Chỉ hơn một tháng sau khi hào hứng kể lại câu chuyện "Tôi nói thẳng như thế mà không thấy ông ấy tự ái gì", người được vài văn nhân cận thần xưng tụng là "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" nhưng lại bị dư luận cho là có tính "thù dai" đã phải nhận một bài học thậm tính thù vặt từ Tập Cận Bình.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vừa bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp từ TuoiTre)
Tập Cận Bình không tự ái ?
Còn nhớ vào buổi sáng 7/2/2018 khi chủ trì cuộc gặp mặt chúc tết giới trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Mậu Tuất, ông Nguyễn Phú Trọng đã kể lại bằng ngôn ngữ có vẻ chân phương :
"Ông ấy đến ăn sáng ở đây, tôi nói hết. Tôi nói tình đồng chí anh em muốn giữ được thì phải tin nhau mà muốn tin nhau thì việc làm phải đúng như lời nói. Tôi nói thẳng như thế mà không thấy ông ấy tự ái gì".
"Tin nhau" là một cách ứng xử và cũng là ứng biến trở mặt không thể lường trước trong mối quan hệ Việt- Trung mà từ nhiều năm qua, trong khi trên bàn đàm phán ngoại giao luôn là những sáo ngữ "hai bên không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông", thì ở cái nơi mà Bắc Kinh xem là "ao nhà" ấy lại rất thường diễn ra cảnh "tàu lạ" vây bọc, tấn công tàu cá Việt Nam và hành hung, bắn giết ngư dân Việt.
Câu chuyện "không thấy ông ấy tự ái gì" được ông Trọng thuật lại về cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 11/2017 - nhân Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC tổ chức tại Việt Nam - đã rất mau chóng chuyển vùng từ Hà Nội ra Biển Đông, đặc biệt được nhấn mạnh ở những khu vực như Bãi Tư Chính ở phía Đông Nam Việt Nam và ngoài khơi Quảng Nam - những nơi mà PetroVietnam cùng những đối tác Tây Ban Nha và Mỹ của tập đoàn này đang ra sức bù đắp thiếu hụt ngân sách bằng hoạt động vội vã thăm dò và khai thác dầu khí.
Sau lần đầu tiên phải cắm mặt lặng êm rút khỏi Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, đến tháng Ba năm 2018, Repsol - công ty liên doanh khai thác dầu khí với PetroVietnam - đã phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ cũng nằm trong Bãi Tư Chính mà không thốt nổi một lời bi phẫn.
Vào tháng Bảy năm ngoái, nhiều nguồn tin quốc tế cho biết chính quyền Việt Nam, mà cụ thể là Bộ Chính trị hoặc cụ thể hơn nữa là "hai ủy viên bộ chính trị" đã yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà vẫn được Bộ Ngoại giao chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam", sau khi bị Trung Quốc gây sức ép chính trị, đe dọa tấn công quần đảo Trường Sa và điều động đến 200 tàu bao vây khu vực Bãi Tư Chính như một động tác khủng bố.
Tâm thế "giương cờ trắng" quá dễ và quá nhanh vào lúc Trung Quốc mới chỉ tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ hơn : vào lúc này đây, Bộ Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị "người đồng chí 4 tốt" o ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng không còn được nữa.
Còn vào tháng Ba năm 2018 và chỉ hơn một tháng sau "không thấy ông ấy tự ái gì", một giả thiết từ cuối năm 2017 đã biến thành thực tế khi được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
Trong khi đó, câu chuyện "tàu lạ" hoặc gần đây giới tuyên giáo Việt Nam "kiến tạo" thêm một khái niệm mới là "tàu không rõ quốc tịch" đang tái hiện cảnh trạng côn đồ của hải quân Trung Quốc hành xử với ngư dân Việt vào những ngày này.
Thù vặt
Đầu tháng Tư năm 2018, một tàu ngư dân ở Nghệ An đã bị "tàu lạ" đâm chìm khiến 21 thuyền viên suýt chết.
Nhưng một lần nữa trong vô số lần, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã không có một động tác rõ ràng và minh bạch nào để điều tra thủ phạm bách hại ngư dân nước mình. Trong khi đó, giới chóp bu Hà Nội vẫn như á khẩu, nếu không nói là tuyệt đối câm nín trước cảnh nạn của đồng bào mình.
Từ nhiều năm qua và kể cả thời gian gần đây khi Việt Nam có một chút nhúc nhích từ tư thế "đu dây" sang "dựa Mỹ đối Trung", một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.
Quan hệ Việt - Trung cũng bởi thế đã và đang "cải thiện" thấy rõ. Vào năm 2017, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.
Đặc biệt, các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 - thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol - liên doanh với Tây Ban Nha - ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí.
Thái độ bị xem là quá phụ thuộc và quá ươn hèn của chính thể Việt Nam đã "di truyền" từ quá khứ đến tận hiện tại, khi cả chính phủ lẫn các bộ ngành liên quan của Việt Nam tuyệt đối "cấm khẩu" trước hàng loạt tàu cá Việt bị "tàu lạ" đâm chìm, còn ngư dân Việt tiếp tục bị Trung Quốc bắn giết.
"Lực lượng ngư dân tự vệ" giờ này ra sao ?
Một Việt Nam đương đại đang hiện ra trên bản đồ thế giới với câu châm ngôn "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ".
