Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2018

Bài kiểm tra trắc nghiệm dành cho nghĩa thầy trò

Kiều Phong

Bình thường, ai cũng thể hiện là tốt đẹp và lịch sự cả. Cho đến khi xảy ra hoàn cảnh mà phải hy sinh hoặc là quyền lợi của mình, hoặc là hy sinh quyền lợi của tha nhân, thì đến khi ấy mới biết được ai là người tử tế bên ngoài, ai là người tử tế thật sự bên trong.

thay1

Thầy Phạm Tấn Hạ và sinh viên Trương Thị Hà. 

Mấy ngày qua, cả nước chuyền tay nhau đọc câu chuyện của sinh viên Trương Thị Hà và thầy Phạm Tấn Hạ. Dư luận cho rằng, trong đồn công an, hiệu phó của trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh không làm tròn nghĩa vụ của người thầy khi đã làm ngơ trước những gì xảy ra với một cô sinh viên của mình.

Trương Thị Hà, sinh năm 1994, vào học khoa Ngữ văn Anh của trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp chương trình chính quy ở đại học Luật Hà Nội. Cô sinh viên đồng thời cũng tham gia một cách tích cực những hoạt động xã hội tại Sài Gòn và được nhiều người yêu mến.

Ngày 10 tháng 06 năm 2018, ngày biểu tình chống thông qua dự án luật đặc khu cho Trung Quốc mượn đất 99 năm, dân tộcViệt Nam đã xuống đường và làm nên một cuộc tuần hành lịch sử. Đáng chú ý là trong cuộc biểu tình lần này có rất đông sinh viên và học sinh. Trong đó nổi bật gương mặt của sinh viên Trương Thị Hà với biểu ngữ giăng cao trên đường Công xã Paris quận 1 Sài Gòn : "Cho Trung Quốc thuê đặc khu là bán nước !!! Tôi phản đối".

Một tuần sau, ngày 17 tháng 06 năm 2018, hồi thứ hai của cuộc biểu tình lại diễn ra. Lần này, Hà bị bắt vào đồn công an. Tại đây, cơ quan chức năng thẩm vấn cô. Đồng thời, họ gọi được hiệu phó của trường là tiến sĩ Phạm Tấn Hạ và trưởng ban truyền thông của trường là Trần Nam lên đồn để cho chứng kiến buổi làm việc với sinh viên của ngôi trường từng một thời danh giá nhất Đông Dương (khi ấy trường có tên là Đại học Văn Khoa Sài Gòn, sau 1975 sát nhập với trường Đại học Khoa học Sài Gòn rồi đổi tên thành trường Tổng hợp).

Hà kể lại buổi làm việc, trong bức tâm thư gửi thầy Hạ, là người ta đã dùng những từ rất nặng như "đĩ", "điếm" để gọi cô, ngay trước mặt hai người thầy của cô. Thầy Hà, đương lúc Hà kêu cứu, trả lời một câu : "Tôi không biết về luật". Xong thầy ký vào biên bản rồi ra về bình an vô sự.

Việc Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ không lên tiếng về sinh viên của mình trong lúc nguy cấp ấy, chưa xác định là đúng hay sai, đã mang lại cho vị giáo chức này bản án gay gắt từ cộng đồng mạng. Đủ mọi thành phần đã chia sẻ bức thư của Hà để bảo vệ cô sinh viên Trường nhân văn, với những lời bình luận rằng đáng lẽ thầy Hạ phải làm gì đó cho sinh viên của mình ngay lúc ấy.

Câu chuyện của sinh viên Trương Thị Hà coi như một bài trắc nghiệm kiểm tra cho thấy nghĩa thầy trò thời này còn không, khi mà thể chế chính trị can thiệp sâu vào tận cả trong trường học. Bình luận về việc nhà cầm quyền dùng cách sai công an gây áp lực để nhà trường kìm hãm sinh viên tham gia chính trị, như trường hợp công an Thành phố Hồ Chí Minh cho gọi hiệu phó Trường nhân văn lên để làm việc với Hà, nhà báo Huy Đức viết một cách hết sức kín đáo : "Làm sao một chế độ có thể đứng vững khi mà sự sợ hãi đã làm cho nhiều người trong chế độ đó quay lưng với sự thật, cạn kiệt tình thương, sẵn sàng phá vỡ những cấu trúc tưởng bền vững muôn đời như nghĩa thầy trò".

Một sinh viên đương thời khác là Nguyễn Văn Tráng, đồng cảm với câu chuyện của Hà, đã kể lại việc mình bị sách nhiễu liên tục trong thời gian học ở Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa. Tráng cho biết, anh đã bị nhà trường và khoa, cụ thể nhất là thầy Khiêm trưởng khoa, liên tục gọi lên làm việc như cơm bữa. Không những thế, trường còn để cho an ninh Thanh Hóa vào trường canh me Tráng như canh tội phạm.

Luật sư Lê Công Định, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đọc được thư của Hà. Ông so sánh người thầy của mình với thế hệ giảng viên ngày nay. Thầy dạy luật và dạy tiếng Pháp cho luật sư Định, ông Võ Phúc Tùng đã kiên quyết không dỗ dành để học trò của mình nhận tội, dù ông được tặng quà cáp và quyền lợi từ giới chức chính phủ Hà Nội. Luật sư Định ca ngợi nhân cách của thầy Võ Phúc Tùng, một trí thức thứ thiệt thời Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời bày tỏ tiếc nuối cho Hà khi Hà không may mắn gặp được người thầy có trách nhiệm như ông.

Kiều Phong

Nguồn : VNTB, 05/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)