Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2018

Nguyên thống đốc Nguyễn Văn Bình đã… ‘trắng án’ ?

Trần Thành

Mặc dù phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng trong vụ án Ngân hàng Đại Dương chưa có hiệu lực thi hành, xong ông Nguyễn Văn Bình đã tạm thở phào khi vấn đề "ngân hàng 0 đồng" đã không xướng tên ông trong bản án tuyên.

binh0

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có nằm chung số phận với ông Đinh La Thăng ? Ảnh minh họa

Nửa tháng sau kể từ phiên chất vấn ở Quốc hội hôm 17/11/2017, trong đó có câu hỏi vấn đề cấp vốn cho ba "ngân hàng 0 đồng" - Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) của đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), đến ngày 4/12/2017 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng có văn bản trả lời rằng : "Cho đến nay cả ba ngân hàng đều chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ".

Ông Hưng giải thích, khi đề xuất, phương án Nhà nước cấp vốn để tăng vốn điều lệ được xem là tạo cơ hội lớn nhất và nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, phương án đó cần sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính khá lớn từ Nhà nước, trong khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập/hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại (mua lại hoặc sáp nhập, hợp nhất). Hướng sẽ là ưu tiên các nhà đầu tư tham gia đàm phán trước.

Như vậy, giải pháp của Thống đốc Lê Minh Hưng không hề khác với điều mà hai bị cáo Hà Văn Thắm và Đinh La Thăng trong vụ án Oceanbank, rằng nếu cho họ "bán nợ", thay vì ép họ phải bán cho Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng, thì chắc hẳn sẽ không có chuyện được cho là thất thoát phải đền bù như bản án tuyên phiên sơ thẩm.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã quyết định mua bắt buộc CBBank, GPBank và Oceanbank với giá 0 đồng, chuyển đổi thành 3 ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Ngân hàng Nhà nước làm chủ sở hữu ; đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích của các cổ đông, kèm tuyên bố bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.

Thế nhưng trên thực tế thì ngoài chuyện ‘quốc hữu hóa’ số vốn cổ đông tư nhân, cùng với những giá trị tài sản hữu hình và vô hình khác của 3 thương hiệu nhà băng này, phía Ngân hàng Nhà nước đã không bỏ thêm ngân sách để tăng vốn điều lệ như lúc tuyên bố mua 0 đồng. Mọi hoạt động của 3 ngân hàng này vẫn trôi chảy, ngoại trừ những quan chức của họ chịu cảnh tù tội.

Theo quy định, vốn điều lệ của một ngân hàng tối thiểu 3.000 tỉ đồng. câu hỏi đặt ra là sau khi bị mua 0 đồng, CBBank, GPBank và Oceanbank có số vốn điều lệ bao nhiêu, và tiền đâu để các ngân hàng này hoạt động trong gần 3 năm qua ?

Ai cũng biết, mặc dù vốn điều lệ của 3 ngân hàng sau khi bị mua lại với giá 0 đồng, thì cũng đồng nghĩa chỉ có 0 đồng vốn điều lệ và nó cũng chỉ mang danh nghĩa, chứ không có nghĩa là không có vốn để kinh doanh. Bởi các ngân hàng này vẫn huy động được tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đồng thời vay được tiền trên thị trường liên ngân hàng, hoặc được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn trong thời gian ngắn, sau đó phải hoàn trả cho Ngân hàng Nhà nước. Cứ thế, nguồn vốn đến từ kênh tiết kiệm, thị trường liên ngân hàng hoặc từ Ngân hàng Nhà nước được các ngân hàng 0 đồng quay vòng để kinh doanh.

Quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ ở các ngân hàng 0 đồng, khi 100% vốn điều lệ ngân hàng thuộc về nhà nước thì quyền cổ đông không còn, mặc dù trên thực tế thì các ngân hàng bị mua vẫn còn tài sản nên khi bị ép bán cổ phần với giá 0 đồng, hành vi đó không khác với việc quốc hữu hóa đồng vốn, và tài sản tư nhân như thời kỳ "cải tạo tư sản mại bản" ở miền Nam sau tháng 4/1975.

Có lẽ mọi chuyện còn chờ đợi phiên phúc thẩm sắp tới. Nếu như đã chấp nhận "hồi tố" về những vi phạm trong góp vốn thời ông Đinh La Thăng còn quản lý doanh nghiệp, thì khả năng nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải hầu tòa, vì các cổ đông nhỏ có quyền yêu cầu CBBank, GPBank và Oceanbank công khai quá trình bị mua cổ phần 0 đồng, bao gồm các thông tin định giá cổ phần, vốn pháp định âm bao nhiêu, giá trị tài sản, nguyên nhân và trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng…

Trường hợp các ngân hàng 0 đồng không đáp ứng các điều kiện này thì cổ đông có thể khởi kiện với lý do quyền lợi bị ảnh hưởng, thông tin ngân hàng chưa minh bạch… Lúc đó - nếu công lý ở Việt Nam không phải chỉ là tên riêng của một anh hề trên sân khấu, thì nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình buộc phải hầu tòa để trả lời tất cả các câu hỏi ấy từ những cổ đông nạn nhân, về việc họ bị ép bán cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 05/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 893 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)