Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/05/2018

Bản qui hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm và những thủ phạm

Trúc Giang, Hoàng Hải Vân, Thảo Vy

Từ câu chuyện tấm bản đồ gốc trong bộ hồ sơ trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện "bị thất lạc", từ bộ hồ sơ được giữ lại của cựu chủ tịch Võ Viết Thanh, cho thấy ngay từ ban đầu việc quy hoạch Thủ Thiêm không hề có chuyện cưỡng chế các cơ sở tự viện, tôn giáo.

quihoach1

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng Khu đô thị Thủ Thiêm lập năm 1995 (một trong 13 bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng) được ông Thanh lưu giữ. Ảnh : Hữu Nguyên.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 24/4/2018, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm), cũng như thu hồi đất của Trường Tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và Công viên bờ sông theo đúng tiến độ.

Ngày 05/04/2004, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải ký Quyết định số 81/2004/QĐ-UB về "Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến tháng 9/2004, bản thuyết trình Quy hoạch tổng mặt bằng do Sasaki Associates thực hiện với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đệ trình Ban Quản lý Đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm nêu rõ trong "những địa điểm nổi bật của khu Lõi trung tâm" có các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm. Xác định công trình tôn giáo lâu đời này là "khu văn hóa chính yếu", đơn vị thiết kế đề nghị "giữ lại và kết hợp với thiết kế của Lõi trung tâm". Điều này còn được căn cứ vào Luật về Di sản văn hóa phiên bản 2001.

Từ tham vấn của Sasaki Associates, việc bảo tồn những công trình tôn giáo trong đó có nhà thờ Thủ Thiêm lần đầu tiên được chính thức nhắc đến theo hướng "giữ gìn và tôn tạo" tại Tờ trình số 1817/QHKT-ĐB2 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/8/2005.

Văn bản từ cơ quan tham mưu là một trong những cơ sở để UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/2/2005 ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000, thay thế Quyết định 367/TTg. Diện tích dành cho "công trình văn hóa" (ứng với vị trí thực địa thì đây là các cơ sở tôn giáo Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, chùa Liên Trì) được thể hiện trên bản vẽ quy hoạch đính kèm Quyết định 6565/QĐ-UBND. Văn bản này tiếp tục là cơ sở để UBND Thành phố Hồ Chí Minh duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 bằng việc ban hành Quyết định 6566/QĐ-UBND cùng ngày. Khu công trình văn hoá vẫn nguyên vẹn trên bản đồ quy hoạch 1/2000.

Ngày 2/11/2007, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 4954/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn "Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ" của Điều 2 Quyết định số 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005. Tiếp theo, ngày 7/11/2007, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 5016/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn "Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm và Quyết định số 6565/QĐ-UB ngày 27/12/2005 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm" của Quyết định số 6566/QĐ-UB ngày 27/12/2005.

Tuy nhiên đến ngày 19/6/2012, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 3165/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2. Văn bản này do phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký.

Theo đó, quy hoạch mới có 8 phân khu chức năng so với 5 phân khu chức năng theo QĐ 6566/QĐ-UBND năm 2005. Diện tích quy hoạch vẫn không đổi : 657 ha. Nhưng phần đất dành cho công trình văn hoá đã được "giải tỏa trắng" trên bản đồ đính kèm theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Điều này đồng nghĩa tất cả tự viện, chùa chiền, nhà thờ ở Thủ Thiêm buộc phải cưỡng chế.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Võ Viết Thanh cho biết : "Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ : quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.

Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang nhà cửa, khu tái định cư được bố trí sát cạnh khu trung tâm mới. Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người... Không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn" (theo Phạm Vũ – Tuổi Trẻ ngày 7/5/2018).

Như vậy, câu chuyện giờ đây liên quan đến thêm hai cựu quan chức là phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, và phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài – người đã ký duyệt văn bản số 1061/QĐ-UBND điều chỉnh lộ giới tuyến đường vòng cung, trục đường Bắc Nam khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Người viết hiện tiếp cận ‘mê hồn trận’ văn bản được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ban hành liên quan chuyện quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Các văn bản này đều đang có hiệu lực thi hành, đặc biệt là nhiều văn bản sau được ban hành nhằm để điều chỉnh một điều nào đó của văn bản trước.

Tuy nhiên tính pháp lý cao nhất là Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996, lại chưa được tôn trọng thực hiện. Điều này đặt một nghi vấn là dường như lâu nay có một nhóm quan chức địa phương cấu kết với cấp trung ương để tham nhũng chính sách, lũng đoạn thị trường bất động sản và thao túng cả hệ thống chính trị.

Họ là những ai ?

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 10/05/2018

********************

Nếu không khởi tố, đừng hòng lần ra các đường dây cướp đất ở Thủ Thiêm !

