Hãy tập dần yêu thích ‘bột nở dự án’ và ‘đặc khu’ (VNTB, 31/05/2018)
Nếu tổ chức hay cá nhân nào đó tha thiết, thì sẽ viết bài phản ánh, bài tỏ quan điểm, kiến nghị cá nhân hoặc tập thể về sự hỗn độn nêu trên. Nhưng rồi sao ? Mọi thứ sẽ được đối phó lại bằng ‘quyền tự do ngôn luận hạn chế’, hoặc đôi khi tội danh ‘xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm – bôi nhọ lãnh đạo’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’,… đặt áp đặt lên đầu họ.
Ông lão nhặt phở thừa ai đó vứt đi trong thùng rác và ăn ngấu nghiến - Ảnh : Nguyễn Sơn Tùng
Quyền tự do ngôn luận hạn chế’, hoặc đôi khi tội danh ‘xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm – bôi nhọ lãnh đạo’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’,… đặt áp đặt lên đầu họ.
Đó cũng là phương cách tồn tại của nhà nước độc tài, quan liêu, phi dân chủ.
Hãy nhìn sang Malaysia, nơi mà đại án tham nhũng 1 tỷ USD của cựu Thủ tướng Najib – người được cho là gã đàn ông quyền lực nhất đất nước này. Và những ai đi ngược lại ý muốn của Najib đều đồng nghĩa là sự chống lại quyền lợi đất nước.
43 năm tù dành cho họa sĩ trào phúng Zulkiflee Ulhaque khi gọi cựu Thủ tướng Najib là ‘gã đàn ông ăn cắp’. Chủ nhiệm Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) - Shukri Abdull, người lãnh đạo cuộc điều tra 1MDB khi đó vẫn run sợ khi kể lại : Chúng tôi nhận được đe dọa tôi có thể bị bắt giam với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Tôi bị dọa bắn, đòi sa thải, ép về hưu sớm, buộc nghỉ phép, rồi bị chuyển công tác sang bộ phận huấn luyện giảng dạy.
Điều đó có nghĩa, tham nhũng và sự lạm dụng quyền lực có ở mọi nơi, khi mà minh bạch, và quyền tự do – dân chủ trong nhân dân tụt dốc hoặc không có vị trí đúng nghĩa trong đời sống dân sự - chính trị.
Nhiều người tìm cách cứu vãn đất nước, và phần lớn họ không có quyền lực, còn những người có quyền lực lại đang tìm cách tống giam những ai muốn cứu vãn đất nước... vào tù.
May mắn thay, Malaysia không có chế độ bầu cử một đảng như ở Việt nam hay Bắc Triều tiên, và may mắn hơn nữa là nước này không sử dụng nguồn trợ cấp để buộc người dân phải đi bỏ phiếu cho 1 chính đảng như Venezuela. Tuy nhiên, Malaysia hay Venezuela lại giống ở chỗ, họ sử dụng nguồn tiền để áp lực lá phiếu cho người dân, và khi người dân bị khuyến dụ bằng tiền thay vì ‘cần câu’ (về chủ trương, chính sách). Hệ quả là, lá phiếu được bầu lên những vị ‘Tổng thống/Thủ tướng’ vĩ đại về độ tham nhũng và lạm dụng quyền lực ; làm suy kiệt tiềm lực quốc gia,…
Khi nhìn về Venezuela hay cả Malaysia thời kỳ Najib, cần phải hoan nghênh những giai đoạn này. Thậm chí đi về trước, khi Pol Pot (cựu Thủ tướng Campuchia) lên nắm quyền, gây ra cái chết của hang triệu người dân nước này, cũng cần hoan nghênh. Bởi phải để cho Venezuela tồn tại, Thủ tướng Najib tại vị, và Ponpol phải nắm quyền trở thành một ví dụ sống động cho việc biến một đất nước có tiềm năng trở thành một đất nước kiệt quệ, thậm chí là hoang mạc. Để dân chúng phải gánh chịu chính cái tư tưởng cam phận, ăn xổi ở thì, cào bằng xã hội, làm ít hưởng nhiều của mình,…. Để dân chúng nhận thấy cái giá của sự ngây thơ và giáo điều chính là sự bóc lột đến tận xương tủy, là hứng chịu những chính sách phản tiến bộ, ngu học và bao cấp dưới mác ‘vì quyền lợi nhân dân’.
