Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2018

Luật sư Nguyễn văn Đài : Tôi sẽ không bao giờ quên anh em !

Tường An

Sau gần 1 tháng đặt chân đến Cộng Hòa Liên Bang Đức, ngày 1/7 vừa qua thông tín viên đài RFA có cơ hội tiếp xúc với luật sư Nguyễn Văn Đài tại thành phố Suttgart, trong dịp này, luật sư Đài kể lại diễn biến trong hơn hai năm từ lúc bị bắt giam đến lúc đặt chân lên máy bay đi tị nạn tại Đức và những dự định trong tương lai của ông để vận động Dân Chủ cho Việt Nam.

nvd2

Luật sư Nguyễn Văn Đài (thứ 3 từ trái sang) sau khi ra tù - Blogger Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt ngày 16/12/2015, rời khỏi nhà tù Hà Nội đêm 7/6/2018, cùng vợ là chị Nguyễn Thị Minh Khánh và cộng sự viên Lê Thu Hà lên đường sang Cộng Hòa Liên bang Đức tị nạn. Từ Beilstein, thành phố Stuttgart, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Luật sự Nguyễn Văn Đài kể lại :

"Quá trình tôi ra khỏi nhà tù Việt nam là một quá trình rất lâu dài vì tôi bị bắt từ ngày 16/12/2015, mà mãi đến tận ngày 7/6/2018 mới ra khỏi nhà tù Việt Nam, tức là gần 2,5 năm bị giam trong tù. Trong quá trình tạm giam thì từ ngày 12/5/2016 thì an ninh Việt Nam đã vào trại giam thuyết phục để thuyết phục tôi đi định cư ở Úc. Nhưng lúc đó 2 tháng liền vợ tôi không vào thăm nên tôi sợ vợ tôi có vấn đề về sức khỏe nên tôi yêu cầu họ cũng cấp thông tin về tình trạng sức khỏe vợ tôi rồi tôi mới quyết định có đi hay không. Sau này tôi mới biết vợ tôi đang đi vận động quốc tế vì vậy họ không đáp ứng yêu cầu của tôi, vì vậy việc đó không thành công".

Sau khi gặp vợ là bà Vũ Minh Khánh ngày 1/11/2016, luật sư Nguyễn Văn Đài đã quyết định chọn nước Đức làm nơi định cư. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản, để đổi lại việc ra đi của luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần thu lại lợi nhuận nhiều hơn trong việc trao đổi này. Và đó là lý do mà thêm 4 người của Hội Anh Em Dân Chủ là các ông Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm văn Trội phải vào tù :

"Trước khi mà cho tôi ra đi, chắc chắn họ phải làm một cái gì đó để phá hoại toàn bộ những gì mà tôi đã gầy dựng ở Việt Nam trong suốt những năm vừa qua. Cho nên việc thành lập cũng như hoạt động của Hội Anh Em Dân Chủ. Và đúng như tôi dự đoán thì ngày 27/7/2017 thì họ quyết định khởi tố bổ xung với tôi, họ chuyển tội danh từ điều 88 sang điều 79 với cáo buộc thành lập Hội Anh Em Dân Chủ để nhằm mục đích lật đổ chính quyền và sau đó mấy ngày thì họ đã bắt hàng loạt những thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ".

Việc chuyển từ tội danh "tuyên truyền chống nhà nước XHCN" của điều 88 bộ luật hình sự sang tội danh " lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 bộ luật hình sự với khung hình phạt có thể tù từ 12 năm đến tù chung thân hoặc từ hình không ngoài mục đích kéo dài thời gian tạm giam và bắt buộc luật sư Đài nhận tội. Tuy nhiên, luật sư Đài vẫn không nhận đã thành lập Hội Anh Em Dân Chủ, cho đến khi an ninh cho xem bản cung với lời khai của 4 thành viên hội Anh Em Dân Chủ thì ông chuyển sang phương pháp đấu tranh khác :

"Tôi dự định là sẽ không thừa nhận tất cả những chứng cứ họ đưa ra, nhưng sau khi đọc thấy tất cả anh em đã thừa nhận việc tham gia Hội Anh Em Dân Chủ rồi thì tôi chuyển sang phương cách khác, nghĩa là đấu tranh để đòi quyền tự do thành lập hội, đấu tranh với ý tưởng, mục tiêu xây dựng đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam, đấy là quyền hợp hiến, hợp pháp của mình và đấy là chính nghĩa của mình".

