Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/05/2018

Những ai đã "xẻ thịt" Thủ Thiêm ?

Ánh Liên , Lê Hồng Hà

Câu chuyện Thủ Thiêm : 'không còn tin cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh'

Ánh Liên, VNTB, 11/05/2018

Câu chuyện Thủ Thiêm với quy hoạch đất đai của khu đô thị mới vẫn là câu chuyện nóng sốt với nhiều tình tiết, từ việc người dân dù không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi, mà không có quyết định thu hồi đất cho đến chưa nhận được tiền đền bù, hoặc thậm chí, giá đền bù ở mức thấp (2 triệu đồng/m2) để rồi sau quy hoạch bán lên gấp 20 lần (trung bình 300 triệu/m2) ; ra quyết định thu hồi 657 ha nhưng thu đến 803 ha !

quyettam1

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã tàng hình trước mọi nỗi cùng cực và những tình cảnh tăm tối của hàng ngàn, vạn người dân ở Thủ Thiêm trong suốt hàng chục năm qua

Câu chuyện được đẩy lên cao khi bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) đi kèm quyết định của Thủ tướng biến mất.

Sự giận dữ về 'cướp đất có hệ thống'

Nhà báo Phương Nam bày tỏ trên Facebook của mình : đọc mới một phần hồ sơ vụ Thủ Thiêm đã muốn ngửa cổ lên trời cười sằng sặc 3 tiếng rồi khóc ngằn ngặt 3 hồi quá. Cười vì những cán bộ, quan chức lúc nào cũng đăng đàn ra rả vì dân, do dân nhưng ăn không chừa một thứ gì ; cười vì những thương vụ ăn cả hai đầu, ăn dữ tợn mà không thèm chùi mép. Còn khóc vì bao nhiêu đất vàng, đất bạc chúng nó chia chác cho nhau hết sạch để vinh thân phì gia trong khi người dân bị thu hồi không còn cục đất nhỏ để chọi chim !

Góc nhìn của nhà báo Phương Nam là tâm trạng chung của những người quan tâm đến sự kiện và số phận của người dân Thủ Thiêm trong câu chuyện đất đai này. Và tại Hà Nội, đã có hẳn 1 làng dân oan Thủ Thiêm ngày ngày bái vọng về cấp Trung ương để tìm kiếm lại công lý cho mình.


Thủ Thiêm hay câu chuyện 'đổi đất lấy công trình' hoặc bằng những dự án này khác đền bù giải tỏa với giá rẻ mạt, ép dân không đi thì cưỡng chế đã khiến 'đất đai thuộc sở hữu toàn dân' bị thu hẹp lại, và đất đai thuộc sở hữu của các tập đoàn tư nhân tăng lên. 

quyettam2

Người dân Thủ Thiêm trào nước mắt tại buổi gặp đại biểu Quốc hội. Ảnh : Tổng hợp

Cách thức chuyển quyền sử dụng đất từ nhiều người vào tay 1-2 người đã trở thành quen thuộc tại nhiều tỉnh thành. Facebooker Quân Triêt Phương cũng chia sẻ câu chuyện tương tự tại tỉnh Phan Thiết của mình, trong đó có 62 ha đất sân golf Phan Thiết, lúc giải tỏa đền bù dân đã khiếu nại, biểu tình thì lãnh đạo tỉnh/ thị xã xoa dịu bằng quan điểm 'bà con hãy hy sinh một ít quyền lợi cùng nhà nước xây dựng và phát triển Tỉnh nhà, để khách du lịch khắp nơi đến với Phan thiết, và mình chỉ cho DN nước ngoài thuê 50 năm nên bà con đừng sợ mất đất. Hết 50 năm lấy lại cho con cháu mình xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đẹp hơn... !.'. Nhưng kết quả sau cùng là, mới 20 năm một DN trong tỉnh đã san nhượng lại và chỉ một thời gian ngắn họ phù phép để có được QĐ xóa sổ sân Golf chuyển sang đất ở đô thị, nay thành khu đô thị du lịch biển.

Có lẽ vì sự liên kết đặc biệt này mà đất đai tại Việt nam trở thành câu chuyện máu, nước mắt và trấn áp. 

Vấn đề là những công chức/lãnh đạo ngày ngày đăng đàn nói về tính khí cách mạng lại là những quan tham và bán bỏ quyền lợi công dân, cử tri để đổi lấy lợi ích. Trong vụ Thủ Thiêm, liệu ông Tất Thành Cang, ông Lê Thanh Hải và những người có liên quan sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy giọt nước mắt đầy uất ức của người dân quận 2 ?

