Giáo dục mục từ nóc : Cô giáo quỳ gối xin lỗi Phụ huynh, học sinh bóp cổ cô giáo
Quê Hương, CaliToday, 08/03/2018
Dư luận Việt Nam mấy ngày qua tranh luận gay gắt về việc một giáo viên tên Nhung dạy ở trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh trong khoảng 40 phút. Qua đó thể hiện một nền giáo dục ở Việt Nam đang mục ruỗng, là thành quả của mấy mươi năm theo mục tiêu đạo tạo con người trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…
Trường tiểu học Bình Chánh nơi cô Nhung quỳ xin lỗi nhóm phụ huynh (ảnh : Hoàng Minh-báo langmoi)
Vụ việc xảy ra vào ngày 28/02/2018, một nhóm phụ huynh gồm ông Võ Hòa Thuận, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền và bà Phùng Thị Bích Vân đã đến trường Tiểu học Bình Chánh, nơi cô giáo Nhung đang phục vụ công tác giảng dạy để lớn tiếng phản đối việc cô giáo Nhung trước đó đã phạt học sinh phạm lỗi bằng hình thức quỳ gối, khiến học sinh sợ không muốn đến lớp học. Theo tường trình của cô giáo Nhung qua quá trình đối chất với nhóm phụ huynh, cô nhận thấy hành động của mình khi phạt học sinh là sai nên đã nói lời xin và hứa khắc phục. Tuy nhiên, phía nhóm phụ huynh mà cụ thể ở đây là ông Thuận đã không chấp nhận lời xin lỗi. Trong bản tường trình, cô giáo Nhung có nhắc lại lời của ông Thuận lúc ấy có bắt cô quỳ để coi như chuyện giải quyết xong. Trước sức ép của nhóm phụ huynh, cô giáo Nhung nói mình không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt nên đã đáp ứng yêu cầu của phía phụ huynh là quỳ trong thời gian khoảng 40 phút, có sự chứng kiến của một số giáo viên trong trường.
Vụ việc sau đó bị báo đài Việt Nam đăng tải, ngay lập tức dư luận đẩy lên cao trào tranh luận gay gắt. Phần lớn dư luận cho rằng, dù cô giáo Nhung có sai khi phạt quỳ gối học sinh nhưng việc nhóm phụ huynh áp lực bắt cô giáo Nhung phải quỳ gối giống như học sinh là một việc làm không đúng pháp luật, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Đâu đó đã có ý kiến rằng, áp lực khiến cô giáo Nhung phải quỳ gối trước phụ huynh chính là do sợ bị mất việc, đụng chạm đến cán bộ chính quyền vì ông Thuận chính là cán bộ tư pháp của xã.
Cali Today liên lạc với cô giáo tên Thứ hiện đang giảng dạy tại Sài Gòn, đặt trường hợp bản thân bị áp lực như cô giáo Nhung thì liệu rằng có hành động tương tự ? Cô giáo Thứ chia sẻ, dù thế nào cũng không quỳ gối và hành động của cô giáo Nhung là thể hiện tâm lý non trẻ. Cô giáo Thứ nói :
"Tôi thấy cô này cổ còn trẻ quá, tâm lý chưa được cứng, báo chí có nói cổ mới sinh con và đi dạy lại khoảng 2 tuần mà thôi. Cái tâm lý, kinh nghiệm ứng xử của người giáo viên nó quan trọng lắm. Những trường hợp đó, người ta sẽ tìm cách ứng xử sao đó chứ chuyện quỳ là không thể".
Qua vụ việc của cô giáo Nhung ở trường tiểu học Bình Chánh, cô giáo Thứ cho đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín người thầy giáo và học đường. Hiện tại hẳn cô giáo Nhung đang phải đối mặt tâm lý khá nặng nề, cần phải nghỉ ngơi một thời gian.
"Ảnh hưởng quá đi chứ. Học sinh nó biết cô giáo nó như vậy thì tụi nó coi thường chứ còn ra gì nữa đâu. Con nít nhìn nó nhỏ chứ nó biết hết chứ không đợi người lớn. Thế nào những học sinh sẽ kể cho nhau nghe và vụ việc giờ đã rùm beng".
