Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2018

Công đoàn độc lập trong EVFTA : Làm sao chế tài nếu không triển khai ?

Thiền Lâm

Vào cuối tháng Sáu năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (IPA).

evfta1

Vào năm 2015, ông Malinowski là Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động. Ảnh : BBC.com

Sau giai đoạn rà soát pháp lý, EVFTA sẽ được ký chính thức và được Ủy ban Châu Âu trình cho Nghị viện Châu Âu, nhưng phải trên cơ sở 28 quốc hội của 28 quốc gia của EU đồng thuận với hiệp định này thì Nghị viện Châu Âu mới phê chuẩn. Khả năng phê chuẩn sớm nhất là sau tháng Năm năm 2019.

Trong quy định của EVFTA, có một ràng buộc là Việt Nam phải công nhận Công đoàn độc lập.

Làm sao chế tài nếu chính thể Việt Nam không triển khai Công đoàn độc lập trong EVFTA ?

Cho dù vào đầu năm 2018, Đại sứ Việt Nam tại EU là Vương Thừa Phong đã cam kết rằng Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua các công ước về Công đoàn độc lập vào năm 2019 và 2020, nhưng làm sao có thể tin, và trong thực tế có còn chút gì về khái niệm niềm tin, đối với lời hứa của giới quan chức Việt Nam ?

Một sự thật quá rõ ràng, rõ đến mức không thể rõ hơn, là mặc dù chính thể độc đảng ở VN đã tham gia với Tổ chức Lao động Quốc tế từ năm 1998, nhưng cho tới nay đã hai chục năm chẵn mà vẫn không chịu ban hành quy chế về công đoàn độc lập cùng một số quyền tự do biểu đạt của người lao động theo nguyên tắc của ILO.

Độ trễ quá lâu và quá áp chế chính trị trên lại rất tương đồng với việc chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp nhân quyền và giới bất đồng chính kiến ở đất nước này, cho dù Việt nam đa tham gia vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1982.

Và cũng rất tương đồng với tình cảnh Hiến pháp Việt Nam ban hành từ năm 1992 về các quyền tự do lập hội và biểu tình của người dân, nhưng cho đến nay vẫn không có bất kỳ một văn bản cụ thể hóa cho sự hứa hẹn đầu môi chót lưỡi đó, nếu không muốn nói là chính quyền đã làm ngược lại với cam kết trong Hiến pháp.

Cũng trong rất nhiều cuộc đối thoại nhân quyền giữa cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam với phía Mỹ và EU, nhiều cam kết "sẽ cải thiện nhân quyền" đã được đưa ra từ phía Việt Nam. Nhưng kết quả là càng cam kết và hứa hẹn, chính quyền và công an Việt Nam càng bắt thêm nhiều người hoạt động nhân quyền, người dân dám bày tỏ chính kiến và những nhà đối lập về quan điểm chính trị.

Vào năm 2017 khi chóp bu Việt Nam đang cố gắng vận động EU phê chuẩn EVFTA, Hoàng Bình – Phó chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt, đã bị công an Nghệ An bắt giam, để vào đầu năm 2018 bị xử án nặng nề đến 14 năm tù giam.

Làm sao chế tài ?

Có một số kinh nghiệm từ người Mỹ khi đàm phán về nhân quyền và công đoàn độc lập với phía Việt Nam, lên quan đến Hiệp định TPP. 

Trong một cuộc gặp ngày 4/12/2015 với cộng đồng người Việt hải ngoại, ông Malinowski – Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, cũng đồng thời là trưởng đoàn đối thoại nhân quyền của Mỹ với Hà Nội, đã lần đầu tiên thông báo về việc TPP có cơ chế để ràng buộc Việt Nam trong việc thực thi các quyền của người lao động :

"Hầu hết các yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi luật pháp và quốc hội Việt Nam phải thông qua các luật đó. Họ muốn thực hiện trong bao lâu thì tùy. Nhưng một khi quốc hội Mỹ thông qua TPP, nếu điều đó xảy ra, thì lúc đó, Việt Nam cũng vẫn chưa vào được TPP. Vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ bắt đầu thực thi các cam kết. Và chỉ khi chúng tôi chứng nhận với quốc hội Mỹ rằng họ đã thực hiện tất cả các cam kết, thì lúc đó Việt Nam mới bắt đầu được miễn thuế và hưởng các lợi ích khác của TPP.

Trong quá khứ, các hiệp ước thương mại khác không đưa các điều khoản về quyền của người lao động vào trong quy trình giải quyết khiếu nại, nhưng TPP thì có".

Malinowski cũng cho biết : TPP thiết lập một ủy ban song phương để giám sát việc thực hiện và báo cáo cho chúng tôi một khi phát hiện ra sai phạm và đề nghị biện pháp xử lý. Ủy ban đó sẽ gồm 3 thành viên độc lập với các chính phủ : một người do chính phủ Việt Nam đề cử, một do Hoa Kỳ chỉ định và một do ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).

Hoa Kỳ sẽ định kỳ tái đánh giá quá trình thực hiện của Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn không để cho công đoàn độc lập được hình thành, thì những lợi ích về kinh tế tiếp theo sau thời điểm đó sẽ không được áp dụng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho đây là yếu tố quan trọng vì các khoản miễn thuế đặc biệt quan trọng của TPP chỉ được chính thức áp dụng sau 5 năm hoặc 10 năm. Điều này cho phép Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội, các nhà hoạt động có thời gian và công cụ để giám sát việc thực thi cam kết của Việt Nam.

Còn với EVFTA, chưa biết thái độ và hành động của Châu Âu sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam.

Và cho dù Việt Nam có thực hiện đúng cam kết sẽ ban hành công ước về công đoàn độc lập vào tháng 10/2020, cũng chẳng có gì chắc chắn là chế độ này sẽ triển khai công ước này trong thực tế.

Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là nếu không có thêm những áp lực mạnh mẽ từ quốc tế, còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là "thành tâm" của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình…

Ngay vào lúc này, các quốc gia trong EU cần chuẩn bị cơ chế chế tài đối với chính quyền Việt Nam về việc thực hiện công đoàn độc lập.

Chỉ có thế mới có hy vọng sẽ bắt đầu lộ trình thực hiện công đoàn độc lập và tự do đình công cho công nhân ở Việt Nam sau khi EVFTA được EU phêchuẩn.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 04/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)