'Không còn tin cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh'

Câu chuyện Thủ Thiêm còn đi xa hơn khi nó không chỉ là câu chuyện liên quan đến tham nhũng, mà còn cho thấy hệ quả của sự tham nhũng. Bởi trong cuộc tiếp xúc cử tri, người dân quận 2 đề nghị đưa sự việc ở Thủ Thiêm lên Quốc hội, Bộ chính trị giải quyết vì 'không còn tin cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh' nữa. Thậm chí, còn đòi hỏi bà Tâm (người từng tuyên bố con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc) phải từ chức, vì bà đã đứng về phía hành vi sai trái của chính quyền quận 2 và không giải quyết các kiến nghị của dân.

Cần phải nhắc lại, bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm là người thực thi quyền giám sát nhân dân cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, và là quan chức có thâm niên tại đơn vị hành chính này, thế nhưng 'nỗi đau dân Thủ Thiêm' vẫn cứ tồn tại hơn thập kỷ qua, và bà chỉ đau khi mà mọi chuyện phơi bày trên báo chí.

Luật sư Luân Lê đã bày tỏ về 'nỗi đau' của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm : Bà ta đã tàng hình trước mọi nỗi cùng cực và những tình cảnh tăm tối của hàng ngàn, vạn người dân ở Thủ Thiêm trong suốt hàng chục năm qua, nơi bà ta trực tiếp có trách nhiệm đại diện cho nhân dân nơi đây như một bổn phận đầu tiên và trước hết.

quyettam3

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chiều 9.5, có ý kiến bày tỏ sự không tin tưởng về chính quyền thành phố. Ảnh : tổng hợp

Và như thế, bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân, cùng với những người như ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) ; ông Nguyễn Văn Đua (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh) ; ông Lê Hoàng Quân (nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh) đã đặt dự án lên trên người dân. Hay nói đúng hơn, như Phó Giáo sư Tiến sĩ Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ) nhận định : 'Phát triển là dành cho người dân, không phải cho dự án. Tuy vậy tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân'. 

Còn với nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, ông phẫn uất chia sẻ rằng, những quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đã nợ người dân những cuộc đời bị đánh cắp, những số phận bị đánh gục, và quan trọng hơn là 'nợ nhân dân niềm tin vào tương lai ; nợ quốc gia vì sự phát triển bị chính các ông kìm hãm'. Và đó chính xác là 'tội ác'.

Những sự phản kháng đầy phẫn uất này làm cho quan điểm 'nhà nước của dân, do dân, vì dân' bị chính đội ngũ quan chức Thành phố Hồ Chí Minh xé toạt. Nó cho thấy, sự không đồng thuận của dân trong cách xử lý đất đai, nó cho thấy toàn bộ hệ thống chính quyền từ quận 2 đến Thành phố Hồ Chí Minh đã bị biến mất niềm tin hoàn toàn trong dân. Và chính sự biến mất niềm tin này là hệ quả vô cùng to lớn, rất khó để khôi phục lại được nếu như những kiến nghị, yêu cầu của người dân không được đáp ứng một cách thỏa đáng. Bởi suy cho cùng, hệ thống công quyền sinh ra là đại diện cho lợi ích cộng đồng và phục vụ trên tinh thần lợi ích cộng đồng, chứ không phải mang danh cộng đồng mà phục vụ lợi ích nhóm.

Sự đáng sợ đến từ nguyên tắc số 1 của Luật đất đai

Qua câu chuyện Thủ Thiêm mới thấy sự đáng sợ của nguyên tắc 'đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý' - bởi một lần nữa, nó cho thấy nguyên tắc này thực sự gây rối loạn và khoét sâu mâu thuẫn xã hội. Giả sử nếu tái lập lại vụ Đồng Nọc Nạn thời chính quyền thực dân Pháp, chính quyền mà xử cho gia đình Mười Chức thắng kiện vì đất đó là đất họ khai hoang, thì khi đối diện với chính quyền hiện nay - Mười chức chắc chắc là một dân oan, hoặc thậm chí bị tống vào tù vì tội chống chính quyền.

quyettam4

Luật đất đai vẫn là nguồn gốc của lợi ích nhóm đất đai hiện nay ?

Chính Luật đất đai dung dưỡng nguyên tắc vấy máu nêu trên, nên đã đưa đến Điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu ('phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng'),...