Luật giáo dục 2005 của Việt Nam có nói, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Trường Trung học cơ sở Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nơi xảy ra sự việc nam sinh bóp cổ nữ giáo viên (Ảnh Châu Thành - báo Tuổi trẻ)
Vậy thì thành quả giáo dục Việt Nam mấy mươi năm qua đã cho thấy, thực tế ngoại trừ vụ việc huy hữu của cô giáo Nhung thì giảng đường là nơi tu dưỡng đạo đức, tu dưỡng nhân cách con người đã xảy ra bao nhiêu vụ bạo lực, thầy cô đánh đập, xúc phạm nhân phầm học trò và ngược lại học trò đánh đập, xúc phạm nhân phẩm thầy cô dù pháp luật đã cấm nhưng vẫn tái diễn nhan nhãn ở mức báo động, đạo đức học đường xuống cấp nghiêm trọng.
Vậy có chăng lỗi chính là ở cơ chế định hướng nền giáo dục Việt Nam ? Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội chia sẻ với Cali Today cho đây chỉ là một nguyên nhân.
"Theo quan điểm của tôi nó có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đaọ đức học đường như vừa rồi, một yếu tố quan trọng đúng là do ở cơ chế, tại quan chức họ làm ngơ và cũng chẳng làm gương cho xã hội cho nên người dân họ thấy quan thế nào là họ bắt chước theo thế đấy. Theo tôi có một nguyên nhân nữa là người Việt mình hiện nay cơ hội lắm, chưa tốt, chưa giác ngộ sự văn minh. Có tí chức tí quyền là tưởng mình to bắt nạt người khác. Một số giáo viên cũng vậy, đứng trên lớp coi mình như là sát thủ, nhìn học sinh bằng ánh mắt hằn và sẵn sàng buông lời như chợ búa mắng la học sinh, đánh học sinh rất là ác".
Theo thầy Khoa, các thành phần xã hội ở Việt Nam đã đặt trọng những lợi ích ngắn cho bản thân khiến họ quên đi lợi ích của đất nước, của xã hội. Điều này khiến dư luận lại có thêm phần so sánh về nền Giáo dục của Việt Nam cộng sản hiện tại với nền Giáo dục của miền Nam trước năm 1975, tức là nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa với triết lý giáo dục là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Ở nền giáo dục ấy, theo cô giáo Thứ từng có một thời gian theo học đã kết luận nền tảng "Tôn sư trọng đạo" khá cao, học sinh thời ấy khá sợ thầy cô bắt hình phạt để rồi chăm lo học hành đặng nên người thành tài. Còn nền giáo dục Việt Nam ngày nay, do dựa theo xu hướng thời đại, việc thầy cô dùng hình phạt đòn đã bãi bỏ nhưng đổi lại đây không phải là lối mở cho sự phát triển. Ví dụ, thầy cô không dùng hình phạt đòn thì học sinh dễ có tâm lý không sợ thầy cô, không chăm lo học hành rồi dẫn đến hiện tượng chán học, bỏ học, thầy cô phần vì thành tích phần vì phải lo sợ mất việc giảng dạy nên phải xuống nước nhẫn nhịn trước những sai phạm của học sinh. Đạo đức kém dẫn đến có những xử sự kém giữa thầy cô và học sinh là lẽ hiển nhiên, từ một mái trường phát sinh là ra tòan hệ thống giáo dục.
Mới đây, chuyện cô giáo Nhung quỳ xin lỗi phụ huynh ở Long An còn chưa hết "nóng bỏng" thì hôm ngày 02/03/2018, một vụ việc cũng "nóng bỏng" không kém xảy ra tại trường Trung học cơ sở Tân Thạch ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre một nam học sinh đã có những lời lẽ hạ nhục, bóp cổ một giáo viên dạy môn tiếng Anh. Trước đó, cộng đồng mạng xã hội lan truyền chóng mặt việc Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng hiện đang sinh sống tại Pháp tố cáo Bộ Trưởng Bbộ giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện tại là ông Phùng Xuân Nhạ "tự đạo văn", vụ tố cáo đến nay Bộ trưởng Nhạ vẫn còn im lặng khiến dư luận cho đây là một sự thật, thừa nhận.
"Nói chung nền giáo dục hiện đã mục từ nóc, ngày xưa không thể nào có một bộ trưởng bộ giáo dục đi đạo văn hoặc không thể nào có người thầy dùng bằng giả nhan nhãn như bây giờ" - lời của cô giáo Thứ.
