Những ngày cuối năm 2017 sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc nghẽn quá thảm hại làm cho nhiều đại gia quân đội có quan hệ với lợi ích ở đây lo lắng.
Hôm giáp tết năm ngoái tôi dự cưới ở nhà hàng 5 sao Himlam Palace của đại gia quân đội ở sân bay Gia Lâm, quanh câu chuyện những công trình thương mại hoành tráng cỡ nhất nước ở sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm, một sĩ quan đeo quân hàm đại tá nói trong sự lo lắng :
"Bình thường thì ai đụng đến các công trình của "quân ta" làm gì nhưng ở Tân Sơn Nhất thì các sếp cũng hơi bị lo vì dạo này sân bay tắc nghẽn quá mà dư luận lại cứ đòi thu hồi đất khu sân golf"…
Thế nhưng, từ hôm 28/3/2018 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía nam với bản đồ quy hoạch chi tiết (xem ảnh) thì tất cả các đại gia, sếp có sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư trên 157,6 ha trong sân bay có thể mở sâm banh "nằm cao gối" mà ngủ, đón dòng lợi khổng lồ mãi mãi chảy vào túi hàng ngày.
Phát triển sang hướng nam những công trình xây thêm ở phía bắc còn cách xa khu thương mại sân golf
"Người" tính đã hơn "trời" tính ?
Qua đây cũng chứng tỏ kế hoạch dài hạn dùng sân bay Tân Sơn Nhất kinh doanh của các đại gia quân đội là rất chuẩn xác.
Đó là vào cuối năm 2003 trong buổi đi giao ban của cục hàng không Việt Nam tôi nghe cán bộ bàn tán về thông tin chính phủ xúc tiến dự án Long Thành để sắp thay sân bay Tân Sơn Nhất… Chuyện chỉ thoáng qua chẳng có gì đặc biệt nên tôi cũng không để ý. Tuy nhiên đến năm 2007 thì có tin "rò rỉ" thủ tướng đã cho phép đại gia quân đội làm sân golf, nhà hàng, khách sạn trong sân bay Tân Sơn Nhất vì "sân bay sẽ chuyển về Long Thành…".
Trước đó, sân bay Tân Sơn Nhất và ngành Hàng Không Việt Nam đề nghị thủ tướng cho mở rộng Tân Sơn Nhất sang phía quân sự 30 ha đất nhàn rỗi làm 30 chỗ đỗ (vì sân bay quá thiếu chỗ đỗ, nhiều chuyến bay đến Tân Sơn Nhất phải bay vòng chờ hàng tiếng đồng hồ), lúc đầu thủ tướng OK nhưng phía quân sự "không thỏa thuận" rồi sau đó không hiểu vì sao thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại âm thầm cho họ lấy 157,6 ha đất làm sân golf.
Dư luận ngành Hàng Không Việt Nam hồi đó rất phẫn nộ, nhiều người văng tục khi nghe thông tin vô lý này. Đến nay, tổng hợp tất cả các thông tin có thể hình dung ra kịch bản : Những năm 2000 giá đất sốt lên rất cao, các quan chức, đại gia quân đội bắt đầu "nhòm ngó" đến những khu đất vàng rộng mênh mông là các sân bay như Bạch Mai, Nha Trang, Gia Lâm, Cát Bi, Tân Sơn Nhất, Vũng Tàu… Từ đây các sân bay bị "chật trội, ô nhiễm" có nhu cầu phải chuyển ra xa thành phố hơn để lấy chỗ phát triển kinh tế "bảo vệ tổ quốc". Hiện tại sân bay Bạch Mai, Nha Trang, Gia Lâm đã đạt mục đích riêng sân bay Cát Bi suýt bị thành phố Hải Phòng chuyển sang Tiên Lãng. Việc "suýt" này đã gây họa cho nông nhân Đoàn Văn Vươn và vết nhơ bẩn khó rửa của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).