Hoàng Hải Vân, 10/05/2018

Như đã nói ở các stt trước, Quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh "phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000" ngang nhiên phế bỏ Quyết định 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, dù viện dẫn vào văn bản nào cũng đều trái luật.

quihoach3

Hai nhân vật bị xem là 'nhúng chàm' vụ đất Thủ Thiêm : Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải (phải) và Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua (trái)

Cái quyết định trái luật đó đã hợp pháp hóa việc thu hồi đất của dân nằm ngoài quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài mười mấy năm nay, dân hỏi bản đồ quy hoạch gốc đâu thì bảo không tìm thấy. Đồ án quy hoạch gốc gồm 13 tấm bản đồ vẫn còn ở nhà riêng cựu Chủ tịch Thành phố Võ Viết Thanh nhưng không tồn tại ở những nơi lẽ ra nó phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật, điều đó chỉ có thể giải thích là nó đã bị hủy để phi tang nhằm đối phó với tình trạng khiếu kiện của dân. Hậu quả như mọi người đã thấy, là vô cùng nghiêm trọng.

Theo luật thì một quyết định ban hành trái luật phải bị thu hồi và hủy bỏ, nhưng vì văn bản này tồn tại quá lâu gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đã nói, cho nên không chỉ thu hồi mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự hiện hành không còn tội "cố ý làm trái", nhưng vẫn có thể áp dụng tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất" theo Điều 225 (hoặc một tội tương ứng khác) trong Bộ luật hình sự để khởi tố. Thông tin từ cuộc tiếp dân nóng bỏng diễn ra ngày hôm qua xung quanh việc thu hồi đất sai và bồi thường không đúng luật có thừa chứng cứ để khởi tố tội này. Khởi tố một tội, mới có thể điều tra để lần ra các tội khác mà tôi nghĩ là sẽ nghiêm trọng hơn.

Thông tin về những tiêu cực ở Thủ Thiêm từng bị bưng bít trong một thời gian quá dài. Đồng tiền đã và đang mạnh hơn luật pháp. Cuộc thanh tra dự án Thủ Thiêm vào năm 2015 nửa chừng đã bị một văn bản "mật" yêu cầu dừng lại (theo báo điện tử Dân Việt, 3/5/2018) đã cho thấy điều đó. Nếu chỉ thanh tra, kiểm tra khơi khơi thì chẳng ăn thua gì. Chưa chi đã có một đương kim Thứ trưởng Bộ Xây dựng bênh chằm chằm cái quyết định của UBND thành phố, một cựu Thứ trưởng Bộ Đất tuyên bố không có cái bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm. Và dường như phần lớn các bộ, ngành liên quan khác đang chực chờ đứng ra bảo vệ những hành vi sai trái. Khởi tố một cái, tôi tin rằng mấy cái mồm kia sẽ không dám mở.

Một loạt đại gia và quan chức trở nên siêu giàu từ cái Quyết định sai luật của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kéo theo đó là nỗi oan mất nhà mất đất của biết bao dân nghèo. Không khởi tố thì không thể lần ra những đường dây làm giàu bằng cướp bóc đó được !

Hoàng Hải Vân

Nguồn : fb.hoanghaivan, 10/05/2018

********************

Thấy gì qua việc báo chí nhà nước công kích quan chức ?

Thảo Vy, VNTB, 11/05/2018

Báo Người Tiêu Dùng vừa có bài viết công kích trực tiếp thêm một cá nhân quan chức Thành phố Hồ Chí Minh là phó bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm. Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang cũng tiếp tục được nhắc tên cho nhiều nghi vấn tham nhũng.

tam1

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm

Với làng báo Sài Gòn, báo chí do tư nhân ‘lách luật’ để đầu tư và trực tiếp điều hành khá nhiều ; trong đó về mảng chính trị xã hội thì ba đầu báo đang tạo sự chú ý mạnh của độc giả, là tờ Người Tiêu Dùng, phiên bản báo giấy và báo điện tử. Tờ thứ hai là Người Đô Thị, cũng có 2 phiên bản phát hành là báo giấy và báo điện tử. Tờ thứ ba là báo điện tử Một Thế Giới. Nhóm thực hiện nội dung cho cả 3 tờ báo vừa kể hầu hết là những tên tuổi đã thành danh trong làng báo Sài Gòn.

Ở tờ Người Tiêu Dùng, nguồn nhân sự chủ yếu đến từ báo Sài Gòn Giải Phóng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tờ Một Thế Giới, có thể coi là ‘sân sau’ của những nhà báo xuất thân tờ Thanh Niên và Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tờ Người Đô Thị tập hợp được nhiều tay viết giỏi nghề cũng ở Sài Gòn, sẳn sàng đương đầu với nhát kéo kiểm duyệt của tuyên giáo. Điểm chung cả 3 tờ là đều có ‘các sếp’ không ngại đụng chạm.