Mặc dù hiện tại Bộ Giáo dục và đạo tạo Việt Nam đã vào cuộc để làm rõ việc cô giáo Nhung quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh, cũng như làm rõ việc một nam học sinh đã có lời lẽ hạ nhục, bóp cổ cô giáo ở trường Trung học cơ sở Tân Thạch. Nhưng. Liệu đây có phải là giải pháp giảm thiểu một thực trạng đau buồn của nền giáo dục Việt Nam hiện đang xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức ? Liệu có cải thiện được một thực trạng vài trò người thầy giáo đang bị xem nhẹ giống như trường hợp xảy ra ở Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 08/2016, nhà cầm quyền đã huy động giáo viên đi tiếp khách tại buổi "Liên hoan Dân ca ví đạm Nghệ Tĩnh" ?
"Việc này không dễ, phải kết hợp nhiều hoạt động đi cùng, từ đổi mới cơ chế, thay đổi bầu cử, quyền của quan chức phải được giám sát chặt chẽ để họ nâng cao trách nhiệm xét xử trong ngành. Về phía người dân, quan chức phải làm gương cho người để người dân nhìn thấy họ là những quan chức tốt chứ không phải nhìn thấy nhiều quan xấu. Về phía cộng đồng xã hội nói chung phải tuyên truyền, đấu tranh đâu là đúng đâu là sai trước những cái xấu, quan chức xử lý nghiêm, giám sát nhau để cái xấu giảm bùng phát…" thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, để cải thiện nền giáo Việt Nam hiện tại không phải là chuyện dễ.
Quê Hương
****************
Khi cô giáo quỳ xuống : Đạo đức xã hội đang ở đâu ? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)
J.B Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 08/03/2018
Mấy hôm nay, chuyện học đường và ngành giáo dục trở thành chuyện rầm rĩ trên mạng. Nó cũng xưa như bao chục năm nay vấn đề học đường luôn được xã hội quan tâm. Điều đáng nói là càng quan tâm, người ta càng thấy sự xuống cấp không phanh của đạo đức, của trật tự xã hội, của đời sống tinh thần người dân đã tệ hại đến mức nào kể từ ngày đất nước được "hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".
(Hồ Chí Minh - Thư gửi học sinh ngày khai trường 1945)
Biểu hiện của nền giáo dục "Lạc hướng"
Những năm gần đây, hệ thống truyền thông và mạng xã hội đưa tin rộng rãi về những biểu hiện "bất thường" với nhiều hiện tượng, sự việc của ngành giáo dục Việt Nam liên tục xảy ra. Hết nạn học giả, bằng giả dẫn đến việc ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người khác hoặc vi phạm bản quyền cho đến nạn bạo lực học đường xảy ra thường xuyên.
Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục đã bị tố cáo "đạo văn" công trình khoa học để làm luận án Tiến sĩ.
Ở đó, hiện tượng trò đánh thầy, học sinh đánh nhau chí tử, các nữ sinh bị đánh, bị lột quần áo nơi công cộng... trước sự dửng dưng của người dân, thậm chí một số người thản nhiên đứng quay video mà không hề ngăn cản.
Ở đó, hiện tượng giáo viên thiếu trung thực trong việc thi cử, bằng cấp, giảng dạy và cách xử sự không như những chuẩn mực xã hội bình thường cần có. Điều này xảy ra không chỉ ở một cấp, một trường, một địa phương mà lan rộng khắp nơi. Thậm chí, mới đây, Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục đã bị tố cáo "đạo văn" công trình khoa học để làm luận án Tiến sĩ.
Điều hài hước là ở chỗ, chính ông Nhạ, một Bộ trưởng "ngọng níu ngọng nô" đang bị tố đạo văn lại là Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước.
Ở đó, hiện tượng thay đổi luôn xoành xoạch hệ thống nội dung giảng dạy, thi cử, hết cải tiến đến cải cách liên miên từ bao chục năm nay, để cuối cùng rút ra một điều là cả bao thế hệ con người bị đưa làm vật thì nghiệm, mà là những thí nghiệm hỏng.
Và cuối cùng, sau mấy chục năm làm thí nghiệm trên cả dân tộc này, người ta mới biết rằng không chỉ nền giáo dục Việt Nam lạc hậu, mà là lạc hướng.
Một khi đã lạc hướng, hẳn con tàu giáo dục Việt Nam sẽ chìm sâu không lối thoát.