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra một cách nhanh chóng ngày 5/4/2017 với tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế cho 6 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ. Vì đã biết trước là dù sao cũng sẽ phải rời khỏi Việt Nam nên luật sư Đài và cô Lê Thu Hà đã quyết định không chống án để có thể đi càng sớm càng tốt để có thể tiếp tục cuộc đấu tranh trên một đất nước khác :

"Như tôi đã từng nói là tôi đã trải qua 3 phiên tòa rồi, 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của năm 2007 thì đều là những phiên tòa hết sức bất công. Họ không chấp nhận những lời nói của tôi cũng như lời bào chữa của luật sư của tôi và phiên tòa sơ thẩm cũng vậy, nên tôi mới quyết định là không chống án nữa, không chấp nhận bị xét xử trong một phiên tòa bất công thứ 4 nữa và đồng thời mình cũng muốn bản án nhanh chóng kết thúc để mình có thể nhanh chóng rời khỏi nhà tù đó để mình còn có cơ hội để tiếp tục đấu tranh cho đồng bào của mình".

Mặc dù đã được các quốc gia Úc, Mỹ nhận cho đi định cư, thế nhưng, luật sư Nguyễn Văn Đài vẫn chọn nước Đức để bắt đầu lại cuộc sống và tiếp tục cuộc đấu tranh, ông cho biết lý do :

"Đến nước Đức không phải là để mưu cầu cuộc sống tốt cho bản thân mình mà mình đến nước Đức để có nhiều thời gian hơn, điều kiện đấu tranh tốt hơn cho đồng bào của mình trong nước. Nếu mình đến nước khác thì mình phải mưu cầu cuộc sống, phải đi làm, đi lao động phục vụ cuộc sống thì mình sẽ không còn tâm trí, không còn thời gian để dành cho những anh em của mình trong nước nữa"

Chấp nhận bỏ quê hương không phải là để có cuộc sống an nhàn mà là để có điều kiện tiếp tục đấu tranh. Trả lời câu hỏi làm thế nào để có thể tiếp tục đấu tranh cho dân chủ Việt Nam một cách hiệu quả khi không còn nằm trong chính cuộc chiến đó, luật sư Nguyễn Văn Đài cho đài RFA biết một chi tiết mà ông cho là khá bất ngờ làm cho ông có thêm động lực :

"Từ lúc đến Đức thì tôi cũng đã kịp liên lạc với các anh em và đã hỏi anh em là việc họ bắt những người lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ và xử một mức án rất là cao thì các anh em có sợ hay không ? Họ nói rằng họ không có sợ và họ chỉ hỏi rằng kinh nghiệm của anh trong tù như thế nào ? Tôi hỏi : Tại sao anh em không hỏi cuộc sống của anh ở nước Đức thế nào ? Họ bảo là : Không, bọn em chưa cần biết điều đấy, bọn em đang bị chính quyền truy đuổi cho nên bọn em có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên bọn em cần kinh nghiệm của anh để nếu khi nào không may bị bắt thì bọn em có kinh nghiệm đối phó với cơ quan anh ninh Việt Nam thôi chứ họ không có ý định rời khỏi Việt Nam, thì đối với tôi đây là điều khích lệ tôi rất là nhiều. Tôi rất cảm động với sự kiên cường của anh em trong nước và tôi cũng đã kịp hướng dẫn anh em làm sao có thể hoạt động hiệu quả hơn và an toàn hơn".

