Những người cuối cùng của thế hệ hòa hoa mà lạc bước đã ra đi
Phạm Đình Trọng, 12/08/2018
Cùng đang học trung học chuẩn bị thi tú tài.Người sinh tháng chín, người sinh tháng mười hai, cùng năm 1927. Cùng 18 tuổi khi cuộc cách mạng tháng tám, 1945 nổ ra. Cùng bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm ngất ngây của cuộc cách mạng tháng tám: Đập tan xiềng xích nô lệ, giành tự do cho nhân dân, giành độc lập cho đất nước. Nhờ tài năng và nền tảng văn hóa của một nền giáo dục nhân văn, cả hai đều trở thành những tên tuổi, những gương mặt văn hóa sáng giá, đóng góp lớn cho cuộc cách mạng, để lại cho lịch sử và nền văn hóa đất nước những giá trị văn hóa bền vững. Hai tên tuổi đó là nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải.
Nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải - Ảnh minh họa (Tiếng Dân)
Không phải chỉ có hai tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải. Cái hồn tinh tế nhạy cảm của con người mang trong máu nền văn minh sông Hồng, cái vốn liếng của trí lự Việt Nam được tiếp nhận chương trình giáo dục nhân văn của nền văn hóa Pháp, nền văn hóa đã mở ra kỉ nguyên Ánh sáng và cuộc cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Con người và nền giáo dục đó đã tạo ra hơn một thế hệ những tài năng, những nhà văn hóa, những trí thức, những nghệ sĩ lớn Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Thanh Tịnh, Thụy An, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Duy, Trần Văn Cẩn, Sĩ Ngọc...
Hơn một thế hệ tài năng đó đã bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm, ngất ngây của cuộc cách mạng mùa thu năm 1945. Họ đi vào cuộc cách mạng mùa thu và cuộc kháng chiến chống Pháp cùng những người cộng sản là để đến cái đích ước mơ từ trăm năm của cả giống nòi Việt Nam : Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giải phóng giống nòi Việt Nam. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang đi đến kết thúc thắng lợi, những người cộng sản lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp liền bộc lộ cái mưu đồ tội lỗi, độc ác của họ.
Đặt đảng cộng sản lên trên đất nước, lên trên dân tộc Việt Nam, những người cộng sản dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Pháp đã vì lợi ích của đảng cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của quốc tế cộng sản, thí bỏ lợi ích của đất nước, của dân tộc Việt Nam, vất bỏ mục tiêu độc lập của cả dân tộc Việt Nam để theo đuổi mục tiêu của những người cộng sản : mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Họ nhẫn tâm cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai trận tuyến, cắt đôi dân tộc Việt Nam thành hai nửa hận thù, biến đất nước Việt Nam thành biên ải của khối cộng sản thế giới, biến dân tộc Việt Nam thành đội quân gác biên ải, lấy máu dân tộc Việt Nam bảo đảm sự an toàn, bền vững và lớn mạnh cho những nhà nước cộng sản đàn anh Trung Cộng, Nga Xô.
Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, những người cộng sản liền quyết liệt thực thi nền chuyên chế độc tài trên nửa nước, hăm hở lấy máu dân làm chiến tranh áp đặt chuyên chế độc tài trên cả nước. Người dân Việt Nam vừa thoát khỏi thân phận nô lệ của người dân mất nước, xiềng xích nô lệ thực dân vừa rũ bỏ trên cổ, trên chân tay, trong đầu óc người dân thì những người cộng sản lại chụp lên thân phận người dân Việt Nam ách nô lệ mới còn nặng nề, khủng khiếp hơn nhiều lần ách nô lệ thực dân : nô lệ cộng sản.
Nặng nề, khủng khiếp nhưng nô lệ cộng sản tinh vi và giỏi lừa mị đến mức một nhà văn sắc sảo như Nguyễn Khải cũng phải đến cuối đời mới nhận ra "Ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chăn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp : đàn áp, bắt giữ, lập tòa án xét xử những kẻ cầm đầu" (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất)
Trong thể chế nô lệ cộng sản, những trí thức, nghệ sĩ, tinh hoa của dân tộc, những gương mặt văn hóa của đất nước cũng chỉ là những đứa trẻ trong nhà trẻ cộng sản mà thôi :
"Tám mươi triệu cái mặt không nhìn thấy mặt
Tám mươi triệu cái mồn tự nguyện bịt mồm...
Trí thức cụp tai
Ngòi bút trượt dài sợ hãi...
Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan"
(thơ Nguyễn Đình Chính)
Đầu năm 2006, tổng kết một đời nô lệ cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Khải đau đớn nhận ra cả cuộc đời đã mang cả trí tuệ, tài năng ra đóng góp cho một xã hội không có chân móng : "Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng" (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
Thức tỉnh về thân phận "Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan", thức tỉnh về một xã hội cộng sản không chân móng, phản con người, phản dân tộc, phản đất nước, những nhân cách trí thức Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần... đã lên tiếng và phải chấp nhận sự trừng trị đàn áp, bắt giữ, tù đày man rợ của nhà nước độc tài cộng sản. Không ném cuộc đời vào đau khổ mòn mỏi vô ích trong ngục tù cộng sản như những người đi trước, nhà báo Bùi Tín sang tị nạn chính trị ở nước Pháp của cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái để ông viết và công bố với loài người văn minh về sự thật xã hội cộng sản Việt Nam, về sự thật cuộc đời một nhà báo trong xã hội cộng sản. Nhạc sĩ Tô Hải thì lặng lẽ viết về cuộc đời mình để kể với mai sau về thân phận ê chề, tủi nhục của người nghệ sĩ trong nhà nước cộng sản.
