Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2018

Đất miếng mồi béo bỡ, lao động bất hợp pháp, thảm họa Formosa

RFA tiếng Việt

Đất vẫn là mồi béo cho quan chức (RFA, 04/04/2018)

Tại Việt Nam lại xảy ra một vụ tranh chấp đất giữa chính quyền với dân địa phương mà người dân phản ứng mạnh dẫn đến xô xát, bắt cán bộ làm con tin và rồi cơ quan chức năng điều lực lượng cơ động đến để trấn áp dân phản đối.

vn1

Lực lượng rất đông gồm cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông được cho của xã Đèo Gia và huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang đến trấn áp người dân phản đối cưỡng chế đất tại địa phương.  Courtesy of Social Media

Tình trạng này nói lên điều gì ?

Vụ mới nhất nhưng theo cách cũ thu hồi đất bán cho doanh nghiệp

Khoảng hai giờ chiều ngày 31 tháng 3, một lực lượng rất đông gồm cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông được cho của xã Đèo Gia và huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang đến trấn áp người dân phản đối cưỡng chế đất tại địa phương.

Hình ảnh video tung lên mạng Internet cho thấy người phản đối dùng đá ném lại lực lượng chức năng. Hậu quả là một số người dân tại hiện trường nằm bất tỉnh, còn một số khác bị lực lượng chức năng bắt đi.

Theo lời kể của người dân một ngày trước tức vào ngày 30 tháng 3 một số người bị lực lượng công an đánh phải nhập viện cấp cứu, nên họ liền bắt một số cán bộ công an và giam giữ tại nhà văn hóa Thôn Đèo Gia.

Nguyên nhân vụ việc được cho biết là do mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền. Theo người dân, khu đất mâu thuẫn nằm tại Thôn Đèo Gia trước đây là đất rừng và hiện đang được chính quyền giao cho dân canh tác, nhưng nay lại có thông tin chính quyền bán một nửa phần đất này cho doanh nghiệp, phần còn lại mới giao cho dân. Một người xin dấu tên cho biết :

Đất này thuộc đất lâm nghiệp, do nhà nước giao cho dân quản lý, không cho ai chặt phá rừng. Đến năm 2016, nhà nước có văn bản giao đất để dân canh tác, làm ăn trên mảnh đất ấy để phát triển kinh tế. Một xã có 7 thôn thì 6 thôn kia đã được nhận đất, giao sổ rồi. Chỉ còn mỗi Thôn Đèo Gia, người ta muốn là một nửa cho công ty, còn một nửa mới giao cho dân. Thế là dân phản ánh, không đồng tình.

Người dân Thôn Đèo Gia cho biết sau khi nghe tin một số cán bộ xã và huyện loan tin bán đất cho doanh nghiệp, họ liền đi chặt cây rừng khoanh lương làm rẫy vì họ cho biết hoàn cảnh khó khăn, sợ không có đất trồng trọt thì sẽ bị đói. Sau đó, chính quyền địa phương được cho rằng đã vịn cớ người dân Thôn Đèo Gia phá rừng nên huy động lực lượng đến đàn áp. Một người có người thân bị đánh nhập viện chia sẻ với chúng tôi.

Dân nghĩ bảo là tự dưng mình gìn giữ đất này bao nhiêu đời từ thời các cụ rồi. Từ thời đấy giữ gìn đất mà bây giờ dân không được canh tác, làm ăn mà phải vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Tại sao đất đấy không giao cho dân canh tác làm ăn mà lại giao cho công ty là thế nào ? Dân tức quá mới tự lên phá, rào quanh vùng lại.

Cổng thông tin điện tử Huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang hôm 31 tháng 1 đăng tải thông tin ông La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND huyện, Tổ tuyên truyền, Công an huyện, Đảng ủy- UBND xã Đèo Gia và Chi bộ thôn Đèo Gia về công tác giao rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thôn Đèo Gia. Theo nguyên văn của văn bản thì ‘Công an huyện phối hợp với Công an xã Đèo Gia tăng cường lực lượng tuần tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp phá hoại tài sản ; khẩn trương làm rõ các đối tượng vi phạm.’

