Lần đầu tiên từ khi nổ ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ vào tháng Bảy năm 2017 mới xuất hiện công khai một hồi đáp từ Bộ ngoại giao Việt Nam tới một chủ thể ở Châu Âu, nhưng chỉ là với ‘đối tác thân thiện nhất’ Slovakia mà không phải là Đức - quốc gia cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc Thanh ngay tại Berlin và đang mở một phiên tòa đình đám để xét xử vụ bắt người như phim thời chiến tranh lạnh này.
Đại sứ Dương Trọng Minh và Quốc vụ khanh Slovakia, Lukas Parizek.
Lần đầu tiên bị công khai
Bởi cho tới nay vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Việt Nam muốn trả lời theo cách công khai, cho dù các cuộc đàm phán Việt - Đức sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã diễn ra suốt từ tháng Tám năm 2017 đến gần đây. Trong thực tế, những nội dung hiếm hoi được tiết lộ từ các cuộc đàm phán này chỉ đến từ phía Đức, trong khi có tin cho biết đảng cầm quyền ở Việt Nam đã thông báo cấm ngặt các đảng viên không bàn tán về vụ Trịnh Xuân Thanh. Báo chí nhà nước cũng bởi thế đã chẳng có bất cứ tin tức nào về câu chuyện mang tính ‘danh thể cầm quyền’ này.
‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ - đó là trả lời từ Đại sứ Việt Nam tại Bratislava, ông Dương Trọng Minh.
Thông tin trên được Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini đưa ra tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ở Sofia hôm 18/5/2018 (VOA).
Im như thóc
Peter Pellegrini chỉ mới thay thế cho người tiền nhiệm là thủ tướng Robert Fico, sau khi ông Fico phải từ chức do liên đới trách nhiệm về cái chết của một nhà báo chống tham nhũng tại Slovakia. Khỏi phải nói, Peter Pellegrini mong muốn đến thế nào việc Slovakia ‘vô can’ trước nghi vấn về Trịnh Xuân Thanh đã được trung chuyển qua đất nước này, trước khi đến Moscow và được đưa về Hà Nội trên một cái cáng cứu thương. Cũng là để Peter Pellegrini không phải chịu bất kỳ trách nhiệm ‘đổ vỏ’ nào cho đời thủ tướng cũ Robert Fico.
Cần nhắc lại, trong cuộc gặp ngày 2/5/2018 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini tại dinh Thủ tướng ở Berlin, ông Pellegrini đã phải đối mặt với một câu hỏi khó chịu từ phía Đức : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?
Truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Sang ngày 3/5/2018, Bộ ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - ông Dương Trọng Minh, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia).
Nhưng trong vài tuần sau đó, phía Việt Nam im như thóc. Phản ứng của chính thể Việt Nam nói chung và Bộ ngoại giao Việt Nam nói riêng là quá yếu ớt và quá mập mờ.
Thái độ yếu ớt là một bằng chứng gián tiếp về sự thừa nhận hành vi phạm pháp. Dẫn chứng gần nhất và sống động nhất là cuộc khủng hoảng Đức - Việt.
Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Phạm Bình Minh làm gì ?
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có một chế độ mà về lợi ích thì ‘sở hữu cá nhân’, nhưng về trách nhiệm thì lại quy cho ‘tập thể lãnh đạo’. Sau khi xảy ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, ngay cả Bộ ngoại giao của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh cũng như thể "đá" trách nhiệm cho Bộ Công an theo phương kế "hồn ai đó giữ, thân ai người đó lo" trong cảnh "tang gia bối rối".
Trong suốt một thời gian dài, dường như Phạm Bình Minh đã tự cho mình tư thế ‘vô can’ trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy Bộ ngoại giao của Phạm Bình Minh đã ‘không biết gì’, hoặc chỉ biết rất ít về vụ việc chấn động trên. Nhưng đến khi vụ việc nảy nở hậu quả, chính Bộ ngoại giao lại được chỉ đạo ‘đàm phán xoa dịu’ với phía Đức.
Phạm Bình Minh có vẻ đã chẳng mấy nhiệt tình trong cái chuyện ‘đổ vỏ’ cho Bộ Công an về vụ Trịnh Xuân Thanh. Và có lẽ chính vì thế mà vào năm ngoái, trong khi kết quả của các cuộc đàm phán Việt - Đức chẳng đi tới đâu, Bộ trưởng Phạm Bình Minh lại bị điều ra Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 để đọc một báo cáo chuyên đề về… dân số.
