Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/08/2018

Hai năm đàn áp khốc liệt phong trào dân sự tại Việt Nam

Kính Hòa

Sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2016, người ta nhận thấy việc đàn áp giới bất đồng chính kiến trong nước và giới hoạt động dân sự tại Việt Nam ngày càng dữ dội.

hainam1

Nhà hoạt động xã hội môi trường Lê Đình Lượng bị bản án nặng nhất, 20 năm tù, trong mấy mươi năm gần đây (8/2018. AFP)

Theo quan sát của nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, hiện sống ở Sài Gòn thì năm 2017 có đến 30 người bị bắt, sang đầu năm 2018 thì sự đàn áp nhẹ hơn đôi chút, nhưng sau cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu ngày 10/6 lại có sự đàn áp rất mạnh mẽ. Gần nhất là việc công an tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt bớ và đánh đập những người tham dự đêm ca nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín tại thành phố này vào ngày 15/8. Một trong những người tham gia là nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang bị đánh bị thương nặng phải nằm bệnh viện.

Ông Phạm Chí Dũng giải thích sự đàn áp leo thang dữ dội đó :

"Cá nhân Đoan Trang và những người đi dự cà phê bị đàn áp như vậy, nó vừa cho thấy sự đàn áp dã man của giai đoạn cuối toàn trị nó như thế nào. Nó cũng cho thấy là công an được lệnh trên không dám bắt Đoan Trang, để đảm bảo cho Việt Nam hanh thông vận hạn cho việc đi vào hiệp định tự do thương mại với Châu Âu, họ trả thù, trả đũa bằng cách nặng tay đánh đập, đánh cho bõ ghét".

Việc gia tăng đàn áp không những thể hiện ở mức độ tàn khốc của việc đánh đập, số lượng người bị bắt, mà còn thể hiện ở những bản án nặng nề. Nhà báo Võ Văn Tạo sống ở Nha Trang cho biết :

"Cùng một hành vi, nhưng trước đây người ta chỉ truy tố tội lợi dụng dân chủ gì đấy… với điều 258 luật hình sự có khung án tối đa có 7 năm. Nhưng cũng hành vi đó, trong một hai năm trở lại đây người ta lại đưa ra những điều rất khốc liệt như điều 79 hoặc 88 với khung án rất nặng nề, tội tuyên truyền lật đổ nhà nước, tội bạo động,… khung án nặng hơn rất nhiều so với trước kia".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội, có ba nguyên nhân dẫn đến sự đàn áp dữ dội giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động dân sự. Một là sự lớn mạnh của những phong trào dân sự trong nước ; tiếp đến do sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 vào đầu năm 2016 có một giới lãnh đạo cứng rắn lên cầm quyền, và thứ ba là sự nổi lên của những phong trào dân túy trên thế giới cũng có ảnh hưởng đến thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam.

Trong 3 nguyên nhân này, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên nhân đầu tiên là quan trọng nhất :

"Nguyên nhân chính là phong trào trong nước lên rất là mạnh. Họ rất là sợ, mà khi họ sợ thì họ chỉ có hai cách, một là tuyên truyền nói xấu, thứ hai là đàn áp. Đó là hai cách cổ điển của tất cả các chế độ cộng sản, mà không chỉ cộng sản mà là tất cả các chế độ độc tài".

Việc đàn áp mạnh tay của nhà cầm quyền có làm ảnh hưởng đến phong trào dân sự trong nước hay không ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng sự hoạt động của những tổ chức dân sự thật sự bị giảm đến 30%.

hainam2

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kêu án 10 năm tù giam, 2017. Photo : RFA

Tuy vậy ngay những người hoạt động xã hội dân sự cũng ngạc nhiên trước sự kiện 10/6 khi có những cuộc biểu tình lớn trên cả nước qui tụ hàng ngàn người chống dự luật đặc khu.

Theo hai nhà báo Phạm Chí Dũng và Võ Văn Tạo thì cuộc biểu tình không hẳn là kết quả của phong trào dân sự, mà nó là sự lo lắng truyền thống của người dân Việt Nam trước mối đe dọa từ Trung Quốc, vì người ta lo rằng những với điều khoản cho thuê đất tại các đặc khu, người Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế nước Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Võ Văn Tạo, chính những người hoạt động dân sự đã phân tích dự luật này trên mạng xã hội, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến dân chúng, tạo nên những cuộc biểu tình được cho là đông người nhất kể từ sau năm 1975.

Theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng, hoạt động xã hội dân sự tới đây sẽ vẫn duy trì theo công thức tương tác qua lại với nhau giữa mạng xã hội và cuộc sống ngoài đời :

"Rất nhiều vụ việc bắt đầu trên mạng, chẳng hạn như Formosa, bảo vệ Sơn Trà,… chọn không gian mạng xã hội là không gian chính, sau đó lan sang đời thực. Những hoạt động đời thực khi được mô tả qua mạng xã hội lại gây thêm sự chú ý. Mà khi gây sự chú ý thì lại khuyến khích người ta có thêm hành động trên đời thực. Cứ tương tác qua lại với nhau như vậy".

Theo quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong cuộc biểu tình ngày 10/6 có rất nhiều người chưa hề tham gia hoạt động dân sự bao giờ, mặc dù có những cuộc đàn áp và bắt bớ, những người này sẽ là những thành viên mới làm cho phong trào dân sự mạnh hơn lên.

Theo ông Võ Văn Tạo thì những cuộc biểu tình đông người vào ngày 10/6 đã làm cho nhiều người không còn sợ hãi nữa :

"Số lượng như thế, đưa lên truyền thông như thế, mặc dù báo nhà nước tránh né hoặc xuyên tạc nó đi, như là do thế lực nước ngoài kích động, hay phản động gì đấy, … Mọi người thấy rằng là nếu như có những cuộc xuống đường chính đáng với số người dân tham gia thật đông, thì lực lượng đàn áp bị vô hiệu hóa".

Ông Phạm Chí Dũng cho biết những cuộc biểu tình ngày 10/6, mặc dù bắt đầu bằng việc phản đối dự luật đặc khu, thậm chí có lời đồn rằng có một số người nào đó trong hệ thống nhà nước hiện hành không đồng tình với nhóm người đang cầm quyền hiện nay cũng tham gia kích hoạt cuộc biểu tình, nhưng ông Phạm Chí Dũng thấy rằng những người biểu tình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, hô cả những khẩu hiệu khác, trong đó có cả đả đảo Đảng Cộng sản đang cầm quyền.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 21/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)