Ông Tôn Tử khuyên phải chủ động chọn thời gian thuận lợi nhất hãy tham chiến. Cuộc chiến tranh mậu dịch xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ông Tập Cận Bình.
Cuộc chiến tranh mậu dịch xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ông Tập Cận Bình.
Trong ba năm qua ông Tập Cận Bình bắt các ngân hàng phải giảm bớt những món nợ đã chồng chất trong hàng chục năm, đang có nguy cơ sụp đổ. Trong thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 10% vì ngân hàng thả lỏng việc cho vay, miễn sao các doanh nghiệp nhà nước có tiền dựng nhà máy và chính quyền địa phương kiến thiết hạ tầng cơ sở. Đây là một hình thức "bao cấp" kiểu mới ; cho vay tiền thay vì trợ cấp trực tiếp. Các công ty tư nhân cũng theo cơn sóng "tiền dễ dãi" đó mà phát triển.
Nhưng không một người, một xí nghiệp hay một quốc gia nào có thể cứ vay nợ mãi mãi. Từ dăm năm qua, "quả bom nợ" chỉ chờ ngày nổ bùng. Nếu một số lớn thân chủ không thể trả nợ, ngân hàng cũng vỡ nợ, kéo theo các ngân hàng khác vì họ đều nợ nần lẫn nhau. Khi có một số ngân hàng lâm nguy, lòng tin của người gửi tiền sụp đổ, người ta sẽ rút tiền ra. Cả hệ thống sụp đổ.
Trong một chế độ độc tài đảng trị, chính quyền có thể ngăn chặn cơn hỗn loạn khi mới bắt đầu, bằng cách đem công quỹ ra cứu các ngân hàng ngay khi cơn nguy mới phát hiện. Nhưng khả năng chặn dứt cơn khủng hoảng có giới hạn. Và một căn bệnh hiểm nghèo không thể trị hết nếu chỉ dùng phương pháp xoa dầu nóng và chườm đá mãi.
Cho nên ông Tập Cận Bình biết phải ra tay ngăn chặn khối nợ khổng lồ không cho phồng lên quá đáng. Nếu không, có chuyện gì xảy ra ông Tập sẽ mất cả uy tín lẫn địa vị.
Ông Tập Cận Bình đặt ra kế hoạch cải tổ cơ cấu, ưu tiên số một là giảm bớt số tiền cho vay từ các ngân hàng. Khi các doanh nghiệp nhà nước không thể cứ ngửa tay ra là vay được tiền, họ buộc phải cải tổ. Khi chính quyền các địa phương không còn có thể bắt các ngân hàng đưa tiền cho xây cất thì họ sẽ phải thúc đẩy các xí nghiệp gia tăng hiệu năng để thâu thuế.
Nhưng một hậu quả tất nhiên của kế hoạch này là nền kinh tế phỉa giảm tốc độ. Từ giai đoạn muốn có tiền chỉ cần hỏi vay, đến lúc các ngân hàng dè dặt thắt chặt túi tiền, những việc đầu tư, sản xuất sẽ phải chậm lại.
Cuộc cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình đang gặp chướng ngại, ngay từ trong nội bộ, trước khi ông Donald Trump khai chiến. Dân Mỹ đã bầu một ông tổng thống coi chiến tranh mậu dịch là một việc rất dễ và chắc chắn thắng lợi ! Ông Donald Trump tấn công tới tấp hết đợt thuế này tới đợt khác. Trong khi đó người lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc thì chỉ mong muốn kinh tế của nước mình uống thuốc giảm huyết áp, để chữa trị căn bệnh tim trầm trọng đã kéo dài hàng chục năm.
Ông Tập Cận Bình đứng trước một thế lưỡng nan. Nếu cố chống trả cuộc tấn công của ông Donald Trump thì sẽ phải trì hoãn, có thể phải tạm chấm dứt việc cải tổ kinh tế. Nếu muốn tiếp tục chương trình cải tổ, thì không đủ sức đối đầu với Mỹ vì nền kinh tế ngày càng yếu đi.
