Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/02/2018

Cuộc chiến bị lãng quên

Mỹ Lan

Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh ồ ạt xua quân tấn công Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến khốc liệt 30 ngày liên tục và kéo dài 10 năm trên địa bàn 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Cuộc chiến không cân sức cũng đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường và hơn 4000 bộ đội Việt Nam, chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 35. Mặc dù dành chiến thắng, cuộc chiến tranh vệ quốc này lại ít khi được nhắc tới và thậm chí đã có một thời gian rất dài, nó bị chìm sâu vào quên lãng.

cuoc1

Tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh biên giới tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội ngày 17/02/2017 AFP

Khu vực biên giới Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi được coi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới nổ ra từ ngày 17/2/1979 và kéo dài 10 năm sau đó với những "lò vôi thế kỷ" hay "thung lũng gọi hồn".

Đây là nơi hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh khi chiến đấu giành lại từng tấc đất biên cương với quân đội Trung Quốc. Trong đó, có hơn 2.000 liệt sĩ, hài cốt vẫn nằm lại trên chiến trường xưa.

Trở về từ chuyến thăm và dâng hương các đồng đội cũ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, ông Phạm Xuân Thanh, một cựu chiến binh chia sẻ :

Đến thời điểm hiện tại thì cuộc chiến gần như đã đi vào quên lãng. Tôi cũng là một thương binh từ mặt trận trở về. Hơn 30 năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những người thanh niên tuổi ngoài đôi mươi đã nằm lại ở mặt trận. Có nhứng gia đình vẫn chưa được công nhận là gia đình liệt sỹ cho nên là chúng tôi cũng thấy rất là tủi thân. 

Trên thực tế, mặc dù đã cản trở thành công sự tấn công của quân đội Trung Quốc, dành chiến thắng về mặt quân sự, đối nội cũng như đối ngoại, cuộc phản công vệ quốc của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ đó đã không được công nhận và tôn vinh một cách xứng đáng. Cũng theo ông Thanh, rất nhiều những người lính cho đến thời điểm này vẫn chỉ được xác nhận là mất tích chứ chưa biết chính xác họ đã hy sinh hay còn sống. Bên cạnh đó, gần bốn chục năm đã qua, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chưa có một thống kê chính thức về số lượng người hy sinh hay mất tích trong trận chiến này cũng như tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc gia nhằm ca ngợi những đóng góp và hy sinh của họ. Thậm chí, nhiều trường hợp mang thương tật từ mặt trận trở về nhưng do mất hết giấy tờ nên cũng không được công nhận là thương binh để có thể được hưởng những chế độ, chính sách ưu đãi. Ông Thanh cho biết thêm :

Chúng tôi cũng đã đặt ra những câu hỏi ví dụ như là cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng trị, lượng người hy sinh ở đó được ca ngợi. Còn riêng ở mặt trận Vị Xuyên, lượng người hy sinh nhiều như thế tại sao không được nhắc đến. Đến bây giờ thì chúng tôi biết là vì mục đích ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nên mọi thông tin về cuộc chiến có thể nói là không muốn được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước láng giềng.

Khi được hỏi về thái độ im lặng này của chính quyền cộng sản Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc cho biết :

Thực tế về cuộc chiến tranh này đã được cắt bỏ khỏi sách lịch sử và khỏi những lễ kỷ niệm phổ biến ở Việt Nam cho đến tận năm 2014.. Tôi không nghĩ là bởi vì các lãnh đạo Việt Nam muốn giảm nhẹ một thời kỳ quan hệ của Việt Nam. Bạn có thể tìm đến viện bảo tàng chiến tranh và không thấy có một trưng bày nào về cuộc chiến này với Trung Quốc. Nó là một lỗ đen. Nhưng tất nhiên với hàng ngàn người dân Việt Nam đã mất người thân. xã hội, sự kiện này đã và đang được cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn. Chắc chắn rằng, những hy sinh dường như bị lãng quên của những người lính trong chiến tranh biên giới năm nào, một ngày nào đó sẽ đền đáp một cách xứng đáng hơn.

Mỹ Lan

Nguồn : RFA, 16/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 672 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)