"Hoa Xuyên Tuyết" và "Mặt Thật" của nhà báo Bùi Tín, "Hồi Kí Của Một Thằng Hèn" của nhạc sĩ Tô Hải cùng với "Hoa Địa Ngục" của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, "Đêm Giữa Ban Ngày" của nhà văn Vũ Thư Hiên, "Đèn Cù" của nhà báo Trần Đĩnh, "Lời Ai Điếu" của nhà báo Lê Phú Khải là những cung oán ngâm khúc về những thân phận đau khổ của người dân, của trí thức trong nhà nước cộng sản, là thiên kí sự về nỗi thống khổ của người dân trong kiếp nô lệ cộng sản, là những trang tư liệu lịch sử chân thực, sinh động về thời cộng sản trị đau đớn của giống nòi Việt Nam, là lời thức tỉnh cho người dân, cho những trí thức đớn hèn đang còn u mê, an phận trong kiếp nô lệ cộng sản.
Ngoài những tác phẩm báo chí kịp thời, sắc sảo của nhà báo Bùi Tín, ngoài những nhạc phẩm còn mãi với thời gian như hợp xướng Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy của nhạc sĩ Tô Hải thì Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật và Hồi Kí Của Một Thằng Hèn là những đóng góp lớn lao, quí giá cho cuộc vật lộn thoát khỏi họa cộng sản của giống nòi Việt Nam.
Cùng có mặt trong cuộc đời vào năm 1927, những năm cuối cùng của kiếp nô lệ mất nước, nhà báo Bùi Tín, nhạc sĩ Tô Hải lại rời bỏ cuộc đời cùng một ngày thứ bảy 11.8.2018, những ngày tháng cuối cùng của kiếp nô lệ cộng sản. Cả cuộc đời hơn chín mươi năm, hai tâm hồn đẹp, hai nhân cách lớn chưa có được một ngày trút bỏ nỗi niềm đau đáu về vận mệnh đất nước, chưa có một ngày thôi canh cánh về thân phận người dân. Nhưng nỗi niềm của hai trí thức sáng, của hai nhân cách đẹp đã thức tỉnh hàng triệu người dân Việt Nam, đã thức tỉnh thế hệ trẻ Việt Nam. Hàng triệu người đã có mặt trong hàng ngũ đấu tranh loại bỏ thảm họa cộng sản tăm tối, đưa dân tộc Việt Nam hòa nhập với loài người văn minh, hòa nhập với thời đại sáng lạn của kỉ nguyên văn minh tin học. Tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải cùng những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần,... sẽ được khắc ghi vào trang sử vượt qua đêm tối nô lệ đi tới ánh sáng độc lập tự do của giống nòi Việt Nam.
Phạm Đình Trọng
(12/08/2018)
*****************
Vĩnh biệt tác giả "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" Tô Hải
Lê Phú Khải, VNTB, 12/08/2018
Nhân dân Sài Gòn không bao giờ quên buổi sáng đẹp trời ngày 16 tháng 12 năm 2007, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, có ông già 80 tuổi, chống gậy đứng giữa cuộc biểu tình vẻ mặt đầy phẫn nộ khua gậy lên chỉ vào mặt một người đàn bà mặc áo xám hét to : Con này là chỉ điểm cho công an bắt người…
"Con này" mà Tô Hải chỉ mặt là người phụ nữ cao to, đứng quan sát xem ai la to, ai hăng hái nhất rồi chỉ cho công an chìm, công an nổi ẵm" đi! Cái "con này" ấy là Nguyễn Thị Quyết Tâm sau này được thăng chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhạc sỹ Tô Hải. Ảnh: Lê Phú Khải
Những kẻ chỉ điểm bắt người biểu tình chống Trung Quóc xâm lược Việt Nam như Nguyễn Thị Quyết Tâm được thăng quan tiến chức, được cộng sản xem là nồng cốt của chế độ phải được ghi rõ họ tên và đã được những người biểu tình hôm đó quay thành phim để lưu giữ đời đời cho con cháu về những gương mặt bán nước hại dân, còn nghệ sỹ Tô Hải thì đi vào lịch sử biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam.
Tô Hải sinh ngày 24/9/1927 tại Hà Nội, nguyên quán tại Tiền Hải, Thái Bình.
18 tuổi, như mọi thanh niên trí thức yêu nươc khác, Tô Hải xung phong vào Vệ quốc đoàn theo tiếng gọi non sông lên đường cứu nước. ông tâm sự, lúc theo Việt Minh di cứu nước, bố ông là một công chức thời Pháp, có học, có đọc sách đã khuyên ông không nên theo cộng sản, nếu không nghe ông thì cứ đi, nhưng đừng có về nữa! Tô Hải lúc đó đang ở trong thời kỳ "thơ" trong chữ "ngây thơ" mà Nguyễn Khắc Viện đã viết. Chỉ đến cải cách ruộng đất sau đó hơn chục năm, thì thời kỳ "thơ" đã hết và chuyển sang thời kỳ "ngây" như ông Viện đã nhận ra ở cuối đời mình. Lúc đó Tô Hải nhận ra mình "ngây" thì đã muộn! Không có đường về nữa ! Ông phải tiếp tục sống như một người cộng sản đích thực (ông kết nạp đảng năm 1949 ), tức là phải dối trá để tồn tại.
Chính vì thế mà ông đã viết cuốn hồi ký "Hồi ký của một thằng hèn" để xám hối ! Nhà xuất bản "Tiếng quê hương" ở Virginia, Hoa Kỳ đã ấn hành năm 2009, chính tôi là người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách này. Việc viết giới thiệu cho cuốn Hồi ký này là một chuyện rất khôi hài. Khi những người biên tập cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" yêu cầu người viết giới thiệu nó, tốt nhất, là một người đang ở trong nước. Nhạc sỹ Tô Hải, tác giả của "Nụ cười sơn cước", "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" đã nhờ tôi viết. Lý do vì tôi là người đầu tiên và duy nhất đã đọc bản thảo nó ở trong nước. Số là tôi ra Nha Trang thăm Tô Hải, thấy ông dành toàn bộ thời gian cho cuốn sách. Và tôi đã đọc nó trong một xóm nhỏ ở thành phố biển Nha Trang. Nhưng các vi biên tập cuốn sách này ở nước ngoài lại cho tôi là "công an của Việt cộng" nên không muốn lời giới thiệu sách đứng tên tôi. Tô Hải phải email sang nói rõ, tôi là nhà báo, không phải là công an. Các vị đó vẫn không tin, nói rằng, gia đình tôi có nhiều người làm công an nên "cài" tôi vào để … Cuối cùng thì lời giới thiệu là bài viết của tôi, do sự "cam kết" của Tô Hải. Hơn nữa, cũng chẳng ai ở trong nước đã đọc Hồi ký của một thằng hèn để mà viết, nếu những người in sách muốn người viết phải là một người ở trong nước! Điều đáng buồn từ sự việc này là, cả dân tộc ta nghi kỵ nhau, không ai tin ai nữa… "đấu tranh giai cấp" đã dẫn đến tình trạng đó !
