Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2018

Châu Á trong cuộc chiến chống 'tin giả' : cấm hay không ?

Jonathan Head

Mọi người đều đang nói về nó : "tin giả"

Tổng thống Trump công khai chỉ trích như vậy mỗi khi ông nhìn thấy một bài báo quan trọng, Đức Giáo hoàng lên án điều đó, các chính phủ thì đang phàn nàn về ảnh hưởng của nó, và tiến hành các phiên điều trần quốc hội.

fake1

Chính phủ Malaysia dán poster tại Kuala Lumpur, cảnh báo người dân chớ chia sẻ tin giả

Và giờ đây, Malaysia thông qua một đạo luật quy định tội về tin giả, với hình phạt lên đến sáu năm tù.

Tuy nhiên, chưa ai định nghĩa được tin giả là gì.

Thuật ngữ này được nhắc đến lần đầu tiên là trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Nhưng chuyện các bài báo cố ý xuyên tạc, giả mạo một nhà báo nghiên cứu thì đã có từ nhiều thế kỷ.

Định nghĩa về tin giả của chính phủ Malaysia trong luật vừa mới được thông qua thì lại sâu rộng hơn.

Theo luật, nó được quy định thành tội phổ biến "sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo, dù dưới dạng tài liệu, hình ảnh hoặc ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác có khả năng gợi từ hoặc ý tưởng".

Các nhóm nhân quyền đã nhanh chóng chỉ ra rằng luật này có thể được sử dụng để chống lại những ai mắc lỗi trong việc báo cáo hoặc trong các đăng tải lên mạng xã hội.

Hơn nữa, ít nhất một thành viên chính phủ đã tuyên bố rằng nếu các bài báo chỉ trích Thủ tướng Najib Razak trong vụ bê bối 1MDB nổi tiếng, khi mà hàng triệu đô la Mỹ của một ủy ban đầu tư do chính phủ điều hành đã bị tham ô, thì bất kỳ thông tin nào không được chính phủ xác nhận là đúng sẽ bị coi là tin giả.

Sự thật là luật này đã được đẩy nhanh thông qua trước khi cuộc tổng tuyển cử khó khăn diễn ra đã làm dấy lên nghi ngờ rằng mục đích chính của luật này là để đe dọa những người chỉ trích chính phủ.

fake2

Ông Najib từng là tâm điểm trong cuộc tranh cãi về việc sử dụng quỹ phát triển quốc gia của Malaysia

Tuy vậy, vẫn chưa rõ ràng liệu tin giả có phải là một vấn đề nghiêm trọng ở Malaysia.

Đáp lại những lo ngại về luật mới, Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Salleh Said Keruak đã chỉ ra thất bại của truyền thông nước ngoài trong việc nói đúng tước hiệu của những người Malaysia thượng lưu - điều này gây khó chịu, nhưng khó có thể coi là đe dọa đến an ninh quốc gia.

Bài báo tiếp tục chỉ trích truyền thông chính thống vốn đã đăng những bài tiêu cực về ông Najib, gọi đó là tin giả, và vì vậy xác nhận rằng luật mới nhắm đến họ hơn là kiểm soát các quan điểm trên mạng xã hội qua các tài khoản Facebook và Twitter giả mạo.

"Cẩn tắc vô ưu"

Một quốc gia khác là Singapore cũng đã nêu cao cảnh báo về nạn tin giả, và quốc hội đã có 50 giờ họp bàn về vấn đề này.

Giám đốc phụ trách chính sách của Facebook, ông Simon Milner đã bị Bộ trưởng Nội vụ K Shanmugam khiển trách công khai vì đã không nắm rõ mức độ dữ liệu người dùng bị công ty Cambridge Analytica sử dụng khi ông này phải làm điều trần Quốc hội Anh hồi đầu năm.

Tại phiên điều trần ở Singapore, giới học giả đã đưa ra một kịch bản cảnh báo về các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm tấn công quốc đảo này bởi các nhân tố bên ngoài.

Họ cũng cảnh báo về các lực lượng tác chiến mạng hoạt động ở Malaysia và Singapore nhưng làm việc cho các quốc gia khác nhằm mục đích phá hoại an ninh quốc gia.

Đây cũng là cơ hội để các học giả và giới chức Singapore tìm hiểu niềm tin của người Mỹ về tự do ngôn luận, về "thị trường ý tưởng", dẫn đến việc lạm dụng dữ liệu cá nhân trên Facebook, ngược lại với quan điểm "cẩn tắc vô ưu" của một xã hội được quản lý chặt chẽ hơn như Singapore.

Nhưng những ví dụ về tin giả được tranh luận ở đây thường là những tin vớ vẩn, ví dụ như một tấm hình lừa bịp về một mái nhà sụp đổ tại một khu nhà ở, khiến cho các quan chức vội vã đến hiện trường một cách không cần thiết ; hoặc một báo cáo không đúng về một vụ va chạm tàu hỏa.

