Trong những ngày tháng 4 năm 2018, một loạt các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa bị tuyên các bản án nặng nề, với cáo buộc "lật đổ chính quyền nhân dân". Thế nào là tội "lật đổ chính quyền nhân dân" ở Việt Nam, và vì sao ngày càng có nhiều người dân nhận lãnh tội danh này ?
Các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam vừa bị tuyên án tù, theo Điều 79 "lật đổ chính quyền nhân dân'. Courtesy of Facebook
Gần 80 năm tù cho 7 công dân Việt Nam
Dư luận trong và ngoài nước, suốt 2 tuần lễ vừa qua, đặc biệt theo dõi thông tin về các phiên tòa xét xử đối với những nhà hoạt động dân chủ ôn hòa tại Việt Nam.
Trong số 9 người lần lượt ra tòa, bao gồm Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật gia Nguyễn Bắc Truyển, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Thầy giáo Vũ Văn Hùng, ông Nguyễn Văn Túc, cô Lê Thu Hà, cô Trần Thị Xuân và anh Nguyễn Viết Dũng có đến 7 người bị tuyên án theo dội danh "lật đổ chính quyền nhân dân’, với tổng cộng 76 năm tù giam.
Bà Hoàng Thị Bình Minh, thân mẫu của cô Lê Thu Hà ghi nhận về phiên tòa hôm mùng 5 tháng 4, mà bà được cho vào tham dự :
"Tôi thấy phiên tòa diễn ra rất là bất hợp pháp, có nghĩa là mọi chứng cứ không được rõ ràng và Việt Kiểm Sát luận tội bằng mọi cách để buộc tội các bị cáo phải nhận tội, mà trong khi tôi thấy các nhà hoạt động đều đưa ra một ý kiến chung là họ không có ý thức lật đổ chính quyền. Tôi thấy bản án hết sức nặng nề và không minh bạch".
Cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định, một người cũng bị tuyên án tù với tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân", nói với RFA về khái niệm của tội danh này trong luật pháp Việt Nam :
"Cụm từ ‘chính quyền nhân dân’ chỉ được nhắc đến duy nhất ở một điều trong Hiến pháp, liên quan đến Mặt trận Tổ quốc khi nói ‘Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức tập hợp những thành phần, những tổ chức xã hội trong chính quyền nhân dân’. Chưa bao giờ ‘chính quyền nhân dân’ được quy định một cách cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp cũng như trong bất kỳ văn bản pháp luật nào hết. Và, trong luật hình đặc biệt thì cũng không có một quy định cụ thể thế nào là ‘chính quyền nhân dân’. Cho nên khái niệm ‘chính quyền nhân dân’ đã mơ hồ rồi, thì khái niệm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ cũng mơ hồ theo".
Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh rằng trong các yếu tố cấu thành tội phạm của tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo Điều 79 trong luật cũ và Điều 109 trong luật mới, đều không có định nghĩa cụ thể lật đổ ra làm sao và chính quyền nhân dân là thế nào.
7 nhà hoạt động dân chủ vừa bị tuyên các bản án tù nặng nề, trước cáo buộc của tòa án về tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân’, đã khẳng khái tuyên bố rằng những việc họ làm đúng theo Hiến pháp Việt Nam và họ vô tội.
Phản đối của công luận
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, ngay sau khi những bản án tù được tuyên cho những nhà hoạt động dân chủ, cư dân mạng tại Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng vì nhiều người thật sự không hiểu được những thành viên trong các tổ chức xã hội dân sự độc lập không một tấc sắc trong tay làm thế nào có thể chống chọi với một hệ thống chính quyền có lực lượng công an, quân đội hùng hậu của Việt Nam.
Phát ngôn viên của Hội Anh em dân chủ, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Thúy Quỳnh lên tiếng 7 nhà hoạt động dân chủ bị buộc tội "lật đổ chính quyền nhân dân", trong đó có 6 thành viên của Hội này vì tiêu chí hoạt động của họ là cổ súy cho tự do, dân chủ, đa nguyên đa đảng để đất nước được tiến bộ và văn minh. Cô Thúy Quỳnh nhấn mạnh vì lẽ đó mà Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng các nhà hoạt động dân chủ chống Đảng và họ phải chịu những bản án hà khắc do Đảng cầm quyền tại Việt Nam định sẵn, mà cô cho là "vô cùng bất công và phi nhân tính".