Do vậy, muốn chấm dứt câu chuyện Thủ Thiêm (hoặc tương tự như Thủ Thiêm) trong tương lai ; chấm dứt cảnh đổ máu vì đất đai ; chấm dứt tình trạng mất niềm tin vào chính quyền, thì tốt nhất,... ngoài việc tái lập công lý trong 'xử người đúng pháp luật' tại Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả đội ngũ quan chức đã hoặc không còn tại vị), thì cũng đồng thời giải quyết căn bản nhất câu chuyện về 'quyền sở hữu' và 'quản lý' trong đất đai. Trong đó, bao gồm việc đặt ra lại vấn đề : cần hay không cần việc xóa bỏ/thay đổi/chỉnh sửa nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý được ghi nhận tại Điều 53, 54 Hiến pháp 2013 ; Điều 4 Luật đất đai năm 2013 ?

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 11/05/2018

******************

Những hung thần "xẻ thịt" Thủ Thiêm

Lê Hồng Hà, 11/05/2018

Một trong những hung thần "xẻ thịt" Thủ Thiêm là Nguyễn Văn Đua. Ông ta sinh ngày 10/3/1954 tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Đăng ký hộ khẩu tại số 190 đường Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

badua1

Ông Nguyễn Văn Đua – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Trình độ học vấn : Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp Lý luận chính trị.

Quá trình công tác như sau :

– Từ tháng 8/1971 đến tháng 02/1975 : tham gia cách mạng, thanh vận ở khu vực Sài Gòn-Gia Định ;

– Từ tháng 02-04/1975 : Do cơ sở bị lộ, thoát ly về căn cứ ở Châu Thành, Tiền Giang.

– Từ tháng 4/1975 đến tháng 9/1975 : tham gia tổ công tác đoàn thể.

– Từ tháng 9/1975 đến tháng 11/1984 : Ủy viên Ban chấp hành Quận đoàn, Phó Bí thư Quận đoàn 4 rồi Bí thư Quận đoàn 4, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt nam ngày 12/9/1975 ;

– Từ tháng 11/1984 đến 1992 : Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban thanh niên phân phối lưu thông, hành chính sự nghiệp Thành đoàn ; Phó Bí thư Thành đoàn ;

– Từ năm 1992 đến tháng 4/1996 : Bí thư Thành đoàn khóa V, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa V, ông được bầu bổ sung là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố ;

– Từ tháng 4/1996 đến tháng 11/2001 : điều động về công tác tại quận 3 với nhiệm vụ là Bí thư Quận ủy quận 3 ;

– Từ tháng 11/2001 đến tháng 10/2006 : Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm ; từ năm 2003, được Hội đồng nhân dân thành phố bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ;

– Từ tháng 11/2006 đến 2015 : Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, khóa IX.

Ngày 4/6/1996, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã ký ban hành QĐ 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, rộng 770 ha, khu tái định cư rộng 160 ha, dân số là 245.000 người.

Sau khi có Quyết định 367 của Thủ tướng, năm 1998 Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định 13585 về Phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch và để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Ranh của khu đô thị này căn cứ theo bản đồ được duyệt (Quyết định 13585) với quy mô 618 ha, không kể diện tích sông Sài Gòn và khu tái định cư 42 ha.

Năm 2002, cũng căn cứ QĐ-367, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định thu hồi đất nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc quận 2 để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kế tiếp là thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tại phường An Phú, quận 2.

Ngày 27/12/2005, ông Nguyễn Văn Đua lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ký QĐ-6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo quyết định này thì quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm thay đổi khá nhiều. Cụ thể, khu trung tâm rộng 737 ha, gồm có Khu đô thị phát triển mới rộng 657 ha, Khu đô thị chỉnh trang rộng 80 ha…

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là, tại điều 2 của Quyết định 6565 mà ông Đua ký ghi "Quyết định này thay thế quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ". Cả gan "bãi bỏ" Quyết định của Thủ tướng, Nguyễn Văn Đua được sự "chống lưng" của Lê Thanh Hải, bắt đầu ra tay đuổi dân, cướp đất, chia chác cho "nhóm lợi ích" dưới danh nghĩa "nhà đầu tư", chúng "xẻ thịt" Thủ Thiêm. "Kinh khủng" đến nỗi, cựu Chủ tịch Thành phố Võ Viết Thanh phải thốt lên : "Đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm".

Và từ đây, nhà nước thất thoát hàng ngàn tỷ, nhân dân bị tước đoạt nhà đất, màn trời chiếu đất, tiếng kêu tuyệt vọng khổ đau như muốn xé nát Trời xanh.