Nhiều chứng cớ cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu yếu rồi.
Đầu năm 2018, chỉ số CSI của các thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như chỉ số S&P 500 của thị trường nước Mỹ đều tăng, S&P 500 tăng 5% trong tháng Giêng còn CSI tăng gần 10%. Nhưng từ tháng Hai, cả hai đều xuống. Đến tháng Tám, S&P 500 lại lên và bây giờ vẫn còn tăng 5% nhưng CSI đã tụt mất hơn 25%, so với đầu năm. Giới đầu tư Trung Quốc đang mất tin tưởng.
Ông Tập Cận Bình muốn cải tổ để kinh tế Trung Quốc bớt lệ thuộc xuất cảng, cố gắng thúc đẩy số tiêu thụ của dân nội địa. Nhưng ngay giới tiêu thụ cũng bớt tiền xài khi chính quyền giảm bớt số tiền tệ lưu hành. Số bán của 50 công ty bán lẻ lớn nhất nước đã giảm 0,6% trong tháng Tư, 2018 ; lại giảm 3,4% trong tháng Năm, tới tháng Bảy đã giảm bớt 3,9% so với tháng Bảy năm ngoái. Số thu của các cửa hàng bán lẻ chỉ tăng 8.8%, so với tỷ lệ tăng 9% trong tháng Sáu.
Vì các ngân hàng được lệnh giảm bớt tiền cho vay, số công trình xây dựng hạ tầng cơ sở chỉ tăng thêm 5.7% trong sáu tháng đầu năm nay, so với tỷ số tăng 7.3% trong nửa đầu năm 2017.
Khi các ngân hàng theo lệnh trung ương giảm bớt tốc độ đem tiền cho vay, các xí nghiệp quốc doanh gặp khó khăn, nhưng các công ty tư bị đòn nặng nhất. Vì không có thể vay các ngân hàng nhà nước, họ thường vay trong "thị trường đen". Những nhà cho vay "trong bóng mờ" không được kiểm soát đã thúc đẩy số nợ toàn quốc tăng lên. Năm 2008 tổng số nợ trong nước Tàu lớn bằng 140% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Đến năm 2017 tỷ số này lên thành 257%.
Nhưng chính các loại "ngân hàng đen" đang bị chính quyền ngăn chặn. Năm ngoái, trong sáu tháng đầu năm họ vẫn còn hăng hái tăng số tiển cho vay thêm, tăng hai ngàn rưởi tỷ đồng nguyên. Sau khi ông Tập Cận Bình ra tay, từ tháng Tư, 2018, đến tháng Tám, thị trường tín dụng mập mờ đã giảm bớt, số tiền cho vay chỉ còn 1,500 tỷ, tương đương với 218 tỷ USD.
Bây giờ muốn vay nợ mới để trả nợ cũ, các công ty tư nhân phải chịu lãi suất cao hơn. Nhiều xí nghiệp tư đã phá sản. Đầu tháng Sáu năm nay, có 20 công ty không thể trả nợ. Ông Chu Kiến Xán (Zhou Jiancan, 周建灿) một nhà tư bản 55 tuổi đã tự tử trong tháng Bảy. Ông vốn là chủ nhân tập đoàn Kim Thuẫn tại tỉnh Triết Giang (Zhejiang Jindun Holding Group, 浙江金盾控股集团). Trong những ngày cuối đời, ông đã cố thoát cảnh vỡ nợ, đi vay với lãi suất 10% một tháng, tương đương với 120% một năm. Cái chết này là một tiếng báo động của quả bom nợ đang chờ bùng nổ !
Hôm Chủ Nhật, 12 tháng Tám, một công ty quốc doanh lớn đã tuyên bố không có tiền trả nợ sắp đáo hạn. Công Ty Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương (Xinjiang Production & Construction Corps, 新疆生产建设兵团) vốn thuộc quân đội, tuy ở Tân Cương nhưng thuộc quyền chính phủ trung ương ; họ phải xin hoãn trả tiền vốn cho món nợ trị giá 73 triệu USD.
