Những nghi vấn về tương lai chính trị của Chủ tịch nước Việt Nam lại rộ lên trên các trang mạng xã hội sau lần vắng mặt kéo dài thứ nhì của ông trong trên dưới 9 tháng. Trong khi sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang không được giải thích đầy đủ và minh bạch, có tin ông đang ở Nhật Bản để chữa bệnh.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, phải, bắt tay với các giới chức Việt Nam, bên cạnh người đồng cấp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội, Việt Nam ngày 21/11/2017. (Luong Thai Linh/Pool Photo via AP)
Nhiều bài báo trên các trang mạng xã hội thậm chí nói rằng sự nghiệp chính trị của Chủ tịch Trần Đại Quang coi như đã được định đoạt, và việc ông sang Nhật chữa bệnh chỉ là một sự ‘dàn xếp’ trước những thay đổi nhân sự sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đcộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018. Lần này, một số nhà quan sát nhận định những đồn đoán rằng ông Quang có thể bị loại, hoặc rút lui khỏi chính trường là ‘có cơ sở’ và bình luận về một số nhân vật có tiềm năng thay thế ông, trong số đó có ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị và hiện là Bí thư Thành ủy thành phố HCM, ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một kịch bản khác là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước. Từ Paris, nhà báo độc lập Bùi Tín trao đổi với VOA-Việt ngữ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang không xuất hiện trước công chúng từ ngày 4/4 năm nay, khiến các trang mạng xã hội nóng lên với những tin đồn về sự vắng mặt ‘bất thường’ của ông. Dư luận chú ý tới sự vắng mặt của ông tại các hoạt động và nghi lễ ngoại giao thường có mặt của Chủ tịch nước. Họ lưu ý rằng ngay cả hình ảnh của ông cũng không thấy xuất hiện trên báo chí hay các phương tiện truyền thông khác.
Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, trái, và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, phải, tại lễ chào mừng bà Suu Kyi tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 19/4/2018. (AP Photo/Minh Hoang)
Nhiều dấu hỏi đã được nêu lên về tình trạng sức khỏe và thậm chí, tương lai chính trị của ông. Đây không phải là lần đầu ông Trần Đại Quang trở thành tâm điểm của sự chú ý vì đã vắng bóng trên chính trường một cách bất thường. Hồi năm ngoái, sự vắng mặt ‘bí ẩn’ của ông trong một tháng - từ tháng 7 năm 2017- dẫn đến những tin đồn về một cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, gây sự chú ý của báo chí quốc tế. Một nguồn tin từ Nhật bản lúc đó cho biết ông Trần Đại Quang được điều trị y tế tại nước này. Lần này những thông tin tương tự cũng lan truyền trên các trang mạng xã hội khi người ta không thấy ông Quang tới dự một số sự kiện quan trọng, chẳng hạn như không gặp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Chính phủ và là nhà lãnh đạo ‘trên thực tế’ của Myanmar, tới thăm chính thức Hà nội trong 2 ngày 19-20/4, khi bà gặp tất cả các lãnh đạo cao cấp nhất, ngoại trừ Chủ tịch nước.
Nhà báo Bùi Tín từ Paris nói về những tin đồn liên quan tới Chủ tịch Trần Đại Quang :
"Người ta đồn đoán vì có thể là ông Nguyễn Phú Trọng muốn thay đổi người ở cái chức vụ Chủ tịch nước, hạ ông Quang xuống thay người khác".
Trong bài viết tải lên trang mạng nghiencuuquocte.org về khả năng thay đổi nhân sự đáng kể tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore, nói có nhiều khả năng vị trí của ông Quang sẽ được thay thế "do vấn đề sức khỏe".
Ông Bùi Tín nói ông cũng có được nghe tin đồn rằng ông Trần Đại Quang đang ốm nặng :
"Ba tháng nay ông ấy ốm, có tin nói ông ấy ốm nặng và phải sang Nhật Bản để điều trị, nghe nói là bị bệnh ung thư. Nhưng mà có thể đây là một cách sắp xếp bố trí của ông Nguyễn Phú Trọng để đưa dần, dưa dần ông Quang ra, và có thể còn thay 3, 4 ủy viên Bộ Chính trị nữa".
