Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2018

Giới bất đồng chính kiến nghĩ gì ?

Kính Hòa

Giới bất đồng chính kiến nghĩ về chống tham nhũng và cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng

Giới bất đồng chính kiến, trong đó có nhiều người từng bị bỏ tù vì những hoạt động ôn hòa, nhận định thế nào về chiến dịch chống tham nhũng của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay và cá nhân ông ?

batdong1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. AFP

Có hai nhóm ý kiến khá trái ngược nhau về chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Nhóm thứ nhất không cho rằng chuyện chống tham nhũng là để chống tham nhũng thật sự.

Chống tham nhũng chỉ là mị dân

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một người hoạt động xã hội từng bị cầm tù, hiện sống tại Vũng Tàu, nói về ông Nguyễn Phú Trọng :

"Với cá nhân tôi thì tôi chả đặt niềm tin gì vào cá nhân này, khi mà hiện tình đất nước hiện nay rất tồi tệ, từ văn hóa chính trị cho đến xã hội. Nếu nói vai trò ông Nguyễn Phú Trọng là chống tham nhũng thì họ chỉ mị dân thôi, ve vuốt cái bức xúc của người dân, để người dân tin. Tôi đã từng tin bao nhiêu năm nay rồi, chúng tôi tin và làm theo rất nhiều điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra, từ đường lối, chính sách, tất cả mọi cái, rồi cuối cùng thì mọi người đều phẫn nộ trước sự lừa mị và dối trá".

Một nhà hoạt động bất đồng chính kiến hiện sống ở Sài Gòn là ông Huỳnh Công Thuận, từng bị đánh đập vì những hoạt động của mình, thì nói chuyện chống tham nhũng chỉ là cái cớ để Đảng Cộng sản làm chuyện khác :

"Nói về tham nhũng thì các ông cán bộ cộng sản Việt Nam này, kể cả những người làm cho nhà nước mà không có trong đảng, thì không người nào mà không tham nhũng. Càng cao thì tham nhũng càng nhiều, thành ra ông ấy chọn việc chống tham nhũng là chỉ trên danh nghĩa thôi, rồi ông ấy lựa người, người nào ông ấy thích. Cánh ông Trọng hay cánh nào mạnh sẽ lợi dụng việc này để đánh thôi, chứ thật sự không có hiệu quả gì về chống tham nhũng".

Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân bị mất đất ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, từng hai lần bị kêu án tù, nói rằng tham nhũng là những gì rất cụ thể trước mắt mà Đảng Cộng sản không hề đụng tới :

"Tôi là nông dân, về am hiểu tình hình chính trị thì tôi không biết nhiều đâu, nhưng tôi thấy thế này, nếu như họ thật sự chống tham nhũng, thực sự nghĩ đến người dân, thì chắc họ cũng không ra tay đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến trong năm 2017 vừa qua. Nếu họ chống tham nhũng thật thì họ phải xem xét đến quyền lợi của người dân. Đấy, cái bọn cướp đất trả bọn tôi chỉ 250 nghìn, 260 nghìn một mét vuông, mà bán ít nhất 31 triệu 500 nghìn một mét vuông. Cái đấy là tham nhũng, cái đấy là cướp đất của nhân dân. Họ cũng chưa có động thái gì cả, còn chống tham nhũng chổ nào thì chúng tôi chẳng biết".

Khi được hỏi rằng những phiên xử án liên quan đến những vụ tham nhũng đang diễn ra tại Việt Nam có liên quan gì đến uy tín của Đảng Cộng sản trong dân chúng hay không, Linh mục Phan Văn Lợi, một người bất đồng chính kiến sống tại Huế nói với RFA :

"Những người không thấy, không theo dõi thì họ nghĩ rằng bây giờ có những quan chức to như Đinh La Thăng, một thành viên Bộ chính trị mà bị như vậy, thì họ cho rằng Đảng Cộng sản cũng có thiện chí gì đó, bắt tù những ai phạm pháp, gây tổn hại nền kinh tế. Nhưng những người theo dõi thời cuộc và việc làm của Đảng Cộng sản độc tài này thì người ta cũng không có hy vọng gì cả".

Chống tham nhũng có tạo nên sự tích cực

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng việc chống tham nhũng hiện nay của ông Nguyễn Phú Trọng có tạo nên những ảnh hưởng tích cực, nhưng cho rằng việc này cũng không động đến gốc rễ của vấn đề tham nhũng của xã hội Việt Nam.