Chính phủ nào thì dân đó, mà nhân dân nào thì chính phủ đó. Khi ý chí tự lực, tự cường ; ý chí vì đồng bào – vì quốc gia phải ‘đầu hàng’ trước ý chí tư lợi, chỉ biết dẫm đạp lên nhau thì sống thì khi đó, dân tộc đó xứng đáng bị sống mòn trong thể chế.
Trở lại Việt nam, câu chuyện 3 đặc khu được thành lập với mong muốn cứu cánh ngân sách, và khi nghĩ về đặc khu, người dân chỉ thấy các vị lãnh đạo, Đại biểu quốc hội chỉ thay phiên nhau bàn về ‘mại dâm, cờ bạc, và đất đai’. Với 99 năm, nhiều người lo ngại về sự hình thành thuộc địa ngay trong một đất nước, và nhiều người cho rằng, nó là dấu ấn đỉnh cao của chính sách – chủ trương của thời đại Nhà nước Cộng sản. Rất nhiều người lên tiếng tố cáo chính sách ‘phản động’ này của Đảng cộng sản Việt Nam, của Nhà nước ‘kiến tạo Việt nam’, rất nhiều người căm phẫn và bày tỏ nỗi lo về nguy cơ mất nước sau hàng ngàn năm chống Bắc thuộc,…
Nhưng đừng kêu gào, mà hãy tập dần yêu thích ‘bột nở’ về lý tưởng và một đặc khu 99 năm vì đó chính là 'chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước', bởi dù có sốc hay căm phẫn, thì nó không thể nào tạo được một áp lực đủ để các vị Đại biểu quốc hội thoát khỏi sự ràng buộc của cái gọi là 'ngón tay nhấn nút vì chỉ đạo/Nghị quyết'. Để cho thấy rằng, lựa chọn thể chế ngày hôm nay là lựa chọn của lịch sử ; là phán quyết dựa trên sự cam chịu của người dân. Là minh họa cực kỳ sống đồng để đời này và hàng thế hệ mất nước về sau trải nghiệm đúng câu nói : 'Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?'
Chúng ta không có cơ hội 'thay tên đổi đảng' lãnh đạo như nhân dân Malaysia ; chúng ta cũng không có sự quan tâm đầy đủ của Mỹ và EU như nhân dân Venezuela ; và cái quyền trưng cầu dân ý - thứ giúp chúng ta cảm thấy được một chút 'của dân' vẫn bị gác vô thời hạn vì thiếu hướng dẫn. Vậy thì, hãy đồng thuận với 'ý Đảng' để Việt nam trở thành ví dụ minh họa sống động về di hại của chủ nghĩa xã hội đối với con người, sau bắc Triều Tiên, Venezuela,... và nhiều hơn thế nữa.
Ánh Liên
*******************
Thư gửi : Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (CaliToday, 31/05/2018)
Ngày 30 tháng 5 năm 2018
Thư gửi : Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam
Kính thưa Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên,
Trả lời câu hỏi : "Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm ?"
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã nói :
"Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không ?"
Là một người Việt có song tịch (Mỹ -Việt), đã sống nửa đời ở Việt Nam và nửa đời ở Mỹ, tôi thấy có trách nhiệm góp ý với ông và các quan chức đang ở vị thế lãnh đạo trong nước nhằm làm sáng tỏ sự so sánh hời hợt và suy luận quá đơn giản của quý vị về vấn đề ở tầm mức quốc gia như thế nầy.
Khi nói đến những Khu Vực Đặc Biệt – Đặc khu (Special Zones) của một đất nước thì cần phải hiểu ngay rằng đấy là những khu vực nằm trên một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của riêng đất nước đó. Tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hay sự nhúng tay làm áp lực của nước ngoài bất cứ từ đâu đến. Từ năm 1934, Mỹ đã có những Đặc khu Thương mãi với Nước ngoài (Foreign Trade Zone – FTZ) và Trung Quốc mới bắt đầu thành lập các Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) từ năm 1980. Trong chiến tranh Việt Nam, miền Nam đã có những Đặc khu Quân sự như năm 1962 có Đặc khu Rừng Sát, Đặc khu Quảng Đà nhưng ở vào một vị thế và yêu cầu chiến lược cấp thời.