Ba ủy viên mới là để thay thế các ủy viên đang đối mặt với vấn đề sức khỏe hoặc pháp lý khiến họ không thể hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm, trong đó ngoài Chủ tịch Trần Đại Quang, có ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật số 5 của chế độ bị ngừng công tác vì sức khỏe kém, và ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị loại khỏi Bộ Chính trị vào tháng 5/2017 do các cáo buộc về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế.
Tư liệu : Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng (Hình : Sài Gòn Giải Phóng)
Như Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhà báo Bùi Tín tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân là nhân vật có thể được chọn để thay thế ông Trần Đại Quang trong vai trò chủ tịch nước. Ông Bùi Tín nêu lý do vì sao dưới con mắt ông Nguyễn Phú Trọng, ông Thiện Nhân là ứng viên sáng giá cho chức vụ này :
"Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là vì ông Nhân nổi tiếng là con người rất là ‘hiền lành, có thể nói là mềm yếu, người ít có ý kiến độc lập, chuyên môn nghe theo lãnh đạo".
Hai ứng viên khác được nhắc đến như những ứng viên có tiềm năng là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- hiện là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng tin rằng sẽ có 3 thành viên mới được đưa vào Bộ Chính trị. Trong số 5 ứng viên mà ông cho là có triển vọng nhất, có ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính.
Nhà báo Bùi Tín nói ông không tin là cựu Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ được chọn bởi vì ông Bình có liên can trong một số vụ tai tiếng trong ngành ngân hàng, trong khi bà Ngọc Thịnh, theo ông, chưa có đủ mức tín nhiệm cần thiết.
"Người ta đồn về ông Nguyễn Văn Bình là vì ông Bình mới đây đã được cử sang Bắc Kinh, đây là một vị trí hiếm hoi, nhưng đây chỉ là giả thuyết thôi. Về bà Ngọc Thịnh thì tôi nghĩ là chưa đến đủ mức tín nhiệm về chuyên môn để có thể tham gia Bộ Chính trị".
Nhà báo Bùi Tín nói loại trừ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi song song với chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng, mà mục đích, theo nhà báo, là để trừ khử ‘một cách chọn lọc’ các đối thủ chính trị và phe cánh của họ.
đốt lò lên không phải là để trừ khử mọi sâu bọ đâu, mà đây chỉ là cái cớ để mà diệt, nhưng mà diệt ‘có chọn lọc’ những đối thủ của ông. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để đấu tranh trong nội bộ để giành lấy quyền lợi và vị trí cho phe phái riêng của mình".
Nhà báo độc lập Bùi Tín về chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng :
"Vâng ý muốn của ông Trọng là đốt lò lên, không phải là để trừ khử mọi sâu bọ đâu, mà đây chỉ là cái cớ để mà diệt, nhưng mà diệt ‘có chọn lọc’ những đối thủ của ông. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để đấu tranh trong nội bộ để giành lấy quyền lợi và vị trí cho phe phái riêng của mình".
Hầu như đã rõ ràng ông Trần Đại Quang là một đối thủ sắp bị loại. Lần gần đây nhất mà các báo nhà nước đưa tin về ông là ngày 2 tháng Tư, khi ông Quang tiếp đón Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Mông Cổ Amarjargal Gansukh tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội.
Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch đốt lò "có chọn lọc" của ông Nguyễn Phú Trọng, hiện đang nhắm vào hai thành phố lớn là Đà Nẵng và thành phố HCM, đang gây nhiều hoang mang trong nội bộ và có nguy cơ tác động tới tinh thần đảng viên. Một loạt vụ bắt giữ và truy tố những nhân vật từng làm mưa làm gió trên chính trường và thương trường Việt Nam, chưa kể tới nhiều tướng công an từng được vinh danh "anh hùng lực lượng vũ trang", hé lộ một bức tranh u ám về cuộc đấu đá quyền lực vẫn đang tiếp diễn, kịch liệt, đàng sau chiến dịch đốt lò.
