Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2018

Công an Việt Nam đã ‘can đảm’ trả đũa Chính phủ Đức như thế nào ?

Thiền Lâm

Rốt cuộc, chính thể và giới công an trị bị tố cáo đã ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ cũng đã có được một hành động ‘trả đũa thích đáng’ đối với chủ thể tố cáo là Chính phủ Đức, sau nhiều tháng trời như thể bị ‘cấm khẩu’.

tradua1

Nhà hoạt động nhân quyền là Đỗ Thị Minh Hạnh bị công an Việt Nam cấm xuất cảnh tại sân bay. Ảnh : FB Đỗ Thị Minh Hạnh

Tháng Năm năm 2018, có hai blogger bất đồng chính kiến và cũng là hai nhà hoạt động nhân quyền là Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn đã lần lượt bị công an Việt Nam cấm xuất cảnh, thu lại hộ chiếu và câu lưu khi bay chỉ trong tuyến nội địa.

Theo bài viết ‘Băng đảng cộng sản đang cay như ăn ớt’ của nữ nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, vào cuối năm ngoái và khi cơ quan tư pháp cộng sản rục rịch chuẩn bị cho công cuộc xử Đinh La Thăng và đặc biệt là Trịnh Xuân Thanh – tên tội đồ, thằng cháu hư đốn và phản phúc của bác Cả Trọng – phía Đức và Chính phủ Việt Nam đã có một quá trình tiếp xúc để đàm phán, thương lượng, nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước xoay quanh vụ an ninh Việt Nam tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức.

Một trong các thỏa thuận đạt được giữa hai bên, là một số nhà hoạt động nhân quyền-dân chủ trong danh sách hàng trăm công dân Việt Nam bị công an cấm xuất cảnh sẽ "được phép" xuất cảnh trở lại. Trong số này, có Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn.

Theo sau thỏa thuận đó, Minh Hạnh và Anh Tuấn quả thật đã được Bộ Công an trả hộ chiếu và "tạo điều kiện" cho xuất cảnh. Thiện chí này của công an Việt Nam là điều ta phải ghi nhận : Tức là thay vì tiếp tục lưu giữ hộ chiếu và cấm công dân ra nước ngoài thì nay, theo đề nghị của Chính phủ Đức, công an đã chiếu cố cho phép một số công dân thuộc diện "sổ đen" được xuất cảnh.

Tuy thế, vào cuối tháng 4 vừa qua, Tòa thượng thẩm Đức tại thủ đô Berlin lại đưa một trong các nghi can của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra xét xử. Trong quá trình mở rộng điều tra, xét xử, tòa Đức còn nêu đích danh nghi can số 1 của vụ án là Trung tướng công an Đường Minh Hưng, đồng thời chỉ ra sự dính líu của Bộ trưởng công an Tô Lâm với vụ bắt cóc. Ít nhất Tô Lâm cũng bị phát hiện là đã dối trá khi ông tướng này trả lời báo chí vào ngày 30/7 năm ngoái rằng ông không có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước…

Cần nhắc lại, trong cuộc gặp ngày 2/5/2018 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini tại dinh Thủ tướng ở Berlin, ông Pellegrini đã phải đối mặt với một câu hỏi khó chịu từ phía Đức : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?

Truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.

Sang ngày 3/5/2018, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ông Dương Trọng Minh, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng về ‘Tô Lâm làm bình phong’ trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia).

Nhưng trong vài tuần sau đó, phía Việt Nam im như thóc. Phản ứng của chính thể Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói riêng là quá yếu ớt và quá mập mờ.

Thái độ yếu ớt là một bằng chứng gián tiếp về sự thừa nhận hành vi phạm pháp. Dẫn chứng gần nhất và sống động nhất là cuộc khủng hoảng Đức – Việt.

Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017, khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Gần cuối tháng Năm năm 2018, tờ nhật báo lớn nhất của Đức là Taz đã đưa tin Vào tháng Mười Một năm 2017, cơ quan điều tra Đức đã chính thức phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trung tướng Đường Minh Hưng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Bộ Công an.

Sau Trung tướng Hưng, điều tra Đức đã phát tiếp 3 lệnh truy nã tại Châu Âu tới mật vụ Việt Nam là Vũ Quang Dũng – sĩ quan tình báo, đang làm việc tại Bộ Công an Việt Nam, trợ lý cho Trung tướng Đường Minh Hưng ; Đào Quốc Oai – định cư tại Séc, đang trốn ở Hải Phòng, chủ nhiều kho ngoại quan tại đây. Có cổ phần trong chợ Sapa của người Việt tại Séc do ông Hoàng Đình Thắng quản lý (theo lời khai của Vũ Đình Duy trước tòa án Đức) ; và Lê Anh Tú – lái xe cho Đào Quốc Oai, đang trốn về Việt Nam.

Chi tiết đáng chú ý là sau mối nghi ngờ ‘Tô Lâm làm bình phong’ của các cơ quan tư pháp Đức và Slovakia, cho tới nay Bộ trưởng công an Tô Lâm vẫn không hề lên tiếng giải thích hoặc cải chính – hiện tượng rất đồng điệu với thái độ ‘im như thóc’ của chính thể và Bộ Ngoại giao Việt Nam trước việc Chính phủ Đức trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao – tình báo của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức.

Động tác ‘lên tiếng’ duy nhất cho tới nay của công an Việt Nam đối với Chính phủ Đức chỉ là việc trút cơn giận dữ bất lực lên đầu hai nhà hoạt động nhân quyền được phía Đức bảo vệ là Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 28/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 890 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)