…Trên mạng xã hội ở Việt Nam hơn một thập kỷ qua, nhạc sỹ Tô Hải là một blogger lớn tuổi nhất, ông có cả một trang Web mang tên "Tô Hải’s blog hàng tuần đều có bài". Ông viết blog trong tình trạng đau yếu của tuổi già, kê lưng vào gối mà gõ máy tính… Nhưng chỉ vắng bóng ông trên mạng ít bữa là các độc giả trẻ Việt Nam trên khắp nơi trong ngoài nước lo lắng, mong mỏi, email đến thăm hỏi… là một chứng nhân của lịch sử, những chuyện ông viết ra khiến lớp tre khao khát sự thật đón đọc say mê. Nhưng không phải Tô Hải chỉ viết cái đã qua, hàng ngày ông đọc Le Monde trên mạng, nắm bắt tình hình thế giới, tình hình trong nước và bình luận kịp thời những vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Có lần Đài phát thanh đối ngoại Pháp RFI phỏng vấn ông. Họ ngạc nhiên về những thông tin ông đưa ra. Họ hỏi, tin ấy ở đâu ra ? Ông trả lời : Tôi đọc trên Le Monde sáng nay ! Tay phóng viên này thú nhận : Từ sáng đến giờ chưa đọc Le Monde !!!
Công bằng mà nói, với những huân chương mà ông đã được nhận, với giải thưởng về Văn học nghệ thuật đợt 1, ông có thể ngồi rung đùi mà nhận bổng lộc, đến các hộị nghị, kỷ niệm này nọ mà ngồi ghế danh dự trong làng nhạc sỹ Việt nam mà nhận bao thư. Và… ngậm miệng ăn tiền dài dài… như các nghệ sỹ lão thành khác (!)
Nhưng vận nước không để ông ngồi yên. Ông nghĩ đến con cháu, nghĩ đến thế hệ mai sau sẽ sống ra sao nếu bọn Tàu Ô gặm dần đất nước mà ông bà đã tốn bao nhiêu xương máu để gìn giữ nó đến hôm nay. Ông tâm sự : Từ ngày tôi viết blog, mấy thằng nhạc sỹ xưa kia nó vô Sài Gòn là nhào đến nhà tôi… Vậy mà khi thấy tôi viết trên mạng, nó lỉnh, nó sợ liên lụy, giới nhà văn của ông còn đỡ chứ giới nhạc cùng thời với tôi chúng nó hèn quá ! Tôi an ủi ông : Những kẻ ngậm miệng ăn tiền ấy có gì đáng nói, bù lại, hiện anh có hàng vạn bạn đọc trên thế giới, đó chẳng phải là đáng vui hay sao ?
Là người bất đồng chính kiến nên công an đã đến "hỏi thăm" cái xe bán bánh mỳ của vợ ông ở đầu phố, công an và chính quyền phường đã đến tận nhà "khuyên giải" ông không viết blog nữa!
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến năm 1991, tại hội trường Matxcơva, tôi đứng giữa những người già, rất già, râu tóc bạc phơ đang cầm biểu ngữ đứng biểu tình trong tuyết giá… Một người Việt Nam nói với tôi lúc đó : Những người già như thế này đi biểu tình không phải như sinh viên Nam Triều Tiên, Singapore đi biểu tình đòi hỏi một cái gì cụ thể cho ngày hôm sau đâu. Mà họ vì trách nhiệm của lương tâm, vì một tương lai, vì một cái gì cao cả hơn đối với đất nước.
Những gì mà nhạc sỹ Tô Hải đã và đang làm chính vì "những điều cao cả hơn đối với đất nước" Việt Nam yêu quý của ông.
Hôm nay, người nhạc sỹ đã viết hợp xướng giao hưởng "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy"… đã ra đi. Ông có thể ngậm cười nơi chín suối vì cái ngày 16/12/2007 ở tuổi 80, ông đã chống ba-toong đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, thì hôm nay ở tuổi 91, ông có thể yên lòng vì hàng chục nghìn đồng bào đã xuống đường theo gót ông năm xưa trên khắp miền đất nước, hô vang những khẩu hiệu yêu nước, chống bè lũ bán nước và cướp nước …"Quê hương yêu dấu bao người chờ mong" trong bài "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" của ông vẫn còn đó… để tiển ông về nơi an nghỉ.
Lê Phú Khải
Nguồn : VNTB, 12/08/2018
****************
Nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải qua đời
Ngọc Thu, Tiếng Dân, 11/08/2018
Thế là hai nhân vật lớn trong giới bất đồng chính kiến đã cùng nhau từ bỏ chúng ta hôm nay : Nhà báo Bùi Tín ra đi lúc 1g25′ sáng ở Paris, tức 6h25′ sáng giờ Việt Nam và nhạc sĩ Tô Hải qua đời lúc 19h40' tối nay, 11/8/2018. Cả hai ông hưởng thọ 91 tuổi.
Nhà báo Bùi Tín khi sống ở Pháp.
Hai ông sinh cùng năm, nhà báo Bùi Tín sinh ngày 29/12/1927 ở Nam Định, nhạc sĩ Tô Hải sinh ngày 24/9/1927 ở Hà Nội và ra đi cùng ngày, chỉ cách nhau 15 tiếng.
Cũng như ông Bùi Tín, ông Tô Hải ra đi trong cô quạnh, không có người thân xung quanh đưa tiễn, mà chỉ có những người bạn cùng chí hướng. Nhưng ông Tô Hải may mắn hơn ông Bùi Tín, là ông còn có người bạn đời là cô Lâm Thị Ái, tận tụy, chăm sóc cho ông trong nhiều năm qua, nhất là trong mấy tuần gần đây, cô Ái luôn túc trực với ông bên giường bệnh.
