Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2018

Vì sao chống tham nhũng ‘chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía’ ?

Thiền Lâm

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào ngày 25/6/2018 đánh dấu tròn hai tháng liên tiếp ‘lò ông Trọng’ bị nguội lạnh.

lo11

Đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới. Ảnh : TTXVN-VNA

Thành tích ‘đốt lò’ gần nhất của Nguyễn Phú Trọng là vụ ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" vào ngày 17/4/2018.

Vụ bắt tướng Phan Hữu Tuấn xảy ra chỉ 11 ngày sau khi cựu Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát – Trung tướng Phan Văn Vĩnh – bị khởi tố và tống giam vì liên quan đến đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Tuy nhiên, hai vụ bắt tướng công an trên dường như là bản sơ kết cuối cùng cho nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, một vụ việc gây chấn động dư luận xã hội là ‘Mobifone mua AVG’ lại đang lộ diện nguy cơ chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm như Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng, Trương Minh Tuấn.

Trong vụ việc trên, nhân vật đặc biệt được chú ý đặc biệt là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn – người từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016.

Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.

Nếu Trương Minh Tuấn được cho "hạ cánh an toàn" trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho "phe ta", và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.

Ở vụ việc Thủ Thiêm – có dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái còn lớn hơn nhiều vụ AVG – đang có dấu hiệu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xin trung ương ‘xử lý nội bộ’, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ Thiêm với kết luận rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố che chắn cho một nhóm lợi ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng kiến không ít oan hồn dân oan phẫn uất này.

Nhóm đó là nhóm nào, gồm những ai ? Nhóm quyền lực – lợi ích này có lợi dụng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng để ‘tống tiền’ nhóm quyền lực – lợi ích cũ của Lê Thanh Hải ?

Bởi một kịch bản mà nếu trở thành hiện thực thì người dân sẽ phải dìm chút hy vọng còn lại vào Nguyễn Phú Trọng xuống tận đáy : sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị – lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào ‘lò’. Lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải ‘ói ra’, tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc ‘cho không’. Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ chẳng có quan chức ‘ăn đất’ nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi chức vụ trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền.

"Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía" – Tổng bí thư Trọng thốt ra phát ngôn ‘lạ’ tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vào ngày 25/6/2018.

Trước hội nghị trên một tuần lễ, vào buổi chiều 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Phú Trọng đã không còn đề cập một cách mạnh mẽ cùng những ngôn từ bóng bẩy và ẩn dụ về công cuộc ‘đốt lò’ của ông, trong khi lại cho rằng ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’. Có thể cho rằng phát ngôn này của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.

Thái độ và những phát ngôn đượm vẻ xuôi xị gần đây của Nguyễn Phú Trọng về kê khai tài sản quan chức và chống tham nhũng đã tiếp dẫn thêm một biểu hiện của mạch logic nguội lạnh ‘đốt lò’ từ trước Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 cho tới nay.

Phải chăng đó là hệ quả của ‘chống tham nhũng chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía’ mà ông Trọng đang buộc phải thú nhận, cũng là một sự thừa nhận về hình ảnh ‘Người đốt lò vĩ đại’ của ông ta đã sụp đổ trong mắt giới nịnh thần ?

Dường như ngay trước Hội nghị trung ương 7 đã xảy đến một bí mật cung đình nào đó mà đã khiến ông Trọng im lìm hẳn.

Người ta có thể tự hỏi ông Trọng đang chịu sức ép từ những ‘phía’ nào ? Hay những thế lực chính trị nào trong nội bộ đảng ?

Sau Hội nghị trung ương 7 xuôi xị và đặc biệt sau những cuộc biểu tình tháng Sáu mà thấp thoáng một bàn tay đạo diễn nào đó trong nội bộ, triển vọng xung đột mạnh mẽ của chính trường Việt Nam vào nửa cuối năm 2018 là khá rõ nét.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 27/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)