Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có thể nói ngay rằng, những nhân vật "định" – tức quyết định số phận Thủ Thiêm, giao cho nhà đầu tư nào, bằng phương thức nào, có khá nhiều người, như ông Lê Thanh Hải, ông Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân… Còn những nhân vật "đoạt" được miếng bánh Thủ Thiêm, tức có các dự án lớn tại Thủ Thiêm, cũng không ít tên tuổi.

thuthiem1

Ông Tất Thành Cang. Ảnh : internet

Trong đó, đáng chú ý là cái tên Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh với rất nhiều siêu dự án được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép cho đầu tư bằng hình thức BT, tức đổi đất lấy hạ tầng. Hiểu nôm na là nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng cầu, đường, công viên, quảng trường… Đổi lại, chính quyền sẽ trả cho nhà đầu tư bằng đất. Giá trị khu đất được hai bên cùng định giá ở mức tương đương với số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra làm hạ tầng. Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, giá trị khu đất mà chính quyền và nhà đầu tư thống nhất với nhau không đồng nghĩa đó là giá trị thực tế của khu đất.

Một trong số các dự án BT của Công ty Đại Quang Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị. Theo hợp đồng BT do ông Tất Thành Cang, đại diện cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh kí với Công ty Đại Quang Minh vào ngày 12/11/2013, Đại Quang Minh sẽ xây dựng 4 tuyến đường có tổng chiều dài là 11,9km và tổng mức đầu tư lên đến 12.182 tỉ đồng. Đổi lại, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trả cho Đại Quang Minh khu đất có diện tích khoảng 79ha.

Rất nhiều vấn đề cần phải phân tích rất kĩ từ hợp đồng BT này. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ dừng lại ở vài thắc mắc về suất đầu tư và câu hỏi dành cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và những người có trách nhiệm liên quan, chẳng hạn như người đặt bút kí là ông Tất Thành Cang, hiện đang là phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng chiều dài của 4 tuyến đường là 11,9km. Trong đó, có tuyến xây dựng 6 làn xe, có tuyến 4 làn xe, 2 làn xe. Như vậy, suất đầu tư trung bình lên đến 1.023 tỉ đồng/km. Nhiều ý kiến nhận định đây là suất đầu tư quá cao.

Ông Tất Thành Cang, người đặt bút kí hợp đồng BT, bây giờ đang nghĩ gì về con số 1.023 tỉ đồng để xây dựng 1km đường ? Vụ bán 32,5ka đất công ở Phước Kiển, Nhà Bè đã ngã ngũ, khi khi hiện giờ ông Tất Thành Cang không còn thời gian vào bệnh viện nữa. Thay vào đó, rất có thể ông Cang, cùng với ông Lê Hoàng Quân, nguyên chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, lại phải tìm mọi cách, mọi lý lẽ, cứ liệu để giải trình trước nhân dân về quyết định của mình.

Một câu hỏi khác đặt ra là, dự án BT béo bở này đang nằm trong tay nhân vật nào ?

Để trả lời, phải xem lại quá trình hồ sơ về Đại Quang Minh. Công ty này được thành lập vào tháng 3/2011. Ngay trong năm ấy, liên danh đầu tư có Đại Quang Minh đã được giao dự án BT 4 tuyến đường nói trên.

Ban đầu, Đại Quang Minh gắn với tên tuổi doanh nhân Trần Đăng Khoa, người trong giới gọi là Khoa Keangnam, có vai trò là cổ đông sáng lập và nắm phần lớn cổ phần. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, ông Khoa đã rút vốn.

Thay vào đó, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải liên tục tăng sở hữu và hiện đã nắm tới 90% cổ phần Đại Quang Minh. Điều này đồng nghĩa các dự án của Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm về tay Trường Hải. Ông Trần Bá Dương, người đứng đầu Trường Hải hiện đang giữ vai trò tổng giám đốc Đại Quang Minh.