Các khu dân cư và buôn bán ở tại Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ của các nhóm nước ngoài như Phố Tàu (China Town – Quartier Chinois)), Phố Hàn (Korean Town), Phố Việt (Little Saigon) là hoàn toàn khác với những "Đặc khu" như Tiến sĩ Kiên đã nêu ra làm ví dụ để so sánh và suy diễn với những "Đặc khu" của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Tôi đã đi qua và đã tận mắt chứng kiến cũng như tìm hiểu trong quần chúng và chính mình nếm trải sự xa lạ, vong thân, vong quốc khi tiếp cận với những "Đặc khu" Trung Quốc tại Huế (Tân Mỹ), Đà Nẵng (Bãi biển Sơn Chà), Nha Trang (Đường Duy Tân dọc biển). Những nơi đó, người Trung Quốc đã ngang nhiên biến những mảnh đất thân yêu Việt Nam thành những "Tử cấm Thành" đại Hán của riêng họ. Họ che chắn bịt bùng như một sào huyệt riêng tư, người Việt Nam không có quyền lai vãng đến đó. Ngoài ra, những nhân sự người Trung Quốc là những kẻ mang sẵn tinh thần kiêu căng nước lớn, giàu có. Chúng nghênh ngang sẵn sàng khiêu chiến, gây sự với người Việt Nam ló mặt tới căn cứ địạ của họ. Và cũng đã có tin đồn phát tác rộng rãi trong quần chúng rằng, có những tình huống éo le và mỉa mai hơn nữa là các quan chức Việt Nam cũng bị cấm không được bước chân vào đặc khu nhượng địa của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Trong khi đó, những khu Phố Tàu, Phố Hàn, Little Saigon… tại Hoa Kỳ và các nơi khác chỉ là một hình thức văn hóa chủng tộc trong một quốc gia hợp chủng. Nếu Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên dụng công tìm hiểu cẩn thận hơn thì đã không làm một sự so sánh khập khiễng và phiến diện "đau lòng dân Việt" đến như thế.
Những nơi đó không phải là một quốc gia trong một quốc gia như các Đặc khu Trung quốc trên đất nước Việt Nam hiện nay. Như khu Little Saigon lớn nhất ở Santa Ana chẳng hạn là một ví dụ điển hình phân biệt giữa cái gọi là đặc khu và khu phố thương mãi bình thường.
Toàn khu phố Little Saigòn là sở hữu của nhiều chủ nhân, nhưng địa bàn đất đai, kiến trúc là tài sản quốc gia Hoa Kỳ. Giới chủ nhân kinh doanh hay sở hữu địa ốc hầu hết là công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc gia từ thượng vàng đến hạ cám. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chánh chính thức (official language) mà từ một cái hóa đơn bán lẻ đến những văn tự giao dịch hàng ngày hay các văn kiện quan trọng đều phải dùng tiếng Anh. Những chủ nhân kinh doanh thương mãi hầu hết sử dụng song ngữ Anh-Việt mà tiếng Việt thì tùy nghi (optional), nhưng tiếng Anh là bắt buộc (mandatory). Không biết nói tiếng Anh thì phải dùng thông dịch viên chứ không phải như phường ú ớ chỉ biết rặt tiếng Tàu trên xứ Việt. Mọi nguyên tắc và quy trình sinh hoạt đều phải theo đúng tinh thần văn hóa, xã hội và pháp luật của Hoa Kỳ. Bất cứ một biểu hiện hay sự việc xảy ra lớn nhỏ nào đều do cơ quan an ninh Hoa Kỳ đảm trách. Mọi sự gian dối, phá rối, bạo hành, phạm pháp, tình nghi… dù ở mức độ lớn nhỏ nào đều do cơ quan công quyền xử trị tức khắc.