Chúng tôi liên hệ ông La Văn Nam mong có được thông tin cụ thể hơn về những trường hợp vi phạm cũng như nhận định từ phía chính quyền, và được ông cho biết :

Anh ơi, nguyên tắc phát ngôn là đồng chí Bí thư Huyện uỷ. Điện cho Bí thư Huyện uỷ. Tôi là phó thôi. Cảm ơn anh.

Chúng tôi liên hệ với ông Thân Văn Khánh, Bí thư Huyện uỷ Huyện Lục Ngạn nhưng ông này từ chối trả lời.

Nếu mà có ấy (vấn đề gì) thì anh cứ sang gặp Uỷ ban nhé. Cứ về đây làm việc với Uỷ ban. Tôi không làm việc qua điện thoại đâu nhé.

Cưỡng chế đất đai - Vấn đề nóng

Trong những năm qua, các vụ việc cưỡng chế đất tiếp tục diễn ra. Vụ tại Đèo Gia, Lục Ngạn, Bắc Giang cũng tương tự vụ Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng tư năm ngoái. Khi đó, chính quyền tiến hành cưỡng chế thu hồi mảnh đất hơn 100 hecta tại Đồng Sênh, thôn Hoành để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel vì nói rằng đây là đất quốc phòng. Người dân lại cho rằng đây chỉ là một phần đất quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp. Đỉnh điểm vụ việc xảy ra khi người dân phản ứng dữ dội và bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động giam trong nhà văn hoá thôn. Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân.

Một số vụ được nhiều người biết đến trước đó gồm Dương Nội từ năm 2010 đến nay, vụ ‘tiếng súng hoa cải’ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng năm 2012 hoặc nhiều câu chuyện đất đai khác đều có điểm chung là người dân đã cương quyết phản kháng, chống lại việc chính quyền tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất bằng bạo lực mà người dân trong diện bị thu hồi phát hiện đất được lấy để bán cho doanh nghiệp làm dự án bất chấp qui định chỉ lấy đất của dân để phục vụ mục tiêu công ích hay quốc phòng.

Một tin liên quan vấn đề quản lý đất đai là vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam về tỉnh Kiên Giang thông báo quyết định tiến hành thanh tra toàn diện những lĩnh vực mà truyền thông Nhà Nước gọi là ‘nhạy cảm’ ở tỉnh này nhất là công tác quản lý đất đai.

Kiên Giang là tỉnh có đảo Phú Quốc đang được xem là thiên đường du lịch. Đất đai trở nên đắt giá vì nhiều nhà đầu tư muốn bỏ vốn để xây dựng các khu nghỉ mát cho khách có tiền.

Nhiều sai phạm tại Phú Quốc như vụ Khách sạn 5 sao Hương Biển vi phạm hành lang biển đến nay vẫn chưa được xử lý. Bí thư tỉnh Kiên Giang hiện nay là ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

*********************

Người Việt lao động bất hợp pháp tại Thái Lan ‘tiến thoái lưỡng nan’ (RFA, 04/04/2018)

Hàng ngàn người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở Thái Lan đối diện với nguy cơ bị phạt nặng hoặc trục xuất về nước trước các đợt truy quét theo luật nghiêm ngặt của chính quyền nước này đối với lao động bất hợp pháp.

vn2

Cửa khẩu giữa Thái Lan và Campuchia nơi người lao động Việt Nam thường làm visa sang Thái Lan lao động. Hình chụp năm 2012 - RFA

Chính phủ Thái Lan cho biết ngày 31 tháng 3 năm 2018 là hạn chót cho việc đăng ký hợp pháp hóa những lao động nhập cư trái phép và không muốn gia hạn thêm thời gian đăng ký cho người làm việc không giấy tờ nữa.