Những tin giả như vậy có thể gây lo lắng và bực tức cho một vài người trong một lúc nhưng khó có thể khiến Singapore phải đầu hàng. Trong bất kỳ trường hợp nào, cả Singapore và Malaysia đều đã có rất nhiều luật có khả năng áp dụng để trừng phạt những bình luận sai, gây hiềm khích hoặc phỉ báng.

Một trào lưu nguy hiểm

Ở đất nước mà thông tin sai lệch trên mạng xã hội có ảnh hưởng tàn phá nhất, thì ngược lại, không có những lời phản đối luật về tin giả.

Myanmar cũng có nhiều luật hà khắc để ngăn cản bất kỳ thông báo nào có thể đe dọa đất nước hoặc xã hội, những luật này thường được áp dụng để bắt giam các nhà báo.

Nhưng những luật này không thể ngăn chặn một trào lưu nguy hiểm của các phát ngôn thù hận trên mạng xã hội, vốn đã giúp thúc đẩy tư tưởng chống Hồi giáo ở nước này.

Myanmar được biết đến nhiều từ một xã hội thậm chí không có điện thoại bàn lỗi thời, chỉ sau 3 năm đã có trên 40 triệu người dùng điện thoại di động.

Với 17 triệu người sử dụng Facebook, giống nhiều nước Châu Á khác, người dân Myanamar chủ yếu sử dụng mạng xã hội này để gửi tin nhắn và nhận thông tin.

Hầu hết mọi người không bận tâm tới email. Điều này cùng lúc với sự kết thúc của chế độ độc tài quân sự, và sự xuất hiện trong số đông cộng đồng Phật giáo nỗi sợ cố hữu về thiểu số Hồi giáo.

fake3

Tình trạng tin giả tràn ngập trên Facebook đã không giúp ích gì cho người Rohingya tại Myanmar

Rất dễ tìm kiếm các bộ phim hoạt hình hoặc hình chỉnh sửa trên Facebook miêu tả người Hồi giáo theo cách bôi nhọ và xúc phạm. Tệ hơn, có rất nhiều đăng tải không đúng về người Hồi giáo, với những hình ảnh cố ý cho thấy người Hồi giáo chống lại người theo đạo Phật.

Chính phủ không làm gì để ngăn chặn những thông tin sai lệch này, thậm chí có lúc có vẻ như còn khuyến khích chúng.

Ví dụ, trang Facebook của lực lượng vũ trang Myanmar vẫn đăng một bức hình khủng khiếp với tựa đề những xác chết bị cắt rời của trẻ sơ sinh đang bị những người Hồi giáo kéo lê, là những đứa trẻ theo Phật giáo của tộc người Rakhine bị giết bởi các tay súng Rohingya năm 1942.

Sự thật là bức ảnh này được chụp trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Bangladesh năm 1971.

Khi các nhà báo, trong đó có tôi, được trao cho những tấm hình hồi 9/2017 trong chuyến thăm bang Rakhine do chính phủ tổ chức để cho thấy người Hồi giáo tự đốt nhà của họ, nhằm ủng hộ khẳng định của giới chức rằng đây chính là nguyên nhân tàn phá các ngôi làng của ngưởi Rohingya, thì chúng tôi nhanh chóng xác thực được rằng thủ phạm trong các bức hình thực chất là người Ấn độ giáo ăn mặc giả làm người Hồi giáo.

Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ đã đăng một trong những bức ảnh này lên trang Twitter của mình với lời tựa "đó là sự thật", mặc dù sau đó ông này đã xóa bỏ đăng tải.

Tôi từng được nghe kể rất nghiêm túc rằng người Hồi giáo thường chặt xác người Phật giáo và nấu với thịt bò.

Những câu chuyện như vậy đang lan truyền thoải mái ở Myanamar, tạo ra làn sóng sợ hãi và căm ghét dẫn đến đe dọa những người theo chủ trương khoan dung phải im lặng.

Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về Myanmar Yanghee Lee, người bị rất nhiều lời lăng mạ trên mạng liên quan đến những báo cáo của bà về quyền con người ở Rakhine, và giờ đây bị cấm nhập cảnh vào Myanmar, đã miêu tả Facebook như "một con quái vật".

Facebook nói họ rất nghiêm túc trong vấn đề ngăn chặn, xử lý các ngôn ngữ thù địch, nhưng vẫn chưa thể ngăn cản việc sử dụng các trang để gia tăng xung đột tôn giáo.

Người thay đổi cuộc chơi mạng xã hội

Một quốc gia khác chịu ảnh hưởng sâu sắc của các phương tiện truyền thông xã hội là Philippines. Tại đây, những người chỉ trích Tổng thống Duterte đã cáo buộc những người ủng hộ ông về việc "vũ trang hóa" Facebook và Twitter nhằm làm sai lệch quan điểm dư luận và dập tắt bất đồng ý kiến.

Người Philippines nằm trong số người sử dụng Facebook nhiều nhất Châu Á, với hơn một phần ba dân số thường xuyên truy cập mạng xã hội này.

