Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/02/2018

Lễ hội, những hủ tục mê tín và chính sách ngu dân

Song Chi

Quanh năm lễ hội

Việt Nam là một đất nước có nhiều lễ hội, có lẽ cũng phải thuộc vào top 10 của thế giới, với khoảng trên dưới 8.000 lễ hội hàng năm.

lehoi1

Đua ghe ngo là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Oóc Om Bóc truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, thường diễn ra vào các ngày 14 - 15/10 âm lịch hàng năm

Lễ hội ở Việt Nam phong phú và đa dạng, nào lễ hội dân gian (chiếm phần lớn tổng số lượng lễ hội cả năm), lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, các loại lễ hội khác… Rồi thì mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi làng, dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số anh em… đều có những lễ hội khác nhau. Có lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp làng v.v…

Ngoài những lễ hội chi phối đời sống của hầu hết mọi người dân, mọi gia đình trên cả nước như Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan hay tết Trung Thu, thì có nhiều lễ hội lớn, được tổ chức quy mô, người dân ai cũng biết hoặc từng tham dự như lễ hội Đền Hùng-Phú Thọ, lễ hội Chùa Hương-Hà Nội, Lễ hội Yên Tử-Quảng Ninh, Lễ hội Đền Gióng-Sóc Sơn, Hà Nội, lễ hội Lim-Bắc Ninh, lễ hội Đền Trần-Nam Định, lễ hội Cầu Ngư-Huế, Đà Nẵng, Lễ hội Katê-Ninh Thuận, Bình Thuận, Lễ hội Bà Chúa Xứ-An Giang, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ…

Lễ hội nhiều cũng có cái hay là phản ánh sự phong phú, giàu có của nền văn hóa nước nhà, là dịp cho người dân vui chơi, thưởng thức những trò chơi dân gian hoặc ôn lại những giai thoại, giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm thấy gắn bó với cộng đồng, xóm làng…Nhưng dường như càng về sau này, lễ hội ở Việt Nam càng nhiều "biến tướng". Từ trong ý thức của người dân cho tới cách tổ chức.

Bên cạnh những lễ hội có tính chất tàn bạo, dã man, đã từng có nhiều ý kiến chỉ trích, đề nghị hủy nên bỏ như lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh, lễ hội Cầu trâu lấy vồ đập đầu trâu đến chết tại Phú Thọ, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên… nhiều lễ hội còn mang nặng tính chất trần tục, hoặc mê tín dị đoan. Năm nào đến mùa lễ hội, nhiều nhất là vào mùa Xuân sau Tết Nguyên đán, chúng ta cũng đọc thấy những bài báo nói về nạn chặt chém ở các lễ hội đền này chùa kia, cảnh người dân chen nhau đi lễ đông đến nghẹt thở, bên trong đền, chùa khói nhang nghi ngút còn ngay bên ngoài cổng bày bán đủ loại thịt rừng, từng con thịt còn đẫm máu tươi… ; cảnh người dân tranh nhau, xô đẩy nhau cướp lộc, cướp "ấn"…

Chỉ riêng cái trò đốt vàng mã mỗi năm hàng tỷ đồng biến thành đồ mã sau đó hóa ra tro. Hay cái trò phóng sinh, ngày càng được nâng lên tầm quy mô, có cả cấp chính quyền, lãnh đạo nhà nước tham gia. Chẳng hạn, lễ phóng sinh chim, hàng chục tờ báo chính thống đưa tin chiều 24/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương khai xuân Mậu Tuất 2018 tại Điện Kính Thiên - khu di tích Hoàng thành Thăng Long, "Sau khi làm lễ dâng hương, tại thềm Rồng - Điện Kính Thiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thực hiện nghi lễ thả chim phóng sinh dịp đầu xuân, cầu mong quốc thái, dân an…" ("Chủ tịch nước thực hiện nghi lễ phóng sinh cầu quốc thái, dân an", VoV).

Lễ phóng sinh cá lớn nhất Hà Nội, theo báo chí, đây là năm thứ 4 được tổ chức với "10.000 người chuyền tay phóng sinh hơn 5 tấn cá ở Hà Nội" (VnExpress), có người đại diện chính quyển địa phương, có nhà sư tham gia.

Việc phóng sinh chim, cá hay loài vật, là điều hay nhưng như nhiều ý kiến xác đáng nêu ra trên mạng xã hội facebook, nếu được làm với lòng thành, tự mỗi người làm, và nếu tình cờ gặp con cá bị mắc cạn, con chim, con thú bị mắc bẫy mà chúng ta cứu và thả chúng về với nước, với bầu trời, với tự do…thì mới là việc thiện. Còn con chim đang bay, con cá đang bơi bị chúng ta bắt, bẫy về rồi lại thả ra, cứ thả xong rồi bắt, xoay vòng nhiều lần trong mùa phóng sinh, có những con bị kiệt sức mà chết, thì có còn là việc thiện, là phóng sinh hay sát sinh ? Hay việc cứu con vật không còn là mục đích chính mà cái ý muốn thực dụng nhằm tạo nghiệp thiện, tạo may mắn cho người thực hiện nghi thức phóng sinh mới là chính ?