P/S : Đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải – doanh nghiệp năm 90% cổ phần Đại Quang Minh – có liên lạc với tôi để phản hồi về bài viết. Theo đó, Trường Hải cho biết, tiền đầu tư 12.000 tỉ đồng là mức đầu tư trên hợp đồng BT được kí trước đây. Khi Trường Hải nắm Đại Quang Minh, thực tế triển khai, chi phí không đến con số ấy. Đến thời điểm này, ước tính mức đầu tư sẽ không quá 8.000 tỉ đồng.

Bạch Hoàn

Nguồn : Tiếng Dân, 08/05/2018

Published in Diễn đàn

Nhìn một cách bao quát những gì đang diễn ra, tôi tin rằng nhiều người có cảm giác giống mình, có vẻ như thiên nhiên đang nổi giận. Trên thực tế, những vấn đề liên quan đến môi trường sống, từ hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt ở miễn Trung, lũ quét ở miền núi phía Bắc, vỡ đê ở vùng Bắc Bộ, đến thực trạng nguồn nước ô nhiễm, không khí độc hại... đều có phần nguyên nhân từ bàn tay của những người đang sống.

phattrien1

Rừng đầu nguồn đang bị tàn phá là một trong những nguyên gây ra lũ lụt ở vùng đồng bằng - Ảnh minh họa 

Chúng ta đã có một thời kì dài phát triển trong mông muội về khái niệm giữ gìn bảo vệ môi trường. Và có lẽ đến giờ vẫn còn nhiều nơi đang tạo ra cái gọi là giá trị kinh tế bằng cách ăn cắp cả tương lai.

Nhưng, bây giờ đã là thế kỉ 21 chứ không phải thế kỉ 18. Phát triển công nghiệp không có nghĩa là phải đánh đổi môi trường sống. Về cơ bản, khoa học kĩ thuật có đủ năng lực để xử lý các vấn môi trường đặt ra trong quá trình phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững tổ chức quãng hơn một tuần trước, tôi thấy người ta đặt ra các ví dụ về kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị khép kín, mà ở đó sự phát triển phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người không hẳn đối lập với gìn giữ môi trường sống.

Họ đưa ra ví dụ về trường hợp ở các nhà máy sản xuất bia của Heineken Việt Nam, nơi hiện đang có 4 trong tổng số 6 nhà máy nấu bia sử dụng 100% năng lượng thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu sinh khối. Kết quả là năm 2014-2016, họ đã giảm được 50% lượng phát thải CO2 - khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí thải sinh học phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy xử lý nước thải được giữ lại và sử dụng như một nguồn năng lượng.

Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm mới ở Việt Nam nhưng đã được bàn đến như một trong những giải pháp cho xu thế phát triển bền vững. Thông thường, một chu trình sản xuất sẽ bắt đầu bằng nguyên liệu và kết thúc bằng chất thải. Nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn mà Heineken áp dụng là một chu trình không có điểm khởi đầu và kết thúc. Nó là một vòng tuần hoàn, quá trình sản xuất tạo ra chất thải và chất thải ấy sẽ quay trở lại phục vụ sản xuất.

Đây chỉ là một trong những ví dụ để thấy, nếu thực sự muốn gìn giữ môi trường thì sẽ luôn có cách. Vấn đề nằm ở trách nhiệm của các nhà hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và thái độ của những người thực thi chiến lược ấy.

Mọi sự phát triển chỉ thực sự đem lại giá trị nếu nó hướng đến một tương lai mà con cháu chúng ta không phải trả giá cho những gì chúng ta ăn hôm nay.

Bạch Hoàn

Nguồn : fb.bachhoanvtv24, 19/10/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 17 octobre 2017 10:23

Phê bình dân Áo !