Chủ đề "ngư dân bám biển" của Việt Nam còn được báo chí quốc tế chú ý và đề cập không chỉ một lần.
Lần đề cập gần nhất là vào tháng Tư năm 2018 khi Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phát bài "Việt Nam tăng cường lực lượng ‘ngư dân tự vệ’ để đối phó với Trung Quốc" của tác giả Ralph Jennings. Bài này cho biết lực lượng ngư dân tự vệ được tăng cường trong năm 2009 khi Quốc hội Việt Nam thông qua một đạo luật cho phép ngư dân tự vệ hộ tống các tàu cá. Theo một nghiên cứu năm 2017 của các học giả thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, 13 đội "ngư quân" (của Việt Nam) đang yểm trợ hơn 3.000 ngư dân đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa, nhưng Việt Nam tuyên bố chuỗi đảo này là thuộc chủ quyền của mình. Hơn 10.000 ngư dân và khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa được cấp ống nhòm hồng ngoại, theo nghiên cứu của Singapore. Việt Nam đã ban hành một nghị định vào năm 2014 để trợ giúp các ngư dân, những người có tàu "công suất lớn hiện đại" - thường là các tàu thép, mở rộng phạm vi hoạt động. Theo nghị định này, các ngân hàng Việt Nam đã cho các ngư dân vay 176 triệu USD để nâng cấp khoảng 400 tàu…
Vậy trong thực tế, chính thể Việt Nam đã làm được gì cho "lực lượng ngư dân tự vệ" ?
Mặc dù cảnh tượng côn đồ và giết người của tàu Trung Quốc đối với tàu ngư dân Việt đã xảy ra từ rất nhiều năm và đặc biệt từ năm 2011 trở đi, nhưng phải đến tháng Sáu năm 2016 mới lần đầu tiên xuất hiện một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân - ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - đề cập một cách bình thản "Hơn 4.000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2.300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển chỉ trong hơn hai năm qua".
Vì sao lại có mối quan tâm hiếm có trên ?
Phải chăng chính thể Việt Nam nổi tiếng về trạng thái đu dây chính trị bắt đầu thành tâm lo lắng cho số phận của "ngư dân bám biển hải quân bám bờ," hay bức bối bởi động cơ nào khác ?
Nhưng nếu là thành tâm, vì sao sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 và khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam lại không có động tác gì để hộ tống ngư dân ra khơi như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức "quân với dân như cá với nước ?"
Không những tư thế "bám bờ" vẫn kiên định một cách phủ phục đến khó tưởng tượng nơi quân chủng hải quân và cảnh sát biển, những hứa hẹn của chính phủ "cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt" từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải. Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết "còn đảng còn tiền" bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn.
Lực lượng "ngư dân tự vệ" của Việt Nam không chỉ phải chịu rủi ro nguy hiểm từ "tàu không rõ quốc tịch", mà còn bị chính những người cùng quốc tịch lừa gạt một cách không thể nhẫn tâm hơn.
Bởi ngay cả những ngư dân vay được ngân hàng và được ngân hàng giải ngân để "đóng tàu sắt" để đối phó với tàu cá và tàu hải giám của Trung Quốc cũng bị chính những doanh nghiệp đóng tàu lừa gạt bằng… vỏ thép Trung Quốc.
Vào năm 2016, bất chấp Nghị định 67 của Chính phủ Việt Nam về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời mà được kỳ vọng sẽ "giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày", đã có đến vài chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung - trị giá hàng trăm chục tỷ đồng - vừa đóng mới và đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, phải nằm bờ. Còn một số cơ sở đóng tàu lại "qua cầu rút ván" khi xảy ra hậu quả đó. Thậm chí một trong những doanh nghiệp đóng tàu có nhiều dấu hiệu gian dối như thế lại thuộc… Bộ Công an.
Trong một phóng sự của VoV.vn, nhìn con tàu vỏ thép mới đóng giờ thành "cục sắt trên bờ", ngư dân Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát ruột gan như lửa đốt. "Đến thời điểm này, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu (Bộ Công an) hứa vậy thôi chứ chưa hỗ trợ cái gì hết. Họ có cử người tới khắc phục nhưng có làm gì đâu. Tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ. Trong một năm bảo hành, chưa đánh bắt được mà máy móc đã hư kiểu này thì quá một năm máy móc càng hư hỏng nặng thì ngư dân đâu có tiền sửa chữa" - ông Khánh đau xót.
Nhưng cho tới nay, đã chẳng có bất kỳ doanh nghiệp đóng tàu gian dối nào bị truy tố, còn Công ty Nam Triệu thì chỉ "hỗ trợ" chứ không "bồi thường". Về thực chất, vụ việc gian dối khủng khiếp này đã "chìm xuồng" - theo cách ví von cay đắng của dân gian đương đại Việt Nam, thường ám chỉ vô số vụ tham nhũng của giới quan chức tại đất nước "lệ rơi hình chữ S" này.
Cũng một cách thực chất, kế hoạch "đóng tàu sắt" của Việt Nam cho tới nay đã gần như phá sản, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông và còn xông thẳng vào vùng hải phận Việt Nam trước cơn "ngủ ngày" của Hải quân và Cảnh sát biển nước Việt.