Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2018

Vụ Trịnh Xuân Thanh : Câu trả lời của Đại sứ Minh có giá trị không ?

Thiền Lâm

Sau hai tuần lễ lặng như tờ, rốt cuộc phía Việt Nam đã phải phản hồi sự thúc giục của Bộ ngoại giao Slovakia về việc có hay không Trịnh Xuân Thanh được vận chuyển qua Slovakia mà ‘Bộ trưởng công an Tô Lâm làm bình phong’.

txt1

Trịnh Xuân Thanh bị chính phủ Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin tháng 7/2017. Chính phủ Việt Nam luôn bác bỏ điều này - Ảnh : VOA

Tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ở Sofia hôm 18/5/2018, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini đã nhẹ nhõm khi thông báo rằng Đại sứ Việt Nam tại Bratislava – ông Dương Trọng Minh – đã trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’.

Trước đó, một thông tin từ đài VOA Việt ngữ dẫn tờ Slovak Spectator của Slovakia cho biết Bộ ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5/2018 vẫn chưa nhận được câu trả lời.

"Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào", tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.

Dấu hỏi bật ra là làm thế nào để Bộ ngoại giao Slovakia có thể tin tưởng được câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh có một giá trị nào đó ?

Trong thực tế, Dương Trọng Minh chỉ là một quan chức bậc trung, tương đương chức vụ trưởng hoặc vụ phó của Bộ ngoại giao Việt Nam, chẳng có quyền quyết định gì đối với những vấn đề mang tính sinh mạng chính trị của các quan chức cấp chính phủ và cấp bộ chính trị như Trịnh Xuân Thanh.

Câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh lại giống với một cách chơi chữ, chỉ đề cập ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

txt2

Đại sứ Dương Trọng Minh (phải) và Quốc vụ khanh Slovakia Lukas Parizek. Ảnh : VOA

Một sự việc liên đới là cùng thời điểm xuất hiện câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hiện ra vào ngày 17/5 với phát ngôn ‘Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức’ và ‘luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức’. Cách nói này vẫn chỉ là ‘đọc bài’ xã giao, giống hệt thái độ ‘tuyên bố cho có’ đã từng thể hiện vào năm ngoái.

Trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 3/8/2017, một ngày sau khi Bộ ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ ngoại giao Việt Nam tuy "lấy làm tiếc", nhưng đã không có lấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Lần này cũng vậy, Bộ ngoại giao Việt Nam không hề phủ nhận và không dám phủ nhận việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Trong tình thế cấp bách mà nếu chậm hoặc không trả lời thì có thể làm xấu đi nhanh chóng mối quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và Slovakia, phía Việt Nam có thể cho rằng cách trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ là khá an toàn và kín kẽ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp Slovakia xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, để ngược lại niềm vui mừng có vẻ còn hơi sớm của Thủ tướng Slovakia Pellegrini về sự ‘vô can’ của Slovakia, những bằng chứng nào đó sẽ được trưng ra và khiến mối quan hệ Slovakia – Việt Nam không thể khác hơn là phải khủng hoảng như cơn khủng hoảng Đức – Việt kéo dài cho tới nay ?

Nếu xảy ra tình huống trên, liệu khi đó phía Việt Nam sẽ thản nhiên cho rằng câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ chỉ là của cấp đại sứ chứ không mang danh nghĩa Bộ ngoại giao hay Chính phủ Việt Nam, và do đó Việt Nam sẽ… rút kinh nghiệm ?

Nếu nhìn lại, có thể dễ dàng nhận ra rằng trong bối cảnh bị Chính phủ Đức và sau đó là hầu hết các tờ báo quốc tế quan tâm đến vụ Trịnh Xuân Thanh cáo buộc rằng Thanh đã bị bắt cóc chứ không phải ‘tự nguyện về Việt Nam đầu thú’ mà sau đó đã phải nhận đến hai cái án chung thân, Hà Nội đã không hề phản ứng quyết liệt theo cách ‘đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động’ – theo cái cách mà họ hay ‘nhảy dựng lên’ để phản ứng với các báo cáo của Hoa Kỳ và những tổ chức nhân quyền quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Thái độ yếu ớt là một bằng chứng gián tiếp về sự thừa nhận hành vi phạm pháp. Dẫn chứng rõ nhất là cuộc khủng hoảng Đức – Việt.

Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Trong khi đó, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ mới đây của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 20/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 762 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)