Hẳn nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như các đồng chí đang lãnh đạo ngành, lãnh đạo các địa phương thuộc đủ mọi cấp đang đếm từng ngày, mong năm 2018 chóng qua và năm 2019 mau tới.
Hình minh họa.
Ngày đầu tiên của năm 2019 – ngày Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực thực thi, chắc chắn nhiều đồng chí sẽ ăn ngon hơn, ngủ yên hơn vì ít nhất cũng có 90 triệu công dân Việt Nam, dù muốn hay không vẫn phải nhìn trước, ngó sau, tự nguyện hạn chế chuyện nghĩ sao, nói vậy trên Internet, phiền muộn, tất nhiên sẽ giảm đáng kể.
Theo dõi diễn biến của scandal sửa – nâng điểm thi ở Hà Giang, vốn đang làm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vừa đau đầu, vừa loay hoay đối phó một cách hết sức chật vật, sẽ rất dễ thấy, nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua (thời điểm Quốc hội Việt Nam thông qua và Chủ tịch Nhà nước Việt Nam ký lệnh ban hành) thì bất kể thế nào, dân chúng Việt Nam cũng phải chấp nhận, Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 cũng vẫn “phản ánh tính nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi” như Bộ Giáo dục – Đào tạo từng khẳng định hôm 12 tháng 7(1).
***
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua thì với các qui định trong luật này(2), ba giáo viên Vũ Khắc Ngọc, Đỗ Ngọc Hà, Nguyễn Thanh Tùng (đang tham gia điều hành một Trung tâm Giáo dục Online tại Hà Nội) sẽ không dám liên tục công bố các phân tích, chứng minh trên mạng xã hội rằng đã xảy ra gian lận trong kết quả khảo thí ở kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang(3). Trong trường hợp ba giáo viên này liều lĩnh đánh động dư luận xã hội, căn cứ vào các qui định của Luật An ninh mạng, công an Việt Nam có thể xử lý cả ba ngay lập tức, trước khi chuỗi hành vi của họ “gây hậu quả nghiêm trọng” như đã thấy.
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua thì sẽ chẳng có bao nhiêu người dám chia sẻ kết quả phân tích, nhận định của cả ba giáo viên vừa kể. Do thiếu thông tin, công chúng không ưng cũng sẽ chỉ “bán tín, bán nghi” chứ không dám đồng loạt đòi xét lại kết quả khảo thí ở kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang và tất nhiên Bộ Giáo dục – Đào tạo không bị động tới mức : Buổi sáng ngày 12 tháng 7, vừa mới tuyên bố như đinh đóng cột, Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 “nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi” thì tới buổi chiều cùng ngày phải miễn cưỡng yêu cầu Ban Chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang phải “rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi” (4).
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực ngay lập tức hồi cuối tháng 6 vừa qua, mạng xã hội yên tĩnh vì dân không biết để bàn, hệ thống công quyền không bị đẩy đến tình thế phải kiểm tra, phải làm gì đó để công chúng hạ hỏa thì làm gì có chuyện ông Vũ Trọng Lương - Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Hà Giang bị khởi tố, ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh Hà Giang phải than… buồn, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo bị ép phải thoái bộ từng bước, từ chỗ hứa sẽ nghiêm túc “trả lại công bằng cho học sinh” và “niềm tin cho nhân dân” (5) tới chỗ phải chỉ đạo “rà soát toàn bộ kết quả kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 trên toàn quốc” (6)…
***
Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi nhưng ông Lương đã dám sửa – nâng điểm cho 114 thí sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang mà bài thi nhiều môn vốn chỉ đạt 0,75 điểm hay 1 điểm, 1,2 điểm được nâng lên thành 8,75 điểm, 9 điểm, thậm chí 9,5 điểm, bất kể điều đó sẽ gạt hàng trăm đứa trẻ xứng đáng hơn nhiều khỏi các đại học mà chúng và gia đình chúng mong ước. Thiếu “niềm tin nội tâm” rằng an toàn cá nhân được bảo đảm, ông Lương đâu có… liều như vậy. Ông Lương lâm nạn chỉ vì ông không dè sức mạnh của “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thông qua mạng xã hội có thể lộn ngược những thứ xưa nay cho dù có tầm bậy, tầm bạ vẫn được xem như đúng tùm lum, tà la thôi !
Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi, kèm theo đó là cam kết “không có vùng cấm” trong xử lý scandal sửa – nâng điểm cho 114 đứa trẻ là con cháu các viên chức lãnh đạo hệ thống công quyền và con cháu một số “doanh nhân thành đạt” ở Hà Giang nhưng tới giờ chỉ có 4/114 đứa trẻ chính thức bị lôi vào vòng thị phi : Một đứa là cháu ông Lương, ba đứa là con và cháu ông Triệu Tài Vinh. 110 đứa trẻ còn lại là con, cháu những ai vẫn còn đang được bảo mật. Báo giới cũng chỉ dám nói xa, nói gần về những đứa trẻ còn lại. Không phải tự nhiên mà ngay cả khi con, cháu được hưởng “xái” từ hành động sửa – nâng điểm của ông Lương, ông Vinh vẫn khẳng định một cách mạnh mẽ, rằng đó là “bị”, là “âm mưu”. Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi nhưng giá trị của “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng chỉ có giá trị… tương đối. Chưa bao giờ đưa “cán bộ vào tròng” là chuyện dễ dàng, ông Vinh cũng như nhiều cán bộ khác biết rất rõ điều đó, tự tin là tất nhiên.
Dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi nhưng tờ Thanh Niên vẫn “tự ý đục bỏ” bài “Cả Sở và Bộ Gíao dục đã biết về sai phạm ở Hà Giang trước khi rà soát” (7). Đây là bài viết giới thiệu một Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, theo đó, ngày 7 tháng 7, Hội đồng Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang đã phát giác ông Lương tự ý di chuyển các thùng đựng bài thi trắc nghiệm và một số phương tiện phục vụ chấm thi (máy tính, máy quét bài thi) ra khỏi nơi qui định nên đã đình chỉ công tác Phó Thư ký Hội đồng thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang của ông Lương từ hôm ấy. Ngày 10 tháng 7, Hội đồng Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang đã báo cáo “sự cố” cho cả Ban Chỉ đạo Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang lẫn trung ương. Những ban này không làm gì cả. Ngày 11 tháng 7, Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố kết quả Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 trên toàn quốc. Sáng 12 tháng 7, Bộ Giáo dục – Đào tạo tuyên bố Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 “nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi”, dư luận trên mạng xã hội dậy lên thành bão, chiều cùng ngày, Bộ Giáo dục – Đào tạo yêu cầu Ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 ở Hà Giang phả i “rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi”…
Chắc chắn Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang không nói điêu, tờ Thanh Niên không “thông tin sai sự thật” khi giới thiệu báo cáo ghi ngày 18 tháng 7 này. Vậy thì tại sao tờ Thanh Niên lại “tự ý đục bỏ” bài viết giúp hệ thống hóa các dữ kiện giúp người ta thấy một cách tường tận rằng các Ban Chỉ đạo Thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018 của cả tỉnh Hà Giang lẫn trung ương (bao gồm lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo ngành công an và đại diện các sở, ngành có liên quan) biết rõ Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 không bình thường nhưng không hành động(8). Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực thực thi, mạng xã hội lặng như tờ, chắc chắn sẽ không có scandal sửa – nâng điểm thi ở Hà Giang.
***
Dường như trong mắt giới lãnh đạo hệ thống công quyền Việt Nam, chia sẻ thông tin, bình phẩm về scandal sửa – nâng điểm thi ở Hà Giang đã trở thành… quá trớn, quá mức… chịu đựng của hệ thống này, cuối tuần vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, người được chính phủ Việt Nam ủy nhiệm tổ chức, điều hành Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2018, tuyên bố : Không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi vừa qua làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội ! Đầu tuần này, dẫu Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thực thi song thông tin liên quan tới những bất cập trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 trên hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam có vẻ chừng mực hơn.
Nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực thực thi, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tự khép mình vào khuôn khổ, dù chẳng có gì bảo đảm hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam sẽ tốt hơn, hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn, kinh tế - xã hội sẽ ổn định, ít những điều bất toàn hơn nhưng chắc chắc chẳng còn bao nhiêu đất cho các scandal. Đó là lý do cả giới lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ và đại đa số Đại biểu Quốc hội Việt Nam cùng cố hết sức để đưa Luật An ninh mạng vào đời.
Trân Văn
Nguồn VOA, 24/07/2018
Chú thích :
(1) http://tamnhin.net.vn/bo-giao-duc-dao-tao-ty-le-tot-nghiep-thpt-2018-toan-quoc-dat-9757-37604.html