Cả hai ông Bùi Tín và Tô Hải đều là những người đã từng phục vụ chế độ cộng sản Việt Nam và đã phản tỉnh, lên tiếng phản đối chế độ, trở thành những nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam và hải ngoại.
Nhà báo Bùi Tín, bút danh Thành Tín, từng mang quân hàm đại tá. Ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1946-1982. Ông cũng đã từng giữ chức Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân từ năm 1982 đến năm 1990. Tháng 9/1990, ông xin tị nạn ở Pháp, sau khi ông lên tiếng phê phán đường lối lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, phê phán chế độ Cộng sản và chủ nghĩa xã hội, để rồi đảng cộng sản Việt Nam gọi ông là "kẻ thù của nhân dân".
Nhạc sĩ Tô Hải lúc sinh thời.
Nhạc sĩ Tô Hải từng tham gia Vệ quốc đoàn sau Cách mạng Tháng Tám. Ông cũng đã từng giữ chức trưởng Đoàn Văn công khu 5, cũng như nhiều chức vụ khác nhau, trước khi từ bỏ đảng và chế độ mà ông phục vụ. Ngoài những bản nhạc mà ông sáng tác, ông còn nổi tiếng với cuốn "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn", do Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương xuất bản ở Mỹ năm 2009 và đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng.
Ông Tô Hải tự nhận mình là "thằng hèn", mà mọi người gọi ông bằng cái tên thân thương là "Nhát Sỹ Tô Hải". Cuốn hồi ký của ông kể lại những chuyển biến trong cuộc đời ông từ năm 1945, lúc ông đi theo đảng với một niềm tin mù quáng, cũng như nỗi đau dày vò sau khi ông biết mình đã đi lạc đường, nhưng không thể dừng lại, cho tới lúc ông từ bỏ đảng, lên tiếng chống lại những cái sai của đảng, của chế độ.
Trong cuốn hồi ký, ông Tô Hải viết về sự gian trá, tàn bạo và lưu manh của chế độ mà ông đã từng phục vụ, cũng như nỗi đau khi ông phải sống cuộc sống làm người nhưng không phải là con người. Nỗi đau đó luôn dày vò tâm can ông, nhất là khi ông gặp gỡ những người "đồng chí", bạn bè cũ của mình, những người luôn vênh váo và tự hào với cuộc sống của họ, với những thứ vật chất mà họ có được do cướp của dân.
Blogger Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm, viết về ông Bùi Tín và Tô Hải như sau :
"Ngày hôm nay có hai trái tim của hai con người yêu nước đã ngừng đập : Cựu đại tá Bùi Tín, cũng từng là Phó tổng biên tập báo Nhân Dân và Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘Hồi ký của một thằng hèn’. Cả hai người đều có quá khứ phục vụ cho chế độ Việt cộng. Và cả hai đều phản tỉnh và trở thành những tiếng nói hàng đầu trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ, tự do và nhân quyền cho Việt Nam.
Tôi may mắn từng được chuyện trò với cả hai cụ. Và nợ hai cụ những lời hứa hẹn. Những lời hứa hẹn không bao giờ trả được nữa. Nhưng đâu chỉ có chúng tôi nợ nhau. Núi xương sông máu đấy, ai còn nợ? Tuổi trẻ của hàng vạn con người mang tên Việt Nam đấy, ai còn nợ? Những món nợ mang tên Thời Đại, mang tên Lịch Sử không bao giờ thanh toán được.
Nhưng, có những người đi trả nợ non sông. Họ là những Bùi Tín, Tô Hải, Vũ Cao Quận, Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Nguyễn Minh Cần… Họ từng là đảng viên cộng sản, góp phần không nhỏ làm nên chế độ này trước khi trở thành những nhân vật bất đồng chính kiến. Gọi những con người ấy là những người trả nợ quá khứ – có lẽ cũng không sai".
Rồi cả hai ông Bùi Tín và Tô Hải không hẹn nhau mà ra đi cùng ngày. Họ đã thanh thản ra đi sau khi đã viết, đã nói lên thật nhiều điều họ muốn nói về chế độ này, về những điều mà họ băn khoăn, trăn trở, lo lắng cho vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc này.
Ngọc Thu
Nguồn : Tiếng Dân, 11/08/2018
***************
Sau Bùi Tín, Tô Hải, lớp sóng mới vẫn dâng lên
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 11/08/2018
Bùi Tín và Tô Hải mới ra đi, nhưng có thể an lòng. Vì chắc họ đã nhìn thấy những thế hệ con cháu mình vẫn giữ vững lòng yêu nước, tiếp tục đấu tranh đòi tự do dân chủ cho gần 100 triệu dân Việt Nam, như hai ông đã theo đuổi vào cuối đời.
Ông Bùi Tín và ông Tô Hải cùng sinh một năm và mất trong vòng một ngày ở hai nơi xa cách, Paris và Sài Gòn. Họ thuộc thế hệ vừa lên 18 tuổi khi lòng yêu nước của 25 triệu người Việt Nam bùng lên ; toàn dân vùng dậy quyết đánh đuổi thực dân Pháp.
Bùi Tín và Tô Hải thuộc thế hệ thanh niên trong trắng bị đảng cộng sản đánh lừa, lợi dụng chiêu bài kháng chiến nhưng bên trong chỉ nhắm mục đích làm lính tiên phong cho cộng sản quốc tế, đưa dân tộc Việt một cuộc nội chiến đẫm máu. Khi nhìn rõ đảng cộng sản đã nô lệ hóa đồng bào với chế độ độc tài tàn bạo, Bùi Tín và Tô Hải đều thức tỉnh. Hai ông từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và dấn thân trên con đường tranh đấu cho tự do dân chủ.