Truyền thông Thái Lan trích dẫn lời cảnh báo của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha yêu cầu những người nước ngoài chưa có giấy phép lao động và thị thực cư trú hãy trở về nước, nếu không sẽ đối mặt với hành động pháp lý nghiêm khắc.

Vướng mắc pháp lý

Theo thông tin từ Bộ Lao động Thái Lan, hiện cơ quan này chỉ cấp phép cho lao động mang quốc tịch Việt Nam hoạt động trong hai ngành là đánh bắt cá và xây dựng. Các ngành khác hai nước chưa có thỏa thuận chính thức. Chính vì vậy, trong đợt đăng ký làm việc này, phía Thái Lan cũng chỉ thúc đẩy cấp phép hoạt động cho các lao động Việt Nam ở hai ngành nghề vừa nêu.

Trao đổi với RFA nhiều người lao động bất hợp pháp tại Thái Lan nói rằng họ không nằm trong diện được phép đăng ký.

Anh Cao Lâm – làm việc trong Hiệp Hội Người Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, người am hiểu nhiều về đời sống công nhân Việt tại xứ Chùa Vàng nói anh được biết chỉ khoảng vài chục người được công nhận tư cách pháp lý để tiếp tục ở lại làm việc. Còn hàng ngàn người khác thì không đăng ký được.

Anh Cao Lâm nói : "Đa phần người Việt Nam qua đây làm ăn kinh doanh, bán hàng, may mặc, du lịch và các nghề tự do. Mà luật lao động Thái Lan chỉ cấp phép cho hai ngành đánh bắt cá và xây dựng. Trên thực tế, hai ngành này lao động Việt Nam không ưa chuộng, có mấy ai làm đâu, vì thu nhập rất thấp mà đăng ký thì cần nhiều thủ tục rườm rà".

Một thực tế của những người Việt chọn đất Thái để mưu sinh là vì đời sống tốt hơn, mức thu nhập cao hơn Việt Nam và người Thái thân thiện không kỳ thị người nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của những người tha phương cầu thực là không có địa vị pháp lý. Đa phần họ là những người nhập cư trái phép, đi du lịch rồi ở lại quá hạn visa, hoặc lao động trốn ra ngoài khi hết hợp đồng lao động.

Chị Nguyễn Ngọc Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) – một nhân viên bán hàng quần áo ở một cửa hàng thời trang nhỏ tại Bangkok nói : "Em đã nhiều lần muốn hợp pháp hóa tình trạng nhập cư của mình. Chứ có ai muốn sống trong tình trạng thấp thỏm có thể bị đuổi về bất kỳ lúc nào đâu. Nhưng cơ quan đăng ký đòi rất nhiều giấy tờ chứng minh nhân thân. Mà chủ quán cũng không dám bảo lãnh cho mình vì rất nhiều rắc rối có thể đến".

"Tiến thoái lưỡng nan"

Giới chủ lao động sử dụng lao động nước ngoài như Việt Nam chủ yếu để giảm chi phí nhân công và bù đắp vào những ngành mà người bản địa không muốn làm. Trước áp lực buộc đăng ký lao động, nhiều xưởng sản xuất thủ công đã lâm vào tình trạng thiếu nhân công trầm trọng do lao động nghỉ việc hoặc rời bỏ Thái Lan.

Bộ Lao động Thái Lan thông báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc việc môi giới và sử dụng lao động bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp thuê người nước ngoài làm việc không giấy tờ có thể đối mặt với tội danh buôn người. Mức phạt cho chủ thuê và môi giới lao động có thể bị phạt từ 600.000 đến 1 triệu baht (tương đương khoảng 17.000 - 29.000 USD). Lý do khác mà các doanh nghiệp lo ngại khi thuê lao động nước ngoài còn là vấn đề đóng thuế và các chi phí an sinh xã hội cho những lao động này cao.

Một người chủ doanh nghiệp người Việt sinh sống lâu năm tại Thái Lan cũng chia sẻ trong tình trạng ẩn danh về sự khó khăn khi tiếp nhận lao động Việt Nam là khi công nhân "nhảy việc" ra ngoài thì chủ cũng bị liên đới trách nhiệm.