Người dân nước Áo đang vô cùng hoan hỉ khi họ có một tân thủ tướng mới trẻ tuổi nhất trong lịch sử đất nước mình. Sebastian Kurz, chính trị gia của Đảng Nhân dân đã chính thức trở thành Thủ tướng nước Áo khi mới 31 tuổi.

kurz1

Sebastian Kurz, chính trị gia của Đảng Nhân dân đã chính thức trở thành Thủ tướng nước Áo khi mới 31 tuổi.

Thực sự mà nói, ở Việt Nam, công tác nhân sự luôn chú trọng, khuyến khích đào tạo lớp cán bộ trẻ tuổi. Nhưng, tuổi cao hay thấp, tất cả phải tuân thủ đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Dựa trên tính ưu việt trong quy trình bổ nhiệm cán bộ mà tôi được biết, xét thực tế diễn ra tại Áo, tôi nghiêm túc phê bình người dân Áo đã bổ nhiệm Thủ tướng có vẻ rất sai quy trình.

Sebastian Kurz còn chưa có bằng Đại học sao có thể lên làm Thủ tướng được ? Bằng cấp là một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ, năng lực cán bộ. Lẽ ra, đã là lãnh đạo thì đều phải có bằng cử nhân đại học, đa số còn sau đại học như Giáo sư, Tiến sĩ...

Chặt chẽ hơn, công tác bổ nhiệm cán bộ còn soi xét cả yếu tố bằng cấp ấy từ đâu mà có. Không chỉ có bằng cử nhân, bằng tiến sĩ là đã đáp ứng tiêu chí bổ nhiệm, mà quan trọng là đơn vị giáo dục cấp bằng, dù trong nước hay quốc tế, đều phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của công nhận.

Việc không học hết đại học của Sebastian Kurz khiến tôi nghi ngờ cá nhân này chưa có bằng lý luận chính trị. Trong khi đây là tiêu chí vô cùng quan trọng trong quá trình đánh giá và bổ nhiệm cán bộ.

Chưa hết, Sebastian Kurz chưa có bằng đại học vì trong quá trình đang theo học ngành luật, Sebastian Kurz nghỉ học để đi làm chính trị gia. Một người sẵn sàng bỏ dở cả việc học để rẽ sang theo đuổi sự nghiệp chính trị cho thấy tham vọng quyền lực quá lớn, đam mê quyền lực đến mức lộ liễu. Trong khi đó, lãnh đạo tuyệt đối không được có tham vọng quyền lực. Xét theo tiêu chí này, người dân nước Áo lại tiếp tục sai lầm trong bổ nhiệm Sebastian Kurz.

Không có bằng cấp vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm một cán bộ còn trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, tôi toàn có quyền được nghi ngờ Sebastian Kurz là con cháu các cụ, hoặc nếu không rất có thể có hiện tượng tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm.

Tôi đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Áo vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, làm gương cho cá cán bộ khác, xử lý vài người để cứu muôn người. Lò đang nóng rồi, không chỉ củi tươi, củi khô đều cháy mà sắt thép cũng phải tan chảy.

Riêng với người dân Áo, tôi có cơ sở để nghi ngờ rằng, các anh chị đang có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. Tôi đề nghị những ai đã có tư tưởng ấy hãy sớm tự gột rửa.

Bạch Hoàn

Nguồn : fb.bachoan, 17/10/2017

************************

Sebastian Kurz – vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 31 (Mặt Trận, 17/10/2017)

Sebastian Kurz, chủ tịch Đảng Nhân dân Áo (OVP) sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Áo và là người lãnh đạo trẻ nhất thế giới.

kurz2

Sebastian Kurz, vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 31 (Ảnh : NBC News)

Đảng Nhân dân (OVP-Österreichische Volkspartei) mà ông Kurz lãnh đạo từ tháng 5 được kỳ vọng sẽ cùng Đảng Tự do (FPO-Freiheitliche Partei Österreichs) trở thành một liên minh đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Theo kết quả sơ bộ, OVP đã giành được hơn 31,4% phiếu bầu hay 61 trên tổng số 183 ghế trong Quốc hội. OVP trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Áo, theo sau là đảng cựu hữu Tự do (27,4%) và đảng Dân chủ xã hội, đồng minh chính trị cũ của OVP (26,7%). Kết quả chi tiết sẽ được công bố vào ngày 19/10 tới đây và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 31/10. Cuộc bầu cử Áo diễn ra vào ngày chủ nhật vừa qua đã nhận được sự quan tâm của người dân trên khắp Châu Âu. Ông Kurz gọi cuộc bầu cử này là “chiến thắng lịch sử”.

