Hội nghị Trung ương 7, khóa đảng XII kết thúc ngày 12/05/2018, sau 6 ngày họp tại Hà Nội đã để lại 2 điểm mới :
Hội nghị Trung ương 7, khóa đảng XII kết thúc ngày 12/05/2018 - Tất cả chỉ nói theo và ca tụng ý kiến thống nhất với Trung ương. Ảnh TTXVN
1. Lần đầu tiên báo chí được tham dự tường thuật, nhưng không phổ biến ý kiến trái chiều. Tất cả chỉ nói theo và ca tụng ý kiến thống nhất với Trung ương. Tuyệt đối không có bình luận và phản biện của báo chí về diễn văn khai mạc và bế mạc của Tổng bí thư.
Một số báo có bài phỏng vấn các cựu viên chức lãnh đạo hay cựu Đại biểu Quốc hội, nhưng tất cả đều đồng tình và hoan nghênh. Đáng chú ý là hầu hết ý kiến đều nhìn ra khuyết điểm và khó khăn trong công tác cán bộ, hay nhìn nhận có nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong đảng, hay bao che cho nhau từ trên xuống dưới, nhưng ai cũng thắc mắc tại sao chưa diệt được những tệ nạn này.
Cuối cùng họ đều đồng ý chung : đảng chưa quyêt liệt và những người đứng đầu còn nể nang, phe cánh, hoặc thiếu cương quyết để xử lý sai phạm của cấp thừa hành.
2. Về đề tài then chốt của Trung ương 7, kế hoạch "xây dựng đội ngũ 600 cán bộ cấp chiến lược" (lãnh đạo) cho đảng khóa XIII (2022-2027) và kế tiếp đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các viên chức lãnh đạo nói dai và nói dài từ trước ngày khai mạc (07/05/018).
Nhưng tất cả cũng chỉ nhằm "mặc áo thụng vái nhau" để quảng cáo tên tuổi hơn đề ra các giải pháp để giải quyết những khuyết diểm đã đồng ý phải đẩy lùi.
Tỷ dụ như khi ông Trọng nói rằng : "Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, Hội nghị đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045".
Nhưng muốn được như thế thì điều kiện cần và phải có của cán bộ là phải được rèn luyện như thế nào và do ai dạy bảo, và với phương pháp nào ?
Nếu đội ngũ mới chỉ được học từ lớp cán bộ lãnh đạo đã xuống cấp, lạc hậu và suy thoái từ trước, hay là thành phần kế thừa, hoặc "hạt giống đỏ" của con ông cháu cha thì liệu có làm được cơm cháo gì không, hay chỉ đẻ ra lớp cán bộ thiếu tài mất đức mới ?
Hơn nữa, khi đảng đặt tiêu chuẩn chọn cán bộ cần "hồng" hơn "chuyên" và phải có gốc đảng là chính thì người ngoài đảng có tài sẽ bị loại và đất nước sẽ muôn đời lạc hậu.
Vì thế, khi ông Trọng đặt tiêu chí cho đội ngũ cán bộ mới phải có "đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030" là chính ông đã lùi mất 10 năm, vì trước đây đảng từng đặt ra mốc đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ là nước có nền công nghiệp hiện đại. Nay thời gian còn lại chỉ 2 năm là bằng chứng đảng đã thất bại. Ông Nguyễn Phú Trọng và hai khóa đảng XI và XII (2011-2021) cũng phải gánh trách nhiệm với thất bại này.
Như vậy, sau bước tụt hậu này, liệu có gì bảo đảm cho dự kiến Việt Nam sẽ "trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045" trong khi ở Việt Nam bây giờ ai cũng thấy chủ trương làm "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của đảng là mơ hồ, thiếu cơ cở và loạn thị. Bởi vì trên thế giới chỉ có kinh tế tư bản chủ nghĩa và kinh tế cộng sản chủ nghĩa. Không làm gì có thứ kinh tế loăng quăng, nửa giăng nửa đèn như Việt Nam tuyên truyền.
Bằng chứng sau hơn 30 năm Đổi mới (từ 1986), Việt Nam đã làm theo kinh tế tư bản chủ nghĩa dưới cái vỏ bọc gọi là "theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa" chỉ để cho khỏi bẽ mặt. Dù có mạo danh cách nào chăng nữa, Hà Nội cũng không thể lấy vải thưa che mắt thánh để nói khác. Thực tế tình hình đã rõ ràng như thế, không ngụy biện được.
Vì vậy, khi đảng và nhà nước nắm toàn quyền kiểm soát và điều chế toàn nền kinh tế thì Việt Nam chậm phát triển so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thua cả Lào và chỉ đứng trên Cao Miên và Miến Điện.
Lý do Việt Nam không ngóc đầu lên được vì Cương lĩnh "Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa" (Bổ sung, Phát triển năm 2011), đã cho phép "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Đây là chủ trương chống lại tự do kinh doanh của người dân, vì các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhiều hơn đem lợi nhuận về cho ngân sách nhà nước, trong khi nhà nước phải gánh các khoản thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp này.
