Hôm 23/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh mất tích ở Berlin (Đức), tám ngày sau (31/7/2017) truyền thông Nhà nước Việt Nam thông tin Trịnh Xuân Thanh đã đầu thú tại Bộ Công an. Đây là những thông tin chính xác (vì thông tin này khớp với các nguồn thông tin khác) nhưng lại không nói Trịnh Xuân Thanh về quê mẹ bằng gì, con đường nào dẫn đến nhiều sự phỏng đoán.
Chuyên cơ Airbus 319 của chính phủ Slovakia nghi chở Trịnh Xuân Thanh
Với truyền thông phương tây thuộc dạng "thế lực thù địch" thì họ dựa vào các nguồn tin của nhân chứng, an ninh, cảnh sát, tòa án, hành trình của chiếc xe nghi chở ông Thanh... rồi đưa ra các thông tin làm khán, thính giả hiểu : Ngày 23/7 lúc 10g40 (giờ địa phương) Trịnh Xuân Thanh bị nhóm người Việt tóm ở công viên Tiergarten (Berlin) cùng cô bạn gái "chim mồi" tống lên xe chở đến đại sứ quán Việt Nam ở đây rồi chở tiếp sang CH Czech. Từ đây có phái đoàn an ninh của Việt Nam do tướng Tô Lâm làm trưởng đoàn vừa từ Paris bay đến rồi Trịnh Xuân Thanh được chở sang thủ đô Bratislava (Cộng hòa Slovakia) nơi đoàn công an Việt Nam cùng sang đó họp, dùng bữa với quan chức bộ nội vụ Slovakia trong chút giờ, cuối cùng lên chiếc chuyên cơ A319 của Slovakia đi Moscow(LB Nga) rồi về Hà Nội... Tuy nhiên, đấy cũng mới chỉ là phỏng đoán logic, phía tòa thượng thẩm, an ninh Đức, các nước liên quan vẫn đang điều tra và sự việc ngày càng mở rộng rất ly kỳ...
Vậy Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam bằng cách nào ?
- Đường bộ : Đây là con đường duy nhất để Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam mà không bị kiểm soát do anh ta trèo đèo, lội suối để tránh hàng chục cửa khẩu từ Czech qua hàng loạt nước trung Á tới Trung Quốc rồi về Việt Nam hoặc ngả nam Âu qua Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (vì không thể vượt rặng Everest), Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Campuchia hoặc Lào và Việt Nam... Theo tôi với thời gian cỡ 8 ngày, sức "công tử bột" như Trịnh Xuân Thanh không thể nào đi được những chặng đường bộ như vậy.
- Đi đường hàng không : Đây là con đường duy nhất nhưng đi như thế nào để không bị phát hiện, bắt giữ ?
Theo luật hàng không của các nước, quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO-Tổ chức quốc tế thuộc cỡ có uy tín nhất) và bản thân nhu cầu bảo đảm an toàn của hàng không các nước thì bất kỳ khách nào đi máy bay thương mại cũng phải có giấy tờ tuỳ thân (hộ chiếu), khi bay phải nằm trong danh sách hành khách, kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như cởi tất cả trang sức kim loại, tháo dày, soi, nắn người, khi qua cửa an ninh thì phải đối chiếu tên, hình và người thật... Như vậy, một hành khách thoát lậu được qua biên giới đường không chỉ có sự thông đồng của an ninh sân bay (ở Việt Nam là an ninh cửa khẩu A18), kể cả người có hộ chiếu giả cũng ít khi thoát.
Tuy nhiên trong trường hợp khách đi chuyên cơ thì lại khác. Về nguyên tắc các vị khách của cỡ chính phủ (như đoàn ông Tô Lâm sang Slovakia làm việc với bộ nội vụ nước sở tại hôm 26/7 ở Bratislava chẳng hạn) cũng phải làm các thủ tục nhưng qua rất nhiều lần chứng kiến những khách đi chuyên cơ ở Việt Nam và nhiều nước thì thấy : Đoàn đi máy bay chuyên cơ dù già, trẻ, trai, gái… thì đều tập trung ở một khu vực riêng (ở Nội Bài còn có nhà khách riêng biệt, làm thủ tục bay ngay tại đây) rồi một người đại diện thu giấy tờ của cả đoàn để làm thủ tục, lấy thẻ lên rồi qua cửa riêng ra máy bay. Tại đây hầu như không có sự kiểm tra gì vì tâm lý họ đều là những nhân vật đáng tin cậy về an ninh. Nhiều khi lãnh đạo, nhân viên an ninh sân bay còn phải nịnh hót, mời khách chuyên cơ vào các phòng VIP để chiêu đãi rất trọng thị. Ai không tin cứ xem các bản thanh toán tiền tiếp khách ở các sân bay sẽ thấy số tiền không hề nhỏ.
Riêng về tiền, hành lý, hàng hóa đưa lên chuyến bay chuyên cơ cũng không phải kiểm tra hải quan vì miễn trừ ngoại giao. Thời hàng hóa còn khan hiếm có những chuyến chuyên cơ từ Liên Xô, Ba Lan, Tiệp... về Nội Bài đầy ắp hàng hóa, các loại như quạt tai voi, áo bay, dây mai xo bếp điện, tủ lạnh saratov... ở Hà Nội "hạ giá "trông thấy. Như vậy nếu một người, thùng hàng trốn qua biên giới bằng đường hàng không thì đi chuyên cơ là lý tưởng nhất, có thể dễ vượt qua hệ thống an ninh ở các sân bay. Đặc biệt với các quốc gia Đông Âu còn nhiều "di sản" tham nhũng như Nga, Czech, Ba Lan, Slovakia, Bulgaria... thì rất dễ mua chuộc lực lượng an ninh biên giới của họ. Đã rất nhiều vụ người Việt Nam vượt biên qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Nội Bài để đến Nga rồi đi tiếp Ba Lan sang Đức hoặc từ Czech, Slovakia đi các nước tây Âu khác. Tôi đã từng phanh phui nhiều vụ người vượt biên "xổng" từ Nội Bài bay lậu sang Nga nhưng đến Moscow, Czech... nhưng do hợp đồng ở đầu "bên kia trục trặc" họ bị trục xuất trở lại. Để trốn trách nhiệm, đến Nội Bài họ lại bị trục xuất ngược lại, phía bên kia lại không thể nhận trục xuất tiếp làm hãng hàng không Vietnam Airlines khốn khổ vì phải nuôi, chở những vị khách miễn phí đi đi, lại lại nhiều lần tốn kém và rất nguy hiểm này.
Vì thế theo tôi, ông Trịnh Xuân Thanh trở về quê mẹ bằng con đường hàng không thì chỉ bay qua các chặng nhiều "di sản" tham nhũng ở phía Đông Âu chứ nếu qua ngả các nước "dãy chết" thì rất khó.
Vì vậy, đến nay có thể phán đoán : ông Trịnh Xuân Thanh trở về quê hương bằng đường hàng không qua ngả Đông Âu mà nhiều khả năng là máy bay chuyên cơ ít nhất là chặng bay đến Moscow.
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 13/05/2018