Tại Áo ông đã được chú ý đến từ lâu khi trở thành Ngoại trưởng nước này cách đây 4 năm lúc mới 27 tuổi, là vị Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước Áo, đồng thời cũng là vị Ngoại trưởng trẻ nhất tại Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài tài năng chính trị, ông còn gây ấn tượng bởi vẻ điển trai, lịch lãm.

Sebastian Kurz sinh ra và lớn lên ở một vùng lao động nghèo ở thành phố Vienna. Sebastian Kurz là thành viên tổ chức thanh thiếu niên của Đảng Nhân dân Áo từ năm 2003. Năm 2009, ông được bầu làm chủ tịch tổ chức này với 99% số phiếu tán thành và tiếp tục giữ chức vụ này khi nhận được tín nhiệm tuyệt đối năm 2012. Cũng từ năm 2009, ông đảm nhận thêm vị trí Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo ở thủ đô Vienna. Năm 2010 đến năm 2011, ông là thành viên Hội đồng Thành phố Vienna.

Giai đoạn 2004-2005, Sebastian Kurz thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Áo. Sau đó, ông ghi danh ở khoa Luật của Đại học Vienna.

Tháng 4/2011, trong thời gian diễn ra cuộc cải tổ nội các thì ông Kurz được chỉ định làm Quốc vụ khanh Hội nhập (thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Áo). Sự kiện này khơi mào một số chỉ trích nhắm vào ông vì ông còn quá trẻ. Tuy nhiên một năm sau thì truyền thông đã dành những đánh giá tích cực hơn cho ông.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2013, ông giành được nhiều phiếu trực tiếp nhất từ cử tri so với các chính trị gia khác, điều đó cho thấy mức độ uy tín cao của ông trong nước.

 Từ ngày 16/12/2013 ông Kurz đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, trong đó phụ trách thêm mảng hội nhập xã hội theo yêu cầu của ông.

 Trong cương vị quan trọng này, ông Kurz cũng lập được nhiều thành tích như việc tham gia đàm phán hạt nhân Iran hay làm Chủ tọa trong Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu. Tháng 11/2014, ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Châu Âu.

Vấn đề nhập cư được ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Kurz. Ông đã thể hiện một đường lối cứng rắn, kêu gọi việc hạn chế số người tị nạn vào Châu Âu và cắt giảm phúc lợi cho những người nhập cư EU ở Áo.

 Khi làn sóng di dân và người tị nạn tràn vào Châu Âu, trở thành mối quan tâm rộng khắp trong năm 2015, ông Kurz đã thấu hiểu sự lo lắng của cử tri Áo về vấn đề nhập cư không kiểm soát trong đó có số lượng lớn người Hồi giáo. Ông đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực biên giới. Ông cũng tổ chức việc ngừng hoạt động các tuyến đường bộ trên đất liền thông qua khu vực Bờ Tây.

 Vào thời điểm Đảng Nhân dân tụt xuống vị trí thứ 3, Sebastian Kurz đã xây dựng lại hình ảnh và đảm bảo quyền lực chưa từng có của Đảng này. Năm 2016, ông Kurz trên vai trò chỉ đạo việc kiểm soát dòng người di cư ở biên giới Balkan. Năm nay, ông đề xuất một kế hoạch “niêm phong” tuyến đường di cư chính qua Địa Trung Hải tới các nước Châu Âu.

