Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/02/2017

Sắc lệnh di trú của Mỹ ảnh hưởng đến người Việt ra sao ?

Thanh Trúc

Sau khi pháp lệnh hành chánh mà tổng thống Donald Trump ký ngày 27 tháng Giêng cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với người tị nạn Syria dù đã có chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ hay chưa, kèm theo lệnh ngưng nhập cảnh trong 120 ngày tất cả người tị nạn thì một làn sóng hoang mang và bất bình lan rộng bên trong và bên ngoài nước Mỹ.

ditru1

Một cuộc biểu tình chống luật di trú của Tổng thồng Trump diễn ra ở Pháp hôm 31/1/2017. AFP photo

Sau 120 ngày sẽ ra sao ?

Không có tên nước Châu Á nào trong sắc lênh hành pháp của tổng thống Trump, nhưng không vì thế mà người Mỹ gốc Việt không lo lắng. Ít nhất có 3 gia đình tị nạn người Việt, sẵn sàng từ Thái Lan lên đường đến Mỹ trung tuần tháng Hai này, đột nhiên được giấy báo hoãn chuyến bay với lý do không được nhập cảnh :

UN và IOM rồi văn phòng luật sư của BPSOS nói cho biết, nói ông Trump ra lệnh không cho người tị nạn đi định cư ở Mỹ. Nói chung cũng mất tinh thần, hoang mang, phải chờ đợi không biết ngày mai ra sao nữa, rất là nhức đầu. Đi không được, giờ ở đây cũng không tốt như trước đâu. Chờ đợi lâu rời giờ rất là khổ, không biết tính sao, không biết làm sao nữa, ông Trump ra lênh như vậy rồi.

Đó là lời người đàn ông không muốn nên danh tánh trong một gia đình tị nạn người Việt ở Bangkok, đã có giấy tờ đi Mỹ ngày 8 tới đây. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, tổ chức đang giúp đỡ về mặt pháp lý cho những người Việt từ trong nước chạy qua Thái Lan xin tị nạn, cho biết :

Ngay trước mắt 3 gia đình người Việt đã nhận được giấy báo có chuyến bay, chuẩn bị trình diện với trại giam di trú để bị xử phạt một tuần vì đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan trước đây rồi mới lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ, nhưng mới đây sau pháp lệnh hành chính thì họ đã nhận được giấy thông báo rằng tất cả mọi chuyện đều ngưng lại không biết tới bao giờ.

Đó là một gia đình người Việt gốc Khmer Krom từ Việt Nam chạy sang Kampuchia xin tị nạn năm 2007. Gia đình thứ hai của một blogger từng bị tù tại Việt Nam, trốn sang Thái Lan năm 2012, gia đình thứ ba cũng có giấy đi Mỹ cùng ngày với gia đình thứ hai :

Gia đình gốc Khơ Me Krom chạy sang Kampuchia rồi sang Thái Lan từ năm 2007, năm 2014 mới được xét cho tị nạn, đáng lẽ ngày một tháng Hai thì 2 vợ chồng và 2 con nhỏ trình diện tại trại tam ghiam của Sở Di Trú Thái Lan một tuần để rồi ngày 8 tháng Hai sẽ lên đường bay đến Los Angeles là nơi định cư tại Hoa Kỳ. Khổ nỗi người vợ có thai đã 5 tháng rồi, nếu như phải chờ 120 ngày thì lúc ấy đã sinh con và có thể vì lý do đó sẽ tiếp tục bị nhưng không được vào Hoa Kỳ bởi phải làm lại hồ sơ cho người con và nó sẽ kéo rất dài và ảnh hưởng lâu dài.

Một gia đình nữa là gia đình một blogger khá nổi tiếng ở Việt Nam, sẽ lên đường định cư ở bang Washington ngày 18 tháng Hai này thì cũng đã nhận được lênh hoãn lại. Trường hợp thứ ba cũng đã nhận được giấy báo hoãn chuyến bay.