Khi quyết định đào tị ở thủ đô Pháp năm 1990, ông Bùi Tín đang có một địa vị cao ở báo Nhân Dân. Nếu tiếp tục đóng vai "bồi bút," như chính ông có lúc tự công nhận, Bùi Tín có triển vọng sẽ gia nhập hàng ngũ lãnh đạo trong guồng máy tuyên truyền của đảng cộng sản, có thể trở thành một thứ tư bản đỏ sau này. Nhưng ông đã suy nghĩ, trăn trở, trước cảnh chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 ở chính nơi nó phát sinh. Người trí thức trong ông thức tỉnh khi thấy chủ nghĩa cộng sản bị nhân loại vứt vào thùng rác của lịch sử vì tự bản chất hoàn toàn vô nghĩa lý.
Lương tâm trí thức đã thúc đẩy Bùi Tín từ bỏ quá khứ cộng sản của chính mình. Từ đó, ông dấn thân trên con đường tranh đấu cho dân chủ tự do.
Ai đã gặp Bùi Tín thì thấy rõ ông càng ngày càng quyết liệt đối với chế độ cộng sản phi nhân. Là người làm truyền thông, ông đã phát biểu không ngừng nghỉ trong gần 30 năm qua. Viết báo, viết sách, thuyết trình, tham dự các cuộc hội thảo, trả lời các cuộc phỏng vấn, nói trên các đài radio và truyền hình.
Những cuốn sách của Bùi Tín, như "Hoa Xuyên Tuyết" (1991), "Mặt Thật" (1995)…, và hàng ngàn bài báo, bài phát biểu sẽ là những chứng cớ cho một giai đoạn lịch sử nước ta. Ba tháng trước, dù thân thể đã lâm trọng bệnh, ông đã góp mặt lần cuối cùng với tổ chức Họp Mặt Dân Chủ trong cuộc hội thảo tại thành phố Stuttgart, nước Đức.
Khi ra đi, Bùi Tín không biết rằng nhạc sĩ Tô Hải ở Việt Nam cũng sắp từ giã cõi đời. Nhạc sĩ Tô Hải cũng bị đảng cộng sản lợi dụng như Bùi Tín. Ông đã trên dưới 1,000 bản nhạc, như Bùi Tín viết hàng ngàn bài báo, cuối cùng nhận ra mình đã mất hết, chỉ làm công cụ cho đảng cộng sản.
Như chính Tô Hải đã thú nhận trong tự truyện "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn," "hầu hết sáng tác của tôi là do ‘hèn’ nên nội dung chỉ là hát lên hát xuống các khẩu hiệu tuyên truyền."
Bao nhiêu văn nghệ sĩ thuộc thế hệ trước và sau Bùi Tín và Tô Hải cũng chịu số phận "văn nô" vì lỡ chân theo đảng cộng sản, tưởng lầm mình đang xây dựng tương lai dân tộc. Vào cuối đời, Chế Lan Viên đã tỉnh mộng, bày tỏ những lời tạ tội với lịch sử. Ông thú nhận chính mình đã viết những câu thơ thúc đẩy hàng triệu thanh niên đi giết đồng bào rồi chịu cái chết vô ích. Nguyễn Khải đã can đảm nhìn nhận tài viết văn của mình bị uổng phí chỉ vì cả cuộc đời cam tâm làm tay sai cho chế độ. Lê Hiếu Đằng đến khi sắp qua đời còn bày tỏ thái độ dứt khoát từ bỏ con người cộng sản ở trong mình để được trở về với dân tộc.
Bao nhiêu con người, nuôi trong mình di sản của dòng máu yêu nước tinh ròng chảy cuồn cuộn trong huyết quản mọi người dân Việt Nam, đã thức tỉnh nhìn ra mình đã bị một bọn người cuồng tín, gian manh, chuyên chế độc quyền lừa bịp. Những người văn nghệ này đã thức tỉnh, quyết định quay lại sống như con những người Việt Nam chân thật. Họ đứng về phía dân tộc, vạch rõ bộ mặt dối trá, phản phúc của chế độ bạo tàn đang đưa nước Việt Nam vào vòng lệ thuộc đế quốc đỏ Trung Cộng. Họ đã chọn con đường danh dự, mong góp tay xây dựng một đất nước tự do dân chủ.
Con đường đó đang lôi cuốn hàng triệu người thuộc thế hệ sau nối gót.
Những lớp sóng đấu tranh đang trỗi dậy ở khắp nước Việt Nam. Các cuộc biểu tình chống Đặc Khu dâng đất cho Trung Cộng và chống luật kiểm soát mạng xã hội đã tự động bùng lên. Người dân đã ý thức nhu cầu tự do dân chủ. Lớp người trẻ đã theo tiếng gọi của những Nguyễn Đan Quế, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Quang A, vân vân.
Những thanh niên còn đang cắp sách đến trường như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Việt Khang…, cùng đứng dậy phản đối Trung Cộng lấn chiếm quê cha đất tổ. Những cô gái như Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi Thị Minh Hằng, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Huỳnh Thục Vy, Phạm Đoan Trang… nêu tấm gương dũng cảm cho các thanh niên cùng thế hệ.
Trong lúc hai ông Bùi Tín và Tô Hải sắp từ giã cõi trần, họ có thể được nghe tin Huỳnh Thục Vy, ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, đang phải đối đầu với chế độ cộng sản phản dân tộc. Tác giả cuốn "Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền" bị sách nhiễu chỉ vì đã từng thẳng thắn công khai xác nhận chính cô là người xịt sơn lên các lá cờ đỏ sao vàng trong những bức ảnh hồi cuối năm 2017 trên mạng của mình.
Huỳnh Thục Vy nói không úp mở : "… đối với tôi thì cờ đỏ, ‘cờ máu’ là biểu tượng của sự đàn áp, độc tài, độc đoán, phi dân chủ, phản dân quyền của chính quyền độc tài cộng sản Việt Nam. Nó là biểu trưng cho việc đảng cộng sản Việt Nam ngồi trên đầu 90 triệu người dân."
Huỳnh Thục Vy đã may những chiếc áo mang hình ảnh lá cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tượng lớp người trẻ tuổi chưa lớn lên hay chưa ra đời khi miền Nam bị cộng sản chiếm cũng nuôi tấm lòng hoài vọng thời kỳ một nửa nước Việt Nam còn chế độ tự do dân chủ cho thấy lòng dân Việt đã chuyển hướng.