Từ khi bác bỏ Quyết định của Thủ tướng để thay thế bằng Quyết định của mình, Nguyễn Văn Đua trở thành người cực kỳ quyền lực. Được Lê Thanh Hải "chống lưng", Đua biến mình thành "hung thần" đối với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Thủ Thiêm nói riêng. Hắn trở nên tàn bạo hơn bao giờ hết. Có những chủ trương tại Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn đi ngược lại luật pháp, ngược lại quyết định của chính phủ, trong đó có trách nhiệm của Nguyễn Văn Đua.

Con số 15.000 hộ dân ở Thủ Thiêm bị giải tỏa ra khỏi nơi gắn bó của mình với giá đền bù rẻ mạt, thật sự là phi lý và vô đạo. Báo Việt Times đưa tin, "tính đến ngày 22/5/2017 việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư đối với Khu đô thị mới này đạt tỷ lệ đạt gần 100%. Cụ thể, lũy kế đã bồi thường, hỗ trợ được 14.349/14.353 hồ sơ đạt 99,97%, với diện tích 715,9731/719,9208 ha đất đạt 99,45%, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 17.158,560 tỷ đồng".

Có thể nói Thành phố Hồ Chí Minh, mà điển hình là Thủ Thiêm, quận 2, là nơi diễn ra giải tỏa đền bù nhà dân một cách khốc liệt nhất làm cho bao nhiêu người dân phải rời xa mảnh đất mà cha ông họ đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu để khai phá giữ gìn, nay phải ly tán đi khắp nơi. Nếu trong chiến tranh, ly tán là điều không tránh khỏi, thì trong hòa bình mà bắt người dân phải ly tán, ly hương để giành những mảnh đất béo bở cho các chủ đầu tư với giá rẻ mạt là việc làm vô nhân đạo, là tội ác.

Người dân Thủ Thiêm mất đất, mất nhà, trắng tay. Oan khiên tang tóc cũng từ đây mà ra. Chống cưỡng chế thì bị "quy chụp" chống nhà nước. Thanh niên trai tráng vô cớ phải vào tù. Những mẹ già trở nên "bị Việt Tân kích động". Cán bộ hưu trí thì bị cho là "lệch lạc đường lối". Các gia đình chính sách như thương binh, liệt sĩ, có công Cách mạng, thậm chí Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng cũng bị Đua và "nhóm lợi ích" bác bỏ mọi quyền và lợi ích trên chính mảnh đất của mình.

Vì thế mới có "làng Thủ Thiêm" giữa lòng Hà Nội. Họ đi kêu oan, đi khiếu kiện ròng rã… 20 năm trời. Đất thổ cư ở lâu đời chỉ được đền bù 150 ngàn/m2, tương đương 3 bát phở (!). Trong khi chủ đầu tư rao bán 250 triệu/mét vuông, tức hơn 1.670 lần.

Nếu ở Đà Nẵng có "bộ tam" Nguyễn Bá Thanh – Trần Văn Minh – Văn Hữu Chiến cấu kết với Vũ nhôm và các đại gia khác "ăn" hết đất đai, công sản, thì ở Thành phố Hồ Chí Minh, "bộ tứ" Lê Thanh Hải – Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang – Lê Hoàng Quân cũng cùng nhau "xẻ thịt" đất đai Sài Gòn, bất chấp tất cả.

Trong khi dân phải che lều, ở chung cư, thì những "nhà đầu tư" được ưu ái quá mức. Đại Quang Minh là đơn vị đầu tư chủ chốt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm – với biểu tượng là Khu đô thị cao cấp Sala – công ty này được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ưu ái rất đặc biệt thông qua hình thức BT (Xây dựng – Chuyển giao), hiểu đơn giản hơn là đổi đất lấy hạ tầng.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Đại Quang Minh thực hiện 4 cung đường với chiều dài 11,9 km có tổng chi phí đầu tư lên đến trên 12.182 tỷ đồng. Đổi lại, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Đại Quang Minh khu đất sạch có diện tích gần 79 hecta, thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại Quang Minh tiếp tục được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao cho xây dựng cầu dây văng Thủ Thiêm 2, nối quận 1 với quận 2, tổng chi phí 4.260 tỷ đồng. Đổi lại, Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho Đại Quang Minh 13,5 hecta đất cũng tại Thủ Thiêm.