Hoang mang

US-POLITICS-IMMIGRATION-ISLAM-REFUGEE

Một cuộc biểu tình chống lại luật di trú của tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Reagan, Arlington, VA vào ngày một tháng 2 năm 2017. AFP photo

Điều rõ ràng pháp lệnh hành chính do tổng thống Trump ký chỉ áp dụng cho 7 quốc gia có đa số người theo Hồi Giáo thế nhưng nó đã tạo hiệu ứng toàn cầu nói chung và ảnh hưởng đến người Việt Nam đang sinh sống hoặc sắp đặt chân tới Mỹ nói riêng :

Giới chức di trú, kiểm soát các phi trường cửa ngõ vào Hoa Kỳ họ không biết ứng xử làm sao hết. Có lẽ vì vậy, để ăn chắc, họ đã chặn lại nhiều hơn là pháp lênh yêu cầu. Điều này tạo nên rất nhiều sự hoang mang của những người không nằm trong tầm ngắm của pháp lênh hành chính.

Di dân có thẻ xanh, tức là thường trú nhân tại Hoa Kỳ mà chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, đều có thể bị kéo ra riêng ở tại phi trường để có cuộc phỏng vấn điều tra kỹ lưỡng hơn bình thường. Đó là thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được.

Người Việt ở Hoa Kỳ về ăn Tết Đinh Dậu bên nhà, có những người chỉ mới có thẻ xanh chứ chưa vào quốc tịch, nói với Thanh Trúc họ khá lo lắng và không biết nên về sớm hay không. Lại nữa, về sớm cũng không biết có được cho vào Mỹ không. Những người khác nói họ vẫn an tâm vì có quốc tịch Mỹ hoặc được người thân bảo lãnh một cách hợp pháp.

Tôi là người có quốc tịch Mỹ, tin đó không có làm tôi lo lắng đâu, có quốc tịch thì đi đâu cũng được hết trừ ra những người thẻ xanh thôi.

Trong lúc ông Trung nói ông không lo sợ thì bà Thúy, chỉ mới có thẻ xanh, đang tự trấn áp nỗi lo bằng suy nghĩ là :

Có thẻ xanh nay được một năm rưỡi rồi, về đây được 2 thang rồi, 15 tháng này là về Mỹ lại. Không lo gì hết tại mình nghĩ con mình có quốc tịch về bảo lãnh mình qua giấy tờ đầy đủ, không thấy hoang mang lo sợ gì hết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của BPSOS thì phải chờ một thời gian ngắn nữa mới biết rõ tình hình :

Lệnh vừa rồi nó ảnh hưởng toàn cầu chứ không riêng người Việt đi về Việt Nam hoặc đi về Thái Lan rồi quay lại Mỹ. Di dân mới có thẻ xanh tức chưa trở thành công dân Hoa Kỳ thì chúng tôi nghĩ phải chờ thêm một vài tuần nữa mới biết cái ảnh hưởng nó như thế nào.Chính hành pháp Trump hiện nay, cứ vài tiếng đồng hồ, lại có một giải thích mới, chỉ thị mới, hướng dẫn mới. Thành ra chúng tôi nghĩ trong vài ngày tới đây sẽ có một số thay đổi về cách thức áp dụng sắc lênh hành pháp về vấn đề di dân và tị nạn của tổng thống Trump.

Người Việt lo lắng

ditru3

Ông Lê Minh Hải và Văn phòng Tham vấn Di trú Robert Mullins International. Hình do Robert Mullins International cung cấp.

Từ sự kiện pháp lênh hành chính do tổng thống Trump ký ngày 20 đến giờ, thiết tưởng có những điều người Việt ở Mỹ cần tìm hiểu kỹ càng hơn để tránh cho mình những nỗi lo không đáng có. Ông Lê Minh Hải, giám đốc điều hành Văn Phòng Tham Vấn Di Trú Robert Mullins International ở California, chi nhánh San Jose, nhận định :

Chúng tôi thấy rằng pháp lênh hành chánh của ông Donald Trump có liên quan trực tiếp đến người Việt Nam chúng ta. Thứ nhất là những người Việt Nam đang ở nước thứ ba mà xin tị nạn để được vào Mỹ, được cứu xét và được chấp thuận rồi thì bây giờ phải chờ ít nhất 120 ngày.