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên,
Là người có chút học vị, chắc ông khó có thể phủ nhận được thực trạng Việt Nam hôm nay là đang nắm trong chiến dịch "Chinh phục bằng vũ khí mềm" của Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt tại Phi Châu, Nam Mỹ và Đông Nam Á mà nước Việt Nam chúng ta đã và đang bị lún sâu vào con đường "bán nước" theo nghĩa thật, nghĩa đen, nghĩa minh xác nhất của nó. Đó là sự kiện (không còn là hiện tượng nữa) diễn ra quá rõ ràng rằng : đất nước Việt Nam, từ sông núi, biển trời tới đền đài, phố chợ… từ Bắc chí Nam đã bị bán và đang bị bán từng phần cho đạo quân vũ khí mềm Trung Quốc được trang bị và tiềm ẩn dưới nhiếu danh nghĩa khác nhau. Nghĩa là họ chở tiền chứ không phải chở xe tăng, đại bác đi chinh phục Việt Nam và thế giới nữa. Bất hạnh thay cho vận nước là đồng tiền chinh phục của Trung Quốc gặp đạo hùng binh tham nhũng Việt Nam kẻ tung người hứng thì còn chi là gia tài tổ quốc !
Hệ lụy của đất nước Việt Nam trước nạn xâm lăng của Trung Quốc còn dài. Vai trò kẻ sĩ ngày xưa hay trí thức ngày nay đã được đặt định : "Đất nước an nguy, người thường phải gánh" huống chi là thành phần trí thức và quan chức như quý ngài. Có một đại biểu trong Quốc Hội quý vị thuộc đơn vị Quảng Nam đã lên tiếng xác định với đồng viện rằng : "Có đặt vấn đề đúng, mới đưa ra cách giải quyết đúng !". Quả nhiên là vậy. Cách đặt vấn đề của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên về những Đặc khu đang hiện hữu của người Tàu trên đất Việt là rõ ràng chủ quan và tùy tiện ; nếu không muốn nói là mỵ dân và sai lầm. Một nhà khoa bảng giữ chức vụ trọng trách trong Quốc Hội của một nước 95 triệu dân như ông mà nhìn sự thoái trào của đất nước như là một chuyện qua đường bâng quơ và đơn giản như vậy thì làm sao tìm ra một con đường khả thi để giúp dân, giữ nước.
Đây không chỉ là sự góp ý riêng đối với trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên mà là chung với các quan chức đang nằm trong vị thế lãnh đạo Việt Nam. Rằng là : Cần đặt vấn đề đúng đối với sự xâm lăng quân sự trên các vùng biển đảo đến cuộc vạn lý trường chinh bằng vũ khí mềm của Trung Quốc vào Việt Nam. Cần bạch hóa những Đặc khu nhượng địa để thế hệ con cháu mai sau không thống hận, nguyền rủa thế hệ đàn anh bất tài, tham bạo. Đất nước là đất nước chung, một thế lực có thể nhất thời giữ độc quyền cai trị ; nhưng không ai là kẻ độc quyền yêu nước. Mong thay.
Đồng thời với đôi điều góp ý trên đây, tôi cũng đã viết và trình bày về nạn du lịch của du khách Trung Quốc tại Việt Nam và trên thế giới để có thêm thông tin về quan hệ nhân văn và văn hóa ứng xử của người Trung Quốc nội địa và thế giới bên ngoài trong thời hiện đại.
Là một người con dân Việt sống xa quê hương, tôi chỉ xin có đôi điều góp ý chân thành.
Xin cám ơn quý vị.
Trân trọng,
Trần Kiêm Đoàn
MSW ; Ph.D, California. USA & Huế, Việt Nam
*************************
'Chưa an tâm' về 3 đặc khu kinh tế Việt Nam (BBC, 31/05/2018)
Quốc hội Việt Nam chưa nên thông qua dự luật về ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong kỳ này để 'loại trừ những vấn đề và sơ hở' mà dư luận đã nêu lên, một cựu lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC Tiếng Việt hôm 31/5/2018.
