Có những thách thức lớn vẫn tìm đến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và hai trong số đó bao gồm cả tham nhũng lẫn vấn đề đặc khu.
Sự ra đời của 3 đặc khu vẫn phải chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc
Về vấn đề đặc khu, mặt dù trên danh nghĩa là Bộ Chính trị quyết, tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu, ông cũng cho thấy trách nhiệm và cái gật đầu quan trọng của mình đối với dự án này, lớn đến mức, bà Chủ tịch Quốc hội phải nhanh chóng hối thúc các vị Đại biểu quốc hội mau chóng thông qua Luật đặc khu. Và khi cuộc biểu tình nổ ra, với sự đông đảo của nhân dân, ông đã nhanh chóng có nhận xét mang tính hà khắc đối với người biểu tình : đó toàn là thành phần bất hảo. Người dân lo ngại đặc khu bởi vấn đề Trung Quốc và an ninh - chủ quyền đối với lãnh thổ, trong bối cảnh bản thân hai ngành bảo vệ chính trị nội bộ và đối ngoại là công an và quân đội đang đối diện với chính những vấn đề tham nhũng bên trong.
Thường thì, đảng và nhà nước Việt Nam sẽ phủi tay về mối lo này, và thực tế, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như các quan chức đầu đảng và nhà nước đã lên tiếng trấn an, trong đó : Mong cử tri hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Vì nước vì dân thôi chứ không có mục đích nào khác, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho nước ngoài để người ta vào đây. Tuy nhiên, sự 'ngây thơ' hay không cũng cần thời gian kiểm chứng, còn kiểm soát những rủi ro dù nhỏ nhất cũng cần phải thực hiện.
Mặc dù không đề cập đến một cách rộng rãi, nhưng sự ra đời của 3 đặc khu vẫn phải chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, trong đó có cả sự phủ bóng của sáng kiến 'Một vành đai - Một con đường'. Sự phủ bóng này đặc biệt hiện diện đậm nét tại khu vực Phú Quốc, nơi gần gũi với dự án kênh đào Kra (kênh đào Thái Lan) mà Trung Quốc nỗ lực vận động bằng tiền lẫn ảnh hưởng chính trị, gần nhất là cuộc hội thảo vào tháng 02/2018.
Tiếp đó, Quảng Ninh - nơi đang đẩy mạnh cải cách hành chính - kinh tế cũng mong mỏi sự hiện diện của đặc khu, lãnh đạo tỉnh này cử nhiều đoàn qua thăm và học tập Trung Quốc, hối thúc Quốc hội sớm thông qua Luật đặc khu, một phần trong đó có nỗ lực của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức trung ương lúc đó là Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ninh, người đã chỉ đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn [1].
Vậy nguy cơ ở đây là gì ? Mới đây, Thời báo Tài chính (Financial Times) trong một bài viết ngắn gọn ngày 14/08/2018 đã dẫn nguồn tin từ FireEye, cáo buộc Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng sáng kiến 'Một vành đai - một con đường' để gián điệp. Theo các chuyên gia tổ chức này, Bắc Kinh sử dụng dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ để theo dõi các công ty và quốc gia cũng như giảm bớt bất đồng.
'Một trạm chuyển phát dữ liệu' nằm trong tổ hợp dự án thương mại điện tử, Viện Khổng Tử, mạng viễn thông, công ty vận tải, khách sạn, tổ chức thanh toán tài chính và công ty logistics sẽ gửi dữ liệu qua back-end đến một trung tâm phân tích tập trung ở Trung Quốc.
Hãy tưởng tượng dự thảo Luật đặc khu không có chữ Trung Quốc nào, nhưng tâm thế dựa vào sáng kiến 'Một vành đai - một con đường' đã hiện diện, và bản thân những nhà đầu tư Trung Quốc khá thoáng tay trong việc chi tiền xây các dịch vụ - thương mại tại một nơi mà được 'ưu đãi và bình đẳng', sẽ không có sự phân biệt giữa công ty Trung Quốc hay Nhật Bản, chỉ có thương mại. Cái khác là Trung Quốc chi nhiều tiền và một 'trạm chuyển phát dữ liệu' trên sẽ mọc không chỉ ở Phú Quốc hay Vân Đồn, mà cả Bắc Vân phong. Sự bảo mật và sự sẵn sàng, tiềm lực cho cuộc chiến tranh điện tử của Việt Nam hoàn toàn yếu kém. Việt Nam chỉ có luật về an ninh mạng nhằm 'bảo vệ chế độ', trong đó nhắm đến các mục tiêu bất đồng chính kiến hơn là các chủ thể bên ngoài.