Điều này đã biến Facebook thành một nơi có khả năng thay đổi cuộc chơi của các chính trị gia biết cách vận dụng mạng xã hội ở một đất nước mà sự cạnh tranh trong truyền thông truyền thống diễn ra rất sôi động, quyết liệt.

fake4

Việc sử dụng Facebook đã trở nên phổ biến ở Philippines

Cuộc bầu cử năm 2016 đã đưa Rodrigo Duterte, một ứng viên tham gia cuộc đua muộn và là người đứng ở vị trí 'kẻ ngoài cuộc' trở thành tổng thống.

Trước đó, internet đã được các chuyên gia quan hệ công chúng khai thác nhằm tăng ý kiến, từ đó hình thành cái gọi là "công ty bấm" (click factories), nơi mà hàng nghìn công nhân lương thấp đã tăng số lần bấm chuột vào các trang web cụ thể, và các công ty cung cấp hàng trăm tài khoản Facebook hoặc Twitter ảo để hỗ trợ hồ sơ trực tuyến của khách hàng.

Sau khi tuyên bố chạy đua vào tháng 11/2015, ông Duterte đã thuê các chuyên gia truyền thông xã hội tạo chiến lược phá vỡ thông lệ là phải phụ thuộc vào báo chí và các kênh tivi chính thống.

Chiến lược này đã phát huy hiệu quả, nhắm vào khát vọng thay đổi của rất nhiều người dân Phillipines.

Nhưng giới nghiên cứu cũng phát hiện ra điều mà họ nói rằng đã có tình trạng sử dụng tài khoản Facebook ảo để khuếch trương thông điệp ủng hộ Duterte, điều mà nhóm làm việc cho tổng thống bác bỏ.

fake5

Ông Duterte đã thành công trong việc dùng Facebook để hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của mình

Trang tin trực tuyến Rappler đã công bố báo cáo chi tiết về vụ này vào tháng 10/2016, gây phẫn nộ cho những người ủng hộ ông Duterte.

Rappler tin rằng chính điều này đã dẫn tới việc Ủy ban Chứng khoán Phillipnes hồi tháng Một năm nay ra phán quyết rằng trang tin thuộc sở hữu bất hợp pháp của đầu tư nước ngoài, điều lần đầu tiên do tổng thống tuyên bố hồi năm ngoái.

Rappler cũng nhấn mạnh các thuật toán của Facebook có thể biến thành "trò chơi" nhằm đảm bảo nội dung nhất định luôn xuất hiện trên trang tin tức của người dùng.

Những người ủng hộ Tổng thống Duterte đã thành công trong việc sử dụng Facebook và các trang khác để gây cuộc chiến bằng lời chống lại những người chỉ trích tổng thống, hoặc bất cứ ai đưa ra các báo cáo bất lợi.

Tôi đã trải nghiệm điều này vào tháng 9/2016 sau khi BBC công bố một báo cáo về chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đã làm hàng ngàn người và cảnh sát bị giết.

Tôi đã nhận được vô vàn tin nhắn thù nghịch, và cả những đe dọa giết chết tôi trên trang Facebook cá nhân, và trang tiếp nhận khiếu nại của BBC tràn ngập những lời phản đối giống nhau về báo cáo "sai lầm và thiên vị". Maria Ressa, Giám đốc điều hành và người sáng lập Rappler, đã có lúc nhận được 90 tin nhắn thể hiện sự căm ghét trong vòng một giờ.

Một phần, phản ứng hiếu chiến này được định hình bởi mô tả của chính ông Duterte về vai trò tổng thống của mình, như là một cuộc chiến để cứu đất nước của ông hơn là cứu một chính quyền khác.

Ông Duterte sử dụng ngôn ngữ cảm xúc và hăng hái để miêu tả sứ mệnh của mình, công khai dọa giết những ai chống lại ông, kể cả nhà báo, và cho rằng ông cũng có thể bị giết bởi những kẻ giấu mặt.

Thành công trong việc thúc đẩy những người bỏ phiếu cho ông tin rằng ông như một vị cứu tinh của Philippines, ông, cũng như Tổng thống Mỹ Trump, tiêm nhiễm vào những người ủng hộ ông sự không tin tưởng vào truyền thông truyền thống vốn bị cho rằng dưới kiểm soát bởi những nhóm lợi ích muốn ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Không nơi nào có bầu không khí chính trị bị phân cực nhiều như Myanamar và Philippines.

Tuy nhiên, các phiên điều trần tại Thượng viện Philippines đã kết luận rằng đạo luật về tin giả là không cần thiết và có thể phản tác dụng.

Clarissa David, giáo sư truyền thông đại chúng tại Đại học Philippines đã ra điều trần trước Thượng viện về sự nguy hại của môi trường thông tin mà bà miêu tả là "ô nhiễm", mà không ai dám chắc cái gì là thật và đáng tin, và cái gì là giả.

Nhưng bà cũng cảnh báo những định nghĩa sơ sài về tin giả. Bà lập luận việc cố gắng ngăn cấm tin giả là điều không đáng so với những cái giá phải hy sinh để có tự do báo chí.

Quan điểm của bà đã được nêu ra để tranh luận, nhưng đã thất bại ở Malaysia.

Quay lại trang chủ
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)