Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2018

Liệu đề án mạng xã hội Việt Nam có thành hiện thực ?

Ánh Liên

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong một cuộc họp đã tái khẳng định về việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam, với tham vọng sẽ chiếm 60% thị phần.

mang1

Tham vọng lớn, lụi tàn sớm

Không phải đến bây giờ, người đứng đầu một cơ quan nhà nước về quản lý báo chí truyền thông mới đề cập đến tham vọng cho ra đời mạng xã hội 'Made in Vietnam', mà từ khi mạng xã hội liên tục có những dấu hiệu làm suy đổ nền tuyên giáo và báo chí định hướng, thì sự ra đời một mạng xã hội có thể kiểm soát được là một nhiệm vụ chính trị.

Gần nhất đây là tuyên bố của ông Trương Minh Tuấn vào năm 2017, khi nhấn mạnh rằng cần phải hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh thì mới hy vọng trong 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook và YouTube.

Tuy nhiên, giữa tuyên bố và hiện thực hóa sự ra đời của một mạng xã hội không phải là dễ dàng, không nằm ở sự ra đời, mà là sự tồn tại và phát triển được (tức thu hút người dùng, tương tác người dùng).

Năm 2007, Vega Corporation - một doanh nghiệp công nghệ cho ra đời trang clip.vn mà nhiều người kỳ vọng sẽ thay thế Youtube, tuy nhiên số phận của nó sớm chìm vào quên lãng khi mà hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng nổi nhu cầu người dùng. Ba năm sau (2010), Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) cũng cho ra mắt Go.vn, và cũng đặt mục tiêu chiếm 40-50% lưu lượng truy cập mạng xã hội trong 5 năm (2015) với 4 triệu người dùng. Dự án này được sự tán thành và ủng hộ của ông Lê Doãn Hợp, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, nhưng đến giờ nó vẫn đang trong trạng thái 'chết'.

Bản thân tập đoàn Viettel cũng tham gia vào mảng mạng xã hội này khá sớm, từ những năm 2008, tập đoàn này cũng ra mắt dịch vụ mạng xã hội mobile với tên Game EGO, và vài năm sau lại cho mắt MYCLIP cũng với tham vọng tìm chỗ đứng bên cạnh youtube. Dù cách bố trí và cam kết kỹ thuật, cũng như ưu đãi người dùng 3G/4G nhưng MYCLIP chỉ hiện diện số nhỏ trong nhóm người dùng internet tại Việt Nam.

Ngay MyClip

MYCLIP chỉ hiện diện số nhỏ trong nhóm người dùng internet tại Việt Nam.

Với tập đoàn VNG, thì có mạng xã hội Zingme, mạng xã hội này ra mắt người dùng vào năm 2010, sau một năm thử nghiệm đang được triển khai, nhưng sau đó với định hướng game, mạng xã hội Zingme cũng từng bước lụi tàn. Đến năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước thực tiễn phát triển như vũ bão của mạng xã hội Facebook, cũng như Chính phủ lần đầu tiên đối diện với chỉ trích công khai về chủ trương, chính sách của người dân trên mạng xã hội này khiến ông hối thúc đề án 200 triệu USD nhằm xây dựng một mạng xã hội. 

Những dự án mạng xã hội nêu trên ra đời trong bối cảnh mà người dùng mạng xã hội Facebook hoặc Youtube còn nhiều giới hạn và chưa phát triển mạnh khả năng 'chỉ trích Chính phủ', tuy nhiên - tất cả đều bị phá sản. Vậy thì lý do nào để tin rằng, khi nhà nhà livestream 'tố cáo, chỉ trích' chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội hiện nay, thì sự ra đời của một mạng xã hội 'Made in Vietnam' lại có cơ hội phát triển ? Và nó phát triển với nguyên lý nào ? Nếu đó không phải là 'tôn trọng sự khác biệt', chỉ chú trọng 'kiểm duyệt thông tin' thì phần trăm nào cho sự tồn tại và phát triển của nó ?