Tuy nhiên, công tâm nhìn nhận, nếu không có ‘đèn xanh’ của ai đó trong hậu trường chính trị bật lên, thì có lẽ báo Người Tiêu Dùng khó lòng yên thân khi dám rút tít tựa là "Thưa bà Nguyễn Thị Quyết Tâm ! Đừng nên thách thức dư luận thêm nữa…", phát hành hôm chiều ngày 9/5/2018. Tác giả bài viết đã cho rằng việc bà Quyết Tâm đăng đàn phát biểu với cử tri "Hủy hợp đồng bán đất ở Phước Kiển không thiệt hại kinh tế nào", là một thách thức không chỉ với người dân, mà còn cả với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Mặt khác, giữa lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp, với nhiều nội dung nhằm củng cố uy tín của Đảng, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý nghiêm các sai phạm của Đảng viên, đề cao công tác phòng chống tham nhũng, thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, phát ngôn của bà Quyết Tâm dường như "lạc lõng" và đi ngược lại chủ trương lớn của cả dân tộc. Đó dường như là một phát ngôn "mở đường" dàn xếp sai phạm và bênh vực cho tham nhũng".

Báo Người Đô Thị chọn thực hiện loạt bài về quy hoạch Thủ Thiêm, đặc biệt tập trung mảng tôn giáo, với các dẫn chứng pháp lý cứng rắn để cáo buộc hành vi vi phạm pháp luật của các quan chức giai đoạn ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch UBND và thời gian ông này ngồi ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh suốt 2 nhiệm kỳ. Đáng chú ý là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có dấu hiệu sai phạm liên quan trong quy hoạch Thủ Thiêm. Trước đó, báo Người Đô Thị cũng là tờ báo có loạt bài viết mạnh mẽ về pháp lý trong vụ đầu độc môi trường của Formosa Hà Tĩnh.

Báo điện tử Một Thế Giới thì chọn phương thức đăng các ý kiến của những nhà báo ‘dám ăn dám nói’ vốn am tường hậu trường chính trị, cũng như đời tư của nhiều chính khách.

Người viết cũng từng được báo Một Thế Giới đặt viết về khu đất quân đội trên đường Tôn Đức Thắng từng được nghi vấn là cú áp phe giữa một tướng lĩnh vốn là con trai của một đại tướng có tên đường được đặt gần bệnh viện Chợ Rẫy, với một người khoác áo dân sự là em ruột của vị cựu thủ tướng quê gốc miền Tây. "Đơn hàng" về nội dung bài viết này xuất phát từ một "đề nghị" của "ai đó" chốn hậu trường đang muốn mượn báo chí để ngáng đường hoạn lộ của nhau.

Trở lại với nghi vấn ‘đèn xanh’. Trong mảng điều tra các vụ việc tiêu cực xảy ra tại một đơn vị nào đó, thường là do trong chính nội bộ cung cấp hồ sơ. Cái gọi là moi tin, không hẳn thuộc về tài nghệ điều tra của nhà báo, mà từ phía cung cấp hồ sơ muốn tin tức đó được lan truyền đến mức độ nào, bao gồm cả việc dò đường dư luận. Vụ nguyên bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị ‘đánh’ trên báo Văn Nghệ Trẻ là một ví dụ. Gần đây, tờ Người Tiêu Dùng với cú áp phe của phó bí thư thường trực Tất Thành Cang là đơn cử khác.

‘Đèn xanh’ hiện nay còn đang được bật với báo Tuổi Trẻ, khi đây là tờ báo đầu tiên được cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh chọn để lật lại hồ sơ quy hoạch Thủ Thiêm. Nếu để ý tình tiết sẽ nhận ra có sự trùng hợp khó hiểu, khi chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần giải tỏa nhanh chóng và tiến hành bán đấu giá 9 lô đất ở Thủ Thiêm ; thì cùng thời điểm đó, Người Phát Ngôn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyên bố tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm do thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt ban đầu đã… thất lạc. Chỉ hai hôm sau, thì có tin ông Võ Viết Thanh đưa ra loạt bản đồ quy hoạch mà hai mươi năm qua không được ai nhớ đến.

Vào cuối tuần này sẽ kết thúc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Liệu câu chuyện về tự do báo chí như nói ở trên, sẽ được tiếp tục diễn tiến mạnh mẽ hơn, chứ không phải như vụ gá duyên MobiFone – AVG đang dần chìm vào quên lãng ?.

Người viết ngờ rằng đây chỉ là kiểu thanh trừng lẫn nhau. Thử hỏi vì sao cách đặt vấn đề đơn giản nhất và cũng thu hút sự quan tâm nhất của công chúng lại chưa được báo chí đưa ra, là cần bạch hóa tài sản của những quan chức đang nghi vấn lợi ích nhóm trong quy hoạch Thủ Thiêm ? Bởi nếu bạch hóa tài sản quan chức, thì đích nhắm lớn nhất chính là yêu cầu Tổng Bí thư phải công khai hóa tài sản như đề nghị của nhiều nhân sĩ, trí thức hôm 6/5/2018.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 11/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 981 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)