Và tại sao phải tổ chức một cách quy mô, có cả quan chức, lãnh đạo tham dự ? Phải chăng do cái "bệnh" hình thức, khoa trương, của nhà nước này từ hồi nào tới giờ không thay đổi được ? Không chỉ phóng sinh "cầu cho quốc thái, dân an", mà còn đua nhau trồng cây nhưng không phải trồng cây con, ươm cây mới mà là bứng cây to có sẵn rồi trồng lại ! Toàn những trò phản khoa học, và phô trương như thế.

Người Việt ngày càng trở nên mê tín, dị đoan ?

Cả một xã hội mê tín dị đoan, trông chờ, hy vọng vào những sự may rủi ; đi chùa cúng Phật, nhét tiền vào tay Phật để được Phật phù hộ làm ăn phát tài, mua bay bán đắt ; đốt vàng mã cho người âm, đốt cả xe máy, biệt thự, "chân dài" để người âm hài lòng mà phù hộ cho ; tranh nhau cướp lộc, cướp "chiếu thiêng" mong sinh quý tử, tranh nhau đội mưa xếp hàng mua vàng ngày vía Thần Tài để cầu may, leo bao nhiêu bậc thang lên chùa để lấy "nước thánh"… Đua nhau lễ lạy, cúng bái đủ thứ bái vật, rồi thì chạy theo những thứ hình thức tốn kém, hoang phí, vô bổ, chẳng hạn, dân thì chi hàng triệu, hàng chục triệu đốt vàng mã, quan thì đề xuất làm bánh giầy nặng 3 tấn dâng Vua Hùng, đổ 12 tỷ nhập ngàn cây long não từ Tàu gọi là để "làm đẹp" đường phố…

Dân các nước khác nhìn vào chắc chẳng thể nào hiểu được tại sao người Việt chúng ta phải khổ nhọc thế !

Thật ra điều đó cũng không có gì khó hiểu. Khi đời sống có quá nhiều mối lo toan, bấp bênh, bất trắc, khi con người không còn có niềm tin vào chính quyền, vào luật pháp, vào giáo dục, không được che chở, bảo vệ bởi chính quyền, luật pháp, không được sống trong một quốc gia có những chính sách về an sinh xã hội để giúp đỡ khi bệnh tật, lúc tuổi già, khi tai nạn xảy ra (mà ở nước ta thì đủ thứ tai nạn trời ơi đất hỡi từ trên đầu rơi xuống mỗi ngày, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro do thói làm ăn bất cẩn, vô lương tâm, vô trách nhiệm của người khác, chết do ung thư, bệnh tật vì môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, nhiễm độc…) thì họ phải tìm đến thánh thần, phải cầu xin trời phật, người âm phù hộ thôi. Người nghèo đã thế mà người giàu cũng thế. 

Dân chúng mê tín, làm theo những hủ tục đã đành, quan còn mê tín gấp bội dân, càng có nhiều tiền, càng có chức tước thì càng lo sợ mất tiền, mất ghế, sợ bị các phe cánh khác hãm hại… nên càng siêng đi cúng bái, lễ lạc, giải hạn… Cũng là do cái thực tài không có, trí tuệ không có, chức tước chẳng qua là do con ông cháu cha hay bỏ tiền ra mua, nên tâm mới bất an, và mới làm những chuyện mông muội như vậy.

Còn nhà cầm quyền thì chẳng những không hạn chế, ngăn cấm những hủ tục mê tín dị đoan, những lễ hội man rợ, những trò hoang phí vô bổ mà còn duy trì, mở rộng, quảng bá quy mô hơn như chúng ta thấy.

Cái hình ảnh xã hội Việt Nam ngày hôm nay là một "thành tựu" to lớn của đảng cộng sản trong việc làm ngu dân, không chỉ bằng một nền giáo dục lạc hậu, tuyên truyền, nhồi sọ mà còn bằng việc duy trì, phục dựng các loại tín ngưỡng văn hóa dân gian, hủ tục… làm cho dân mải sa đà vào những chuyện lễ hội ăn chơi, mê tín mà quên đi bao nhiêu vấn đề của đất nước. Dân muốn tiêu tiền, phung phí, mê tín sao cũng được nhưng dân chỉ cần thức tỉnh, lên tiếng chuyện này chuyện kia là bị xách nhiễu, hành hạ, bỏ tù, kết án dài hạn ngay lập tức !

Làm cho dân ngu đi là để dễ bề cai trị, chế độ độc tài nào cũng vậy.

Song Chi

Nguồn : RFA, 27/02/2018 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ
Read 877 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)