Một số dự án đặc khu ở Việt Nam được quy hoạch ở các vùng kinh tế biển
Không phải chờ đến chín chục năm để những 'phần tử' muốn gây hại cho an ninh, quốc phòng của một quốc gia tiến hành việc làm của họ 'khi họ đã có những động cơ', một nhà phân tích về an ninh quốc phòng và đối ngoại Việt Nam chia sẻ thêm.
Các chuyên gia có tiếng nói khác, không đồng tình hoặc e ngại với những người soạn thảo dự luật về ba đặc khu và đề nghị thời hạn giao đất 99 năm ở đó 'không được nghe' tiếng nói bằng những người ủng hộ, một chuyên gia kinh tế khác nói với BBC trong dịp này.
Trước hết, hôm thứ Năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM nói với BBC Tiếng Việt :
"Đặc khu như vậy, đầu tư một số tiền lớn như thế, rồi cho thuê đất đến 99 năm, rồi miễn giảm thuế, ngay cả thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ được giảm để thu hút và chúng ta chỉ có thể thu hút được Casino và bất động sản thôi thì vấn đề khoa học - công nghệ sẽ là như thế nào ?
"Vấn đề là chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ gì và nếu có công nghệ cao thì ở đấy người ta sẽ lan tỏa như thế nào ? Doanh nghiệp Việt Nam nào có thể sẽ tham gia chuỗi giá trị và cung cấp những phụ tùng hoặc những kết cấu cho những doanh nghiệp cao ở đấy ?
"Tất cả những vấn đề đó có lẽ cần phải được thảo luận và cần phải được xem xét một cách cẩn trọng. Và với dự thảo như hiện nay, tôi đề nghị cần phải tu bổ lại và phải bổ sung sửa đổi rất nhiều, để có thể được thông qua, bảo đảm được lợi ích quốc gia và những điều mà công luận hiện nay đã nêu lên".
Như một thông điệp gửi tới những nhà làm luật tại Quốc hội Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm :
"Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét một cách rất thận trọng và để bảo đảm, phản ánh được lợi ích quốc gia và loại trừ được những sơ hở và những vấn đề mà dư luận đã nêu lên, tôi đề nghị Quốc hội sẽ chưa thông qua luật này, trong kỳ này, và sẽ bổ sung, sửa đổi sâu rộng để có thể thông qua trong một kỳ sau".
'Không cần đợi chín chục năm'
Cùng hôm 31/5, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra bình luận với BBC về dự luật từ khía cạnh an ninh, chủ quyền :
"Về mặt an ninh quốc phòng và về mặt chủ quyền quốc gia, dù là 10 năm hay 50 năm, nếu chúng ta làm không chặt chẽ và có ý đồ của một số phần tử muốn gây hại cho đất nước này thì họ vẫn có thể làm được chứ không cần chờ đến chín mươi năm.
"Khi mà người ta đã có những động cơ, lợi dụng tất cả những điều đó để gây ra sự bất ổn, thì cho dù thời gian ngắn hoặc dài thì ý nghĩa nó không phải lớn.
"Mà ý nghĩa là ở chỗ động cơ của họ làm sao, cách mà họ thực hiện như thế nào và đặc biệt là sự kiểm tra, kiểm soát và những người quản lý, những người cầm trịch, họ có đầy đủ những phẩm chất, khả năng để có thể kiểm soát điều đó không mới là câu chuyện đáng phải bàn".
Cũng trong dịp này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu quan điểm với BBC xung quanh dự luật và xây dựng dự luật, quản lý đề án, đặc biệt từ khía cạnh lắng nghe ý kiến giới chuyên gia, bà nói :
"Đội ngũ quản trị ở Việt Nam, về phía nhà nước, rất có vấn đề. Còn đội ngũ chuyên gia, tôi nghĩ cũng có, nhưng đâu phải đã là các chuyên gia thực sự giỏi giang tất cả các mặt mà làm được tất cả các mặt về quản trị.
"Tôi hỏi lại là tiếng nói của chuyên gia có phải lúc nào cũng được nghe đâu ? Thí dụ như việc đặc khu này, có một số chuyên gia ủng hộ thì những chuyên gia ủng hộ có vẻ rất được nghe, nhưng những người có tiếng nói khác, không đồng tình hay là e ngại chuyện này, chuyện khác thì lại không được nghe bằng.
