Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2018

Sau tinh giảm Bộ Công an : quy đầu mối về Chủ tịch nước ?

Ánh Liên

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý thông qua đề án về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (không tổ chức cấp trung gian ; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân).

bca1

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.

Truy cứu trách nhiệm ông Chủ tịch nước ?

Đề án này gặp sự ủng hộ của phía xã hội, bởi sự phình to của thanh bảo kiếm chỉ khiến cho xã hội ngày càng bất an. Ngoài ra, việc mở cửa đầu đầu vào công an ào ạt trước đây cũng khiến cho tệ tham nhũng, nhũng nhiễu dân ngày càng tăng, tạo hình ảnh xấu đến mức báo chí phải cứu rỗi bằng loạt bài nhặt được tiền rơi - trả lại người mất hay dẫn dắt người già quên đường về nhà.

Câu chuyện này là tín hiệu đáng mừng, và vai trò của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần được ghi nhận trong nỗ lực đẩy mạnh những hoạt động nhằm tinh giảm bộ máy, cơ sở của phòng chống tham nhũng (từ 120 vụ, 120 cục trưởng, 300 cục phó không còn nữa sau đề án này) và thực thi từng bướcNghị quyết số 18 về 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' mà ông Tổng bí thư đã ký ban hành trong ngày 25/10/2017. Điều quan trọng nhất, nó là động lực thúc đẩy xóa sổ tàn tích phá hoại của người tiền nhiệm và thân hữu mang tên Nguyễn Tấn Dũng.

Trong bài viết của báo Tuổi Trẻ được đăng vào 9g00 sáng ngày 03/04/2018, với tiêu đề : Tái cơ cấu Bộ Công an : Cần 'bàn tay sạch'. Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an) khi trả lời phỏng vấn đã cho rằng : Để đẻ ra bộ máy khổng lồ như hiện nay, theo tôi, những người tiền nhiệm ở Bộ Công an cũng phải chịu trách nhiệm.

Điều đáng chú ý là, câu nói quan trọng này ngay sau đó bị lược bỏ và hiện chỉ còn lưu trữ ở một vài trang đăng tải lại. Nó cho thấy, khả năng chức vụ 2 nhiệm kỳ của ông Trần Đại Quang là cực kỳ mong manh, khi trách nhiệm trong thời kỳ mở rộng cửa vào công an hay xu hướng phong tướng quá đà đã được nhắc lại trong thời kỳ này. Và việc tinh giảm biên chế với câu chuyện ‘trách nhiệm người tiền nhiệm ở Bộ Công an’ cũng phần nào phác họa được (hoặc gia cố một cách chắn chắc) bức tranh phe phái trong Bộ chính trị Việt nam, khi Chủ tịch nước hiện nay bị cho là 'đồng hữu với X' ( ?).

Các Bộ khác có theo không ?

Có một chỉ dấu rằng, sau Bộ Công an sẽ là Bộ Quốc phòng, bởi Bộ này cũng lạm phát về mặt nhân sự.

Một sự kiện có liên quan là vào tháng 10/2015, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký các quyết định bổ nhiệm 4 thứ trưởng Bộ Quốc phòng đều là các tướng lĩnh mang hàm trung tướng, nâng con số Thứ trưởng lên 8 người. Bộ này cũng từng bị Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phản ánh là quá nhiều tướng trong thời bình. Nhưng đáp trả lại, đại tướng Phùng Quang Thanh lúc đó vẫn nhấn mạnh cần giữ mức trần về phong tướng để tránh anh em tâm tư, đồng thời qua cách trình bày của tướng Thanh, thì cũng cho thấy bộ máy của Quân đội khá lớn, đến mức ông Bộ trưởng lúc ấy phải thừa nhận là ‘khó sắp xếp’. Chưa kể, ngay cả việc không phong hàm thiếu tướng cho Chủ nhiệm khoa Mác-Lênin và Chủ nhiệm khoa quân chủng đã vấp phải một lực cản lớn, đến nỗi ông Phùng Quang Thanh thẳng thắn bảo rằng : Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. […] Rất là khó các đồng chí ạ’.

Câu chuyện ‘tâm tư’ như vậy cũng là một dấu hỏi ở các Bộ khác, câu chuyện thu gọn lại không hề dễ dàng, ít nhất về mặt Tổng cục, bởi điều quan trọng nhất là nó không gặp phải về mặt sức ép xã hội (như cách mà Bộ Công an đã gặp sức ép và buộc phải chuyển đổi), đó là chưa kể sự phình to của Bộ Công an có liên quan đến thời kỳ đồng chí X và ông Trần Đại Quang, còn những Bộ khác gần như không nhận được sự quan tâm đó. Chưa kể, mức độ tiêu thụ ngân sách nhà nước (hoặc là biệt đãi chế độ) của các Bộ khác so với Bộ Công an là quá nhỏ.

Và còn gì nữa ?

Tinh giảm bộ máy công an suy cho cùng cũng là dọn dẹp những bãi thừa mà X và đồng hữu gây ra. Và nó nằm trong quy trình bẻ gãy từng vây cánh của thế lực ăn tàn phá hoại này. Cần chú ý, sự kiện này nên được nhóm vào trong sự kiện Thanh tra quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở Kiên Giang (được Phó Tổng thanh tra chính phủ Đặng Công Huấn công bố vào chiều 02/04).

bca2

Chiều 2/4, Phó Tổng Thanh tra chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường đối với tỉnh Kiên Giang.

Kế hoạch thanh tra này là đáng chú ý, khi Kiên Giang là nơi con trai cả ông Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị đang đương chức Bí thư tỉnh ủy. Và cũng chính vì lý do này, mà khi nó được thông qua, ông Phan Văn Sáu (Tổng Thanh tra chính phủ) đã lập tức đâm đơn xin từ nhiệm vì không chịu được ‘nhiệt’ từ ‘lò’, bởi ông hiểu hơn ai hết, công cuộc chống tham nhũng thì Thanh tra chính phủ sẽ không đứng ngoài cuộc. Và kết quả, vị Tổng Thanh tra chính phủ này đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và lui về ở ẩn tại vùng Sóc Trăng với chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, bỏ lại lời hứa dài dòng và hoành tráng cái thời nhậm chức Tổng thanh tra Chính phủ.

Cuộc chiến đốt lò lần này đi đúng theo các quy trình đã định, từ việc nắm mấu chốt bên lực lượng vũ trang nhân dân, cho đến bắt giữ các đối tượng và nhóm đối tượng lạm dụng quyền lực, và tiến hành tinh gọn bộ máy, quy và truy cứu trách nhiệm của những đối tượng ‘tiền nhiệm’ tại các cơ quan này, cũng như sử dụng những sĩ quan cấp cao để lên mặt báo và đặt câu hỏi, làm rõ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, bẻ gãy những thân hữu chủ chốt của X.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 05/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 951 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)