Xuất hiện ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể hướng tầm ngắm vào mỏ "Cá Voi Xanh" mà Việt Nam đang hợp tác với một tập đoàn Mỹ, sau khi "gây áp lực", buộc Hà Nội phải ngưng dự án "Cá Rồng Đỏ" với công ty Tây Ban Nha.
ExxonMobil hợp tác với Việt Nam ở mỏ "Cá Voi Xanh" từ năm 2009.
Sau khi phía Việt Nam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án thăm dò dầu khí trên Biển Đông trước "áp lực của Trung Quốc", nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi là liệu Bắc Kinh có hành động tương tự với tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, vốn đang hợp tác khai thác mỏ khí tự nhiên với công ty dầu khí PetroVietnam.
Tàu hải giám Trung Quốc gần giàn khoan dầu gây tranh cãi ở Biển Đông năm 2014.
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer từ Australia cho rằng việc thăm dò dầu khí của Repsol ở vùng biển gần Bãi Tư Chính tại Trường Sa và dự án của ExxonMobil ở khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam là "hai vấn đề riêng rẽ".
Nhà nghiên cứu về Việt Nam này nói rằng Trung Quốc tuyên bố "đã đạt thỏa thuận với Việt Nam nhằm duy trì nguyên trạng ở Bãi Tư Chính", và khi chính quyền trong nước tái khởi động thăm dò dầu khí ở khu vực này năm ngoái, Trung Quốc đã "gây áp lực lớn" với Hà Nội, và thậm chí "đe dọa sử dụng vũ lực", khiến "Việt Nam phải xuống thang".
Ông Thayer cho rằng ExxonMobil "hoạt động ở một mỏ gần, nhưng không vượt quá đường đứt khúc chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò", mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông.
Giáo sư nghiên cứu lâu năm về Việt Nam dẫn các nguồn tin nói rằng "hai bên đã đạt nhận thức chung, không chính thức, về việc không can thiệp vào các hoạt động của bên kia nếu các hoạt động đó nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế".
Ông Thayer cho rằng sự thấu hiểu này sẽ "giảm bớt nguy cơ" đối với hợp tác hiện thời của ExxonMobil với Việt Nam.
Chuyên gia về Việt Nam này nhận định rằng việc ExxonMobil là công ty Mỹ, và rằng ông Rex Tillerson, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, từng làm giám đốc điều hành tại tập đoàn này đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ có "quyền lợi thương mại trực tiếp".
Ngoài mối quan hệ kinh tế, Việt Nam và Hoa Kỳ mới đây đã tiến hành một loạt các hoạt động củng cố hợp tác trên biển, nhất là chuyến thăm lịch sử của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cũng như việc Mỹ mới trao cho Hà Nội "sáu xuồng tuần tra".
"Trung Quốc gây áp lực đối với công ty Repsol của Tây Ban Nha là chuyện tương đối nhỏ, nhưng sẽ là chuyện lớn nếu Trung Quốc có hành động đối với một công ty của Mỹ", ông Thayer nói.
Repsol chưa phản hồi đề nghị phỏng vấn của VOA tiếng Việt về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác dầu khí với Việt Nam cũng như áp lực từ Trung Quốc.
Ông Rex Tillerson, cựu ngoại trưởng Mỹ, từng lãnh đạo ExxonMobil.
Tới tối 5/4 (giờ Việt Nam), ExxonMobil chưa hồi đáp với VOA tiếng Việt về hiện trạng dự án "Cá Voi Xanh", nhưng khi ông Tillerson chuẩn bị lên làm ngoại trưởng năm 2016, hãng này từng cho biết "đang tiến hành các hoạt động phát triển mỏ Cá Voi Xanh theo một hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí với tập đoàn PetroVietnam vào tháng Sáu năm 2009".
Theo hãng này, nơi tiến hành dự án "nằm ở vùng không có tranh chấp", đồng thời cho rằng "chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định" và "chúng không tác động tới kế hoạch kinh doanh của chúng tôi".
Theo ExxonMobil, mỏ "Cá Voi Xanh" "nằm cách bờ biển miền trung Việt Nam khoảng 80 km và ước tính có trữ lượng khoảng 3 – 8 nghìn mét khối khí đốt tự nhiên".
Hãng năng lượng của Mỹ cũng cho biết rằng "Cá Voi Xanh" là "phát hiện khí tự nhiên quan trọng" và có khả năng "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" của Việt Nam.
Trả lời Linh Đan của VOA tiếng Việt, tiến sĩ Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii nói rằng "Trung Quốc ráo riết vận động Việt Nam không tiến hành dự án ‘Cá Voi Xanh’ với ExxonMobil hồi tháng 11 năm ngoái, trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng".
Hiện chưa rõ nhà nghiên cứu này lấy nguồn từ đâu. Ông cho biết thêm rằng "dự án ‘Cá Voi Xanh' không bị ngừng lại", và vì nó nằm ở ngoài đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố nhận chủ quyền, nên "nó có nhiều cơ hội tồn tại hơn ‘Cá Rồng Đỏ’".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 05/04/2018