Năm 2015, Nguyễn Viết Dũng, tức Dũng Phi Hổ, đã từng công khai treo cao lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước nhà mình tại Nghệ An. Một nhóm năm người thanh niên mặc bộ quân phục Việt Nam Cộng Hòa "biểu tình ngồi" tại Hồ Gươm, Hà Nội dù biết trước họ sẽ bị bắt. Tháng Giêng năm nay bốn người ở An Giang, trong đó có Vương Văn Thả, bị xử 6 đến 12 năm tù về tội "Tuyên truyền chống nhà nước," khi họ treo cao ngọn cờ vàng vào ngày 30 Tháng Tư, 2017.
Làn sóng đấu tranh đòi tự do dân chủ đang tiếp tục dâng lên. Các ông Bùi Tín, Tô Hải có thể yên lòng nhắm mắt. Vì con đường họ đã lựa chọn khi thức tỉnh càng ngày càng đông với một thế hệ mới cầm đuốc tiến lên.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 11/08/2018
****************
Vĩnh biệt người anh lớn Bùi Tín...
Mai Tú Ân, VNTB, 11/08/2018
Biết nhau chỉ dăm bảy năm, quen thân lắm là dăm lần anh Bùi Tín comment hay inbox cho vài cái để gọi là động viên tinh thần, cùng là Hội viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam nhưng do tính chất công việc lỏng lẻo nên cũng chẳng mấy khi liên lạc. Đó là tất cả những gì mà Mai Tú Ân có được với anh Bùi Tín. Nhưng đó không phải những điều đáng nói với một con người vừa vĩ đại vừa bình thường mới nhắm mắt xuôi tay nơi xứ người. Nhà báo Bùi Tín…
Nhà báo Bùi Tín
Với anh Bùi Tín thì trên hết tất cả là tấm lòng đồng đạo của người cầm bút trân trọng nâng đỡ nhau. Với Mai Tú Ân thì đó là tấm lòng của kẻ hậu bối dành cho tiền nhân. Cuộc đời lẫy lừng, có một không hai trong lịch sử Việt Nam của anh Bùi Tín, từ đại tá, Phó tổng biên tập báo Nhân Dân rồi trở thành một cây viết hải ngoại đối lập hàng đầu với chính quyền cộng sản Việt Nam cùng một kho tư liệu lịch sử vô giá mà anh liên tục cho ra đời suốt mấy chục năm nay. Mấy ai đã làm được những điều như anh Bùi Tín đã làm. Mấy ai đã trụ vững nơi ngã ba đường, cũng như thanh thản sống giữa hai luồng dư luận trái ngược nhau trút xối xả lên đầu như anh. Anh vẫn vững vàng để trở thành lịch sử và cũng bởi chính anh là lịch sử.
Chẳng có một lời nói nhưng anh Bùi Tín, qua cuộc sống thăng trầm nghiệt ngã, qua khoảng khắc tối sáng của cuộc đời và cuối cùng là như nước chảy chỗ trũng, anh về bên lẽ phải với sự uy nghi vững chắc của một cây bút thượng thừa, đã lăn lộn đầu bảng của cả hai chiến tuyến. Khó có một cây bút nào có một cuộc sống như anh cũng như khó có một ông thầy nào đáng để chúng tôi học hỏi như anh.
Điều đáng khâm phục anh Bùi Tín là mặc dù bị nhiều áp lực nhưng những điều anh viết về chế độ và con người cộng sản Việt Nam đều chắc, chuẩn và sự thật chứ không hề phóng đại hay bôi bác rẻ tiền. Chính vì thế mà những điều anh Bùi Tín để lại là những tài liệu đáng tin cẩn cũng như để cho những người cầm bút bài học về việc đừng uốn cong ngòi bút của mình.
Qua những bài phỏng vấn hay những bài viết gần đây, anh hay nhắc đến các sự kiện lịch sử cùng với nỗi âu lo về việc thế hệ sau phải hiểu đúng sự kiện lịch sử ấy. Dường như anh hiểu được thời khắc của mình đã điểm nên mong những điều anh viết ra được những hậu bối hiểu và đánh giá cho đúng mọi sự kiện như nó diễn ra cùng các bối cảnh chung quanh. Không nói ra nhưng có lẽ anh vẫn còn đau đáu nỗi đau khi thiên hạ nhiều người vẫn đánh giá anh là kẻ phản bội, trá hàng. Chắc hẳn anh đã mang sang thế giới bên kia một nỗi niềm câm nín không thể nói thành lời...
Anh Bùi Tín hỡi. Giờ này linh hồn của anh đã phiêu bạt nơi nước Chúa xa xôi, đâu còn nghe được những lời đẫm lệ của trần gian, rằng chúng tôi nghiêm trang tiễn anh ra đi trong danh dự như của một người lính ngã xuống vì Tổ Quốc. Người lính ấy thì không thể đớn hèn phản trắc. Những người cầm bút chúng tôi kính cẩn tiễn đưa anh như tiễn đưa bậc niên trưởng đồng đạo, như một cây đại thụ cuối cùng mà chỉ có một thời oan nghiệt máu lửa nhất của dân tộc mới sản sinh ra. Và với một cây đa cây đề như anh thì đừng nói đến những chuyện phản trắc đớn hèn. Bởi anh đã vượt lên tất cả...
Như một câu chuyện thần tiên nước ngoài thì năm tháng sẽ trôi đi, vật đổi sao rời, những điều tốt đẹp cùng những con người tốt đẹp rồi sẽ chẳng còn thêu hoa dệt gấm trên hành tinh này nữa và sẽ để lại cái vẻ nhàn nhạt buồn tẻ khi họ không còn nữa. Nhưng rồi cũng năm tháng trôi đi, bao nước chảy qua cầu thì những điều tốt đẹp cùng những con người tốt đẹp sẽ xóa mây mù để trở lại và lại làm đẹp với trái đất này. Như nơi ma quỉ vắng bóng sẽ có thần linh xuất hiện. Mặc cho thiên hạ nói ngả nói nghiêng thì chúng tôi cũng đều muốn anh Bùi Tín sẽ trở về trái đất này cùng với những con người tốt đẹp nhất và họ đang cầm tay nhau nhảy vũ điệu Thần Tiên với các cháu nhi đồng.