Thế nhưng Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vẫn rất quyết tâm, và ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ ra tin tưởng, hồ hởi ? Tại sao ?

Luật an ninh mạng và sự bảo hộ vô hình

Luật An ninh mạng với lý do ra đời rất chính trị : bảo vệ chế độ. Luật này được diễn giải qua câu nói đầy ngô nghê của tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phong An ninh : kéo đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam.

mang3

Cả hai yếu tố trên cho thấy, quyết tâm kiểm soát bằng được lượng thông tin truyền tải bởi các dịch vụ công nghệ nước ngoài (Facebook, Google ; dịch vụ Cloud,...). Điều này sẽ được bổ trợ dựa trên pháp lý và các biện pháp trừng phạt nếu như không tuân thủ sự kiềm soát.

Và 60% thị phần giờ đây sẽ được hiện thực hóa bằng luật an ninh mạng ; lịch đứt cáp. 

Hãy xem cách Trung Quốc sử dụng luật pháp để 'sách nhiễu' Facebook và Google, khiến cả hai không thể thâm nhập hoặc tồn tại đủ lâu để trở thành xu hướng người dùng. Trong khi đó, chính luật pháp về an ninh mạng cũng bảo hộ cho mạng xã hội của Trung Quốc (Sina Weibo, Youku).

Luật an ninh mạng ở Việt Nam dù chưa chính thức có hiệu lực, nhưng Nhà nước Việt Nam cũng mở đường cho sự hình dung của người Việt Nam về hệ quả pháp lý nếu vượt quá 'kiểm soát' trên mạng xã hội Youtube hay Facebook. Và thực tế, trong tháng Tám vừa qua, đã có nhiều Facebooker bị bắt về vấn đề này, liên quan đến tội danh 'bôi nhọ'.

Răn đe những cá nhân đang cổ vũ 'tự do ngôn luận' trên mạng xã hội nước ngoài, áp dụng Luật an ninh mạng ; áp dụng kỹ thuật gây chập chờn trong truy cập mạng xã hội ; đẩy mạnh nâng cấp hệ thống mạng xã hội Made in Vietnam. Đó có lẽ là một tiến trình mà Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang hình dung như cách ông tuyên bố : Hạ tầng viễn thông, CNTT liên quan đến an ninh quốc gia phải dùng sản phẩm của Việt Nam.

Nhưng sẽ không đảm bảo nguyên tắc tự do ?

Như đề cập trên, chu trình có thể nhận diện là : ra đời mạng xã hội mới ; chặn mạng xã hội Facebook ; chặn theo chu kỳ Youtube ; xác lập hệ thống pháp lý nhằm vào Facebook và Youtube.

Chu trình này có thể thành công ? Có thể, nếu nhà nước Việt Nam hình thành một mạng lưới kiểm soát (bức tường lửa) đủ tốt để ngăn chặn lượng thông tin từ mạng xã hội, bao gồm việc truy tố theo chủ đề các Facebooker như trong thời gian vừa qua. Luân chuyển một lượng người dùng lớn từ hai mạng xã hội này qua mạng xã hội made in Việt Nam. 