Ngoài ra, nhiều quan điểm cho rằng, ba đặc khu kinh tế lần này là phòng thí nghiệm cho cải cách thể chế, tuy nhiên - liệu có đủ thời gian để nghiệm ra đường đi cho cải cách thể chế, hay tất cả sẽ trở thành thí nghiệm cho một tổ hợp mất an ninh - đầu cơ đất và đe dọa chủ quyền quốc gia ?
Vấn đề thứ hai là tham nhũng, vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố 'tham nhũng đang được kiềm chế'. Chiến dịch đốt lò chạm đến các vị tướng tá trong quân đội trong công an, đó là điều đáng mừng. Nhưng để sử dụng cụm từ 'đang được kiềm chế' là còn quá sớm. Để cụm từ này được hiện diện, thì Yên Bái hay các trạm BOT, thậm chí là câu chuyện của ông Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá tên Trịnh Văn Chiến - phải được đặt lên bàn chiến dịch. Nhưng không, hiện giờ những yếu tố này đã không còn hiện diện nhiều về mặt báo chí, và thậm chí như vụ Biệt phủ Yên Bái hoàn toàn chìm. Nó cho thấy, chiến dịch đốt lò vẫn chưa thực sự trọng tâm vào mục tiêu chống tham nhũng.
Đặc khu hiện nay nổi bật vấn đề chủ đạo : đầu cơ đất
Tiếp đấy, 'kê khai tài sản' là khâu đầu tiên và quan trọng bậc nhất của kiềm chế và đẩy lùi tham nhũng, nhất là trong giải quyết bài toán liên quan đến BOT hay biệt phủ Yên Bái. Tuy nhiên, ông Tổng Bí thư lại cho rằng, kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm. Rõ ràng, nếu một người đứng đầu còn tư duy nhạy cảm, thì lấy cớ gì để bảo rằng, 'chống tham nhũng là không có vùng cấm' ? Khi kê khai tài sản chưa được thực hiện, thì lấy cớ gì để khẳng định rằng, 'tham nhũng đang được kiềm chế'. Nói cách khác, cuộc chiến chống tham nhũng hiện tại có xu hướng thực hiện ở phần 'ngọn'. Chưa kể, bản thân ông Tổng Bí thư - người được là 'thanh liêm', tuy nhiên, ông lại phớt lờ đề nghị đòi công khai tài sản cá nhân từ nhóm trí thức trong nước. Vậy thì, 'kê khai tài sản' cán bộ dưới quyền ông (về mặt đảng) thế nào cho được ?
Bây giờ hãy trộn lẫn cả hai vấn đề 'đặc khu' và 'tham nhũng' vào một để cho thấy tính cộng sinh của nó. Đất đai ở ba đặc khu được làm giá trên trời, và đầu cơ đang tiếp tục diễn ra một cách sôi động, ngay cả trong đội ngũ quan chức cấp cao. Và chuyện đầu cơ (hay dưới lớp từ mỹ miều là 'sốt đất) lại được ông Bộ trưởng Bộ TN&MT đánh giá là 'đương nhiên'. Người dân nhìn vào 3 đặc khu chỉ nổi lên mỗi cụm từ 'mua đất - bán đất', thậm chí, có một thông tin được kháo nhau giữa các nhà báo trong nước, là đặc khu sẽ được thông qua vì quan chức nhà nước nhờ người đứng tên những lô đất lớn.
Những phi vụ 'mua đất' ở đặc khu, bởi những quan chức đảng và nhà nước lại đặt ra câu hỏi : tiền đâu ? Khi câu trả lời không mang tính thuyết phục, thì câu hỏi sẽ đặt tiếp ra : làm thế nào ? Vậy thì lúc này sẽ phải tiến hành kê khai tài sản những người mua đất nhiều nhất ở 3 đặc khu này, như một quá trình đầu tiên để chống tham nhũng, thậm chí gián tiếp là chống 'đầu cơ đất'. Dù thế, có vẻ vấn đề này vượt quá tầm với, ngay cả với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và vì vậy, lợi dụng đặc khu để tham nhũng hay tham nhũng để hình thành đặc khu trở thành hai thách thức lớn nhất, về cả mặt 'nói và làm' đối với 'người đốt lò vĩ đại' - Nguyễn Phú Trọng, không chỉ bây giờ, mà cả về sau.
Khi không trả lời được cả hai thách thức này, thì mọi phát ngôn 'vì dân' sẽ tiếp tục được đánh dấu hỏi. Và có lẽ, đây là một thách thức không hề dễ dàng vượt qua nỗi với thể chế hiện tại.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 19/08/2018
Chú thích :
[1] http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=398458