Bên cạnh làn sóng phản đối từ trong nước, công luận quốc tế cũng mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Chính quyền Việt Nam đã dùng các điều luật mơ hồ để kết án tù công dân của mình và những bản án đó vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Nhiều Chính phủ như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu-EU, Đức… cùng các tổ chức nhân quyền trên thế giới kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam, cũng như cho phép mọi công dân tự do bày tỏ quan điểm của họ và tụ họp một cách ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt.
Một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc, vào ngày 12 tháng 4, phát đi thông cáo báo chí nói rằng hết sức quan ngại về cách thức Việt Nam hành xử đối với những nhà hoạt động ôn hòa, nhằm dập tắt những tiếng nói đối lập cùng những nhà bảo vệ nhân quyền mà sử dụng Điều 79 Bộ Luật Hình Sự "lật đổ chính quyền nhân dân" để cáo buộc và kết án họ có thể lên đến mức chung thân hoặc tử hình.
Qua sự chỉ trích và phản đối của công luận thế giới liên quan các bản án tù mới nhất mà Tòa án Việt Nam tuyên cho các nhà hoạt động dân chủ ở trong nước, Đài RFA cũng được nghe Luật sư Lê Công Định lý giải về thế nào là chống lại chính quyền, theo thông lệ quốc tế :
"Thường nói lật đổ là ‘chống lại Hiến pháp’. Các đảng phái chính trị hoạt động theo Hiến pháp, có đăng ký tranh cử và cầm quyền thông qua một chế độ bầu cử cụ thể. Một khi chống lại các điều này và thay đổi tất cả thì bị buộc tội, mà các quốc gia dân chủ gọi là ‘chống lại Hiến pháp’, chứ cũng không dùng từ ‘lật đổ chính quyền’. Khái niệm ‘lật đổ’ là khái niệm của những người Cộng sản. Bởi vì trong quá khứ, hành động của họ là lật đổ và cướp chính quyền, cho nên có cái tội ‘lật đổ chính quyền’. Còn các nước khác chỉ có tội ‘chống lại Hiến pháp’ mà thôi. Ngay cả ‘chống lại Hiến pháp’ một cách ôn hòa cũng không phải là tội, mà ‘chống lại Hiếp pháp’ phải có những biện pháp dùng vũ lực, như là có hành động đảo chính, phải có quân sự, có vũ khí, có khí tài và có những cuộc tấn công cụ thể, hoặc là bàn bạc tấn công thì mới gọi là đảo chính chống Hiến pháp".
Vẫn đấu tranh đến cùng
Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam. Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nêu lên bởi vì quy định này trong Hiến pháp mà Chính quyền Hà Nội bắt bớ, cầm tù bất kỳ ai cổ súy cho dân chủ, đa nguyên đa đảng ở quốc gia này. Song hành với việc Chính quyền đàn áp phong trào dân chủ ở Việt Nam bằng những bản án tù đày, qua các Điều 88, 258, 245 hay 79 Bộ Luật Hình Sự thì ngày càng có nhiều người dân tiếp bước nhau để tham gia vận động thay đổi đất nước được tốt đẹp hơn theo xu hướng dân chủ hóa, điển hình riêng trong năm 2017, có hơn 50 người bị bắt giam. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cho biết những người dân Việt Nam giống như cô quyết tâm đi đến cùng trên con đường mà họ đã chọn dấn thân :
"Tại vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi làm công việc này với trách nhiệm và bổn phận của một người con dân Việt Nam, mình phải có nghĩa vụ làm công việc đó để bảo vệ đất nước của mình, mình bảo vệ chính tương lai của con cháu mình và cả dân tộc của mình sau này".
Đài RFA cũng trao đổi với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam và được họ cho biết càng bị áp bức và đàn áp thì tinh thần của họ càng vững vàng, như Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang lên tiếng rằng cô đấu tranh để xóa bỏ Nhà nước độc tài Cộng Sản Việt Nam.
Trong lúc trò chuyện cùng thân mẫu của cô Lê Thu Hà, một cô giáo thế hệ 8X vừa bị tuyên 9 năm tù giam và 2 năm quản chế vì tội "lật đổ chính quyền nhân dân", bà Hoàng Thị Bình Minh chia sẻ với chúng tôi rằng bà luôn tin tưởng và ủng hộ những việc làm của con gái. Bà Bình Minh, nói với RFA giờ đây bà tiếp tục công việc của con gái bà trong những ngày sắp tới :
"Tôi thấy nhân danh Nhà nước Việt Nam mà hình thức xử phạt các bị cáo trong vụ án vừa rồi là hoàn toàn bất công. Tôi nhờ các tổ chức quốc tế, tất cả các đài báo và những người yêu công lý, tự do cho nhân quyền hãy lên tiếng phản đối sự bất công của Tòa án Hà Nội đã kết tội vô pháp với những người hoạt động đấu tranh cho một nền dân chủ".
