Một lần nữa kể từ thời Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh cố tình ‘ngâm tôm’ kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ hơn một năm, vụ việc đầy hứa hẹn trở thành đại án này lại có nguy cơ chìm xuồng.
Vụ Mobifone mua công ty AVG - Ảnh : vanews
Ngay sau Hội nghị trung ương 7 vào đầu tháng Năm năm 2018 mà chẳng xử được quan chức tham nhũng nào, trên mạng xã hội lại xuất hiện bút danh Nguyễn Văn Tung với bài ‘Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG : phải xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm (kỳ 28)’.
Bài viết trên cho rằng đã có tang chứng về việc giao nhận tiền tham nhũng khi nhiều cán bộ liên quan của Bộ Thông tin Truyền thông (tổ thẩm định) và Mobifone (Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, các nhóm đàm phán) đã nhận tiền của Phạm Nhật Vũ do Phạm Đình Trọng và Lê Nam Trà là đầu mối phân phối nhưng họ đã phải nộp lại cho Phạm Nhật Vũ để Phạm Nhật Vũ tập hợp chuyển trả lại cho Mobifone trong tháng 4/2018.
"Hiện nay, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã có bằng chứng về việc một số quan chức và cán bộ của Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone nhận tiền lại quả của nhóm Phạm Nhật Vũ (Phạm Nhật Vũ đã chuyển khoản cho Nguyễn Bắc Son số tiền 200 tỷ đồng vào tài khoản của con rể tên là Hưng, Trương Minh Tuấn nhận 1 căn biệt thự Vinhomes từ VinGroup, Phạm Đình Trọng được Phạm Nhật Vũ chuyển khoản số tiền 600 tỷ đồng, Lê Nam Trà nhận 200 tỷ đồng tiền mặt của Phạm Nhật Vũ thông qua một đệ tử thân tín tại Mobifone…). Với những bằng chứng như vậy, Phạm Nhật Vũ và một số quan chức của Bộ Thông tin và truyền thông và Mobifone chắc chắn sẽ bị khởi tố theo điều 354 và điều 364 tại Bộ luật Hình sự về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ" – tác giả Nguyễn Văn Tung viết.
Nhưng tác giả này cũng lo ngại ‘Vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG đang được dư luận hết sức quan tâm, mặc dù Nhà nước đã thu được số tiền 8.500 tỷ từ Phạm Nhật Vũ nhưng vụ việc đang có dấu hiệu chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm’.
Nguyễn Văn Tung cũng là tác giả của loạt bài điều tra vụ "Mobifone mua AVG", được tung lên mạng xã hội từ năm 2015 và cho tới nay đã có đến khoảng gần 30 bài.
Cho tới nay, dư luận vẫn không biết Nguyễn Văn Tung là ai và tính xác cứ ra sao đối với rất nhiều cáo buộc mà tác giả này đã nhắm vào các quan chức tham nhũng. Nhưng bằng vào sự trùng khớp giữa nhiều chi tiết, tình tiết mà tác giả này cung cấp trong các bài viết từ năm 2015 với kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" được Thanh tra chính phủ công bố vào đầu tháng Ba năm 2018, cho thấy Nguyễn Văn Tung rất có thể là bút danh của một nhóm quan chức trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam và nắm được nhiều tài liệu thực tế.
Sự lo lắng của tác giả Nguyễn Văn Tung về khả năng vụ "Mobifone mua AVG" chìm xuồng là có cơ sở.
Trước Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn lại xuất hiện với vai trò chủ trì một cuộc tọa đàm có tên Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam, trong đó ông Tuấn đánh giá ‘Nhiều bí mật Nhà nước bị lộ trên mạng xã hội’ (có thể bao gồm cả những bí mật có liên quan đến Trương Minh Tuấn chăng ?).
Trước và sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. Ảnh : Soha
Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2500 tỷ đồng, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.
Vào ngày 23/4/2018, sau một thời gian dường như bị kéo dài bởi những tranh cãi mang quan điểm khác xa nhau trong nội bộ đảng và nội bộ các cơ quan chấp pháp, đã diễn ra cuộc bàn giao chính thức hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an).
Bất chấp chiến dịch tấn công "phe củi" thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ? Hay ông Trọng chỉ "chống tham nhũng một bên" nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta ?
Trường hợp Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn – nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016 – là bằng chứng hiển lộ nhất để cho thấy ông Trọng có chống tham nhũng cả "phe ta" hay không. Nếu Trương Minh Tuấn được cho "hạ cánh an toàn" trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho "phe ta", và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 20/05/2018