"Lao động tự do muốn đăng ký phải có người chủ sở hữu lao động. Và đã nhận lao động nước ngoài thì cũng vướng nhiều quy định pháp luật hơn so với người bản xứ. Mà nhận lao động "chui" thì giá rẻ hơn nhưng lại dễ bị cảnh sát chú ý. Phải nói thẳng ra là chính quyền Thái cũng không muốn có nhiều người lao động Việt trên đất Thái vì nhiều lý do, thế nên trên danh nghĩa thì nói là cho phép làm việc nhưng trong thực tế thì để lách qua được khe hở đó là rất khó".

Anh Cao Lâm cho chúng tôi biết trong các chiến dịch truy quét gần đây, nhiều người Việt đã bị bắt giữ và nộp phạt. Một lao động bất hợp pháp có thể bị nộp một khoản tiền phạt lên tới 3.000 USD và chịu mức án 5 năm tù giam.

"Hiện nay nhiều người đã bị bắt. Vừa rồi gần chỗ tôi ở đây công an họ bắt một xe khoảng tầm 50 người. Nghe thông tin thì họ sẽ truy quét thêm nhiều lần nữa. Khi gặp truy quét thì họ trốn chui trốn lủi, sau các đợt truy quét thì lại ra làm việc. Duy trì cuộc sống mưu sinh chứ bây giờ về nhà thì họ lấy gì mà ăn. Điều kiện mưu sinh bắt buộc họ phải trốn chui trốn nhủi vậy thôi", anh Cao Lâm chia sẻ.

Tiến Thiện

*******************

Giáo phận Vinh kêu gọi hành động đòi công lý cho nạn nhân thảm họa Formosa (RFA, 04/04/2018)

Ban Công lý và hòa bình cùng Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm biển miền Trung thuộc Giáo phận Vinh vào ngày 2 tháng 4 gửi thư kêu gọi hành động giúp đòi hỏi công bằng và công lý cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.

vn3

Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã về dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Vĩnh Luật thuộc hạt Văn Hạnh và chủ sự nghi thức làm phép đặt viên đá đầu tiên công trình xây dựng nhà mục vụ giáo xứ vào ngày 26/03/2018. Courtesy of giaophanvinh.net

Thư kêu gọi do hai linh mục Antôn Nguyễn Văn Đính và Giuse Phan Sỹ Phương ký tên gửi chủng sinh, tu sĩ nam nữ và cộng đồng dân Chúa Giáo phận Vinh cùng các nhà hoạt động cổ võ cho việc bảo vệ môi trường và đòi công lý cho nạn nhân thảm họa Formosa.

Theo thư kêu gọi, 2 năm sau thảm họa môi trường do công ty Gang thép Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung, đến nay, nhiều nạn nhân của thảm họa Formosa vẫn chưa được bồi thường xứng đáng. Thư cũng chỉ trích nhà cầm quyền đã vu khống, đàn áp, sách nhiễu và bắt bỏ tù những người đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho các nạn nhân do Formosa gây ra.

Văn bản cũng cho biết Giáo phận Vinh cùng nhiều tổ chức đã cố gắng hỗ trợ các nạn nhân và tìm kiếm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả như cứu trợ thực phẩm, cấp phát học bổng cho học sinh, hỗ trợ phương tiện để tái lập nghề nghiệp. Đồng thời, nhiều vị Linh mục đã cùng giáo dân đi đòi công bằng, gửi nhiều văn thư đến chính quyền cũng như thực hiện nhiều các chuyến vận động trong nước và quốc tế.

Giáo phận Vinh kêu gọi hành động bằng cách tham gia dâng lễ và tổ chức giờ chầu Thánh Thể để cầu nguyện, đồng thời, tổ chức thêm các buổi cầu nguyện cho những người đang bị bách hại, tù tội vì lên tiếng bênh vực cho các nạn nhân.

Quay lại trang chủ
Read 851 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)