Những năm gần đây, việc bắt và trục xuất những người bất đồng chính kiến hình như là một tiền đề cho một sự trao đổi nào đó giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Việc trả tự do cho luật sư Đài được nhiều dư luận cho rằng : "nhằm bình thường hóa mối quan hệ Đức-Việt đã xấu đi do vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh"

"Tôi được biết tại buổi bàn giao giữa đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam, đại diện sứ quán Đức và đại diện EU tại Hà Nội, trước khi tôi ra máy bay, họ ký biên bản bàn giao người thì phía Việt Nam kể công với đại diện sứ quán Đức là họ đã cố gắng hết sức để cho việc ra đi của tôi được nhanh chóng thành công. Phía Đức cũng lịch sự cám ơn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã phối hợp với họ trong vụ này, và ông đại sứ Đức có nói một câu là việc mà Việt Nam trả tự do cho tôi và cô Lê Thu Hà là một trong những điều kiện, một trong những bước tiến bộ để cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Cộng Hòa Liên bang Đức. Đằng sau còn những điều kiện nào thì tôi không được biết, nhưng mà trả tự do cho tôi, đó là một điều kiện tiên quyết của phía Đức để bình thường hóa quan hệ Việt Nam".

Ngoài 9 thành viên lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt, luật sư Đài đã liên lạc với số thành viên còn lại trong nước và Thái Lan, ông cho biết dự định trong thòi gian gần của Hội sẽ là :

"Một trong những nhiệm vụ cơ bản của tôi trong thời gian tới là phải hoàn thành Bản Tuyên Ngôn của Hội Anh Em Dân Chủ, đường hướng phát triển của Hội Anh Em Dân Chủ trong thời gian tới ra sao ? Làm sao cho nó đi sát với thực tế hơn, đem lại hiệu quả hơn, trong khi đó vẫn giữ được sự an toàn cho các anh em trong nước. Đây là một nhiệm vụ nặng nề mà tôi phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất".

Thay đổi môi trường đấu tranh nhưng không thay đổi vai trò đấu tranh, ông tin rằng tại hải ngoại, ông sẽ có điều kiện hoạt động tốt hơn :

"Ở trong nước thì công việc mình làm bị an ninh kiểm soát chặc chẻ nên làm được rất ít và cũng ở mức độ vừa phải. Khi ra hải ngoại, với sự phát triển của công nghệ thông tin thì tôi ngồi ở Franfurt, Berlin, Whashington hay Hà Nội thì công nghệ thông tin sẽ giúp mình thu ngắn được khoảng cách và sẽ không còn sự giói hạn nào nữa. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì sẽ giúp cho công việc đấu tranh không chỉ của riêng Hội Anh Em Dân Chủ mà tất cả các tổ chức chính trọ trong và ngoài nước hiệu quả hơn rất nhiều".

Ngược lại, có luồng dư luận cho rằng, ra đến hải ngoại, vai trò của những người hoạt động dân chủ tị nạn sẽ mờ nhạt đi rất nhiều khi không còn phải đối diện với thực tế trong chế độ độc tài, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng trường hợp của ông sẽ khác :

"Tôi từng sống ở nước ngoài và đi nước ngoài rất nhiều lần. Cái khác biệt của tôi là tôi có tổ chức của tôi. Hội Anh Em Dân Chủ đã đâm rể, đã có cơ bản trong nước dù thời gian vừa qua họ đánh phá rất mạnh, nhưng dù sao, anh em trong nước vẫn còn và trong suốt nhiều năm hoạt động, từ khi tôi ra tù sau bản án đầu tiên thì tôi đã có kết nối rất nhiều với các xã hội dân sự trong nước. Cái mà mình có duy trì được không là mối quan hệ giữa mình với trong nước và mối quan hệ giữa mình với các tổ chức quốc tế. Một thuận lợi nữa là khi trong nước thì tôi cũng đã có những mối quan hệ quốc tế rất là nhiều và đã từng được sự ủng hộ của họ về mọi mặt, bây giờ mình tiếp nối mối quan hệ đó. Điều đó sẽ đem lại hiệu quả trong nước và những kiến thức của tôi vẫn giúp đỡ cho anh em trong nước rất là nhiều. Cho nên tôi tin rằng tôi sẽ có những khác biệt với những người đi trước và sẽ góp phần vào sự thành công trong việc đem lại Tự do, Dân chủ cho Việt Nam".