Trong khi giáo dục là tương lai của đất nước, thì khi hệ thống giáo dục chìm sâu không lối thoát, hẳn đất nước sẽ về đâu là điều không khó đoán.
Hậu quả của những cuộc thí nghiệm
Cái gọi là "Cuộc Cách mạng về tư tưởng và văn hóa" xã hội chủ nghĩa đã tạo nên nhiều điều kỳ quái trong xã hội Việt Nam vốn có hàng ngàn năm phong kiến và thuộc địa. Cái kỳ quái đó là những sự đi ngược chiều với lịch sử với truyền thống dân tộc cũng như những tiêu chuẩn văn minh bình thường.
Sau mấy chục năm làm thí nghiệm trên cả dân tộc này, người ta mới biết rằng không chỉ nền giáo dục Việt Nam lạc hậu, mà là lạc hướng.
Nếu trước đây sự xưng hô nề nếp trong gia đình giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái, họ hàng và xã hội được hết sức coi trọng, lớp lang được tổ chức chi tiết và khắt khe, tạo ra những thuần phong mỹ tục, thì những năm cộng sản, người ta xây dựng mối quan hệ "đồng chí" và "bình đẳng" giữa "đồng chí vợ với đồng chí chồng, đồng chí cháu với đồng chí ông nội".
Nếu như trước đây truyền thống người Việt là kính già, yêu trẻ, thì ngày nay, các sản phẩm thí nghiệm kia, đã thực hiện điều ngược lại : Bản thân mình là quan trọng nhất.
Nếu trước đây, tính cách người Việt vốn được dạy dỗ rằng "giữa đường thấy sự bất bằng không tha" thì giờ đây, việc giúp kẻ hoạn nạn là điều xa lạ và trở thành kẻ ngu xuẩn bởi xã hội không có chỗ cho những hành động đó, nhường chỗ cho sự cướp bóc, hôi của trở thành bình thường.
Nếu như trước đây, người dân Việt Nam vốn được dạy dỗ theo truyền thống "tôn sư, trọng đạo" là một trong những nét cần thiết, cơ bản để làm nên nhân cách một con người trong xã hội phong kiến. Thì mấy chục năm qua, với "nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" kia, học sinh ngày nay đã thực hành ngược lại.
Hệ thống tư duy và giáo dục cộng sản với phương châm "Hồng hơn chuyên" chính là thủ phạm đã tạo nên những quái gở trong xã hội.
Sâu xa hơn, hệ thống tư tưởng Mác - Lênin vô thần với chủ nghĩa duy vật tôn sùng vật chất là bản chất của việc đưa xã hội đi đến ngày hôm nay.
Trong khi đó, hệ thống giáo dục không vì con người, mà chỉ vì sự cai trị độc tài của Đảng cộng sản, họ chỉ muốn chế tạo ra các sản phẩm làm công cụ nhằm bảo vệ sự thống trị độc tài của mình. Do vậy các sản phẩm méo mó là điều hiển nhiên.
Điều này giải thích vì sao, dù là trường học đào tạo kỹ sư, bác sĩ hoặc công nhân, thì việc học chủ nghĩa Mác - Lenin lại quan trọng hơn tất cả mọi đào tạo chuyên môn.
Và kết quả là hệ thống tư tưởng vô thần đã chế ngự toàn xã hội cộng sản, trở thành nguyên nhân của mọi sự hư hỏng, của sự lạc hướng không riêng của ngành giáo dục và cả dân tộc Việt Nam.
Khi giáo viên quỳ xuống
Theo dõi tin tức báo chí mấy hôm nay, riêng về ngành giáo dục, cả đất nước xôn xao vì nhiều sự kiện diễn ra liên tiếp. Đó là hệ thống danh sách những người đạt chuẩn Giáo sư được ra và hứng chịu sự bất bình của xã hội. Người ta đã chỉ ra những bất cập ở những tên tuổi, sự nghiệp và sản phẩm của họ có xứng đáng với học hàm Giáo sư hay không ? Sự phản ứng đó đã nhanh chóng có tác dụng đến mức Hội đồng Giáo sư đã phải điều chỉnh lại danh sách của mình cách nhanh chóng. Kết quả là đã loại ra khỏi danh sách đến 95 người, trong đó có Bộ trưởng Bộ giáo dục, bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều đó nói lên rằng : Nếu xã hội không lên tiếng, cứ để mặc cho bộ máy nhà nước tự tung tự tác, thì riêng năm 2017, sẽ có gần 100 giáo sư "oan". Điều này cũng đồng nghĩa với việc học hàm giáo sư chỉ là một tấm vải màu mè nhằm lòe thiên hạ và... rút tiền dân. Đó là chưa kể cả hàng chục ngàn giáo sư, phó giáo sư nhưng nền giáo dục Việt Nam vẫn hết sức tệ hại thậm chí không có lấy một phát minh nào.