Trong giai đoạn 2008- 2010 giá đất còn cao, thành phố Hải Phòng có ý kiến đề nghị bộ Giao thông vận tải chuyển sân bay Cát Bi ra Tiên Lãng (trong đó có phần nằm trên 40 ha đầm của ông Đoàn Văn Vươn), sau đó được thủ tướng chính phủ đồng ý dù trong quy hoạch cảng Hàng Không Việt Nam đến 2030 vẫn do chính phủ phê duyệt không có chuyện đó. Năm 2009 huyện Tiên Lãng đã "rục rịch" đòi thu hồi đầm tôm 40 ha của Đoàn Văn Vươn nhưng bị phản ứng, đuối lý họ dừng. Thế nhưng đến 2011 khi có thông tin chính thức sân bay Cát Bi chuyển về Tiên Lãng trong đó đầm tôm của Đoàn Văn Vươn nằm trong diện thu hồi thì huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng kiên quyết cưỡng chế trái pháp luật đầm tôm (mà theo dư luận là để giao cho bà con cán bộ huyện, xã mà theo tính toán nếu khu đất bị thu hồi chủ nhân sẽ có hàng trăm tỷ tiền bồi thường) dẫn đến sự kiện nhục nhã của chính quyền Hải Phòng còn anh em Đoàn Văn Vươn bị tù oan. Sự việc "nhùng nhằng" đến năm 2013 khi dự án chưa được thực hiện mà theo dư luận thì giá đất "down"(xuống) quá các đại gia, quan chức không "màng" nữa nên người ta đã chi 3.600 tỷ nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi.
Khu thương mại sân golf của các đại gia sẽ tuyệt đối an toàn và khả năng quân đội mở rộng nữa các công trình thương mại vĩnh viễn ở Tân Sơn Nhất là rất cao.
Với sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nay đã quyết phương án : Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ được khai thác tối đa 50 triệu khách/năm và phát triển về hướng nam chứ không phải hướng bắc theo ý kiến các chuyên gia Thành phố Hồ Chí Minh và ngành Hàng Không Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, Nguyễn Trọng Sành, phi công Nguyễn Thành Trung, Mai Trọng Tuấn… Quyết định này dù vô tình, hữu ý, khách quan hay chủ quan thì khu thương mại sân golf của các đại gia sẽ tuyệt đối an toàn và khả năng quân đội mở rộng nữa các công trình thương mại vĩnh viễn ở Tân Sơn Nhất là rất cao. Bởi vì, nếu nhu cầu khai thác vượt 50 triệu thì bắt buộc phải xây đường băng thứ ba mà đã "chốt" chỉ dược 50 triệu trở xuống thì không có chuyện xây thêm đường băng, nghĩa là không bao giờ đụng đến 157 ha sân golf nữa. Khi Tân Sơn Nhất đã chuyển về Long Thành rồi thì nhu cầu mở rộng sân bay ở đây sẽ không bao giờ có nữa vì hoạt động quân sự ở Tân Sơn Nhất chỉ là chiếu lệ lèo tèo vài chuyến bay tuần, tháng lại còn có căn cứ không quân lớn ở Biên Hòa rất ít hoạt động bay cách đó chỉ hơn 20 km.
Những năm gần đây dư luận phẫn nộ vì sân bay Tân Sơn Nhất, cửa ngõ hàng không chủ yếu của quốc gia (khách thông qua Tân Sơn Nhất chiếm hơn 50% toàn bộ các sân bay Việt Nam) tắc nghẽn thảm hại trong khi các đại gia quân đội chiếm đất quốc phòng kinh doanh còn các cơ quan, nhà khoa học, chuyên gia thì đã không biết bao nhiêu lần bàn bạc trong đó nghiêng về mở rộng sân bay sang hướng bắc để tận thu khu đất vàng 157,6 ha bị chiếm dụng trái phép mở thêm cửa ngõ cho sân bay ra hướng bắc…
Thế nhưng, cuối cùng thì "trời tính không bằng người" tính, và sân golf Tân Sơn Nhất muôn năm !
Nguyễn Đình Ẩm
Nguồn : VNTB, 31/03/2018