"Thế thì đâu có phải là đảm bảo được hoàn toàn, thế rồi cơ chế của đặc khu này cũng đưa ra những cơ chế của đặc khu mới để tạo thẩm quyền cho người đứng đầu đặc khu, thì cái đó cũng tốt, tôi hy vọng là Việt Nam có thể chọn được những người tốt để đứng ra làm trưởng đặc khu và có thể đảm nhiệm công việc của họ được.
"Nhưng quyền hạn giao rất lớn thì trách nhiệm thế nào đây ? Tuyển chọn như thế nào để tuyển chọn được những người có đủ tài, đủ tâm để lãnh đạo", chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm với BBC.
Quốc Phương
******************
Nguy cơ an ninh khi lập đặc khu cho thuê 99 năm (RFA, 30/05/2018)
Từ ngày 21/5 đến 15/6 năm 2018, Quốc hội khoá XIV họp và thảo luận về đề án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong dự luật này, ngoài các ưu đãi về thuế và chính sách dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà chuyên môn cũng như dư luận đặc biệt quan tâm đến chính sách mà theo đó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xem xét chấp thuận cho thuê đất đầu tư lên đến 99 năm.
Vịnh Vân Phong, một trong 3 vị trí được chọn làm đặc khu hành chính - kinh tế - Việt Nam Economy
Nhóm ý kiến ủng hộ cho rằng thời hạn mở rộng lên đến 99 năm quyền thuê và sử dụng đất sẽ là một ưu điểm vượt trội so với thời hạn 70 năm như luật đât đai hiện hành, giúp thu hút vốn đầu tư và cho phép các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dài hạn tại các đăc khu kinh tế đặc biệt. Đây cũng sẽ là mục tiêu giúp các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan toả và tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế cho cả nước.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đối với những ưu đãi kinh tế nhằm thu hút đầu tư tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, tuy nhiên ông đưa ra những cảnh báo về nguy cơ đối với an ninh quốc phòng tại những vị trí này :
"Nhìn vào bản đồ có thể thấy nó như cái bình phong nhìn ra Biển Đông, mà ai cũng biết là hiện nay Biển Đông đang có rất nhiều phức tạp trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và ai cũng biết là Trung Quốc đang lấn chiếm biển Đông".
Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến vị trí địa lý của quần đảo Vân Đồn vốn nằm ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam không xa và gần với biên giới đường bộ của Trung Quốc. Ông nói tiếp :
"Mỗi một quốc gia một dân tộc cần phải có bài học riêng của mình, chứ không thể nói đặc khu thì ở đâu cũng như đâu cho nên cứ cảnh giác thì là hơn, thì chúng ta còn có thể giữ được những quan hệ tốt đẹp, ngăn chặn những tiêu cực".
Đồng quan điểm với ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hoá kỳ họp quốc hội khoá11-12 Lê Văn Cuông cảnh báo cần thận trọng hơn đối với thời hạn cho thuê đất kéo dài quá lâu như dự luật đề xuất :
"Vấn đề này cần phải được đặc biệt quan tâm đấy vì vấn đề an ninh quốc phòng cần phải đặt lên trên hàng đầu, chứ không phải là vì kinh tế mà đánh đổi quá nhiều với vấn đề thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia".