Sau câu chuyện phong giáo sư, người ta lại rộ lên câu chuyện ngày 28/2, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Bình Chánh bắt cô giáo phải quỳ trước mặt, để nhằm "giáo dục" cho cô giáo biết phải quỳ là như thế nào khi bắt học sinh mình quỳ trong giờ học.
Điều đáng nói, là những phụ huynh đã buộc cô giáo đang dạy dỗ con mình phải quỳ xuống là đảng viên, luật sư (!).
Chưa xong câu chuyện cô giáo phải quỳ, thì ngày 2/3, cô giáo Cao Thoại Như bị một học sinh lớn tiếng chửi mắng và lao tới bóp cổ trước sự chứng kiến của nhiều người.
Những sự việc liên tục diễn ra trong xã hội, đã buộc những người kiên trì nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán.
Nếu có thể nói một từ để đánh giá nền giáo dục Việt Nam, thì chỉ có thể dùng từ : Loạn.
Thế rồi, những sản phẩm, những quái thai đó đã tiếp tục sản sinh ra lớp quái thai mới tiếp tục tàn phá xã hội, đất nước và dân tộc này.
Người ta đi tìm nguyên nhân, mổ xẻ những khía cạnh vì sao có những hành động đó ở một đất nước đã có truyền thống tôn sư trọng đạo từ lâu đời nay. Người ta nói đến nhiều điều, nhưng điều cốt lõi nhất người ta không dám đụng đến. Đó chính là sự lạc hướng của "nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" mà Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố cách đây hơn 2/3 thế kỷ.
Nền giáo dục này hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa Mác - Lenin vô thần, duy vật chất, loại bỏ tín ngưỡng, thần thánh ra khỏi xã hội, bằng cách này hay cách khác hết sức tinh vi. Khi mà hệ ý thức tư tưởng này không thay đổi, thì không chỉ ngành giáo dục mà cả đất nước, xã hội này sẽ còn loay hoay, tụt hậu và suy đồi không lối thoát.
Như chúng tôi đã phân tích trên đây, với "nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" này, đảng cộng sản đã sản xuất ra những công cụ méo mó và khuyết tật chỉ với mục đích bảo đảm sự độc tài của mình. Và chính những sản phẩm đó ngày nay đã ở những cương vị lãnh đạo xã hội từ Tổng bí thư cho đến anh cán bộ xóm. Kết quả là chúng ta đang thấy một xã hội kiểu "phong kiến xã hội chủ nghĩa" với hệ thống vua tập thể và là hang ổ của tham nhũng, trộm cướp của người dân.
Thế rồi, những sản phẩm, những quái thai đó đã tiếp tục sản sinh ra lớp quái thai mới tiếp tục tàn phá xã hội, đất nước và dân tộc này.
Và họ cứ đưa xã hội, đất nước đến bờ của sự diệt vong, nô lệ và tàn lụi. Điều này diễn ra trên khắp mọi mặt, mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội.
Những câu chuyện trong ngành giáo dục chỉ là những điển hình được nhìn thấy, được đánh giá qua lăng kính dư luận xã hội.
Ở đó khi cô giáo phải quỳ xuống, là khi đạo đức xã hội đã chìm sâu xuống bùn đen.
Ngày 8/3/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
***************
Cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối - câu chuyện về thói "côn đồ", luật rừng và lòng tự trọng
Song Chi, RFA, 08/03/2018
Dư luận đang sốc về vụ cô giáo B.T.C.N, tại Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, phải quỳ suốt 40 phút trước mặt 3 phụ huynh. (Từ loạt bài trên báo Người Lao Động "Cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh tưởng trình những gì ?", "Nhân chứng vụ cô giáo quỳ xin lỗi : "Quỳ 40 phút ông Thuận mới chịu", "Ông Võ Hoài Thuận : "Tôi không ép, cô giáo tự quỳ" (!?).
Cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối - Tranh hí họa
Đã có rất nhiều người lên tiếng về vụ việc trên báo chí, trên mạng xã hội, chỉ muốn nói thêm vài điều :
Về phía các phụ huynh, đặc biệt nhân vật Võ Hoài Thuận, đảng viên, cán bộ tư pháp của một xã và có thời gian tập sự luật sư tại văn phòng luật sư T., huyện Bến Lức, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nhất quyết bắt cô giáo phải quỳ để "hiểu cảm giác của con tôi khi bị cô bắt quỳ", hành động này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu cô giáo sai thì đến trường làm việc với nhà trường, thậm chí có thể kiện cô giáo về tội hành hạ trẻ em nếu việc làm của cô giáo gây hậu quả nặng cho học sinh, nhưng không thể bắt cô giáo quỳ theo kiểu "ăn miếng trả miếng". Khi buộc cô giáo phải quỳ, ông và các phụ huynh khác đã chứng minh cho con cái họ biết rằng trong cái xã hội này không có luât pháp, mà cứ xài luât rừng, kẻ mạnh sẽ thắng, kẻ yếu cơ hơn sẽ phải thua. Chẳng cần phải tôn trọng thầy cô hay bất cứ ai, cứ ai đụng tới mình là mình "xử". Dạy con, bênh con như vậy thì sau này con mình sẽ trở thành loại người gì, ai cũng có thể đoán được.
Hiệu trưởng và đồng nghiệp : Chuyện xảy ra ngay tại văn phòng phó Hiệu trưởng, có mặt Hiệu trưởng mà Hiệu trưởng lại không bảo vệ giáo viên của mình, lại tránh mặt bằng cách bỏ đi dự giờ thì nhân vật Hiệu trưởng này quá hèn. Đây chỉ mới là một đảng viên, cán bộ tư pháp của một xã (theo lời ông ta trong bài ""Ông Võ Hoài Thuận : "Tôi không ép, cô giáo tự quỳ" (!?), Người Lao Động), còn theo báo chí thì "là một luật sư, đang đảm nhiệm thư ký Hội luật gia và có văn phòng tư vấn pháp lý tại huyện Bến Lức" ("Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh 40 phút do ở tình thế không có đường lui", VietnamNet) mà Hiệu trưởng đã sợ như vậy, thử hỏi nếu có một quan to nào đó đến trường, đánh, tát hoặc làm nhục cô giáo với những hình thức nặng nề hơn nữa thì ông Hiệu trưởng này sẽ ứng xử ra sao, hỏi tức là đã trả lời. Cũng không thấy đồng nghiệp nào mạnh mẽ bảo vệ cô ? Sau bao nhiêu năm sống dưới một chế độ độc tài, hậu quả là con người đã trở nên vô cảm và hèn nhát như vậy.
Về phía cô giáo, rất thương cô nhưng thật lòng chỉ muốn trách cô giáo một câu tại sao phải quỳ. Cô sợ mất việc, sợ không có lương không mua được sữa cho con ? Thì bỏ ra ngoài đi làm ở nhà hàng, quán café, nhận đồ gia công về may, còn nếu có vốn thì bán bánh mì, bán xôi, bán nước mía nước sâm… cũng kiếm không thua đồng lương chết đói của giáo viên đâu. Cô sợ mất việc hơn cả sợ đánh mất lòng tự trọng hay sao ? Hay đi làm những công việc lao động thì không "sang" bằng làm giáo viên ? Nghề gì cũng quý nếu đồng tiền mình kiếm được là trong sạch, do chính mình đồ mồ hôi, công sức ra và miễn lòng mình bình an, vui vẻ là được, cô giáo ạ. Một khi đã chấp nhận quỳ gối trước sức ép của kẻ mạnh, trước nỗi sợ mất việc thỉ liệu mình còn có thể đứng lớp để dạy dỗ học sinh trở thành những con người tự trọng, có nhân cách, không chịu khuất phục trước bất cứ cái gì không ?
Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục. Được biết, sự việc xảy ra từ ngày 28.2 nhưng mãi đến chiều 6/3, khi báo chí và dư luận lên tiếng ồn ào thì ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo mới có những động thái đầu tiên (đọc bài "Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh 40 phút do ở tình thế không có đường lui", VietnamNet).
