Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2018

Nước cờ của Tổng Trọng chống ‘thời kỳ trước’

Cát Linh

Sự vắng mặt của Nguyễn Bắc Son – Trương Minh Tuấn

Vào ngày cuối cùng của tháng 6, Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông báo đề nghị khai trừ ra khỏi đảng đối với hai quan chức của Bộ Thông tin và truyền thông là ông Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, và ông Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp.

truong00

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn - Ảnh minh họa (AFP)

Ngoài ra còn có hai vị lãnh đạo khác được cho là có liên đới trách nhiệm là ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc MobiFone cũng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị cách chức tất cả các chức vụ trong đảng, và ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bị khiển trách.

Đây có thể được xem là cách xử lý tiếp theo của Ủy ban Kiểm tra trung ương sau khi uỷ ban này đưa ra kết luận chính thức về những vi phạm của một loạt các quan chức thuộc Bộ Thông tin và truyền thông liên quan vụ MobiFone mua 95% cổ phần của công ty truyền hình An Viên (AVG) gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước.

Tuy nhiên, những quyết định kỷ luật trên sẽ không có gì đặc biêt để các nhà quan sát đặt nghi vấn, nếu như kết luận "vụ MobiFone mua AVG là vi phạm nghiêm trọng" do Ủy ban Kiểm tra trung ương đưa ra vào đầu tháng 6 vừa qua có nêu đích danh 2 nhân vật là cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết việc ông Lê Nam Trà, người được cho là 1 trong những mắc xích chính trong vụ MobiFone mua AVG, bị khai trừ Đảng hoàn toàn hợp lý. Nhưng, câu hỏi lớn được ông đưa ra là :

"Tại sao mới đầu tháng 6, cũng chính Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố 1 kết luận đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng. Rất nghiêm trọng nghĩa là 1 bậc, 1 hình thức mức độ vi phạm kỷ luật đặc biệt. Nếu tương ứng với chuyện của Đinh La Thăng năm 2017 thì ÍT NHẤT có chuyện khai trừ Đảng. Thế nhưng tại sao lần này Ủy ban Kiểm tra trung ương lại không đề ra và thông báo hình thức kỷ luật Đảng với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ? Mà lại đề nghị cấp thẩm quyền xem xét ? Như vậy câu hỏi đặt ra là cấp thẩm quyền là ai ? Trên Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng là ai ? Là Thường trực Ban bí thư ? Hay Bộ chính trị ? Hay Nguyễn Phú Trọng ?"

Từ hàng loạt câu hỏi trên, ông Phạm Chí Dũng đưa ra một nhận định, đó là theo cảm giác ông đón nhận vấn đề, ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn "thuộc 1 diện không chỉ Bộ chính trị và Ban bí thư quản lý, mà là Nguyễn Phú Trọng quản lý".

Qua tất cả những thông tin, tình tiết báo chí trong nước về vụ MobiFone mua AVG từ mấy năm nay, dấu hiệu cho thấy việc cố ý làm trái và tham nhũng của hai nhân vật Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là rất rõ. Ông Nguyễn Bắc Son khi còn là Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông đã chỉ đạo trực tiếp cho ông Lê Nam Trà thương vụ mua AVG. Ông Trương Minh Tuấn khi đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, là người ký văn bản chỉ đạo cho MobiFone mua AVG.

Đây cũng là kết luận của Ủy ban thanh tra chính phủ đưa ra hồi tháng 3/2018.

Cũng theo nhận định của ông Phạm Chí Dũng, ông tiết lộ có những nguồn tin cho rằng hai nhân vật Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn sẽ được "hạ cánh an toàn" bằng những hình thức kỷ luật sơ sài.

"Mấy ngày nay cũng có thông tin ngoài lề cho rằng Nguyễn Phú Trọng giơ cao đánh khẽ, đập chuột sợ vỡ bình, sắp tới sẽ xử lý Nguyễn Bắc Son giống như Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương là cắt tất cả chức vụ trong chính quyền. Nhưng đối với Trương Minh Tuấn thì chỉ cảnh cáo đảng và cho giữ nguyên chức vụ hiện nay."

truong2

Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Photo : RFA

Trước đây, sau khi kết thúc Hội nghị TW 7, rất nhiều ý kiến cho rằng vụ AVG – MobiFone có thể đã ‘chìm xuồng". Nhưng thời điểm đó, nhà báo Trương Duy Nhất có nhấn mạnh rằng những vụ án tầm cỡ như AVG kéo rất dài và ông không nghĩ rằng AVG sẽ bị người có thẩm quyền "bỏ rơi".

