làm một việc gì đó (direct specific government agencies to do something). Nó không có giá trị như Sắc lệnh. Các luật gia và báo chí Mỹ đã tố cáo Trump đã coi những Bản hướng dẫn như là Sắc lệnh (referring to Memoranda as Executive orders), chẳng hạn như Bản hướng dẫn rút khỏi hiệp đinh TPP, Bản hướng dẫn Bộ Thương Mại xem lại các luật lệ về các sản xuất Mỹ tại ngoại quốc trong 60 ngày, v.v. Đó là trò đánh lận con đen.
Chỉ lo chuyện lặt vặt và đó kỵ
Ông Trump chỉ là một nhà kinh doanh trung bình về khách sạn, sòng bài và sân golf với số vốn năm ba tỷ, nên chưa bao giờ có tầm nhìn lớn. Ông bầu của Trump hiện này là Rex Tillerson là người chuyên kinh doanh dầu mỏ nên chỉ lo làm sao kiếm được nhiều tiền bằng dầu mỏ, bất chấp những hậu quả khác. Ông Trump lại không có ý niệm gì về luật pháp và thường sử dụng tiểu xảo để làm ăn, đã từng gây ra 4.095 vụ án, trong đó có 150 vụ khai phá sản, nên khi lên làm tổng thống ông nghĩ rằng có thể tiếp tục dùng các tiểu xảo đó để lãnh đạo và tin rằng sẽ thành công !
Tân Tổng thống Donald Trump họp báo ngày 11/01/3017
Trong lịch sử Hoa Kỳ, chúng ta thấy người dùng nhiều Sắc lệnh nhất là Tổng thống Franklin Roosevelt với 3.522 sắc lệnh, tiếp đến là Tổng thống Calvin Coolidge 1.203, thứ ba là Tổng thống Theodore Roosevelt 1.081, v.v. Tổng thống Obama đã sử dụng 277 sắc lệnh và trong 10 ngày đầu năm 2009, ông cũng đã sử dụng 16 sắc lệnh. Ấy thế mà khi Trump mới chỉ ban hành chưa đến 20 văn kiện, nhóm Cuồng Trump đã la to lên : "Hãy xem ông Trump làm kìa !".
Các tổng thống trước, mỗi khi ký sắc lệnh không hề dưa lên cho công chúng xem để khoe rằng "Ta đang làm đây !" như Donald Trump đang làm.
Trong bài diễn văn nhậm chức cũng như trong các sắc lệnh vừa được ký kết, chúng ta không thấy Donald Trump đề cập đến các chính sách lớn của nước Mỹ như kế hoạch xây dựng và phát triển quốc gia, chính sách an ninh quốc phòng, chính sách bang giao quốc tế, chính sách mậu dịch quốc tế…, ông chỉ nghĩ đến các chuyện lặt vặt, hay đố kỵ, và ông bắt đầu gặp những khó khăn về cả pháp lý lẫn chính trị với những chuyện lặt vặt hay đố kỵ mà ông đang làm. Cho đến nay, có ba Sắc lệnh đang gây khó khăn cho Donald Trump hơn cả là Sắc lệnh hủy bỏ Obamacare, Sắc lệnh xây bức tường và Sắc lệnh về di trú. Hôm nay chúng tôi xin nói về vấn đề di trú.
Những phản ứng nặng nề
Hôm 27/01/2017 Tổng thống Trump ký đã sắc lệnh tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới. Xin tóm lược như sau :
1. Nội dung Sắc lệnh di trú
- Tạm dừng chương trình tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ trong 120 ngày.
- Cấm vô thời hạn đối với người tị nạn Syria.
- Cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.
- Hạn ngạch người tị nạn được ấn định cho năm 2017 là 50.000 người (thay vì 110.000 người như dưới thời Tổng thống Obama).
Bộ Nội An cho biết công dân của 7 nước trên, kể cả đã có thẻ xanh ở Mỹ, vẫn phải nộp hồ sơ xin xét duyệt lại để được chấp thuận cho phép đến Mỹ. Kết quả xét duyệt sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp chứ không có quy định nào có thể áp dụng chung cho tất cả. Với những công dân hiện đang có thẻ xanh và chưa ra khỏi nước Mỹ, đã được khuyến cáo phải đến Lãnh sự quán thông báo trước khi rời Mỹ. Những khách du lịch có hai quốc tịch, trong đó quốc tịch thứ hai thuộc một trong 7 nước nói trên, cũng không được phép đến Mỹ.
2. Các phản ứng chống đối
Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union-ACLU) đã đệ đơn lên Tòa liên bang khu vực Đông New York xin tạm thời ngừng trục xuất những người có thị thực hoặc người tị nạn đang bị mắc kẹt tại các sân bay Mỹ được ước tính có từ 100 người 200 người.
Hôm 28/01/2017, Thẩm phán liên bang Ann Donnelly đã ban hành phán quyết khẩn cấp, tạm thời ngưng trục xuất những người đến từ 7 nước bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo sắc lệnh mới ký. Phán quyết nói rằng Sắc lệnh của Trump vi phạm các quyền của họ được xét xử theo tiến trình luật định và bảo đảm công bằng được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ (violates their rights to Due Process and Equal Protection guaranteed by the United States Constitution). Tiếp theo, các thẩm phán liên bang tại Boston, Seattle… cũng đã ra những phán quyết tương tự.