Chiều 9/5, Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh gồm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng các Đại biểu quốc hội : ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố tiếp xúc cử tri quận 2, nơi có dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đây, các "ông bà nghị" đã chứng kiến những người dân đau đớn, tuyệt vọng đến nhường nào. Họ khóc, họ la lối như trút hết mọi nỗi uất hận dồn nén, có người đã ngất xỉu sau khi trình bày oan trái của mình.

Những khuôn mặt nhăn nheo, sạm lại vì dãi dầu mưa nắng, những mái đầu đã bạc với những giọt nước mắt căm hờn. Cử tri quận 2 đề nghị đưa sự việc ở Thủ Thiêm lên Quốc hội, Bộ chính trị giải quyết vì "không còn tin cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh" nữa. Họ tha thiết cầu mong Thanh tra chính phủ sớm thanh tra toàn diện "dự án Thủ Thiêm", hòng lôi ra ánh sáng những "hung thần" đã "cạp" đất và "xẻ thịt" Thủ Thiêm".

Để xoa dịu cử tri và cũng để "đánh bóng" mình, bà Quyết Tâm đã "phán" liều : "Còn làm đại biểu, tôi sẽ giải quyết cho được chuyện Thủ Thiêm". Chao ôi, thưa "bà nghị", bấy lâu nay bà ở đâu ? Bà ở bên phe Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang… hay bên cạnh nhân dân ? Bà ở trong "chăn ấm nệm êm", có biết người dân co ro trong các lều che tạm dột nát ở Thủ Thiêm ?

Cách đây mấy hôm, bà còn cho rằng 32 hecta mà Cty Tân Thuận (của thành ủy) bán cho Cường đô la, "không phải là công sản" cơ mà ? Đúng là mồm mép lươn lẹo của kẻ đứng đâu cũng có hoa tươi trên đầu và trước ngực (!)

"Miếng bánh" Thủ Thiêm hấp dẫn đến nỗi, ngoài Đại Quang Minh, còn có Vũ nhôm, Út trọc cũng xí phần. Nói nhanh, cũng như Vũ nhôm (có CMND tên Trần Đại Vũ), nghe cái tên công ty Đại Quang Minh của Khoa "khàn" (tức Khoa Keamang) người hiểu chuyện sẽ biết cả hai là "đệ ruột" của ai rồi. Và vì thế, câu hỏi tại sao Đại Quang Minh "làm mưa làm gió" ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm có câu trả lời. Khi "đại ca" của chúng đổ bệnh, thế lực suy giảm, cũng như Vũ nhôm, đầu 2017 Khoa Khàn đã vội vã "bán tháo" Đại Quang Minh cho ông chủ Trường Hải ô tô Trần Bá Dương.

badua2

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Đua. Ảnh : Khiết Nhung

Lê Thanh Hải – Tất Thành Cang – Nguyễn Văn Đua – Lê Hoàng Quân đã cấu kết hình thành "nhóm lợi ích" và thậm chí "phe nhóm chính trị" nhằm trục lợi kinh tế, đi ngược với chủ trương của nhà nước và quyền lợi của nhân dân. Dân lao động, dân nghèo Sài Gòn - Gia Định nói riêng và miền Nam nói chung, vốn hiền hòa, nhân hậu, bao dung và cả tin ; cho nên những năm nào, khi còn là thằng du kích, biệt động thành, chúng được nhân dân Sài Gòn Thủ Thiêm đùm bọc, nuôi nấng, che chở cho đến ngày hòa bình rồi lần mò vào chính trường. Vậy mà hôm nay, chúng quay lưng lại, phản bội nhân dân và "lội" trên máu và nước mắt của họ để trở thành "hung thần" và "lãnh chúa".

Chùa chiền, nơi thờ phượng ở Thủ Thiêm cũng bị san bằng. Nhìn những nhà sư đầm đìa nước mắt bên đống gạch vụn, cả 2 thầy trò nhìn về hướng trời xa… Nhìn cảnh ấy, thần linh cũng phẫn nộ và kinh sợ bọn "đại gian đại ác", thì chúng còn đến chùa cầu khấn làm gì ? Ai chứng minh cho chúng ?

"Lò ông Trọng" đã "đốt" sang năm thứ 2, nhưng hình như "nhiệt độ" của lò vẫn chưa đủ sức nóng để thiêu những "khúc củi" là hung thần, lãnh chúa… đã cưỡi lên đầu nhân dân, hút máu họ, để cho bản thân và gia tộc chúng "trường sinh bất lão".

Lê Hồng Hà

Nguồn : FB Lê Hồng Hà, 11/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 846 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)