Thứ hai, những người đến Hoa Kỳ trước tuổi vị thành niên tức là 16 tuổi thì chính tổng thống Donald Trump có thể thay đổi chính sách và làm cho các em thành bất hợp lệ. Điều này khá quan trọng vì rất nhiều em Việt Nam theo cha mẹ đến đây không có giấy tờ hoặc ở lại quá hạn lúc dưới 16 tuổi, đã được ân huệ cấp phát giấy tờ sinh hoạt thì bây giờ có thể sẽ bị cắt bởi chính sách mới liên quan vấn đề di trú của tổng thống Trump.

Còn cái việc bà con mình hiện nay có thân nhân là thường trú nhân mà đi về du lịch ở Việt Nam cũng như đang ở ngoài Hoa Kỳ thì không biết rằng ngày trở về Hoa Kỳ của họ có bị ảnh hưởng như 7 nước mà ông tổng thống Donald Trump cấm nhấp không. Người Việt Nam chúng ta trước đây, khi chưa có pháp lênh này vẫn, bình thường vẫn bị đưa vào trong văn phòng làm việc của cơ quan di trú để chất vấn vì đi quá nhiều lần và quá lâu, có nghĩa là năm ba tháng, đôi lúc trên sáu tháng, dưới một năm hoặc trên một năm. Sự chất vấn đó có thể đưa tới hậu quả là bị rút lại thẻ xanh ngay tại phi trường.

Với câu hỏi là điều ông vừa trình bày có liên quan đến tờ đơn I-407 mà người Việt đang bàn tán :

Đó là tờ đơn I-407, mục đích của tờ đơn này là buộc phải hoàn trả lại qui chế di trú vì đã đi ra khỏi nước lâu và đi nhiều lần, mỗi lần trên hoặc dưới 6 tháng mà không có bằng chứng là vẫn duy trì sự thường trú, sinh hoạt, sinh sống tại Hoa Kỳ. Những đối tượng đó có thể bị buộc ký vào tờ đơn I-407 tức đơn từ bỏ qui chế di trú.

Thêm một điều quí vị cần biết là nhân viên di trú ở phi trường thì họ có rất nhiều quyền hạn để hỏi và chất vấn. Nhưng họ không có quyền chất vấn là quí vị chống đối hay ủng hộ pháp lênh hành pháp của tổng thống Donald Trump không. Đó là điều thuộc lãnh vực chính trị chứ không thuộc lãnh vực tự do phát biểu tự do suy nghĩ của đại đa số công chúng ở Hoa Kỳ này.

Pháp lệnh đang nói tới ở đây, ông Lê Minh Hải giài thích tiếp, còn liên quan tới những người có tiền án tiền sử phạm pháp, và người Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng kiểm soát này :

Đây là việc có thể sẽ được cứu xét rất kỹ lưỡng và nó gây ra sự chậm trễ cho bà con nộp hồ sơ đi định cư tại Hoa Kỳ.

Đối với diện du học sinh hoặc nghiên cứu sinh từ Việt Nam qua Mỹ thì sao, khi về nhà đón Tết thì liệu khi trở qua Mỹ trong thời điểm này có gặp khó khăn rắc rồi gì không. Ông Lê Minh Hải :

Điều đó không ảnh hưởng gì cả. Du học sinh này khi đến Hoa Kỳ nếu học hành giỏi giang và không bị gián đoạn thì các em có quyền trở về quê nhà để ăn Tết hay để thăm viêng thân nhân. Khi visa hết hãn thì đến Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để làm visa mới rồi trổ lại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên có một số những trường hợp khi trở lại để xin visa thì bị từ chối là bởi sự gián đoạn mà ngay cả chính các em cũng không biết mình gián đoạn ở đâu. Đôi lúc ghi danh học một lớp mà vì lớp đó đông quá và họ bỏ ra không cho các em học mà các em không biết cứ nghĩ mình học toàn thời gian. Sau cùng đi Việt Nam rồi mới phát hiện ra và các em vẫn phải trả tiền cho trường . Khi khám phá ra thì quá trễ nên không được cấp chiếu khán để trở lại Hoa Kỳ.