Về luật an ninh mạng sắp tới đây sẽ bịt miệng người dân trong nước và ngăn cản sự trao đổi thông tin, luật sư Nguyễn Văn Đài đưa ra giải pháp :

"Bây giờ phải nhờ đến vai trò của người Việt hải ngoại. Trước đây, khi các anh quay các clip thì các anh chị em có thể tải trực tiếp lên mạng Facebook của họ. Để bảo đảm cho các anh em trong nước thì chúng ta phải qua một khâu trung gian, tức là chuyển tải ra bên ngoài, và người Việt hải ngoại phải đóng vai trò đẩy thông tin đó lên quốc tế và đẩy thông tin đó trở về trong nước, để đảm bảo cho trong nước an toàn hơn, đó là sứ mệnh của chúng ta ở hải ngoại".

nvd3

Luật sư Nguyễn Văn Đài tại lễ trao giải Nhân Quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức ở Berlin hôm 13/6/2018 Blogger Nguyễn Văn Đài

Về tình hình sức khỏe, luật sư Đài cho biết sức khỏe của cô Lê Thu Hà đã ổn định, Đầu tháng bảy, cả ba người sẽ bắt đầu khóa học hội nhập 20 ngày trước khi bắt đầu học tiếng Đức, luật sư Đài cho biết thêm về tình hình sứ khỏe hiện tại của chính ông :

"Trước đây sức khỏa tôi rất là tệ : tôi bị bệnh đại tràng, bệnh dạ dày, bệnh đau lưng, lở ngứa hai gan bàn chân. Từ khi sáng đây, môi trường sống rất tốt, ăn uống không phải lo ô nhiễm về thức ăn, được sự quan tâm, yêu mến của những người Việt Nam tại Đức cũng như sự thăm hỏi của đồng bào khắp nơi gửi về. Khi tôi vào FB tôi thấy tất cả những lời chúc mừng cho gia đình đã thoát khỏi ngục tù cộng sản thì tôi vô cùng cảm động. Nhưng việc đó như những viên thuốc thần tiên làm cho tôi phục hồi sức khỏe rất nhanh. Cả hai vợ chồng tôi đều phục hồi sức khỏe tốt và lúc nào cũng đầy đủ năng lượng để tiếp tục cuộc đấu tranh cho cuộc đấu tranh Dân chủ cho Việt Nam".

Cuối cùng, luật sư Nguyễn Văn Đài gửi lời cám ơn đến với những cá nhân tổ chức trong và ngoài nước đang dấn thân cho công cuộc đấu tranh dành Tự do Dân chủ cho Việt Nam !

"Trước hết tôi vẫn phải cám ơn đồng bào, anh em trong nước rất là nhiều, tôi có xem clip họ gửi cho tôi xem khi họ đến thăm gia đình tôi. Tôi rất làm cảm động bởi sự quan tâm, giúp đỡ của những anh em đã không quên tôi khi tôi trong hoàn cảnh khó khăn, họ đã động viên tôi rất nhiều, điều đó giúp tôi rất là vững vàng, rất là tin tưởng và rất là tự hào về những gì mà tôi đã làm cho đất nước này, dân tộc này. Và lời tôi nhắn gửi đến anh em là : Yên tâm, tôi không bao giờ quên ai cả, tôi sẽ làm tất cả những gì đó để ủng hộ, giúp đỡ cho anh em đứng vững vàng và tiếp tục con đường đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp của mình, con đường chính nghĩa của mình nhằm đem lại Tự do, Dân chủ cho tất cả người dân Việt Nam".

Tường An

Nguồn : RFA, 04/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)