Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/05/2018

Vụ Thủ Thiêm 'đã động đến các quyền của dân'

Quốc Phương

Vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, đã 'động đến các quyền' của người dân và 'động đến những khoản chi rất lớn', một cựu quan chức trong Ban lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thừa nhận với Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt.

thuthiem1

Người dân Thủ Thiêm mang bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tới chất vấn Đại biểu quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 9/5

Cần phải đưa những quan chức liên quan, không chỉ các cựu quan chức lãnh đạo thành phố hữu trách trong các giai đoạn có liên quan, mà cả những 'bộ, ban, ngành' và những quan chức lãnh đạo các cuộc thanh tra, điều tra mà không phát hiện các 'sai phạm nghiêm trọng' ra xem xét trách nhiệm, theo một số nhà quan sát, phân tích, bình luận thời sự và chính sách từ Việt Nam.

Trước hết, từ Hà Nội, ông Lê Truyền, cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nói với Bàn tròn hôm 10/5/2018 :

"Vấn đề Thủ Thiêm thì tôi cũng mới được nghe thông tin thôi, nhưng mà cũng thấy có nhiều chuyện liên quan đến quản lý đất đai, đến vai trò của quản lý nhà nước và nó liên quan đến những dự án lớn, đụng đến những quyền của nhân dân về đất đai, rồi đụng đến những khoản chi rất là lớn.

"Bây giờ tôi vẫn tiếp tục theo dõi và ở trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều ý kiến. Hôm nay, mới được nghe tin là Đoàn Đại biểu của Quốc hội có về tiếp xúc với nhân dân ở Quận II, rồi với nhân dân ở Thủ Thiêm và tôi thấy đáng mừng là bởi vì đã nổ ra những câu hỏi, những nhu cầu, những nguyện vọng và Đoàn Đại biểu cũng đã trả lời là sẽ giải quyết và sẽ sớm báo cáo với Đảng, với chính quyền thành phố để đáp ứng nhu cầu đặt ra của nhân dân".

Bình luận phản hồi tại chỗ về ý kiến này của ông Lê Truyền, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nói với Bàn tròn :

"Tôi xin có một bình luận nhỏ đó là việc tiếp xúc với cử tri Quận II cho đến bây giờ mới làm một cách công khai, có nhiều cử tri dân oan mới được tham gia những buổi tiếp xúc như thế này, theo tôi là quá muộn rồi !".

thuthiem2

Báo chí trong nước cho biết có nhiều chuyện liên quan đến quản lý đất đai đụng đến những quyền của nhân dân về đất đai.

'Muộn vẫn còn hơn không ?'

Khi được đề nghị đáp lời, cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Lê Truyền nói :

"Vâng thì tôi cũng thấy là muộn, nhưng còn hơn là không bởi vì việc cũng mới nổ ra và Đoàn Đại biểu cũng đã tổ chức được những cuộc tiếp xúc, đối thoại với cử tri, như thế cũng rất là cần thiết, còn cái chậm theo tôi còn liên quan đến việc 'Anh đã phát hiện ra tình hình ở Thủ Thiêm được sớm hay chưa ?', thì cái ấy lại còn liên quan đến những chuyện khác.

Trả lời câu hỏi của khán giả gửi tới Bàn tròn trực tuyến này về vấn đề ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói :

"Tất nhiên lãnh đạo cao nhất của thành phố thời kỳ mà tiến hành quy hoạc và giải tỏa Thủ Thiêm như vậy", chuyên gia này nói và giải thích thêm :

"Là người đứng đầu của chính quyền thành phố, thì tất nhiên phải chịu trách nhiệm về những việc xảy ra, đặc biệt những việc làm tổn hại đến nhân dân, không thể để trách nhiệm cho người khác được".

Khi được hỏi 'chịu trách nhiệm thế nào', Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói thêm trên quan điểm riêng :

"Theo tôi được biết trong năm ấy, đồng chí Bí thư Thành ủy [khi đó] là người chỉ đạo trực tiếp tất cả những việc này, vậy đối với tôi là một người cán bộ bình thường, thì mình đã nhận việc gì và trong tầm trách nhiệm của mình thì việc tốt, việc xấu, mình cũng phải chịu trách nhiệm.

"Và đến bây giờ, khi quá trình giải tỏa Thủ Thiêm để lại quá nhiều những sai lầm như thế, để lại quá nhiều tổn hại cho nhân dân như thế, thì chắc chắn đồng chí Bí thư Thành ủy thời kỳ đó phải chịu trách nhiệm".

Ai phải chịu trách nhiệm ?

