Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2018

Nhân vật nào đã định đoạt Thủ Thiêm ?

Bạch Hoàn

Có thể nói ngay rằng, những nhân vật "định" – tức quyết định số phận Thủ Thiêm, giao cho nhà đầu tư nào, bằng phương thức nào, có khá nhiều người, như ông Lê Thanh Hải, ông Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân… Còn những nhân vật "đoạt" được miếng bánh Thủ Thiêm, tức có các dự án lớn tại Thủ Thiêm, cũng không ít tên tuổi.

thuthiem1

Ông Tất Thành Cang. Ảnh : internet

Trong đó, đáng chú ý là cái tên Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh với rất nhiều siêu dự án được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép cho đầu tư bằng hình thức BT, tức đổi đất lấy hạ tầng. Hiểu nôm na là nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng cầu, đường, công viên, quảng trường… Đổi lại, chính quyền sẽ trả cho nhà đầu tư bằng đất. Giá trị khu đất được hai bên cùng định giá ở mức tương đương với số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra làm hạ tầng. Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, giá trị khu đất mà chính quyền và nhà đầu tư thống nhất với nhau không đồng nghĩa đó là giá trị thực tế của khu đất.

Một trong số các dự án BT của Công ty Đại Quang Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị. Theo hợp đồng BT do ông Tất Thành Cang, đại diện cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh kí với Công ty Đại Quang Minh vào ngày 12/11/2013, Đại Quang Minh sẽ xây dựng 4 tuyến đường có tổng chiều dài là 11,9km và tổng mức đầu tư lên đến 12.182 tỉ đồng. Đổi lại, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trả cho Đại Quang Minh khu đất có diện tích khoảng 79ha.

Rất nhiều vấn đề cần phải phân tích rất kĩ từ hợp đồng BT này. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ dừng lại ở vài thắc mắc về suất đầu tư và câu hỏi dành cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và những người có trách nhiệm liên quan, chẳng hạn như người đặt bút kí là ông Tất Thành Cang, hiện đang là phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng chiều dài của 4 tuyến đường là 11,9km. Trong đó, có tuyến xây dựng 6 làn xe, có tuyến 4 làn xe, 2 làn xe. Như vậy, suất đầu tư trung bình lên đến 1.023 tỉ đồng/km. Nhiều ý kiến nhận định đây là suất đầu tư quá cao.

Ông Tất Thành Cang, người đặt bút kí hợp đồng BT, bây giờ đang nghĩ gì về con số 1.023 tỉ đồng để xây dựng 1km đường ? Vụ bán 32,5ka đất công ở Phước Kiển, Nhà Bè đã ngã ngũ, khi khi hiện giờ ông Tất Thành Cang không còn thời gian vào bệnh viện nữa. Thay vào đó, rất có thể ông Cang, cùng với ông Lê Hoàng Quân, nguyên chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, lại phải tìm mọi cách, mọi lý lẽ, cứ liệu để giải trình trước nhân dân về quyết định của mình.

Một câu hỏi khác đặt ra là, dự án BT béo bở này đang nằm trong tay nhân vật nào ?

Để trả lời, phải xem lại quá trình hồ sơ về Đại Quang Minh. Công ty này được thành lập vào tháng 3/2011. Ngay trong năm ấy, liên danh đầu tư có Đại Quang Minh đã được giao dự án BT 4 tuyến đường nói trên.

Ban đầu, Đại Quang Minh gắn với tên tuổi doanh nhân Trần Đăng Khoa, người trong giới gọi là Khoa Keangnam, có vai trò là cổ đông sáng lập và nắm phần lớn cổ phần. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, ông Khoa đã rút vốn.

Thay vào đó, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải liên tục tăng sở hữu và hiện đã nắm tới 90% cổ phần Đại Quang Minh. Điều này đồng nghĩa các dự án của Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm về tay Trường Hải. Ông Trần Bá Dương, người đứng đầu Trường Hải hiện đang giữ vai trò tổng giám đốc Đại Quang Minh.

P/S : Đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải – doanh nghiệp năm 90% cổ phần Đại Quang Minh – có liên lạc với tôi để phản hồi về bài viết. Theo đó, Trường Hải cho biết, tiền đầu tư 12.000 tỉ đồng là mức đầu tư trên hợp đồng BT được kí trước đây. Khi Trường Hải nắm Đại Quang Minh, thực tế triển khai, chi phí không đến con số ấy. Đến thời điểm này, ước tính mức đầu tư sẽ không quá 8.000 tỉ đồng.

Bạch Hoàn

Nguồn : Tiếng Dân, 08/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 743 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)