Thực tế cho thấy tại một số khu kinh tế mà cụ thể khu công nghiệp Vũng Áng- Hà Tĩnh, khu vực dự án Boxit Tây Nguyên, khu công nghiệp Đồng Kỵ, Bắc Ninh… và một số dự án khác trải dài từ Bắc vào Nam do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, sự xuất hiện của một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc cùng những cửa hàng, biển bảng, đường phố bằng tiếng Trung khiến dư luận trong nước vô cùng bức xúc và quan ngại về tình trạng "di dân" của người Trung Quốc tới Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, blogger Trần Bang, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết đối với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với giá trị hơn 11 ngàn tỷ đô la Mỹ, việc các nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra một vài tỷ đô la Mỹ đầu tư tại Việt Nam nhằm "hợp thức hoá" việc "di dân" tới những vị trí trọng yếu là điều hết sức dễ dàng và có thể tạo nên những thế lực mà ông này gọi là "hắc ám" đối với dân tộc Việt Nam". Ông Trần Bang nói :
"99 năm rất là dài, có thể kéo dài đến 3, 4 thế hệ và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh quốc phòng, nhất là hiện tại bây giờ Việt Nam vẫn bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa về đường lưỡi bò… những thứ mà họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế. Khi mà mình đã ra luật như vậy, chẳng hạn người ta đấu giá mà thắng thì người ta có thể dùng chính cái luật của mình, và họ dùng đồng tiền đối với họ không là bao nhiêu, họ sẵn sàng ra giá cao để thuê được 3 điểm quan trọng nằm tại đầu và giữa của đất nước, kết hợp với Hoàng Sa, Trường Sa, kết hợp với đường lưỡi bò thì Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng tay họ"
Mặc dù đến ngày 15/6 tới đây Quốc hội mới chính thức bỏ phiếu để quyết định thông qua dự luật Đặc khu, đã có nhiều ý kiến cho rằng, dự luật này đã được ngấm ngầm thông qua từ rất lâu bởi trên thực tế, giá đất tại các khu vực như Vân Đồn, Phú Quốc trong thời gian qua đã tăng chóng mặt, đẩy thị trường bất động sản tại những nơi đó vào tình trạng ‘đi tắt, đón đầu’.
Blogger Trần Bang bày tỏ quan điểm :
" Những thế lực họ nghe tin là có ưu ái cho 3 khu vực đó họ đã ra mua đất, gom đất từ lâu rồi. Bây giờ mà Trung Quốc nhảy vào trả giá cao thì họ sẵn sàng đồng ý, có nghĩa là cho đền bù để cho thuê với giá cao thì những người đã mua đất gom đất từ trước đến nay sẽ nhận được giá rất cao so với vốn họ bỏ ra với giá rẻ mạt"
Đây cũng quan điểm mà một số đại biểu quốc hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này, mà theo họ, thời hạn cho thuê đất lên 99 năm chỉ có lợi cho những nhà đầu tư bất động sản hoặc những ý đồ khác muốn trục lợi từ chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam đối với những đặc khu kinh tế trên. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh việc các doanh nghiệp làm ăn chân chính không yêu cầu mức thời gian quá dài như là một lợi thế để quyết định đầu tư. Ông cho rằng nếu Việt Nam tạo được một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi thì chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư đến và gắn bó dài lâu.
Trước những quan ngại về an ninh quốc phòng mà luật Đặc khu có thể gây ra, những vị nhân sĩ, trí thức thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng và những cảm tình viên của câu lạc bộ này vào ngày 29/5 ra Tuyên Bố yêu cầu Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu bãi bỏ việc thảo luận và thông qua luật này.
******************
Lo ngại Vân Đồn thành Crimea thứ hai nếu giao đất 99 năm (VOA, 29/05/2018)
Nhiều người ở Việt Nam gần một tuần nay lên tiếng kêu gọi quốc hội cân nhắc thêm, đừng vội thông qua luật về đặc khu kinh tế, trong đó có điều khoản giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài tới gần 1 thế kỷ.
Nhiều đại biểu quốc hội Việt Nam đề nghị chưa thông qua luật về đặc khu kinh tế
Đã có người cảnh báo một điều luật như vậy có thể dẫn đến nguy cơ Vân Đồn, một đảo của Việt Nam gần Trung Quốc, bị biến thành một Crimea thứ hai.
Các ý kiến đó của nhiều thành phần nhân dân đã nổi lên sau hai phiên thảo luận của quốc hội hôm 23 và 28/5 về dự luật do chính phủ trình, có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Chính phủ Việt Nam dự định lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.
Báo chí trong nước dẫn lại thông tin từ chính phủ cho hay dự luật đặc khu chứa đựng các chính sách đặc biệt về nhiều ưu đãi thuế, thủ tục hành chính thông thoáng và cho thuê đất dài hạn hơn.