Cương lĩnh loăng quăng năm 2011, khi ông Trọng lên cầm quyền khóa đảng XI đã viết như thế này :
"Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa".
Càng tối, càng đen
Vì vậy, càng đọc những gì ông Trọng nói trong Diễn văn bế mạc Trung ương 7, càng thấy ngôn ngữ của những thợ viết trong Hội đồng Lý luận trung ương, tác giả của các văn kiện Đại hội và Hội nghị trung ương, lòi ra.
Sở dĩ dễ nhận ra vì văn kiện nào cũng chứa đấy văn từ đao to búa lớn, "nghĩa đen" trộn với "nghĩa mờ mờ" gây loạn trí người đọc và rất khó tìm thấy giải pháp.
Hãy nghe ông Trọng đọc tiếp :
"Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược mà chúng ta tập trung xây dựng trong thời gian tới phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số, kinh tế tri thức và biến đổi khí hậu, nước biển dâng ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường".
Như vậy có gì mới không, hay toàn lập lại là các thứ tiêu chuẩn đã lỗi thời, đã và đang thất bại từ mấy chục năm qua ? Những câu chữ buộc cán bộ thời kỳ mới phải làm theo "xã hội chủ nghĩa" hay "định hướng xã hội chủ nghĩa" là sản phẩm của những con người óc loãng trong Tổ viết diễn văn cho ông Trọng, trong khi Việt Nam đang cần có những cái đầu trong sáng và trái tim minh bạch để xây dựng đất nước.
Đảng nói, ai làm ?
Nhìn sâu hơn vào diễn văn bế mạc của ông Trọng, ta hấy nhiều điều "ra lệnh, chỉ tay 5 ngón", hay nói cho sướng miệng nhiều hơn đề ra các giải pháp giải quyết.
Tỷ dụ như ông Trọng bảo phải :
- Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.
- Yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác ; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
- Ban Chấp hành trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.
- Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.
- Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Nghe ông Trọng phán bấy nhiêu cũng đủ ù tai, hoa mắt. Nhưng ai làm và làm bằng cách nào thì hãy học kinh nghiệm 20 năm thất bại về Công tác cán bộ, từ khóa đảng VIII thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu qua Nghị quyết về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" ngày 18/6/1997.
Điển hình, nổi bật và đứng đầu trong "8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Hội nghị lần này đã đề ra" vẫn là "công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Những "Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị" của đảng viên đã nêu ra trong Nghị quyết 4/XII, ban hành ngày 30/10/2016, có 3 điểm quan trọng :
1. Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng ; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
3. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong suy thoái đạo đức, lối sống Nghị quyết 4/XII vạch ra :
1. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể ; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức ; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền ; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
3. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
4. Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi ; thích được đề cao, ca ngợi ; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
5. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
6. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... ; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả ; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định ; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
7. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
8. Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
9. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Chả muốn học Bác
Về "học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh" thì cũng vẫn ì ra đấy sau 2 năm thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị năm 2016.
Tại hội nghị toàn quốc sơ kết được trực tuyến đi khắp nước diễn ra tại Hà Nội ngày 16/05/2018, những căn bệnh học "hình thức, chiếu lệ" và "thiếu tự giác" vẫn tồn tại trong cán bộ cấp lãnh đạo.
Theo nhân xét của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thì trong đảng :" Vẫn còn tình trạng thiếu tự giác, tổ chức thực hiện Chỉ thị hình thức, chiếu lệ, thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa tự giác, chưa thường xuyên rèn luyện, học tập, chưa thực sự là tấm gương cho nhân dân noi theo. Một số nội dung, yêu cầu nêu trong Chỉ thị 05 như : Tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, đăng ký nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lựa chọn khâu đột phá và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm… chưa thực sự đi vào nền nếp. Nhiều nơi tinh thần tự phê bình, phê bình vẫn còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chưa chủ động đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ...".
Về phần Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, ông Võ Văn Thưởng nói trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các viên chức lãnh đạo cơ quan, ngành trung ương và truyền đi khắp nơi rằng :
"Vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị, bệnh "thành tích", bệnh "hình thức" ở nhiều nơi ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước còn thiếu tự giác, chưa thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật…".
Tường thuật của báo VietNamNet viết :
"Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên được Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho hay là do tính quyết liệt, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa có nhiều chuyển biến. Một số vấn đề yếu kém, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong công tác cán bộ, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra".
Đáng chú ý là chuyện "học Bác" vẫn dai dẳng chẳng ra trò trống gì đã được công khai chỉ sau 4 ngày kết thúc Hội nghị Trung ương 7, trong đó có 2 vấn đề nan giải về "suy thoái tư tưởng" và "đạo đức xuống cấp" của cán bộ đảng viên đã được đặt lên hàng đầu phải giải quyết.
Như vậy thì có nước đổ đầu vịt không, hay ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần có bài diễn văn khác chính xác hơn về tình trạng cán bộ "cấp chiến lược" để khỏi mất mặt trước khi nghỉ hưu ?
Phạm Trần
(17/05/2018)