Với tình hình kinh tế xuống dốc do chủ trương giảm tốc của chính mình, ông Tập Cận Bình đang lo phải đối phó ngay trong nội bộ ; không còn kiểm soát được chính guồng máy cai trị nữa.
Trong nội bộ chính quyền, hiện có hai phe, tiêu biểu là Bộ Tài Chính và Nhân Dân Ngân Hàng. Phía chính phủ thì muốn trở lại thời bao cấp bơm thêm tiền vào nền kinh tế ; trong khi ngân hàng trung ương muốn ngăn chặn, theo đúng chính sách của ông Tập Cận Bình, vì lo quả bom nợ phát nổ.
Nếu muốn chống đỡ với các đợt tấn công sắp tới của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình sẽ phải trở về với chính sách bao cấp cũ !
Cuối tháng Bảy, Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố ưu tiên số một là giữ tỷ lệ phát triển trên 6,7% ; mặc dù vẫn nói cần phải ngăn chặn tổng số nợ không cho lớn hơn. Nhưng cùng lúc đó, hội đồng nhà nước đã chấp thuận chi tiêu thêm 1.350 tỷ đồng nguyên (hơn 225 tỷ USD. Số tiền này sẽ được phân phối cho các địa phương để tiếp tục xây dựng ! Đây là một biện pháp "bao cấp" vừa để mua chuộc chính quyền địa phương vừa để bảo vệ nền kinh tế trước khi các đòn đánh thuế của chính phủ Trump khiến hàng xuất cảng sụt giảm.
Tiền lại được đổ ra, lãi suất ở Trung Quốc đang giảm bớt, trở về mức hai năm trước, cho thấy chính sách của ông chủ tịch nước và chủ tịch đảng bị bỏ qua ! Từ khi Tổng thống Donald Trump mở cuộc tấn công thuế quan, đồng nguyên của Trung Quốc đã giảm giá, vì nhiều người tìm cách đổi lấy đô la để đem tiền ra nước ngoài.
Kinh tế thế giới cũng bất lợi cho ông Tập Cận Bình. Cuộc khủng hoảng mới diễn ra vì đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá cho thấy hệ thống tài chính cả thế giới đang mong manh, rất dễ lung lay. Kinh tế Mỹ đã kéo dài giai đoạn phát triển từ năm 2009 đến nay, trong một hai năm sẽ tới lúc lên tột đỉnh rồi bắt đầu xuống.
Một hàn thử biểu đo lường sức khỏe của kinh tế toàn cầu là nền số xuất cảng của nước Đức. Đó là quốc gia có số thặng dư mậu dịch cao gấp đôi Trung Quốc. Nhưng mấy tháng qua, số xuất cảng của Đức đứng nguyên không lên, trong khi năm ngoái đã tăng 13%.
Ông Donald Trump mở cuộc tấn công mậu dịch đúng vào lúc Trung Quốc đang gặp khó khăn kinh tế. Ông Tập Cận Bình đã tính lầm nước cờ chỉ vì "không biết mình, không biết người".
Cuộc chiến mậu dịch bắt đầu khi kinh tế Mỹ vẫn còn lên mạnh, trong khi kinh tế Trung Quốc đang trì trệ. Ông Tập Cận Bình chủ quan khinh địch cho nên không tìm cách nhượng bộ ngay từ đầu, ít nhất cũng như một "kế hoãn binh".
Bây giờ ông Tập Cận Bình đang đuối sức. Những như con cà cuống đến chết vẫn còn cay, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nghênh chiến trong thế yếu. Thà rằng quay về thời bao cấp cũ, bỏ ngang cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế, còn hơn tuyên bố đầu hàng. Dân Trung Hoa lục địa sẽ lãnh hậu quả.
Câu hỏi là : Người dân Trung Quốc sẽ chịu đựng tới bao giờ ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 14/08/2018