Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2018

Suy nghĩ về bài viết Làm thế nào để vực dậy Phong Trào Dân Chủ ?

Thạch Đạt Lang

Trong một stt được phổ biến trên facebook vào ngày 05/02/2018, ông Nguyễn Gia Kiểng có viết trong bài "Làm thế nào để vực dậy Phong Trào Dân Chủ ?" như sau :

"Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ mạnh và đã rã rượi ngay trước khi bị đàn áp. Lý do là vì chúng ta đã cố tình tránh né những câu hỏi nền tảng đàng nào cũng đặt ra và đàng nào cũng phải trả lời. Không trả lời chỉ đồng nghĩa với trả lời sai.

Trái với một thành kiến sai và dai dẳng, thẳng thắn đặt ra và thảo luận để trả lời những câu hỏi nền tảng này không gây chia rẽ mà còn nâng chúng ta lên và đem chúng ta lại gần nhau. Đó là điều kiện bắt buộc để phong trào dân chủ ra khỏi bế tắc và vươn lên" (*).

suynghi01

Làm thế nào để vực dậy Phong Trào Dân Chủ ?

Xin được đóng góp vài ý kiến.

Theo nhận định của tôi, ở Việt Nam chưa có hoạt động nào đáng được gọi là Phong Trào Dân Chủ. Đa số hoạt động của những người tham gia các cuộc biểu tình như chống Formosa xả thải, chống giàn khoan HD 981 xâm phạm hải phận Việt Nam, hoặc các nhóm Dân Oan khiếu kiện vì mất đất đai, những cuộc đình công đòi tăng lương, thêm ngày nghỉ, thêm quyền lợi… chỉ là những hành động bộc phát nhất thời do chứng kiến những điều trái tai, gai mắt hoặc do bị đàn áp, ức chế của chế độ cộng sản với một số cá nhân, một nhóm người có chung quyền lợi tập họp với nhau, đứng lên đòi hỏi sự công bằng, hoặc chỉ để phản đối những bất công của xã hội, những chuyện làm sai trái của chính quyền trung ương cũng như địa phương, tố cáo những chuyện tham nhũng, ăn cướp đất đai của người dân dưới chế độ cộng sản…

Các tổ chức như 8406, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Bauxite Viet Nam… mới chỉ là những nhóm nhỏ, quy tụ những người cùng chung chí hướng, tranh đấu trong một mục tiêu giới hạn, không thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân.

Đòi hỏi dân chủ, tự do, do đó chưa bao giờ trở thành một hoạt động có tính phổ quát lan rộng ở Việt Nam, được sự hưởng ứng của đông đảo người dân để trở thành một phong trào có thể làm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Hai chữ vực dậy trong bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng diễn tả không hợp với tình thế hiện nay. 

Dường như đa số những người hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, tự do đều mong muốn có được kết quả tức khắc trong công việc của mình thay vì tìm cách truyền bá, xây dựng ý thức dân chủ cho người dân, từ đó họ có thể hiểu biết được quyền lợi công dân mà họ xứng đáng được hưởng, trở thành những nhân tố cần thiết cho phong trào. 

Đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do đòi hỏi sự bền bỉ, thời gian lâu dài, không phải là món mì ăn liền. Cuộc tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng trong xã hội, cũng như độc lập, tự cho cho đất nước Ấn Độ của Mahatma Gandhi, Nam Phi của Nelson Mandela kéo dài nhiều chục năm mới có kết quả.

Đừng quên rằng, căn cứ vào tổng sản lượng quốc gia GDP năm 2016, sự phân chia thu nhập không đồng đều của xã hội, có thể nói nhu cầu cấp thiết của đại đa số người dân Việt Nam hiện nay vẫn là cơm no, áo ấm. Dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí… đối với khoảng 2/3 dân số vẫn là một khái niệm mơ hồ, trừu tượng, chẳng có ý nghĩa gì cao xa hơn một chén cơm đầy không độn, có rau, có thịt, một bộ quần áo lành lặn, tươm tất khi ra đường.

Như vậy, để có thể trở thành môt phong trào có đủ sức mạnh làm thay đổi thể chế hay ít nhất là sự nhượng bộ của chế độ, đòi hỏi nhiều yếu tố mà người hay nhóm phát động cần phải nắm vững, thấu hiểu, làm việc có phương pháp, có kế hoạch, đồng thời kiên trì với mục đích của mình trước khi khởi động. Nếu không thì cho dù có may mắn thành công, cũng chỉ trong giai đoạn và sẽ nhanh chóng tàn lụi.

Tình hình ở Việt Nam khác với Nam Phi, Ấn Độ thế kỷ trước, cũng không giống với thực trạng ở Tunisia hay Ai Cập trong mấy năm qua. Các tổ chức xã hội dân sự không hoặc chưa có những người có tầm vóc về khả năng, tri thức, bản lãnh như Nelson Mandela, Gandhi… để có thể khả dĩ lôi kéo người dân vào sinh hoạt của mình. 