 Sebastian Kurz là ngôi sao sáng của Đảng Nhân dân đang cầm quyền, nhờ lối tư duy táo bạo. Ông được kỳ vọng sẽ làm mới hình ảnh bảo thủ của Áo và đưa nước này thành một quốc gia hiện đại và cởi mở với thế giới.

Hồng Nhung

(theo CNN, NBC, BBC)

******************

Thủ tướng tương lai của Áo chưa có bằng đại học (SaoStar, 17/10/2017)

Ông Sebastian Kurz, người nhiều khả năng trở thành Thủ tướng Áo, đã bỏ học giữa chừng để theo đuổi sự nghiệp chính trị từ sớm. 

kurz3

Nhà lãnh đạo trẻ Sebastian Kurz. Ảnh : FT

Theo kết quả tổng tuyển cử tại Áo được công bố vào đêm 15/10, đảng Nhân dân (OVP) do ông Sebastian Kurz lãnh đạo đang giành hơn 31,7% phiếu bầu. Reuters dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy xếp sau đó là đảng Dân chủ Xã hội và đảng Tự do cực hữu.

Sebastian Kurz sinh ngày 27/8/1986 tại quận Meidling, thành phố Vienna, Áo, trong gia đình có cha là kỹ sư còn mẹ là giáo viên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Áo năm 2005, ông bắt đầu theo học ngành Luật tại trường Đại học Vienna.

Theo Der Spiegel, ông Kurz tham gia đảng OVP từ năm 16 tuổi và nhanh chóng được coi là "ngôi sao sáng” của đảng này. Năm 2009, Kurz lãnh đạo tổ chức thanh niên của OVP và và một năm sau đó trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công tại cuộc bầu cử địa phương.

Tháng 10/2011, nhà lãnh đạo trẻ bước chân vào Nội các Áo với vị trí Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Hội nhập thuộc Bộ Nội vụ và quyết định bỏ dở ngang để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Hay nói cách khác, đến nay thủ tướng tương lai của Áo vẫn chưa có bằng đại học.

Năm 2013, ông trở thành Bộ trưởng ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử Áo và Liên Hiệp Châu Âu khi tuổi đời mới 27. Nếu trở thành Thủ tướng Áo, ông Kurz sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất thế giới, trẻ hơn cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (33 tuổi) và Tổng thống Pháp (39 tuổi).

Ngoại trưởng Áo có phong sách trẻ trung, năng động, với vẻ điển trai và lịch lãm được ví như tài tử điện ảnh. Ông Kurz cũng là một người rất thân thiện và dễ gần. Nhà lãnh đạo trẻ nhiều lần được so sánh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ông Kurz hiện chưa lập gia đình. Bạn gái ông là Susanne Thier, nhân viên làm việc tại Bộ tài chính Áo. Cặp đôi được cho là quen nhau từ năm 18 tuổi.

Anh Anh

Published in Diễn đàn
mercredi, 11 octobre 2017 19:07

Căn nguyên của sự bất ổn

Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối.

Trong một trận quyết đấu - cuộc đấu sinh tồn, một người bị thương và một người tử trận, rõ ràng người bị thương đã giành chiến thắng. Người chiến thắng được tất cả, còn người thua ?

quyenluc0

Nguyễn Xuân Anh và Trương Quang Nghĩa : Trong một cuộc đấu sinh tồn, người chiến thắng được tất cả, còn người thua ?

Nguyễn Xuân Anh đang chờ xem xét nốt chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Cay đắng cho Nguyễn Xuân Anh là chức vụ cuối cùng của ông sẽ được xem xét, quyết định bởi Thành ủy Đà Nẵng trong những ngày tới đây, nơi mà chỉ mới vài ngày trước ông là người đứng đầu.

Tôi có nhiều cuộc nói chuyện với những nhân vật hiểu sâu về chính trường Việt Nam. Họ cho rằng, trong một địa phương có hai người lãnh đạo, một người đứng đầu bên Đảng và một người đứng đầu phía Chính quyền, luôn phải có một người chịu nhún trước người kia. Bởi một cõi lại không thể có hai vua.

