‘Ảnh hưởng đến trường’ là kết quả của sự ươn hèn, quỳ gối trước vấn nạn thành tích trong giáo dục.
Khi cô giáo bị bắt quỳ 40 phút, Hiệu trưởng bị buộc thôi việc, còn người bắt quỳ bị khai trừ Đảng.
Sự kiện cô giáo bị bắt quỳ được coi như một sự kiện nóng, dư luận và trong đó có rất nhiều giáo viên muốn ‘mạnh tay’ để bảo vệ nhà giáo – một nghề được định hình trong tư tưởng Nho gia là ‘nghề cao quý của xã hội’.
Em Phạm Song Toàn - người đã lên tiếng vì hành vi bạo hành tinh thần của cô giáo Trần Thị Minh Châu đã phải chuyển trường vì áp lực.
Nhưng cô giáo bị bắt quỳ cũng phản ảnh một nhân cách, mà nhiều nhà sư phạm cũng cho rằng, nó là sự quỳ gối về mặt nhân cách. Hay đúng hơn, cô giáo quỳ vì cô giáo bị khuất phục trước sự ép buộc của một người có chức quyền. Hay ở một góc nhìn đa chiều hơn, bản thân cô giáo cũng chứa đựng cái ‘hèn’ trong đó.
Trong khi bị cuốn vào trong sự kiện cô giáo bị bắt quỳ, thì học sinh Pham Song Toàn nức nở khóc trước quan chức vì giáo viên dạy Toán - cô Trần Thị Minh Châu (Trường Trung học phổ thông Long Thới) im lặng trong suốt tiết giảng gần 1 học kỳ. Trong khi, năm cuối cấp là năm quan trọng của đời học sinh. Trước đó, cô giáo này từng bị kỷ luật và điều chuyển chỉ bởi liên tục xúc phạm học sinh và mạt sát học sinh.
Cô Trần Thị Minh Châu - người liên tục có hành vi phản giáo dục và luôn được hưởng sự ưu ái trong kỷ luật.
Khi lên báo, thay vì một sự hổ thẹn và thừa nhận sai lầm, thì cô Trần Thị Minh Châu lẫn hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Long Thới đều tìm cách nhấn mạnh rằng em Phạm Song Toàn ‘nói sai sự thật’, ‘nói không đúng chỗ’ làm ‘ảnh hưởng đến trường’ (mặc dù em đã báo cô giáo chủ nhiệm, còn thầy hiệu trưởng thì biết nhưng xem như không). Đó có phải là tư cách và là thái độ cần có của một người lãnh đạo (quản lý), một nhà giáo truyền chữ lẫn lễ cho học sinh ?
Cô giáo Trần Thị Minh Châu nhận được sự ủng hộ của thầy Hiệu trưởng, bởi cô là người đóng góp nhiều vật chất cho trường và có mối quan hệ sâu rộng. Và cô cùng với thầy Hiệu trưởng làm nên quyền lực kép, sẵn sàng đá quả bóng trách nhiệm lên học sinh Phạm Song Toàn.
‘Ảnh hưởng đến trường’ là kết quả của sự ươn hèn, quỳ gối trước vấn nạn thành tích trong giáo dục. Là hệ quả của việc khum lưng, quỳ gối của những người quen chịu đựng sự áp chế của quyền lực, quen được nói lời hay tiếng ngọt,…
Ông Trần Minh Bình, hiệu trưởng Trung học phổ thông Long Thới - người từng đăng đàn trên báo VietnamNet kêu gọi 'nhân văn hơn' với hành vi phi giáo dục của cô giáo Trần Thị Minh Châu. Ảnh : Zing
Kết quả, Phụ huynh của học sinh Pham Song Toàn - người bức xúc nói ra sự thật cô giáo dạy toán Trần Thị Minh Châu không giảng bài - đã phải xin chuyển trường cho con. Bởi học sinh lẫn em Phạm Song Toàn biết mình ‘đã thua’, và từ nay – đi học sẽ như đi tù.
Người viết hoàn toàn đồng ý với quan điểm chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi họp với lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo và hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Long Thới vào sáng ngày 06.04, trong đó nhấn mạnh các đơn vị liên quan phải cấp tốc làm thủ tục chuyển trường cho em Toàn, vì em đang bị cô lập tại trường Long Thới. Đồng thời, phê phán Sở Giáo dục và đào tạo và hiệu trưởng Trường Long Thới đã không có giải pháp quyết liệt khi xử lý vụ việc, bởi thay vì phải đình chỉ ngay công tác giảng dạy của cô Trần Thị Minh Châu (giáo viên không giảng bài suốt nhiều tháng) khi em Toàn phản ánh sự việc thì lại để cô giáo Châu tự mình xử lý sai phạm do mình gây ra dưới màn 'hòa giải'.
Người viết cũng đồng ý với tác giả Thẩm Hồng Thụy trong bài viết về hệ quả này trên báo Lao Động ngày 05.04, sự kiện này minh chứng ‘sự trung thực phải gục ngã !’. Tất cả đã thất bại, từ nhà trường, sở giáo dục, chính quyền thành phố đã thất bại ; chỉ có giả dối – ươn hèn – nịnh bợ - lạm dụng quyền lực với các ngôn từ và hành phi phản giáo dục thắng. Hay nói đúng hơn, em Toàn và sự trung thực của mình đã thua trong sự im lặng của chính thầy cô giáo lẫn bè bạn tại ngôi trường của mình.
Bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có những phân tích rất đúng thực tế và phê phán cái sai của Sở Giáo dục và đào tạo Tp. HCM cũng như sự du di, bao che của trường Trung học phổ thông Long Thới đối với hành vi phi giáo dục của một giáo viên - Ảnh : TTO
Đó là lý do vì sao, giáo viên trường, thậm chí học sinh trường Trung học phổ thông Long Thới từ bức xức đã quay sang đả kích việc làm đúng của em Toàn.
Rõ ràng, cô giáo quỳ 40 phút đã được bảo vệ quá tốt (người gây ra sự vụ bị kỷ luật, thôi việc), trong khi trường hợp em Phạm Song Toàn đã bị bỏ lơ. Rồi đây học sinh nào sẽ dám lên tiếng về tình trạng bị xúc phạm thân thể, danh dự qua những hành vi phi giáo dục như cô Trần Thị Minh Châu đã từng làm ? Tại sao chúng ta bảo vệ hình ảnh nhà giáo ươn hèn quỳ gối 40 phút (mặc dù không sai), nhưng lại không bảo vệ cho một em học sinh trung thực và nói lên sự ‘ươn hèn’ của cô giáo cùng hệ thống nhà trường ?
Giáo dục, suy cho cùng là dạy cho học sinh không chỉ chữ nghĩa, mà cả dáng đứng thẳng - điều mà xã hội quen bợ đỡ và luồn cúi đang thiếu thốn.
Khi em Phạm Song Toàn bước ra khỏi trường, cả nền giáo dục đã thua, đã gục gã, đã cong lưng – một nền giáo dục đã không bảo vệ được hai chữ ‘trung thực’.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 07/04/2018