Luận điểm chính của bài viết dưới đây là Syria đá không đến nỗi nào, nếu không muốn nói là còn nhỉnh hơn Việt Nam, song BỞI CHIẾN TRANH nên mới thất bại.
Ảnh : Bài viết đăng trên trang mạng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam hiện được chia sẻ nhiều trên Facebook
Lập luận này không ổn ở tính hàm hồ võ đoán của nó. Còn nhớ AFC Cup 2007, đội bóng Iraq, trong bối cảnh nước nhà tan hoang vì chiến tranh, đã loại Việt Nam ở tứ kết, trước khi lập nên kỳ tích lần đầu tiên vô địch ở đấu trường Châu lục sau khi thắng Saudi Arabia trong trận chung kết. Không lẽ khi đó chúng ta, với cùng lập luận như trên, cho rằng Iraq cũng chẳng hơn Việt Nam là bao, chẳng qua NHỜ CHIẾN TRANH mà tạo nên điều kỳ diệu ?
Luận điểm tiếp theo thì lại càng đơn giản hóa một cách lười biếng hơn nữa. Gán nguyên nhân chiến tranh Syria cho ‘phương Tây’ nghĩa là bỏ qua bối cảnh xung đột sắc tộc-tôn giáo cực kỳ phức tạp ở vùng đất này, cũng phớt lờ thực tế là hai cha con Assad đã thay nhau cầm quyền đến 47 năm gây bao uất hận trong lòng dân chúng Syria, và cố tình bịt mắt trước lịch sử là trước khi có một ‘phương Tây’ nào can thiệp vào, chế độ độc đảng của Assad đã phải đương đầu với rất nhiều cuộc nổi dậy đến từ nội bộ quốc gia.
Lập luận như thế cũng chẳng thể nào giải thích được vì sao những quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan - vốn tương đồng về lịch sử, văn hóa và tương quan sắc tộc như Việt Nam, cũng trải qua cách mạng dân chủ kiểu Tây phương nhưng chẳng những không tan hoang mà trái lại càng thêm phú cường, thịnh vượng.
Đó là còn chưa nói tới việc dán nhãn ‘phương Tây’ của bài viết thật tuỳ tiện. Cách mạng dân chủ nếu là kiểu Tây phương thế không lẽ cách mạng xã hội chủ nghĩa mà đi kèm với nó là thể chế độc đảng cộng sản là kiểu Đông phương ? Thế khác nào đổi quốc tịch Tây phương của hai ông kim chỉ nam của các đảng cộng sản là Marx-Lenin thành người Châu Á ? Mà nếu mọi mô hình cách mạng xã hội đều là do Tây phương khởi xướng thì còn cần gì phải dán nhãn Tây phương nữa ?
Cuối cùng, chuyện thắng bại trong một trận đấu bóng đá chẳng nói lên được gì nhiều. Siêu cường như Mỹ vẫn có thể bị đả bại bởi các quốc gia tí hon, và một nước hoang tàn vì chiến tranh như Iraq vẫn có thể vượt qua một Hàn Quốc hùng mạnh. Đó đơn giản chỉ là cuộc chiến của mỗi bên 11 người, với tài cầm quân của hai vị huấn luyện viên, phản ánh nỗ lực của từng cá nhân và mỗi tập thể đội bóng. Gán quá nhiều ý nghĩa cho nó sẽ chẳng được gì ngoài huỷ hoại tinh thần thể thao cao đẹp của nó.
Cũng vậy, thương cho một quốc gia chìm trong chiến trận là niềm đồng cảm tự nhiên của con người, nhưng xuyên tạc những lý do dẫn đến cuộc chiến đó vì những mục tiêu chính trị thì chỉ là một dạng thức ‘nước mắt cá sấu’, lấy nỗi đau của người làm phương tiện cho mình.
Việt Nam, nếu có học được bài học gì từ Syria để tránh một cuộc qua phân lần nữa, thì đấy là phải mạnh dạn cải cách thể chế, kiến tạo một quốc gia dung hợp tới mức mà mọi người dân, dẫu khác biệt nhau về sắc tộc, tôn giáo, lý lịch, khuynh hướng chính trị đều thấy phần của mình trong đó. Quốc gia chỉ thực sự đoàn kết khi đó, và cũng chỉ nhờ đó mà trở nên văn minh phú cường để đủ khả năng thoát khỏi canh bạc các nước lớn.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 28/08/2018 (nguyenanhtuan's blog)