Tóm lại tất cả các loại chiếu khán đến Hoa Kỳ theo cách tạm thời như du lịch, hay du học đều bị ảnh hưởng bởi sự duyệt xét gắt gao cũng như bởi vì thiếu ý thức làm sao để duy trì sự hợp lệ của các loại visa này. Cho nên vô tình hay cố ý quá hạn là những thành phần có thể nằm trong danh sách hai ba triệu người mà tổng thống nói là một trong những ưu tiên hàng đầu để ông trục xuất. Trong số hai ba triệu này có rất nhiều người Việt Nam chúng ta.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Nguồn : RFA tiếng Việt, 02/02/2017

*******************

Ý kiến trái chiều của giới trẻ Mỹ gốc Việt về sắc lệnh di dân mới (RFA, 02/02/2017)

ditru4

Hàng trăm người đã biểu tình hôm 01/02/2017 trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Munich phản đối sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Trump. AFP photo

Nói về sắc lệnh hành chính dẫn đến việc tạm ngưng cho người Hồi Giáo tại 7 quốc gia Trung Đông được vào nước Mỹ, trong đó có cả những người đang giữ thẻ xanh, nghĩa là thường trú nhân hợp pháp của Hoa Kỳ, Chi Lan Vũ, một bạn trẻ tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt hải ngoại ở Virginia, Washington D.C cho biết cô không tán đồng, cũng không ủng hộ.

Khi người nào làm một điều gì đó là có lý do. Nếu mình muốn sửa thì mình tạm thời ngưng. Khi tạm thời ngưng không có nghĩa là bác bỏ. Người ta dùng thời gian đó để coi chương trình đó như thế nào, tốt hay xấu chứ không phải là bác bỏ vĩnh viễn. Có nhiều người Chi Lan thấy là hơi vội vã. Tổng thống Trump chỉ mới vào tuần thứ 2 làm việc của ông ta. Và ông ta muốn cải tổ thì phải tạm ngưng. Nếu không tạm ngưng mà cứ đi tiếp thì sẽ đi quá xa và sau đó mất thời gian để sửa nữa".

Cathy Hằng Ngô, một bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Nam California, nơi được gọi là cái nôi của người Việt tỵ nạn có cái nhìn hoàn toàn khác.

Em không tán thành vì hành động của ông không có gọi là tình yêu nhân loại".

Tờ Washington Post hôm Thứ hai đăng tải trong một bài viết những người thuộc Đảng Cộng hòa bày tỏ sự giận dữ và buộc tội ông đã không trao đổi với họ trước về những sắc lệnh lẽ ra cần phải có sự bàn luận.

Tuy nhiên, Chi Lan cho rằng theo ý của cô, những sắc lệnh mà Tân tổng thống đưa ra không vội vã.

Nó không có vội vã đâu. Ông ấy đã thấy những gì mà tổng thống Obama đã làm. Ông muốn sửa lại cho nhanh. Bằng cách nào ? Phải chặn lại trước đã, phải ngừa cái đã. Khi ngừa thì mình sẽ thấy những cách giải quyết, rồi khi đó mình áp dụng".

ditru5

Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan. Photo : BPSOS

Đặt câu hỏi liệu những sắc lệnh được Tân tổng thống Mỹ đưa ra có vi hiến hay không, Chi Lan Vũ cho biết theo quan điểm của cô thì một người làm chính trị cần phải có cái đầu sắc lạnh", và mọi người nên chờ xem ông ấy sẽ làm gì kế tiếp. Người mà cô muốn nói ở đây là Tổng tư lệnh Donald Trump.

Làm người lãnh đạo không phải dễ, tại vì phải qua kinh nghiệm. Ông Trump chưa bao giờ làm một người chính trị gia cả. Ông là một thương gia thôi, mà đổi qua chính trị gia là phải đổi qua một đường hướng khác, ông cần nguyên một team, mà team của ông ấy thì slowly getting together (kết hợp với nhau khá chậm), chưa ‘ready to run’ (sẵn sàng làm việc)".