Theo nhà báo Bùi Tín và các tác giả của nhiều bài viết dồn dập tải lên các trang mạng xã hội trong vài ngày qua, thì chiến dịch đốt lò sẽ tiếp tục và sẽ còn nhiều màn ngoạn mục trong việc sắp xếp nhân sự trong thời gian dẫn tới Hội nghị Trung ương 7.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 27/04/2018
*******************
Việt Nam lại rộ tin Nguyễn Văn Bình ‘mới là người thay Trần Đại Quang’ (Người Việt, 27/04/2018)
Việc Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình liên tục xuất hiện trong các sự kiện gần đây khiến dấy lên suy đoán rằng ông này "có thể là người thay ông Trần Đại Quang làm chủ tịch nước", chứ không phải Bí Thư Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân.
Ông Nguyễn Văn Bình. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Trước đó, hôm 26 tháng Tư, ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Singapore phán đoán rằng ông Quang "sắp bị thay thế tại Hội nghị Trung ương 7" và người thay thế được dự báo là Bí thư Nhân.
Ông Bình, hơn một năm trước, bị đánh giá là "người phải chịu trách nhiệm chính" vì dính bê bối nợ xấu và những bất ổn của ngành ngân hàng.
Tuy vậy, thời gian gần đây, người ta đột nhiên thấy ông Bình "phủ sóng" trên các bản tin thời sự.
Trong bản tin về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đăng trên báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 25 tháng Tư, người ta thấy ông Bình đứng cạnh ông Phúc, dẫn đầu đoàn đại biểu.
Trước đó, bản tin hôm 18 tháng Tư do Thông Tấn Xã Việt Nam phát đi ghi : "Nhận lời mời của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đoàn đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ chính trị, bí thư trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương, dẫn đầu thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Tư".
Báo này mô tả ông Bình được ông Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước Trung Quốc, "tiếp thân mật" tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Ông Bình được ghi nhận "đề nghị hai bên tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và các thỏa thuận và văn kiện đã ký kết ; duy trì và tăng cường tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực".
Ông Nguyễn Văn Bình (thứ hai, trái) tại lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng hôm 25 tháng Tư, 2018, ở tỉnh Phú Thọ. (Hình : VOV)
Hôm 27 tháng Tư, Luật Gia Nguyễn Đình Hà ở Hà Nội nói với nhật báo Người Việt : "Có một số người quan sát cho rằng, để dự báo về tình hình nhân sự sắp tới, cần xét thêm một số động thái gần đây của các ủy viên Bộ chính trị. Ông Nguyễn Thiện Nhân không có hoạt động gì nổi bật, trong lúc ông Nguyễn Văn Bình lại được cử đi Trung Quốc, được ông Vương Kỳ Sơn tiếp (dù không cùng cấp bậc). Mặt khác, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, ông Bình đứng kế ngay bên tay phải của ông Nguyễn Xuân Phúc. Từ đó, một số người dự đoán rằng đây là chỉ dấu ông Bình có thể sẽ thay ông Trần Đại Quang làm chủ tịch nước".
Ban Kinh Tế Trung Ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp Hành Trung Ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ chính trị và Ban Bí Thư. Nếu ông Bình từ nơi này được cất nhắc thành chủ tịch nước thì quả là một bất ngờ, vì cơ quan này được cho là nơi "ngồi chơi xơi nước" của các quan chức đang thất thế hoặc chờ ngày "bị tổ chức kỷ luật".
Minh chứng cho trường hợp này là ông Đinh La Thăng, sau khi mất ghế bí thư Sài Gòn hồi tháng Năm, 2017, đã được phân công về làm phó Ban Kinh Tế Trung Ương khoảng nửa năm trước khi ông này bị bắt và phải nhận tổng cộng 31 năm tù trong hai phiên tòa đầu năm 2018. Ông Thăng sẽ tiếp tục phải ra tòa phúc thẩm hôm 7 tháng Năm tới đây tại Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao ở Hà Nội.
Trong một diễn biến khác, đêm 27 tháng Tư, truyền thông trong nước đồng loạt đăng "Bài viết của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang nhân ngày 30 tháng Tư". Động thái này được cho là cách làm dịu đi những suy đoán về nguyên do khiến ông Quang vắng mặt thời gian qua trong các bản tin thời sự, cũng như "đáp lại" việc các báo đài hải ngoại nói ông này "đang đi chữa bệnh tại Nhật và có thể sắp bị thay thế". (T.K.)