Một số quan chức chính phủ nói với quốc hội và báo chí rằng việc lập 3 đặc khu là một bước "thử nghiệm" các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Giới hoạch định chính sách bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo "tác động lan tỏa, tích cực" tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo các báo.
Tại quốc hội, điều khoản về giao đất 99 năm trong dự luật đặc khu đã gây nhiều lo lắng cho các đại biểu.
Các đại biểu Dương Trung Quốc, Trần Hoàng Ngân, Trương Trọng Nghĩa, và Lê Thu Hà được báo chí trích lời đưa ra quan điểm rằng không nên cho thuê đất đến gần 1 thế kỷ, thậm chí nên bỏ điều khoản này ra khỏi dự luật.
Ông Dương Trung Quốc lưu ý đến yếu tố địa chính trị của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, và cảnh báo "không cẩn thận nó sẽ là nơi để [Trung Quốc] di dân thôi", theo tin đăng trên VTC News và báo Đất Việt.
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao
Tuy các đặc khu kinh tế với ưu đãi về đất đai không phải là một mô hình mới, với thực tế là đã nhiều nước trên thế giới thực hiện các đại dự án kiểu như vậy, song tính nhạy cảm về vấn đề này ở Việt Nam có phần nguyên nhân ở những nghi ngại của người Việt về những động thái của Trung Quốc trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, giải thích với VOA :
"Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông".
Sau khi các ý kiến của các đại biểu quốc hội được báo chí đăng tải, trong nhiều ngày liên tiếp, đông đảo dư luận Việt Nam, bao gồm các thành phần đa dạng như các nhà báo kỳ cựu, giảng viên đại học, quan chức về hưu và các nhà hoạt động, cũng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội phản đối dự thảo về giao đất lâu gấp rưỡi thời hạn theo luật hiện hành.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân được nhiều người chia sẻ, cũng như được trang mạng có tên Báo Tiếng Dân đăng lại, tiến sĩ Võ Trí Hảo nói ông quan ngại nhất về nguy cơ đối với Vân Đồn do đảo này có "giá trị quốc phòng" đối với Trung Quốc.
Vị tiến sĩ nhắc lại đặc điểm của hòn đảo là "cận kề Trung Quốc, có lịch sử sinh sống của người Trung Quốc trước năm 1979", thời điểm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trở nên thù địch do nổ ra cuộc chiến biên giới giữa hai nước.
Dẫn lại cảnh báo của đại biểu quốc hội về khả năng người Trung Quốc lợi dụng đặc khu kinh tế Việt Nam để di dân, ông Hảo khái quát về một viễn cảnh đáng lo ngại là những di dân có thể "tạo bất ổn chính trị, kiếm cớ biểu quyết ly khai" rồi "xin gia nhập Trung Quốc" theo kịch bản Crimea.
Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục nhìn nhận đây là một nguy cơ, vì vậy chính sách về Vân Đồn phải tính đến các biện pháp ngăn ngừa :
"Vân Đồn gần Trung Quốc cho nên vấn đề an ninh quốc phòng là vấn đề đặt ra. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiên cứu, đề ra các phương án để giảm thiểu tối đa những nguy cơ mà trong thực tiễn quốc tế đã từng xảy ra. Thậm chí là anh có những hạn chế đối với những đối tượng cảm thấy rằng nó có nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền đất nước".
Mặc dù xuất hiện nhiều ý kiến trong quốc hội lẫn ngoài xã hội bày tỏ không ủng hộ, song theo bản tin hôm 28/5 của báo mạng Việt Nam Express, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị "cho phép giữ nguyên quy định 99 năm" về cho thuê đất ở các đặc khu.
Dự kiến quốc hội sẽ biểu quyết về dự luật đặc khu kinh tế vào ngày 15/6 tới đây.
Thông tin từ Bộ Tài chính Việt Nam được báo chí dẫn lại cho hay nếu dự luật được thông qua, 3 đặc khu sẽ cần số vốn đầu tư lên đến gần 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương gần 69 tỉ đôla, trong đó vốn ngân sách chiếm từ 50-59%, tùy từng đặc khu.
Nguồn : VOA, 29/05/2018