Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/04/2018

"Vietnam City" : Chặng dừng chân sang Anh của di dân Việt ở Angres, Pháp

Nguyễn Thị Hiệp

"Camp d’Angres (Trại Angres). Tối đa 50 người. Cấm trẻ vị thành niên". Hàng chữ được viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trên tường ngôi nhà hoang, trước dành cho thợ mỏ, và được thị chính Angres cho di dân Việt Nam ở tạm từ năm 2010.

calais1

Ảnh chụp màn hình từ France 3 "Angres : Phá vỡ một mạng lưới đưa người Việt Nam, 14 người bị bắt", ngày 09/02/2018. © MAXPPP via France 3

Dù tối đa chỉ được 50 người, nhưng lúc đỉnh điểm có đến hơn 200 người sinh sống tại đây. "Vietnam City", tên người Việt đặt cho Camp d’Angres, sẽ bị phá dỡ hoàn toàn vào trước mùa hè 2018 theo quyết định của Sở Cảnh sát Pas de Calais vì không muốn Camp d’Angres thành "một điểm cố định cho những kẻ buôn người, khu vực trở nên nguy hiểm với điều kiện sống tồi tệ".

Tại sao người nhập cư Việt Nam chọn Angres, họ là ai và nguyên nhân nào khiến họ tìm đường sang Anh ?R

RFI tiếng Việt đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (1), nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Case ), người đã tham gia soạn thảo báo cáo Đường đến nước Anh (En route vers le Royaume-Uni , 2017) của Hiệp hội France Terre d’Asile.

***

RFI : Thưa chị Nguyễn Thị Hiệp, chị và chị Danielle Tan là tác giả bản báo cáo về hành trình nhập cư của người Việt cho Hội France Terre d’Asile. Chị đã đến thành phố Angres, nằm cách biển Manche khoảng 100km, để tìm hiểu. Tại sao họ chọn địa điểm này ? Và điều kiện sống của họ ra sao ?

calais2

Camp d'Angres, trại trung chuyển của người nhập cư Việt cách Calais khoảng 100 km.

Nguyễn Thị Hiệp : Trước hết, tôi xin nói là khi Hiệp hội France Terre d’Asile liên lạc với tôi để làm về chủ đề này, họ liên lạc với tôi theo tư cách là dịch giả.

Khi đi vào công việc cụ thể, tôi có tham gia là tư cách nhà nghiên cứu (chercheuse), cùng với chị Danielle Tan, là một trong những chuyên gia về nhập cư ở Châu Á. Trong chương trình này, chúng tôi đến thành phố Angres và Calais để làm nghiên cứu thực địa. Mục đích của Hội France Terre d’Asile là tìm hiểu nguyên nhân đến và điều kiện sống của người nhập cư để giúp đỡ họ trên phương diện từ thiện, chứ hoàn toàn không nằm trên phương diện chính trị.

Khi chúng tôi đến đó thì biết được rằng người ta chọn địa điểm này vì nó gần một bãi đậu xe tải để đi sang Anh và cũng nằm gần biên giới Pháp và Anh. Nó cũng có những điều kiện đủ và cần thiết để sang Anh dễ dàng hơn và khi mà có kiểm tra của cảnh sát thì họ bỏ chạy, bỏ trốn cũng dễ dàng hơn.

Không phải người Việt chỉ tập trung ở một nơi. Có một nơi đông nhất, nhưng mà ở những nơi khác, nhờ sự giúp đỡ của các hiệp hội, nên điều kiện sống của họ, tôi thấy cũng tương đối. Vì ra đi là lựa chọn của họ nên họ có sự chuẩn bị về mặt tài chính. Điều kiện sống nói chung không được như những người Pháp bình thường, không có những điều kiện tốt, nhưng cũng đầy đủ, chứ không đến mức đói rét.

RFI : Người dân địa phương và thành phố Angres, từ 10 năm nay đã giúp di dân Việt Nam rất nhiều. Hoạt động của họ là gì ?

