Trong buổi Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'. Tác phẩm 'Giúp Người Già' xuất sắc đạt giải A.
Ảnh các công an viên hỗ trợ người già và kết cấu xe đạp - hoa quả dường như lặp đi lặp lại một cách quá thô thiển. Ảnh : Facebook
Bức ảnh mô tả một cụ già bán (mua ?) cam trên chiếc xe đạp và bị té ngã, và hai công an viên (một hạ sĩ quan, một trung úy) tới giúp đỡ.
Thực tế mà nói, đây là một hình ảnh đẹp trong đời sống, nhất là khi một lực lượng công vụ nhà nước giúp đỡ những người dễ tổn thương trong xã hội (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai...).
Tuy nhiên, khi ảnh được đưa lên mạng xã hội Facebook, nó đã gây ra làn sóng trái chiều, và nhiều nhất vẫn là những quan điểm cho là : giả tạo, tuyên truyền, sắp đặt... Nhiều bức ảnh chụp cảnh giúp đỡ khác, trong đó nữ luôn hàm hạ sĩ quan, còn nam công an thì cấp úy, cũng nhặt cam, cũng xe đạp và cũng... bà già !
Người dùng mạng xã hội nghi ngờ về tính chân thực của bức ảnh, và dĩ nhiên họ nghiêng hẳn về phía 'diễn' hơn là thực tế. Và nếu có một bức ảnh bộ đội giúp dân với bức ảnh công an giúp dân, thì bức ảnh về bộ đội đạt hiệu quả cao về tính chiếm lĩnh niềm tin người xem.
Tại sao lại như thế ? Tựu trung là vì người ta nhìn vào bộ đội ít thấy tiêu cực, nhưng nhìn vào lực lượng công an thì lại thiếu đầy rẫy. Màu xanh của đồng phục không phải là màu của hy vọng, mà màu của trấn áp. Do đó, nên tìm kiếm từ khóa 'công an' trên cỗ máy Google hay Facebook, thì trang tiêu cực tràn ngập, trừ trang tin trên các trang thông tin điện tử hoặc báo thuộc công an các tỉnh thành (hoặc Bộ).
Bàn sâu thêm chút nữa, nếu trong lực lượng công an được chia thành 2 lực lượng gồm Cảnh Sát và An ninh, thì an ninh ít nhiều chiếm tình cảm. Nhưng về sau này, khi mạng xã hội được phổ biến rộng rãi, và những chiêu trò - cách thức mà phía lực lượng an ninh áp dụng với những người bất đồng chính kiến, những người tiến hành đấu tranh dân chủ hay thậm chí là cả những ai tham gia các hoạt động biểu tình thì hình ảnh của họ cũng mờ dần đi. Tính chất tốt đẹp hay cảm tình nhường dần cho sự chán ghét, thậm chí có phần khinh bỉ trong dân.
'Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong' - câu thơ nằm trong bài thơ 'Dân no thì lính cũng no' của nhà thơ Thanh Tịnh lại phản ánh đúng đắn mối quan hệ nhân quả giữa việc thiếu hụt niềm tin ở dân và lực lượng công an.
Nhiều quan điểm cho rằng, làm gì có chuyện mất niềm tin, mất niềm tin thì sao khi có trộm cướp hay vấn đề về an ninh, người dân luôn gọi cho lực lượng công an ? Thực ra, gọi cho lực lượng công an là trách nhiệm của một công dân bất kỳ để đảm bảo tài sản, thậm chí mạng sống và các quyền hợp pháp khác được pháp luật quy định. Nó không thể hiện có niềm tin hay không, mà nó trở thành một quy tắc mà họ làm, và công an là lực lượng được quy định phụ trách trong đó.
Quay trở lại vấn đề, vậy làm thế nào để công an lấy lại niềm tin trong dân chúng hay lực lượng công an có thể tốt trong mắt dân một cách tự nhiên nhất.
Làm thế nào ?
Vấn đề đặt ra này chính bản thân mỗi công an viên từ cấp bậc thấp nhất đến cao nhất sẽ tự trả lời : họ thực sự có thực sự mong muốn điều đó ?
Trên trang Thông tin điện tử cảu công an tỉnh Hà Nam ghi nhận mục 'Người tốt việc tốt', trong đó có 2 công an viên đã cõng 01 cổ động viên tàn tật. Hình ảnh này bố cục không đẹp, chất lượng hình ảnh cũng không quá nhiều độ phân giải, nhưng nó đẹp, và chiếm cảm tình của người dân.
Hình ảnh công an giúp dân chiếm cảm tình đối với người đọc không quá khó nếu nó diễn ra 'tự nhiên'
Một công an viên tốt, là một công an viên phải biết dựa vào dân và nhận thức đi ra từ nhân dân. Các anh/ chị có thể sử dụng nghiệp vụ của mình học được, nhanh chóng giúp người dân truy tìm kẻ trộm, cướp khi bị cấp báo ; các anh cũng có thể từ chối những đồng tiền hối lộ ; các anh có thể bắt giữ người đúng pháp luật ; trong đồn các anh cũng không bức cung, nhục hình nghi can,... Những điều này các anh có thể làm tốt và rất tốt nếu các anh muốn, và thậm chí lãnh đạo các anh muốn thế. Chỉ cần làm như vậy, người dân tự ghi nhận, tự hình thành một tình cảm, một cái nhìn thân thiện với lực lượng mang hai chữ 'Nhân dân' bên mình. Khỏi cần tuyên truyền, khỏi cần lên hình ảnh hay tổ chức cuộc thi nào cả, tự bản thân các anh đã làm nên chính hình ảnh của các anh.
Đất nước này được xây dựng từ tuyên truyền, nhưng giờ đây, người dân cần một sự thật và sự đảm bảo tôn trọng quyền công dân trong lực lượng công an. Khi một công an viên tôn trọng quyền công dân, tức là công an đó là công an nhân dân và ngược lại. Một người dân không thể chấp nhận một 'công an nhân dân' vung gậy đập họ một cách vô cớ đến mức 'thân bại danh liệt' khi ra khỏi đồn, hay khi bắt gặp những đồng tiền bẩn, những chiêu trò bẩn moi móc tiền từ sai phạm người dân, thậm chí là tạo dựng sai phạm giả để móc tiền.
Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, bản chất sự sắp đặt là sự tuyên truyền đáng kinh tởm. Do vậy, hãy trở về hiện thực, ứng xử tốt với nhân dân, và bằng cách đó, nhân dân sẽ có lại niềm tin với công an.
Tất nhiên, trong cái cơ chế hiện tại, điều đó sẽ là một sự sát hạch cực kỳ khó khăn. Và những ai vượt qua, hẳn là... công an tốt !
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 07/08/2018