Chắc chắn anh Bùi Tín sẽ trở về...
Mai Tú Ân
Nguồn : VNTB, 12/08/2018
*********************
Nhà báo Bùi Tín : Một tài năng, một tấm lòng…
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 11/08/2018
Tối 10/8/2018, khi những thông tin đầu tiên của chị Tường An, anh Từ Thức ở bên Pháp về sức khỏe rất xấu của Nhà báo Bùi Tín nhưng tôi vẫn cứ hy vọng. Không phải là tôi không biết khi đã hôn mê thì tình hình đã nguy kịch. Nhưng sự hy vọng của tôi là một sự ngoan cố, cố chống lại một sự thật phũ phàng. Với bệnh tật hiểm nghèo, người ta có câu "còn nước, còn tát" và vẫn có những trường hợp qua khỏi.
Cố nhà báo Bùi Tín
Cho đến sáng dậy, nhìn vào bản tin, tôi chỉ biết lặng người đi và thở dài. Một lúc sau, tôi mới thốt được một câu với người nhà : Bác Bùi Tín mất rồi !
Tôi chưa một lần được diện kiến nhà báo Bùi Tín, điều đó với tôi là không may mắn. Phải chi tôi đã có một lần đi Pháp. Tôi lại ngẩn người ra tiếc thời gian tôi đi Mỹ tháng 4, tháng 5 năm 2014. cháu Đỗ Xuân Trầm (chị gái tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh) mời tôi đi Châu Âu vài tháng. Cháu bảo chú không phải làm gì cả, cháu lo tất cả cho chú, kể cả làm visa. Cháu sắp xếp cho chú đi khắp các nước Châu Âu. Lần này chú về Việt Nam họ sẽ không cho chú xuất cảnh nữa đâu, vì "tội"của chú to lắm. Nhưng rồi tôi đã về thằng Việt Nam và sau đó quả nhiên đã bị chặn xuất cảnh tại ga hàng không Nội Bài trên đường đi Myanmar vào ngày 6/12/2015.
*
Khi còn là lính binh nhì, binh nhất, tôi đã biết đến Nhà báo Bùi Tín với bút danh Thành Tín.
Đến thời kỳ ký và thi hành Hiệp định Paris 1973 thì Thành Tín là một bút danh sáng giá nhất trong làng báo miền Bắc hồi ấy. Ông đưa tin và trả lời phỏng vấn các đoàn quốc tế trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên, liên tục có bài đăng trên mặt báo. Hoạt động của ông sôi nổi tới mức, ông được coi như phát ngôn viên của phái đoàn miền Bắc. Tôi hai mươi tuổi đời, vài tuổi lính, hòa với không khí sôi động của phe chiến thắng chứ nào đã biết gì ngoài các bài giảng của chính trị viên hay tuyên huấn.
Là đảng viên 24 năm trong lòng chế độ cộng sản, lên đến cấp đại tá quân đội rồi Phó tổng biên tập báo Nhân dân và nghề nghiệp làm báo với óc quan sát tinh nhạy, nhà báo Bùi Tín biết rất nhiều chuyện thâm cung, bí sử của chế độ.
Sau khi nhà báo Bùi Tín tị nạn chính trị ở Pháp, có một số tranh cãi như trong biến cố 30/4/1975, Bùi Tín là thượng tá hay đại tá, Bùi Tín có mặt ở Dinh Độc Lập khi nào... Nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi ông đã quyết rời bỏ hàng ngũ cộng sản để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhắc nhiều đến "thành tích" phục vụ chế độ của ông, có khi còn làm cho ông phiền lòng. Vì vậy, tôi chỉ lướt qua vài dòng như thế để nói lên rằng, với tài năng của ông, nếu tiếp tục chấp nhận phục vụ chế độ thì con đường thăng tiến của ông sẽ còn dài.
*
Năm 1990, thông tin Bùi Tín xin tị nạn chính trị ở Pháp đã kích thích sự tò mò của tôi, truyền cảm hứng cho tôi trong quá trình đi tìm sự thật phía sau các bài giảng ở nhà trường cũng như ở đơn vị. Hồi ấy chưa có Internet, tôi thường tìm cách nghe lén "đài địch" như BBC, RFI, VOA để xem ông nói gì, viết gì. Qua đó, tôi mở mang thêm về nhãn quan chính trị. Những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông củng cố cho tôi thêm cách nhìn toàn diện, khách quan với nhiều góc độ khác nhau về một sự việc, hiện tượng. Những thứ mà người ta đã kết luận về nó, đã đóng dấu chất lượng, đã tán ốc vít vào khung thép cần phải được tháo tung ra, xem xét lại. Đó là cách đánh giá, nhìn nhận lại về học thuyết Mác - Lê nin, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, về nhân vật Hồ Chí Minh... Tôi đã ngộ ra nhiều điều sau khi bộ não lười biếng, thụ động đã biết hoạt động theo một cơ chế khác. Thì ra nó không phải như vậy. Tất nhiên, sự thay đổi nhận thức của mỗi con người là cả một quá trình chứ không phải từ sự tác động của riêng một sự việc hay nhân vật nào.