"Tôi cho là vụ AVG không thể chìm xuồng được.

Theo tôi biết, đó là 1 trong những vụ án được đưa vào diện quan sát đặc biệt, tức là những vụ án do Ban Bí thư chỉ đạo. Tiến trình điều tra thế nào, xử lý thế nào thì phải có ý kiến của Ban bí thư.

Vụ đó xử đến ai, mức độ nào chứ tôi cho rằng bên phía Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chuyển qua công an khởi tố, mà khi Thanh tra chính phủ đưa qua thì chắc chắn có chỉ đạo của Ban bí thư rồi thì khởi tố AVG không thể khác được, chỉ là dính đến nhân vật nào thôi."

Ảnh hưởng của Phạm Nhật Vũ

Nếu ông Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi về sự vắng mặt của Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son trong quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa đưa ra, thì ông cũng đặt dấu hỏi về một nhân vật đang được những người theo dõi vụ AVG-MobiFone nhắc đến, ông Phạm Nhật Vũ.

"Tại sao lại không có Phạm Nhật Vũ ? Vì rất nhiều người biết là Phạm Nhật Vũ cùng với Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đóng vai trò chủ chốt trong vụ MibiFone mua AVG. Tại sao Phạm Nhật Vũ không có tên trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương từ đầu tháng 6/2018 và cả lần này ?

Liệu Phạm Nhật Vũ cũng ‘được’ như Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son không ? Hoặc có phải là vì Phạm Nhật Vũ là em ruột của Phạm Nhật Vượng, ông chủ của ‘cá mập’ Vingroup chi phối gần như 1 bộ phận kinh tế ở Việt Nam và nhiều quan chức trong đảng ?"

Tuy nhiên nhà báo Trương Duy Nhất thì cho rằng việc khởi tố Phạm Nhật Vũ là 1 khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

"Theo tôi khả năng khởi tố Phạm Nhật Vũ rất cao. Cho nên mặc dù phía ông Vũ và AVG đã trả lại số tiền đó, thì nếu, tôi chỉ cho là nếu, nếu gọi đó là hành vi phạm tội thì coi như hành vi phạm tội đã hoàn thành, thì việc anh trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ thôi."

Chi tiết ông Trương Duy Nhất nhắc đến là hai ngày trước khi có kết luận của thanh tra chính phủ , AVG và Mobifone đã nhóm họp hôm 12/3/2018 để thống nhất chấm dứt hợp đồng mua bán và AVG sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán.

Và cái bóng của Trần Bắc Hà

Trước đây, nhiều ý kiến nghĩ rằng "lò của ông Trọng bắt đầu nguội lạnh" sau Hội nghị TW7, nhưng nhà báoTrương Duy Nhất cho rằng không nên chủ quan với suy nghĩ đó. Theo ông, sự tạm thời im lặng tạm thời có nhiều khả năng là chiến thuật trước một cơn bão lớn của ông Tổng bí thư.

Điều này có vẻ như đã được dần chứng minh qua kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương cuối tháng 6 vừa qua. Vì bên cạnh một AVG-MobiFone, còn có một nhân vật khác, đó là ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Theo phân tích của ông Phạm Chí Dũng, Trần Bắc Hà chỉ là 1 cá nhân so với cả 1 tập thể của vụ AVG, nhưng vai trò của Trần Bắc Hà lại quan trọng đến nỗi là tâm điểm sự chú ý của dư luận.

"Khi Nguyễn Tấn Dũng còn là thủ tướng thì rất nhiều dư luận cho là Trần Bắc Hà lúc đó có 1 vai trò rất lớn bên cạnh Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù Trần Bắc Hà lúc đó chỉ là Chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV nhưng qua mặt cả Nguyễn Văn Bình, là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó."

Với tất cả những diễn tiến mới nhất của chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận vẫn chờ đợi một sự bùng nổ. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc ghi trên trang cá nhân của ông : "Chờ xem Trương Minh Tuấn có bị rụng sợi lông nào không ?"

Nhà báo Phạm Chí Dũng thì đặt câu hỏi "Công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng liệu có ý nghĩa gì vì nó không khách quan".

Và ông gọi đây không chỉ là nước cờ đốt lò mà còn là nước cờ chính trị, nước cờ chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng đối với "thời kỳ trước."

Cát Linh

Nguồn : RFA, 02/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 888 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)