Nguyễn Thị Hiệp : Ở "Vietnam City", các hiệp hội giúp đỡ rất nhiều. Ví dụ vì không có nhà tắm nên họ đưa từng người, hoặc hai-ba người cùng lúc đi ra nhà dân, ra các hiệp hội, những nơi có nhà tắm để tắm rửa sạch sẽ. Họ đưa đi đá bóng, tập thể thao, rồi họ đưa những tổ chức nhân đạo vào khám bệnh. Tôi thấy điều kiện sống, tuy về vật chất không đầy đủ nhưng về mặt tinh thần hoặc là về mặt giúp đỡ của các hiệp hội từ thiện Pháp rất là chu đáo.

Còn trên trại, tập trung không chỉ có người Việt mà có các nước khác nữa, thì tôi thấy điều kiện sống, về ăn uống, cũng rất đầy đủ nhưng chỉ có điều là họ không có đồ Việt, nên khi đến, nhóm của chúng tôi đã ra chợ mua ít đồ Việt, mua gạo để họ có đồ ăn Việt cho đỡ nhớ thức ăn của Việt Nam. Nhất là, trong thời điểm đó, có một chị đang mang thai ở những tháng cuối, nên chị rất thèm một bát cơm nhưng không thể nào đi mua được. Cho nên, chúng tôi đã giúp đỡ họ trong khả năng có thể.

RFI : Trong quá trình tìm hiểu, chị đã tiếp xúc với nhiều người Việt chờ sang Anh. Họ là ai ? Và lý do gì thúc đẩy họ muốn sang Anh ?

calais3

Thức ăn được những hội từ thiện cung cấp một hoặc hai lần mỗi tuần tại trại Vietnam City. (Hình : Pacific Links Foundation)

Nguyễn Thị Hiệp : Thực ra, những người sang bên Anh, theo tôi quan sát chung, là những người lao động, họ từng đi làm xây dựng ở các thành phố ở trong nước, tức là chủ yếu là người miền Trung, người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Họ đi vì muốn thay đổi cuộc sống vì ở Việt Nam cứ đi làm, cứ tàng tàng thì nhiều khi không đủ sống.

Chúng tôi cũng biết điều kiện ở miền Trung rất khắc nghiệt. Đôi khi làm mùa màng rất vất vả thì mưa bão một cái là mất sạch hết, tức là làm rất vất vả quanh năm mà đều đói. Họ có một mong ước đổi đời, xây một ngôi nhà đẹp, cho con có điều kiện ăn học để sau này nó có cuộc sống khác mình. Con đường mà họ chọn là đi ra nước ngoài. Có những dịch vụ, tổ chức làm việc này vì có nhu cầu đó. Đa số những người chúng tôi gặp đều là những người có trình độ khá hạn chế, tức là học chưa tới cấp hai chẳng hạn, toàn là người dân lao động.

Anh được chọn, như chúng tôi viết trong báo cáo, là miền đất hứa để họ đổi đời. Không phải Pháp mà là Anh. Tại ở Pháp, công việc ít hơn và mức lương cũng ít hơn. Điểm thứ hai, điểm cơ bản nhất theo tôi, là ở Pháp không có giấy tờ thì rất khó tìm việc.

Trong chương trình này, chúng tôi có sang Anh và gặp nhiều người Việt ở Anh. Tình hình chung là mức lương của họ khá hơn và sự kiểm soát cũng không chặt chẽ bằng ở Pháp. Tức là ở Pháp, nếu không có giấy tờ thì rất khó làm việc, trừ làm những việc gọi là "không khai"nên lương rất thấp ; hoặc là cũng ít người dám sử dụng những lao động không có giấy tờ. Chính vì thế, mà ở Pháp khó tìm việc làm, khó kiếm tiền để trả nợ nhanh hơn. Vì khi họ đi, họ phải vay một món nợ rất lớn và họ muốn trả nhanh. Ở Anh, nhu cầu công việc cao hơn, dễ dàng hơn cho người Việt.

RFI : Trong báo cáo, Danielle Tan và chị nhắc đến ba cách thường được di dân người Việt sử dụng để vượt sang Anh. Đó là những cách nào ? Họ được giúp đỡ hay không ?