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 13/04/2018
**********************
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam ngưng đàn áp tiếng nói đối kháng (VOA, 13/04/2018)
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc hôm 12/4 lên tiếng kêu gọi Việt Nam ngưng cấm đoán hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự hay dập tắt tiếng nói đối lập sau khi chính quyền Hà Nội bỏ tù gần chục nhà hoạt động với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’
Các nhà tranh đấu trong Hội Anh em dân chủ.
Trong một thông cáo báo chí phát đi từ Geneva vào ngày 12/4, nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nêu ra trường hợp của 6 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bao gồm ông Nguyễn Văn Đài, bà Lê Thu Hà, ông Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, và Phạm Văn Trội, bị tuyên án vào ngày 5/4 với mức án từ 7 đến 15 năm tù giam và khi mãn án còn phải bị quản chế trong nhiều năm.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đặc biệt lo ngại rằng tất cả 6 nhà tranh đấu trên đều bị giam cầm, hạn chế tiếp xúc với luật sư trước khi bị đưa ra xét xử, như vậy rõ ràng đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và nhận định rằng chính quyền Việt Nam truy tố họ chỉ vì họ lên tiếng bảo vệ nhân quyền và ủng hộ các hoạt động dân chủ.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nói với VOA rằng việc cộng đồng quốc tế lên tiếng bênh vực cho giới tranh đấu Việt Nam là rất đáng quý, nhưng dường như những lời kêu gọi như thế vẫn chưa đủ mạnh.
"Chưa đủ mạnh. Trước đây quốc tế đã gây áp lực đối với Việt Nam rất là nhiều, cũng có tác động nhưng rất ít. Tôi nghĩ rằng các bản vừa rồi là một thách thức đối với công luận quốc tế, thách thức loài người tiến bộ".
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc bị xét xử hôm 10/4/2018.
Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng về trường hợp của nhà tranh đấu Nguyễn Văn Túc, người vừa bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế hôm 10/4, cũng với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’
Trước đó, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và nhiều quốc gia Âu Châu đã lần lượt lên tiếng chỉ trích bản án đối với các thành viên của Hội Anh em Dân chủ và đồng thanh nhắc nhở Việt Nam phải tôn trọng Công Ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký kết.
Hôm 9/4, Quốc hội Đức đăng tải tuyên bố của bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức, trong đó bà chính thức nhận bảo trợ cho nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển trong chương trình "Dân biểu Bảo vệ Dân biểu" của Quốc hội nước này.
Bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức (Photo : Bundestag.de)
Bà nói : "Ông Nguyễn Bắc Truyển bị một tòa án ở Hà Nội kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế tại gia. Tôi muốn ông ấy được trả tự do".
Bà Bùi Kim Phượng, vợ của nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, người vừa được thăm chồng vào ngày 23/3 sau gần 8 tháng bị giam cầm, cho VOA biết :
"Anh Truyển đã khẳng định với tôi là ảnh không có tội và tất cả những anh/chị trong hội Anh em Dân chủ cũng không có tội. Anh Truyển đã không còn là thành viên trong hội nữa nhưng họ cớ lý do đó để trả thù đối với ảnh. Anh Truyển có tham gia giai đoạn đầu, vào việc đóng góp ý kiến, đó là quyền bày tỏ quan điểm và ý kiến của mọi người dân, khi ấy hội chưa có hoạt động gì hết. Việc chính quyền cố tình buộc tội anh Truyển là hết sức độc đoán và tùy tiện".
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Kim Phượng, tháng 6/2016, Dòng Chúa Cứu Thế Tp. Hồ Chí Minh (Ảnh : Facebook Bùi Kim Phượng)
Hôm 12/4, ngay sau khi Việt Nam tuyên án 7 năm tù đối với nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, và 9 năm tù với bà Trần Thị Xuân, và 1 năm tù đối với ông Vũ Văn Hùng, các tổ chức nhân quyền quốc tế đăng lời kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động.
Ông James Gomez, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế viết rằng : "Nguyễn Viết Dũng là một nhà hoạt động trẻ dũng cảm ở đất nước mà nhân quyền bị chà đạp. Ông đã từng bị tù trước đó vì các hoạt động ôn hòa của mình".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch hôm 12/4 cho rằng "nhà cầm quyền Việt Nam thường tuyên bố tôn trọng nhân quyền nhưng hành động của họ lại cho thấy điều ngược lại".