Ông ta hứa những gì thì ông ta làm. Trong khi ông ra ứng cử ổng có nói trong 100 ngày đầu tiên ổng sẽ cut evalution.

Nói về vấn đề tị nạn, Chi Lan cũng là người tỵ nạn. Nhưng nếu tỵ nạn đó giúp cho một xã hội, đưa xã hội về nơi tốt hơn thì nên cho. Trong tỵ nạn có nhiều thành phần khác nhau như du học, lao động…thì tốt cho một quốc gia. Nhưng Chi Lan không muốn thấy một cái như 911 xảy ra trên thế giới. Nếu mình không ngăn chặn từ bây giờ thì khi nào mình mới ngăn chặn ? Ông Trump khác tất cả những tổng thống khác, là ổng nói mà ổng làm. Mà ổng làm là ổng quật một đòn rất mạnh nhưng hãy coi trong những ngày kế tiếp ổng sẽ làm thế nào. Ổng có 4 năm lận. Mọi người hơi nóng lòng.

Nước Mỹ là những người immigration và refugee. Ngay cả bà vợ ổng cũng thế. Ổng không nói là ổng ‘cut’ luôn. Ổng nói chỉ tạm thời thôi. Khi mình làm chính trị thì mình phải cứng và dứt khoát. Khi mình cứng và dứt khoát thì có thể không khôn khéo như ông Obama. Ông Trump lớn tuổi hơn thì ổng làm và ổng đánh một đòn rất nặng so với giới trẻ mà không thể tưởng tượng được".

Ý kiến ghi nhận từ Cathy Hằng Ngô thì ngược lại, khi cô nói về số người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh được ông Donald Trump ban hành ngày thứ Sáu 27 tháng Giêng vừa qua.

Đó là quá tàn nhẫn vì họ không có làm gì sai. Họ là công dân Mỹ, họ chỉ là đạo Hồi thôi. Đâu phải cứ ai là đạo Hồi là có tội. Họ cũng là nạn nhân như ngày xưa Việt Nam chúng ta cũng đi tỵ nạn, đi tìm tự do, không chịu chế độ của thời đó".

Khác với Cathy khi có sự liên tưởng lại với cuộc di tản bằng thuyền của người Việt 40 năm trước, Chi Lan không cho đó là sự so sánh hợp lý.

Chi Lan không đồng ý, vì thứ nhất là thời điểm nó khác. Hồi đó chưa có social media, tin tức bị delay. Ngày nay tin tức nhiều quá đến nỗi có nhiều tin tức mà nó không đúng mà người ta cũng đi tuyên truyền. Người ta không biết tin nào thật, giả.

Hai giai đoạn thời gian khác và hai vị tổng thống khác nhau. Nên Chi Lan nói nó như lấy trái táo so sánh với trái cam. Nếu muốn so sánh thì hãy so sánh trái táo với trái táo, trái cam với trái cam.

Một cái đã là dĩ vãng, một cái đang ở trước mắt. Mình đang ở hiện tại và hãy nhìn về tương lai. Đó là quan điểm của Chi Lan".

Theo bạn trẻ Chi Lan, những người (bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ) ấy vẫn đang ‘hearing’ (trong thời gian chờ đợi). Cô cho rằng mọi người không nên vội vã đưa ra phán xét thời điểm này. Thay vào đó hãy tiếp xúc với các dân biểu là những người đại diện của mỗi thành phố hoặc tiểu bang để thúc đẩy họ lên tiếng với Quốc hội. Theo cô, nếu mình vội, hấp tấp quá thì sẽ đi đến một cái sai khác".

Trong sắc lệnh mới về di trú được ban hành bởi tân tổng thống Hoa Kỳ, có đề cập đến một nội dung ảnh hưởng đến chính sách di dân tỵ nạn. Ngày 31 tháng một vừa qua, một gia đình người Việt tỵ nạn ở Thái Lan phải hủy bỏ vé máy bay sau khi tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh hoãn việc nhập cư đối với tất cả người tỵ nạn và cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo.

Cát Linh, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 795 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)