Phải nói thêm một chút về ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo này. Trong bất cứ một xã hội nào, hai lĩnh vực quan trọng nhất đối với con người là lĩnh vực giáo dục và y tế thì ở Việt Nam hiện nay lại do hai nhân vật thiếu tài, thiếu tâm, thiếu đức là Phùng Xuân Nhạ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo và Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế, chả trách gì hai ngành này nát như tương !
Bà Kim Tiến, người thực sự đã và đang làm giàu bằng máu của bệnh nhân qua sự dính dáng tới vụ án thuốc ung thư giả, người mà suốt thời gian tại chức ngành Y đã xảy ra bao nhiêu cái chết của trẻ sơ sinh do dịch sởi, do tiêm ngừa vaccine Quinvaxem 5 trong 1 ; bao nhiêu cái chết của sản phụ do sự yếu kém về chuyên môn lẫn làm ăn vô trách nhiệm của một số y bác sĩ ; bao nhiêu vụ mổ nhầm, sai sót gây hậu quả nghiêm trọng ; những scandal "khủng" về chuyên môn lẫn y đức như vụ "nhân bản" phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, vụ tráo thủy tinh thể ở BV Mắt, Hà Nội, vụ bác sĩ thẩm mỹ ném xác người đến giải phẫu bị chết xuống sông, vụ 8 người chết khi chạy thận do quên rửa hóa chất trong đường nước tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình v.v...và v.v...
Mà cũng chưa cần đến những scandal đó, nội chỉ riêng việc làm Bộ trưởng mà suốt gần hai nhiệm kỳ vẫn không cải thiện, thay đổi được tình trạng bệnh nhân phải nẳm 2,3 người một giường hoặc chen chúc cả dưới gầm giường ở một số bệnh viện hàng đầu tại các thành phố lớn như SG, Hà Nội... hay tình trạng các cơ sở điều trị thiếu thốn, kém cỏi ở nhiều địa phương, vùng sâu vùng xa khiến người bệnh cứ phải chạy lên thành phố lớn, đã quá tải càng quá tải thêm ; hay chuyện giá thuốc, giá thăm khám bệnh cứ càng ngày càng tăng...chỉ riêng những chuyện đó thôi là đã xứng đáng để phải từ chức rồi. Nhưng bà Kim Tiến thì dù đã bị dư luận lên tiếng yêu cầu từ chức nhiều lần, vẫn cứ tại vị, thậm chí ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa như chúng ta thấy.
Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng ngành giáo dục mà nói ngọng và đang dính vụ lùm xùm "tự đạo văn của chính mình" thì cũng "tai tiếng" không kém.
Trong một vụ việc tương tự, dư luận từng xôn xao vì UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thường xuyên điều động cán bộ, giáo viên nữ trẻ đẹp để làm lễ tân trong các ngày lễ, cụ thể là hơn 20 giáo viên nữ bị điều động đi tiếp khách, rót rượu hát karaoke cho quan khách tại Hà Tĩnh vào tháng 11/2016, vào thời điểm đó ông Bộ trưởng này đã từng có một câu phát biểu làm "dậy sóng dư luận".
"Tuy nhiên, ông Nhạ sau đó lại nói rằng mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc. Ông Bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã" ("Sự phẫn nộ từ phát ngôn của ông Bộ trưởng giáo dục", RFA).
Có lẽ lần này rút kinh nghiệm nên ông Nhạ không dám cho vụ cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ là chưa đến nỗi trầm trọng gì nữa !
Và đây không phải là một câu phát biểu gây tranh cãi duy nhất của ông Nhạ. Nếu search google cụm từ "những phát ngôn gây sốc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo" sẽ cho ra rất nhiều kết quả ! Chẳng hạn bài "Phát biểu gây sốt dư luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam", Sputnik news.
Cũng như bà Kim Tiến của ngành Y, gành giáo dục từ khi ông Nhạ lên làm Bộ trưởng tới nay vẫn chẳng có chút thay đổi gì !
Có rất nhiều câu chuyện minh họa cho sự xuống cấp về đạo đức của con người được đào tạo trong môi trường Việt Nam hiện nay và sự thảm hại của nghề giáo, và câu chuyện này là một ví dụ rõ ràng nhất !
Song Chi
Nguồn : RFA, 08/03/2018 (songchi's blog)