Blogger Nguyễn Vũ Bình, một nhân vật bất đồng chính kiến hiện sống ở Hà Nội, từng bị bỏ tù vì những phát biểu đòi cải cách thể chế chính trị Việt Nam sang hệ thống đa nguyên, nói với RFA về uy tín của Đảng Cộng sản hiện nay :

"Tất nhiên là có ít nhiều tăng lên. Mình là người bất đồng chính kiến mà mình cũng phải công nhận là nó có tiến bộ vì nó động đến những nhân vật và nhóm nhân vật quyền lực nhất. Đối với những người trong Đảng và nhân dân còn ít nhiều tin Đảng thì nó ít nhiều tăng lên. Nhưng vấn đề tham nhũng ở Việt Nam không phải là nhân vật, thậm chí cũng không phải là nhóm lợi ích, mà là cơ chế. Cũng không có nhiều người hiểu được cái này, bởi vì tham nhũng tràn lan ở tất cả các cấp. Tham nhũng là phương thức tự tồn tại của mỗi cá nhân trong hệ thống".

Nhà văn Nguyễn Viện hiện sống tại Sài gòn cũng có cái nhìn khá tương đồng với ông Nguyễn Vũ Bình :

"Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vẻ là đang đi vào cao trào, càng ngày người ta càng thấy sự quyết liệt của ông Trọng rõ rệt hơn. Xét về mặt nhà nước đây cũng là một cố gằng mà ông Trọng muốn làm, trước hết là làm trong sạch bộ máy nhà nước, sau là bộ máy đảng của ông ấy. Dù thế nào thì nó cũng có mặt tích cực là làm lành mạnh hóa bộ máy nhà nước, cho dù cũng không ít dư luận cho rằng đây cũng là góc độ của việc thanh trừng nội bộ".

Ông Nguyễn Viện là một nhân viên chế độ Việt Nam Cộng Hòa, được nhà nước cộng sản Việt Nam sử dụng lại sau năm 1975. Ông là một trong những người khởi xướng việc đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, và vì thế đã bị tù cải tạo từ trong những năm cuối thập niên 1970.

Ông Nguyễn Viện giải thích rõ hơn những gì ông chia sẻ với ông Nguyễn Vũ Bình :

"Cái cơ sở để tạo ra tham nhũng thì có lẽ ông Trọng không sờ tới, chưa dám đụng tới. Cái cơ chế của chế độ thiếu sự kiểm soát, vì đảng ông là một đảng độc tài, thành ra là thiếu sự kiểm soát của công luận, thiếu sự minh bạch đối với công luận, không được nhân dân kiểm soát một cách thực tế. Tức là quyền phát biểu chính kiến, tự do ngôn luận để ngăn ngừa, giảm tác hại của sự khiếm khuyết trong hệ thống cai trị".

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi về sự cảm nhận của những người bất đồng chính kiến về cá nhân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Huỳnh Công Thuận nói rằng không như mọi người nghĩ, ông Trọng là người có thể làm những chuyện mà ông gọi là kinh thiên động địa, ví dụ như ông đã cho phép mật vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một bị can tham nhũng mang về nước.

Chuyện này đã gây nên khó khăn cho quan hệ Việt Đức cho đến nay.

Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên uy tín trong đảng của ông để có thể ngồi lại ở chức vị Tổng Bí thư cho đến hết nhiệm kỳ.

Nhà văn Nguyễn Viện cũng công nhận rằng ông Nguyễn Phú Trọng là một con người nhiều mưu lược :

"Xưa nay ông ấy hay bị người ta gọi xách mé, nhưng cho tới nay ai cũng thấy ông ấy là quá thâm trầm, quá mưu lược, để ông ấy đi từng bước, chậm nhưng chắc, trong vấn đề củng cố quyền lực và để thực hiện những ước vọng của ông ấy. Có lần ông ấy cũng không giấu khi ông ấy làm một bài thơ tặng khách sạn Mường Thanh rằng ông ấy cũng muốn lưu truyền sử xanh. Dù thế nào thì đấy cũng là một ý hướng tốt. Người ta chỉ lưu truyền sử xanh khi người ta làm điều gì ích quốc lợi dân".

Ông Nguyễn Viện kết thúc rằng ông cũng mong rằng ông Trọng sẽ làm điều gì đó ích quốc lợi dân".

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 04/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)