‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ – một chỉ đạo mới nhất của Nguyễn Phú Trọng, xuất hiện vào ngày 27/4/2018 khi ông Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng – để ‘thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp 13 đến nay’.
Triển vọng để Nguyễn Bắc Son (phải) và Trương Minh Tuấn (trái) ‘theo chân’ Đinh La Thăng đang sáng sủa hơn bao giờ hết. Ảnh : Tin Tức Hàng Ngày
Trước chỉ đạo trên, vụ ‘Mobifone mua AVG’ chưa được xếp vào ‘diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’, tức những ‘nghi can’ trong vụ này vẫn còn cửa thoát. Đó cũng là khoảng thời gian xảy ra những động tác bi kịch xen hài kịch trong nội bộ đảng Cộng sản : ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn đã ‘nhảy nhổm’ và làm văn bản phản bác kết luận thanh tra này, gửi cho các báo nhà nước như một cách ‘chỉ đạo đăng’. Nhưng nhân vật bộ trưởng thường tỏ ra ‘kiên định cộng sản’ và sẵn sàng bịt miệng báo chí phản biện đã bị một vố cay đắng : chính những tờ báo nhà nước đã lạnh lùng gỡ văn bản phản bác kết luận thanh tra của Trương Minh Tuấn chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải.
Cũng vào thời gian trên, có tin cho rằng Trương Minh Tuấn đã tận dụng khoảng thời gian vài tuần lễ quý giá trên để ‘chạy án’. Không biết thông tin này có cơ sở đến mức độ nào, chỉ biết rằng Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Nhưng chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng đã gần như chung quyết về về vụ AVG sẽ thành án và sẽ được khởi tố điều tra.
Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng lại do chính Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Mà theo quy định của đảng, những vụ án tham nhũng đã bị chính tổng bí thư xem xét chỉ đạo thì đương nhiên bị xếp vào loại trọng án.
4 ngày trước chỉ đạo trên, đã diễn ra cuộc bàn giao chính thức hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an) vào ngày 23/4/2018, sau một thời gian dường như bị kéo dài bởi những tranh cãi mang quan điểm khác xa nhau trong nội bộ đảng và nội bộ các cơ quan chấp pháp.
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 – 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ. Sau hơn một năm trời bị cố ý ‘ngâm tôm’ kết luận thanh tra, đến tháng Ba năm 2018 kết luận thanh tra vụ việc này đã được Thanh tra chính phủ công bố, sau khi đã ‘cưỡng bức’ thay ghế Tổng thanh tra chính phủ và đẩy Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh về hưu. Kết luận thanh tra này đã được thông qua bởi Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thủ tướng chính phủ và được xem là ‘chung quyết’.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng được cho là không thể ‘vô tư’ khi ông này trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son khi đó.
Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2500 tỷ đồng, nhưng bị dân gian nói thẳng là ‘chạy tội’, nhưng vào thời gian này đã xuất hiện hiện quan điểm trong nội bộ đảng : ‘tiền phải trả lại, còn án vẫn làm’.
‘Bài học kinh nghiệm’ gần nhất là Đinh La Thăng. Tại phiên tòa xử vụ 800 tỷ mất trắng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi ở Ngân hàng Oacean Bank, Đinh La Thăng dù đã bị tòa tuyên phải bồi thường 600 tỷ đồng nhưng vẫn bị giáng cho cái án tù giam đến 18 năm.
Xét theo logic đó, cơ hội để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘hạ cánh an toàn’ – tức ‘bị cách mọi chức vụ’ hoặc ‘luân chuyển cán bộ’ – là ít hẳn so với trước khi có chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng. Ngược lại, triển vọng để hai nhân vật này ‘theo chân’ Đinh La Thăng là sáng sủa hơn bao giờ hết.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 29/04/2018