Hãy nhìn lại nhóm Cứu Lấy Dân Oan của Dũng Mai, Phan Cẩm Hường hay Công Đoàn Độc Lập của Trần Ngọc Thành, Đỗ Thị Minh Hạnh hoặc một số nhóm khác như Mạng Lưới Nhân Quyền… để thấy hoạt động của các nhóm Xã Hội Dân Sự chẳng cần phải chờ cộng sản đàn áp mới bị tan rã.

Không thể phủ nhận sự kiên cường, bất khuất của những người tù lương tâm mới đây như Trần Thị Nga, Mẹ Nấm Như Quỳnh, Cẩn Thị Thêu, Phan Kim Khánh… hay như trước kia Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài… nhưng chúng ta đã rút ra được điều gì từ bài học đấu tranh của họ ? 

Để có thể xây dựng, phát động, kết hợp những cuộc đấu tranh lẻ tẻ với những mục tiêu khác nhau thành một Phong Trào Dân Chủ, những người khởi xướng cần trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết tường tận, thế nào là Dân Chủ. Để truyền bá, phát động ý thức, phát triển phong trào dân chủ, người ta cần biết lắng nghe, học hỏi lẫn nhau, phải biết sắp đặt, kết hợp những mục đích khác nhau của từng nhóm, những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, làm việc có kế hoạch, không tùy hứng hoặc chạy theo sự kiện. 

Hơn thế nữa, sau những thất bại, chúng ta có ngồi lại với nhau, suy nghĩ, tìm hiểu cho rõ ràng, tường tận lý do, nguyên nhân nào đã không thành công, rút tỉa ra những kinh nghiệm để tránh lập lại lỗi lầm trong tương lai hay chỉ chán nản, mệt mỏi, đổ lỗi cho nhau ?

Nhiều người cho rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ, tự do chưa phát triển thành một phong trào rộng lớn trên cả nước vì sự đàn áp khốc liệt của chế độ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, phần lớn chính là do chúng ta chưa chấp nhận sự khác biệt trong tư tưởng, nhận định vấn đề. Đa số, thay vì tìm những điểm tương đồng trong các ý kiến hoặc mục tiêu hành động, chúng ta chì chiết, gièm xiểm, thậm chí ngáng chân nhau đôi khi chỉ vì khác biệt một vài quan điểm nhỏ nhặt. 

Khi đã kiên trì, khẳng định mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do, người khởi xướng phong trào cần chuẩn bị cho mình tinh thần hi sinh cho đại cuộc, chấp nhân tù đầy, tra tấn, sỉ nhục, vu khống của chế độ cộng sản cũng như của những kẻ thời cơ, tưởng như đồng hành cùng với mình.

Đã có bao nhiêu người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Viêt Nam đặt câu hỏi :

- Lý do nào chúng ta không lôi kéo được quần chúng tham gia đông đảo vào các cuôc biểu tình như chống Formosa xả thải hay lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh ở quần đảo Hoàng -cTrường Sa… ?

- Vì sao những cuộc đình công của công nhân đòi hỏi quyền lợi ở các xí nghiệp không được sự hưởng ứng đồng loạt của những người cùng chung nghề nghiệp… ?

- Đã có bao nhiêu người đang hoạt động trong các nhóm tranh đấu tìm hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng về cuộc đời, về xuất thân, quá trình tranh đấu, phương châm hành đông… của Mahatma Gandhi, Nelson Mandela để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm cho những mục tiêu của mình ?

Trả lời được những câu hỏi này thì mới có thể thúc đẩy sự đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền thành môt phong trào đúng với tên gọi của nó.

Thạch Đạt Lang

08/02/2018

*************************

(*) stt https://www.facebook.com/giakieng.nguyen

suynghi2

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VỰC DẬY PHONG TRÀO DÂN CHỦ ?

Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ mạnh và đã rã rượi ngay trước khi bị đàn áp. Lý do là vì chúng ta đã cố tình tránh né những câu hỏi nền tảng đàng nào cũng đặt ra và đàng nào cũng phải trả lời. Không trả lời chỉ đồng nghĩa với trả lời sai.

Trái với một thành kiến sai và dai dẳng, thẳng thắn đặt ra và thảo luận để trả lời những câu hỏi nền tảng này không gây chia rẽ mà còn nâng chúng ta lên và đem chúng ta lại gần nhau. Đó là điều kiện bắt buộc để phong trào dân chủ ra khỏi bế tắc và vươn lên.

https ://www.thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/5891-c-u-nguy-phong-trao-dan-ch

Quay lại trang chủ
Read 1087 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)