Trong cảnh ‘tang gia bối rối’ của chính giới Việt, mối quan hệ giữa ‘đối tác thân thiện nhất’ Slovakia với Việt Nam lại đang trở nên kém hẳn thân thiện cứ sau mỗi ngày.
Tình cảnh kém thân thiện mới nhất là một thông tin từ tờ Slovak Spectator của Slovakia cho biết Bộ ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5/2018 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
"Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào", tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.
Vì sao Việt Nam phải trả lời Slovakia ?
Có thể thấy gì và mổ xẻ điều gì từ câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ của Đại sứ Dương Trọng Minh, trong tình cảnh bị Slovakia hối thúc ?
Bất kể câu trả lời của Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh là giả dối hay hợp lý, và nếu hợp lý thì liệu có đứng vững lâu dài một khi các cơ quan tư pháp của Slovakia trưng ra những bằng chứng ngược lại, thái độ chây ì hồi đáp cho Slovakia càng làm đậm mối nghi ngờ về việc Hà Nội đã trở thành một chủ thể trong việc vận chuyển Trịnh Xuân Thanh từ Berlin qua Bratislava. Khi đó, không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA).
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang quá cần đến EVFTA, sau khi TPP không có Mỹ tham gia mà đã hất Việt Nam khỏi tương lai ‘quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong TPP’.
Và còn có thể thấy gì từ câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ ?
Không dám thanh minh ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ !
Tại sao trong bối cảnh bị Chính phủ Đức và sau đó là hầu hết các tờ báo quốc tế quan tâm đến vụ Trịnh Xuân Thanh cáo buộc rằng Thanh đã bị bắt cóc chứ không phải ‘tự nguyện về Việt Nam đầu thú’ mà sau đó đã phải nhận đến hai cái án chung thân, Hà Nội lại không phản ứng quyết liệt theo cách ‘đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động’ - theo cái cách mà họ hay ‘nhảy dựng lên’ để phản ứng với các báo cáo của Hoa Kỳ và những tổ chức nhân quyền quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng ?
Và tại sao câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh chỉ là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ ?
Cùng thời điểm xuất hiện câu trả lời trên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hiện ra vào ngày 17/5 với phát ngôn ‘Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức’ và ‘luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức’.
Vẫn chỉ là cách ‘đọc bài’ xã giao, giống hệt thái độ ‘tuyên bố cho có’ đã từng thể hiện vào năm ngoái.
Trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 3/8/2017, một ngày sau khi Bộ ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ ngoại giao Việt Nam tuy "lấy làm tiếc", nhưng đã không có lấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Lần này cũng vậy, không hề phủ nhận và không dám phủ nhận.
Cái cách lấp ló như thế của Bộ ngoại giao Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát : vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào muốn "dây" đến vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và cơn khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức lẫn Việt - Slovakia.
Trong khung cảnh ‘tang gia bối rối’ của Việt Nam, liệu Bộ ngoại giao Slovakia có thể tin tưởng được câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh - một quan chức bậc trung và chẳng có quyền quyết định gì - là có một giá trị nào đó ?
Tô Lâm làm gì ?
Trong khi đó, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ mới đây của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp Slovakia xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, để ngược lại niềm vui mừng có vẻ còn hơi sớm của Thủ tướng Slovakia Pellegrini về sự ‘vô can’ của Slovakia, những bằng chứng nào đó sẽ được trưng ra và khiến mối quan hệ Slovakia - Việt Nam không thể khác hơn là phải khủng hoảng như cơn khủng hoảng Đức - Việt kéo dài cho tới nay ?
Nếu xảy ra tình huống trên, liệu khi đó phía Việt Nam sẽ thản nhiên cho rằng câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ chỉ là của cấp đại sứ chứ không mang danh nghĩa Bộ ngoại giao hay Chính phủ Việt Nam, và do đó Việt Nam sẽ… rút kinh nghiệm ?
Và nếu vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ được xác minh đúng theo bản chất của hành vi này, đây sẽ là một scandal ghê gớm nữa của ngành tình báo Việt Nam, tiếp theo scandal về Trung tướng Phan Hữu Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an - bị bắt do liên quan đến vụ Vũ ‘Nhôm’.
Khi đó, chắc chắn sẽ có thêm những vụ trục xuất mới ở Châu Âu đối với giới quan chức ngoại giao Việt Nam. Sau Đức, lần này sẽ là ở Slovakia.
Không những thế, nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo ‘luật rừng’ ở Lục Địa Già.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/05/2018