Khi ông Đinh La Thăng mới nhậm chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thăng, với cá tính của mình, ào ào xông pha, tiến bước, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh trở nên im ắng, ít nhất là trên mặt trận truyền thông. Trước đó, 10 năm ông Lê Thanh Hải là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khó có nhân vật nào có sự ảnh hưởng như Lê Thanh Hải ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí, Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khi kết thúc nhiệm kì, nhiều người còn nói rằng chỉ nhớ về ông một nụ cười.

Trở lại câu chuyện Đà Nẵng, mà thực chất nó không chỉ là vấn đề Đà Nẵng, dù Nguyễn Xuân Anh có khẳng định không có chuyện nội bộ Đà Nẵng mất đoàn kết, thì việc Bí thư thành ủy bị cách chức và ra khỏi Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố và Thường vụ Thành ủy bị cảnh cáo là một minh chứng không thể rõ hơn cho sự bất ổn ở nội bộ lãnh đạo Đà Nẵng.

Căn nguyên của sự bất ổn là vấn đề quyền lực.

Những chuyện ấy bây giờ đã là quá khứ, nhưng còn tương lai ? Những bất ổn ở Đà Nẵng, cả về kinh tế lẫn chính trị, về chủ trương, đường lối phát triển, bắt buộc phải thu vén lại. Liệu một người nhạt nhòa trong vai trò Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải như ông Trương Quang Nghĩa có đảm nhiệm được không ?

Sau những phát ngôn đại loại như hàng không vét hết khách của ngành đường sắt, không mở rộng sân bay về phía sân golf, có vẻ như ông Nghĩa không được dư luận kì vọng, dù ông Phạm Minh Chính, trưởng Ban Tổ chức trung ương cho rằng, đó là phương án tốt nhất.

Không có cá nhân nào cái gì cũng giỏi và cũng không có cá nhân nào làm việc gì cũng dở. Có thể ông Nghĩa không phù hợp ở vị trí người đứng đầu ngành giao thông nhưng ông lại phù hợp ở một địa phương đang cần sự dung hòa cá tính ? Đó là tôi lạc quan hi vọng.

Ít nhất, ông Nghĩa từng làm phó Bí thư thành ủy Đà Nẵng nên lần bổ nhiệm này có thể coi là một sự trở về. Và sự trở về này có ưu thế hơn những nhân vật khác là bởi ông Nghĩa đã kinh qua công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, doanh nghiệp... Ban Tổ chức trung ương đánh giá, ông Nghĩa phù hợp với nhiệm vụ lãnh đạo Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.

Trở lại vấn đề căn nguyên của sự bất ổn. Nếu cá tính của ông Nghĩa dung hòa được với các cá nhân khác ở Đà Nẵng, hành xử của ông Nghĩa khéo léo, biết nhu biết cương đúng lúc, đúng việc, thì có thể những bất ổn ở Đà Nẵng bị bới ra sẽ được dọn dẹp. Tất nhiên, ông Nghĩa sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ở Đà Nẵng.

Dọn dẹp một chiến trường chưa bao giờ là vấn đề đơn giản.

Bạch Hoàn

Nguồn : fb. bachhoanvtv24, 11/10/2017

Published in Diễn đàn

Người lên ngựa, kẻ chia bào. Người về đỉnh cao, người chìm vực sâu. Từ sau Đại hội 12 đến nay, nhân sự cấp cao trong bộ máy chính quyền và hàng ngũ lãnh đạo cốt cán của Đảng đã có nhiều thay đổi và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

hai5

Người lên ngựa, kẻ chia bào - Ảnh minh họa

Nếu nhìn dưới góc độ của những người đang làm công tác chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công tác đấu tranh chống tiêu cực, chống quan liêu cửa quyền, chống tham nhũng lãng phí... thì có thể coi những thay đổi về nhân sự được quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua và Trung ương 6 đang diễn ra là một thành tích. Những sự thay đổi về mặt nhân sự ấy mang lại xúc cảm hoan hỉ cho một bộ phận lớn người dân. Họ hào hứng với việc đốt cháy cả củi tươi và bấu víu chút niềm tin mỏng manh còn lại vào chiến dịch nhóm lò.

Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, những gì phơi bày ra thời gian qua, chính xác phải gọi là một sự thất bại trong công tác cán bộ.

Lấy ví dụ một việc gần nhất là kết quả bỏ phiếu cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng vừa diễn ra tại Hội nghị Trung ương 6 vào ngày hôm qua.

Bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh có vấn đề - theo nhìn nhận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, lẽ ra khi làm công tác bổ nhiệm phải suy xét ngay, nhưng thực tế đã bỏ lọt. Bản lĩnh chính trị còn non kém, kinh nghiệm quản lý còn chưa chín, khả năng làm công tác định hướng chủ trương, đường lối, công tác cán bộ chưa vững nhưng lại vội vàng đặt vào vị trí Bí thư một thành phố như Đà Nẵng. Trong khi Đà Nẵng là nơi có những cái bóng quá lớn, không phù hợp với người có vốn liếng trận mạc khiêm tốn như Nguyễn Xuân Anh.

Phải mặc một chiếc áo vừa vặn với cơ thể mình thì mới đẹp. Chiếc áo quá rộng hoặc quá chật đều khiến mình trở nên xấu xí. Nếu ở một thời điểm khác, bản lĩnh chính trị đã được tôi rèn, biết đâu có thể sẽ là một Xuân Anh khác?

Một ví dụ khác là trường hợp của ông Trương Quang Nghĩa. Bộ trưởng Bộ Giao thông phải là người đá vị trí tiền đạo, nhưng ông Trương Quang Nghĩa với những gì đã thể hiện thì rõ ràng là phù hợp ở vị trí hậu vệ hơn là một người chịu trách nhiệm ghi bàn.

Mọi sự phát triển của bất kì ngành hay địa phương nào đều mang bóng dáng của người đứng đầu. Nguyễn Xuân Anh mới được khoảng hai năm đã ngã. Trương Quang Nghĩa cũng mới vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hơn một năm giờ lại về thay chỗ Nguyễn Xuân Anh. Cho đến kì Đại hội 13, ông ấy chỉ còn hơn ba năm ngồi ở vị trí cao nhất của Đà Nẵng. Chừng ấy thời gian là quá ngắn để có thể tạo được dấu ấn và định hình con đường phát triển.

Nhân sự thay đổi liên tục, không khí chính trị căng thẳng, đó là sự thất bại trong công tác cán bộ. Và sự thất bại này có thể dẫn đến những yếu kém trong quá trình quản lý, thậm chí là những chủ trương, quyết định có thể sẽ sai lầm. Cuối cùng, hậu quả mà sự bất ổn ấy để lại là sự giật cục trong quyết sách phát triển kinh tế, sự co cụm của nhà đầu tư và thứ mà người dân nhận lãnh có thể sẽ rất nặng nề.

Nếu những bất ổn từ sai lầm trong công tác nhân sự ở Đà Nẵng sẽ vẫn tiếp diễn, thì sớm muộn gì thành phố này cũng không còn là thành phố đáng sống. Nhìn rộng ra, nếu công tác nhân sự còn tiếp tục để lọt những cán bộ kém tài thiếu đức, đặt người ngồi không đúng vị trí, thì cái lò sẽ còn phải đốt củi không biết đến bao giờ?

Không chỉ Đà Nẵng mà trên cả đất nước này, thực ra người dân không muốn cứ phải đốt củi, cái họ cần là trồng cây. Chỉ trồng cây mới có ngày mang về hoa thơm và trái ngọt.

Bạch Hoàn

Nguồn : fb. bachhoanvtv24, 07/10/2017

Published in Diễn đàn