Cũng từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nêu quan điểm riêng cho rằng nếu nói về vấn đề trách nhiệm thì nhiều người phải chịu trách nhiệm, mà không chỉ riêng vị trí cựu Bí thư Thành ủy hay nguyên Phó Bí thư Thành ủy, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, mà theo ông có thể có những trường hợp và cơ quan 'bộ, ngành' khác nữa, ông nói :

"Tôi cho rằng về mặt trực tiếp vào thời điểm đó, thời điểm xét quy hoạch Thủ Thiêm, thì ông Chủ tịch UBND Thành phố vào thời kỳ đó và ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố thời kỳ đó phải chịu trách nhiệm".

Theo nhà báo tự do này, thì người được cho là 'ký văn bản vượt thẩm quyền' vào văn bản thay thế văn bản của Thủ tướng Chính phủ mà "được coi là dọn đường, mở đường để giải tỏa lố 160 héc-ta đất dành cho tái định cư cho người dân, chính là người phải chịu trách nhiệm".

"Nhưng mà không chỉ vậy, mà thời kỳ đó còn phải xét các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng, vai trò của Bộ Xây dựng lúc đó như thế nào ? Tôi đang nghe đến lúc này một Thứ trưởng Bộ Xây dựng lên tiếng bảo vệ quan điểm rằng văn bản của ông Đua ký là đúng, và nếu xét Quy hoạch Thủ Thiêm là Quy hoạch năm 2002, chứ không phải là Quy hoạch năm 1996, như vậy là bảo vệ cho quan điểm giải tỏa lố đất đai của người dân.

"Thành thử phải quy luôn trách nhiệm những nhân vật của Bộ Xây dựng và cao hơn nữa là những nhân vật đã duyệt, phê duyệt Quy hoạch năm 2002, 2003 trở đi, đó là những nhân vật nào ở Chính phủ ? Và quan điểm của tôi là vụ Thủ Thiêm là một vụ trọng án, đại án quốc gia rất lớn, vì ở đây có dấu hiệu tham nhũng kinh khủng", ông Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng của mình.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng những quan chức lãnh đạo các đợt kiểm tra, thanh tra đất đai trong vụ Thủ Thiêm mà 'không phát hiện ra sai phạm gì' từ trước đến nay, cũng phải chịu trách nhiệm.

Cần xử lý thế nào ?

Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công, nêu bình luận về việc nên giải quyết, xử lý vụ Thủ Thiêm ra sao cho thấu tình, đạt lý, ông nói :

"Vụ việc Thủ Thiêm đẩy lên một cao trào rất mạnh của hậu quả gọi là 'Sở hữu toàn dân và nhà nước' về đất đai, thì nay cần phải xét lại hết, thế mà chúng ta chỉ thấy nhà nước quản lý đất đai thông qua các quy hoạch, thậm chí bây giờ những nhà quản lý dấu đi, hoặc vì lý do gì đấy, người ta 'thất lạc' trong nháy nháy.

"Thì những việc này cần phải hoàn thiện thể chế một cách quyết liệt, mọi chính sách mà hướng tới Thủ Thiêm coi như là một bài học. Tôi chia sẻ với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là phải hướng tới dân, trước hết, những gì thuộc về dân oan, những gì thuộc về bức xúc của người dân, thiệt thòi với người dân và lại làm tổn hại đến các công trình văn hóa, tôn giáo, thì đều phải phục hồi nguyên như thế.

"Và điểm tiếp theo, chắc chắn rồi, muốn được lòng dân thì phải xử lý tham nhũng một cách triệt để bởi vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dựa vào dân để chống tham nhũng, hiện nay là như vậy, thì phải làm thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của người dân, mà tôi thấy tất cả những báo chí của nhà nước đưa gần đây phản ánh rất đúng nguyện vọng chính đáng của người dân và điều đó là phải làm ngay.

"Còn những kẻ tham nhũng thì phải đưa ra trừng trị mà thậm chí không chỉ là theo cảm tính mà vừa đúng pháp luật, nhưng phải làm đến nơi, đến chốn, không có vùng cấm, kể cả theo quyết định về kỷ luật là kể cả anh đã 'hạ cánh' rồi, nhưng mà cũng không được an toàn.

"Tôi nghĩ như vậy mới thỏa mãn được lòng dân, mọi vấn đề về chính sách bây giờ phải hướng tới lòng dân trước hết", nguyên Chủ nhiệm Khoa chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói.

Còn về phần mình, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm : "Khởi tố điều tra thôi, làm nhanh, làm ngay và làm dứt khoát, kiên quyết !', nhà báo tự do này nói với Bàn tròn thứ Năm.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 13/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)