*
Sức viết của nhà báo Bùi Tín thật đáng khâm phục. Ông viết đều đặn kể cả khi ở tuổi 91. Tại Paris, ông viết hai cuốn sách "Hoa Xuyên tuyết" (1991) và "Mặt thật" (1995). Với "Hoa Xuyên tuyết", ông lấy tên một loài hoa đặt tên cho tác phẩm của mình để nói lên khát vọng tự do. Một loài hoa mỏng manh, yếu ớt nhưng nó cố xuyên qua lớp tuyết dày để thấy được mặt trời. Còn trong "Măt thật", ông vạch ra sự giả dối của đảng cộng sản Việt Nam, bóc nó ra để thấy cái mặt thật như tên gọi của tác phẩm. Các tác phẩm in bằng tiếng nước ngoài của ông có 'From Enermy to Friend' (Từ Thù đến Bạn), 'Following Ho Chi Minh' (Đi theo Hồ Chí Minh), 'Vietnam - Face Cachée du Régime' (Việt Nam - Bộ mặt Che giấu của Chế độ)
Những bài báo của ông thì nhiều vô kể, xuất hiện hàng tuần liên tục trên các trang báo nổi tiếng. Ví dụ, bài viết của ông trên VOA trong tháng 6 là 7 bài. Cứ vài ba ngày, goup mail của Hội nhà báo Độc lập lại nhận được bài mới của ông (ông là Hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ngày 15/7/2014, ngay sau khi Hội thành lập). Theo Người Việt online thì Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Hoa Kỳ) đã cùng với tác giả Bùi Tín chọn lựa 200 bài báo, in trong tuyển tập Thao Thức Cùng Quê Hương, sẽ ra mắt cuối Tháng Tám hay đầu Tháng Chín năm nay. Ngòi bút của ông sắc sảo, già dặn và đầy tính phát hiện.
Bài viết gần đây nhất của ông có lẽ là bài "Vụ án lớn giả danh quân đội giữa thủ đô" đăng trên Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 27/6/2018.
*
Ở Pháp, ông vẫn thường xuyên theo dõi và liên hệ chặt chẽ với giới đấu tranh trong nước, nhất là từ khi phong trào xã hội dân sự độc lập phát triển mạnh. Ông đặc biệt chú ý đến tầng lớp trẻ mới xuất hiện. Sau khi nghe tin ông mất, trong những dòng chia sẻ tin buồn, nhiều người còn nhắc lại gần đây còn được ông nói chuyện hay gửi thư.
Điều đáng khâm phục của nhà báo Bùi Tín là ông dám từ bỏ vinh hoa do nhà nước cộng sản đem lại để dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Chính lúc ở vào đỉnh cao của vinh quang, ông đã từ bỏ nó để cống hiến phần đời còn lại cho quê hương, đất nước. Điều đó nói lên ông vừa có tư duy nhạy bén, vừa là một nhân cách lớn.
NB Bùi Tín vĩnh viễn ra đi trong sự thương tiếc không nguôi của giới đấu tranh cho tự do. Ông sống thế, kể cũng đã thọ nhưng tôi và hẳn là còn rất nhiều người muốn ông sống thọ hơn. Nhưng ông đã làm việc vì đất nước liên tục trong 28 năm không ngưng nghỉ, chúng ta không thể đòi hỏi ở ông nhiều hơn.
Theo một bài viết đăng trên báo Việt Nam thì nhà báo Bùi Tín nói ông nhớ quê hương đến da diết : "Có đêm mình mơ được về nước. Sướng quá mình vất dép đi chân trần chạy dọc theo bờ Hồ, thỉnh thoảng dừng lại đưa tay với những rặng liễu đang rủ bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Có lần mình mơ được chạy mấy vòng quanh Hồ Tây lộng gió. Ôi những giấc mơ đó sao mà hạnh phúc".
Vậy mà từ khi đi tị nạn chính trị, ông không được một lần trở về Việt Nam. Bây giờ ông không bao giờ còn cơ hội nữa. Nghĩ mà càng thấy thương ông thêm. Hẳn trước khi nhắm mắt, ông không khỏi ngậm ngùi nghĩ về quê hương xứ sở. Nhưng hình ảnh ông, kỷ niệm về ông và những việc ông làm vì tương lai của đất nước sẽ mãi ghi sâu vào tâm khảm của những người Việt Nam yêu tự do.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 11/08/2018
****************
Tô Hải - một thằng hèn vĩ đại
Nguyễn Lân Thắng, RFA, 11/08/2018
Tôi gặp cụ Tô Hải lần đầu tiên vào đầu năm 2012. Đó là thời điểm khi tôi vừa mới trải qua cả một mùa hè biểu tình chống Trung Quốc rực lửa năm 2011 ở Hà Nội. Tuy chưa từng gặp nhau, nhưng tôi nhớ như in cuộc gặp ấy cụ đã ôm chầm lấy tôi như một đứa con đi xa trở về. Có chuyện đó là bởi vì tuy tôi là thế hệ trẻ, nhưng đã biết cụ rất lâu qua các bài viết trên blog, facebook... còn cụ thì biết đến tôi vì những tấm hình biểu tình nóng hổi tôi chụp hồi đó.
Xin vĩnh biệt cụ, Một thằng hèn vĩ đại
Rồi bẵng đi 2 năm, lần thứ 2 tôi gặp cụ Tô Hải chính là ở đám tang thầy giáo yêu nước Đinh Đăng Định. Lúc này cụ đã yếu và phải ngồi xe lăn rồi, nhưng cụ vẫn nhất quyết phải đến bằng được trước linh cữu, tự tay châm nén nhang cho một thầy giáo chỉ vì những hành động yêu nước đã bỏ mình vì những bệnh tật gặp phải trong nhà tù cộng sản.
Cụ Tô Hải trong mắt anh em đấu tranh trẻ ở Việt Nam là một tượng đài vĩ đại. Không chỉ là những bức hình, những đoạn phim ghi lại cảnh một ông già bé nhỏ kiên cường chống gậy đi biểu tình giữa đường phố, cụ Tô Hải đã đi vào lòng người trẻ chúng tôi bằng những bài viết sắc sảo lật mặt chế độ cộng sản trên trang blog của cụ, bằng cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" chấn động dư luận một thời. Hôm nay, nhạc sỹ Tô Hải, người tự nhận là MỘT THẰNG HÈN đã ra đi rời bỏ thế gian, nhưng với tôi hình ảnh cụ sẽ còn sống mãi. Chính cụ là một trong những người đã trực tiếp tác động làm lớp trẻ chúng tôi sống thôi hèn, dám đứng lên xuống đường đòi hỏi những điều thuộc về dân tộc này.
Xin vĩnh biệt cụ, MỘT THẰNG HÈN VĨ ĐẠI
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA,11/08/2018 (nguyenlanthang's blog)