Hoặc, Nhà nước Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng một mô hình làm việc qua mạng xã hội, tức là đảm bảo mạng xã hội mới này được các công chức - viên chức nhà nước sử dụng, như là một phương án triển khai của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động. Điều này cơ bản giống như Zalo, một công cụ OTP đã trở thành một phương tiện truyền tin quen thuộc cũng hầu hết người Việt Nam hiện nay. Cũng có thể, Nhà nước Việt Nam sẽ xây dựng mạng xã hội mới dựa trên nền tảng Zalo, và lúc này, một lượng người dùng rất lớn sẽ nhanh chiếm được Nhà nước Việt Nam chiếm hữu. Đây là cơ sở để hình thành mạng xã hội mới cả về sự ra đời và phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề này có thể bị ràng buộc bởi nhiều lý do mà bản thân Nhà nước Việt Nam chưa hoặc không thể sẵn sàng cung cấp. Cụ thể là sự tự do, sự tự do trong ngôn luận, tự do về mặt truyền tải và chia sẻ thông tin - quan điểm. Gần như khi mạng xã hội mới ra đời, nó sẽ xóa bỏ thuộc tính tự do này, bởi suy cho cùng, một mạng xã hội được cung cấp bởi Nhà nước thì nhiệm vụ chính trị là chính yếu, trong đó kiểm soát thông tin và dập tắt chỉ trích (như Trung Quốc vẫn đang tiến hành, hoặc Việt Nam qua kiểm soát hệ thống tin nhắn trên mạng di động). Vấn đề là, con số người dùng ưa đề cao tính tự do không hề ít ỏi. Nhiều người dùng sẵn sàng rời bỏ một mạng xã hội nếu mạng xã hội đó bị một Chính phủ tác động sau lưng. Và thực tế, số lượng người dùng mạng xã hội Facebook chuyển sang Minds đã chứng minh sự sẵn sàng rời bỏ một công cụ/phương tiện nếu như nó bị tác động bởi Chính phủ.

Và còn gì nữa ?

Một tham vọng ra đời mạng xã hội Việt Nam cũng cho thấy một góc cạnh khác, cụ thể, sự kiện Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông lên tiếng như vậy cũng là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển internet tại Việt Nam. Sự kiện này vừa biểu hiện một hiện thực kiểm soát trong thời gian sắp tới, và chu trình phát triển người dùng internet có thể bị nghẽn, nhưng quy luật phát triển internet gắn liền với tự do là không thay đổi, nhất là khi mạng xã hội tự do tạo điều kiện cho người dân nói lên tiếng nói của chính mình. 

Kế đó, sự tuyên bố này ra đời sau khi Luật an ninh mạng được giới thiệu và thông qua. Tuyên bố lần này được bổ trợ khá tốt bởi luật, và sự hỗ trợ của cuộc cách mạng 4.0 của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Như vậy, tỷ suất ra đời của mạng xã hội lần này so với các đề án trước đó, và có thể tập đoàn Viettel sẽ đứng đằng sau dự án này theo cách thức hỗ trợ tốt nhất.

Ngoài ra, dù mức chỉ ở cương vị là 'Quyền Bộ trưởng', nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện sự mạnh mẽ trong bao quát quản lý, và tối đa hóa quản lý, định hướng bằng được dư luận xã hội, nói cách khác ông muốn xây dựng Bộ Thông tin và truyền thông không phải qua mặt báo chí, mà cái ông nhắm đến là không gian mạng xã hội - nơi mà trong mắt không ít quan chức trở thành một yếu tố mang tính thách thức quyền lực và tính chính danh của chính quyền. Và điều này khiến cho bản thân ông Nguyễn Mạnh Hùng gia tăng quyền lực của Bộ Thông tin và truyền thông trong thời gian tới. 

Cuối cùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng có vẻ đã tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi ngay trong buổi họp, ông Phúc đã bày tỏ sự ủng hộ tối đa đối với ý tưởng được truyền đạt từ Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. Sự ủng hộ này có thể được hiểu như một cách nắm bắt cơ hội và tạo cơ hội cho việc hình thành một dấu ấn mang tính 'cách mạng 4.0' hay không ? Nhất là khi mà ông Phúc đang vật lộn trong chủ thuyết 4.0, khái niệm đang gặp sự chỉ trích từ dư luận xã hội vì mang tính 4 không : không nhân lực, không kinh nghiệm, không vốn, không hạ tầng cơ sở. Và hình thành mạng xã hội Made in Việt Nam có thể là cơ hội để ông Phúc ghi dấu ấn về 4.0.

Như vậy, bản thân đề án này sẽ là một đề án lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Yếu tố này hiện diện cực kỳ mạnh mẽ và đảm bảo giá trị kiểm soát về bộ mặt thông tin của Nhà nước Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng tiệm cận với giá trị kiềm soát tư tưởng từ Trung Quốc ?.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 10/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 802 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)