Ngày 29/01/2017 Bộ trưởng Tư pháp của 16 tiểu bang tại Hoa Kỳ đã ra thông cáo chung lên án sắc lệnh về di trú vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Thông cáo cho biết sẽ "sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn" để chống lại sắc lệnh mà tổng thống đã ký hôm 27/01.
Gần 900 viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký một giác thư phản đối Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Lá thư viết rằng lênh cấm của ông Trump sẽ không đạt mục đích bảo vệ nước Mỹ trước tấn công khủng bố, và có thể có hại.
Ngày 30/01, bà Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates lên tiếng phê phán sắc lệnh di trú mới của Donald Trump là bất hợp pháp. Bà liền bị thay thế bởi ông Dana Boente, một Thẩm phán liên bang tại Virginia, vì ông này không phản đối lệnh đó.
Tổ Chức Hợp Tác Hồi giáo (Organization of Islamic Cooperation-OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã lên án sắc lệnh của ông Trump, cho đây là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.
Ngoài các nước trong khối Ả Rập - Hồi giáo, từ Canada đến Anh, càng ngày càng có thêm nhiều tiếng nói và hành động cụ thể phản đối sắc lệnh của Trump, nổi bật nhất là bản kiến nghị với trên 1,7 triệu chữ ký đòi chính quyền Anh Quốc hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước của tân tổng thống Trump.
Ở Canada, chính phủ loan báo vẫn cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh của ông Trump.
3. Biện minh bằng ngụy biện
Hôm 29/1 ông Trump đã viết trên Twitter : "Đất nước chúng ta cần các biên giới vững mạnh và việc thẩm tra kỷ càng, ngay lúc này. Nhìn xem những gì đang xảy ra khắp Châu Âu, và trên toàn thế giới – một mớ hỗn độn khủng khiếp".
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ John McCain lại cho rằng việc làm đó sẽ tạo cho Nhà nước Hồi giáo có cơ hội để tuyên truyền. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã lên Twitter nhắn tin : "Xin gửi lời đến những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người Canada sẽ chào đón quý vị, bất kể quý vị có đức tin gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. Hoan nghênh quý vị đến với Canada của chúng tôi".
Dân chúng xuống đuờng biểu tình đón chào người tỵ nạn
Điều 3 của Công Ước Genève về người tỵ nạn năm 1951 cũng đã quy định : "Các quốc gia thành viên Công ước phải áp dụng các điều khoản của Công ước đối với những người tị nạn mà không có sự phân biệt đối xử về chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc dân tộc".
Make America Sick Again !
Mặc dầu đã tuyên thệ nhận chức Tổng thống Mỹ từ hôm 20/01/2017, cho đến nay Donald Trump vẫn còn tưởng mình đang là giám đốc Trump Organization, ở đó ông có thể làm bất cứ thứ gì, kể cả sử dụng tiểu xảo như khi kiếm phiếu.
Khi đặt bút ký vào sắc lệnh về di trú nói trên, Donald Trump tuyên bố : "Chúng ta không muốn họ ở đây" (We don't want them here). Như vậy khi hành động, Donald không cần biết Hiến Pháp và Luật pháp Hoa Kỳ đã quy định như thế nào, và vẫn tiếp tục coi "điều tao muốn là luật" hay "miệng tao là luật". Rõ ràng là ông đang bắt chước Ban Bí thư Chánh pháp của Trung Quốc, khẳng định : "Môi trên của tao là trời, môi dưới là đất, tao chính là pháp luật…".
Các luật gia nói rằng chỉ cần căn cứ vào Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1965 cũng đủ để thách thức Donald Trump tại tòa, vì trong đó đã quy định rõ rằng không ai "bị phân biệt trong việc cấp thị thực di trú vì chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh hoặc nơi cư trú".
Trong Sắc lệnh, Donald Trump viện dẫn ra Luật di trú năm 1952 cho phép tổng thống được tạm thời cấm người vào Mỹ khi xem có hại cho lợi ích quốc gia để chứng minh mình có quyền. Nhưng luật này đã bị Đạo luật Di trú và Quốc tịch 1965 hủy bỏ. Điều này cũng cho thấy đám "cố vấn", hay tùy tùng của Donald Trump là những người thiếu tư cách và lương tri, cứ chiều theo ý Donald Trump, soạn thảo những văn kiện mà họ biết là vi Hiến và vi Luật. Họ là hạng người nào ?
Là một người chẳng có chút hiểu biết hay kinh nghiệm gì về chính trị và lãnh đạo quốc gia, lại có đầu óc thiển cận, đố kỵ và thích sử dụng tiểu xảo, Donald Trump sẽ đưa nước Mỹ đi về đâu ?
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, Trưởng Khối Dân Chủ tại Thượng Viện, đã nói : Đảng Cộng Hòa muốn làm cho nước Mỹ đau yếu trở lại (GOP wants to make America sick again).
Ngày 02/02/2017
Lữ Giang