Nguyễn Thị Hiệp : Trên thực tế, khi gặp những người Việt ở đây thì họ rất ngại nói về điều này vì họ sợ. Thường chúng tôi gặp những người chưa đi được thì họ chưa có trải nghiệm về đi như thế nào, cách như thế nào, họ chỉ được hướng dẫn như vậy thôi.

Nói ba cách, nhưng thực ra chỉ cũng chỉ là một cách đi theo xe tải để sang Anh. Nhưng khi mà họ trả tiền nhiều hơn thì có sự tổ chức kĩ càng hơn nên họ đi nhanh hơn và điều kiện ở, ví dụ không phải ở trong trại, họ có thể ở khách sạn. Vì họ có nhiều tiền hơn nên việc đi dễ dàng hơn. Còn đi theo cách "nhẩy cỏ", rẻ hơn, thì phải chờ đợi, có khi phải mấy tháng mới đi được.

Tất nhiên là họ được sự hỗ trợ, nhưng mà hỗ trợ như thế nào và ai hỗ trợ thì chúng tôi không biết. Thực ra cảnh sát cũng tìm những người này. Điểm này chúng tôi chịu, không thể biết được. Như tôi nói lúc đầu, đó không phải là mục đích của bản báo cáo, nghiên cứu này. Mục đích trước hết là từ thiện và để giúp những người nhập cư này xem họ có bị đối xử tàn tệ hay không, họ có bị bóc lột sức lao động hay không. Đó là điều mà France Terre d’Asile hướng tới, chứ không phải là để biết người ta vượt biên như thế nào, để bắt họ. Đó không phải là mục đích của chúng tôi.

RFI : Thật sự cuộc sống của những người Việt sang được Anh bằng ngả Calais có được cải thiện và như những gì họ hình dung ra trước đó không ?

Nguyễn Thị Hiệp : Trên thực tế, có nhiều trường hợp khác nhau. Trong chương trình này, tôi cũng may mắn đi Anh hai lần để gặp gỡ anh chị em người Việt ở bên đó. Những chuyện mà người ta vẫn nói về trại canabis (cần sa) hoặc gì đó, chúng tôi không thể nào gặp được và không có điều kiện gặp nên không biết trên thực tế là như thế nào.

Những anh chị em mà tôi có điều kiện gặp hoặc nghe những người này kể lại thì có hai trường hợp. Có những trường hợp sang, nếu có gia đình, có bà con, thì cuộc sống của họ khá ổn. Tức là, cũng rất vất vả, phải làm việc, phải có người hỗ trợ cho công ăn việc làm, nhưng mà họ phải làm việc rất nhiều trong vòng 3-4 năm chỉ để dành trả số nợ mà họ đã vay để trả để đi sang Anh. Tôi cho rằng cái giá phải trả khá là đắt bằng sự kham khổ, bằng nỗi vất vả hàng ngày để gửi tiền về cho gia đình và vợ con để sinh sống và trả nợ.

Một số người khác sang không kiếm được việc làm nên có những trường hợp bị bắt vào trại. Sau đó người ta thả ra, nhưng không tìm được việc làm, không có tiền để trả nợ ở nhà hối thúc nên có một số trường hợp là đã tự tử chết. Thì đó là những trường hợp rất bi kịch.

Trường hợp thứ ba là vào các trại, như người ta nói là canabis (cần sa), hoặc là những công việc mang tính phạm pháp. Có những người xác định làm 1-2 năm trả nợ, kiếm được một khoản tiền thì người ta ra khỏi chỗ đó, hoặc người ta đi về. Nhưng cũng có một số người bị bắt, bị phạt tù, đôi khi bị trục xuất về nước. Những trường hợp đó, sau này, chúng tôi không theo dõi được, nhưng đa số là không trả được nợ và nói chung là cuộc sống còn bi kịch hơn trước lúc đi. Đấy là một thực tế có ba trường hợp, theo tôi quan sát và nhận thấy như vậy.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 30/04/2018

(1) Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp cũng là đại diện tại Châu Âu của tạp chí La Francophonie en Pacifique (Viện Pháp ngữ Quốc tế, đại học Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội và nhà xuất bản Presse Universitaire de Provence).

Quay lại trang chủ
Read 1099 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)