Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/09/2018

Giáo dục Việt Nam thời "buôn chữ bán sách"

Nguyễn Quang Duy

Sau 40 năm dạy thử, đến nay bộ tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục được dạy "thí điểm" cho 800.000 học sinh tiểu học, tự nó đã là một vấn đề xã hội đáng quan tâm.

day1

Bộ tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục được dạy "thí điểm" cho 800.000 học sinh tiểu học, tự nó đã là một vấn đề xã hội đáng quan tâm

Cách dạy đánh vần C, K, Q đều là "cờ" và cách dạy tiếng Việt theo hình vuông, tròn, tam giác cũng sau 40 năm mới được đem ra tranh cãi cho thấy câu chuyện không đơn giản chút nào.

Hiểu rõ về nhóm lợi ích và phương cách bảo vệ lợi ích bên trong ngành giáo dục sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về tình trạng giáo dục "buôn chữ, bán sách" tại Việt Nam.

Nhóm lợi ích thời toàn trị

Tại miền Bắc trước 1975, giáo dục và đào tạo con người hoàn toàn nằm trong kế hoạch Nhà nước.

Ai được đi học ? Học cái gì ? Học như thế nào ? Học ở đâu ? Học ai ? Học để làm gì ? Tùy thuộc vào Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Nội dung dạy, sách giáo khoa, phương cách giảng dạy, trường lớp, đến cuộc sống cả của thầy giáo lẫn học trò đều được Đảng và Nhà nước lo cho.

Khi học xong có sẵn vị trí được Đảng và Nhà nước thu xếp để đi làm.

Trên lý thuyết guồng máy chịu ảnh hưởng kế hoạch hóa kiểu Liên Xô. Nhưng trên thực tế giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, chính trị, tư tưởng nói chung toàn là xã hội miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc.

Ngành giáo dục được hoàn toàn định hướng theo lợi ích của Đảng và của Nhà nước nên khi ấy lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm còn rất hạn chế.

Nhóm lợi ích bắt đầu công khai

Theo tin trên báo chí, giáo sư Hồ Ngọc Đại là con rể của Tổng Bí thư Lê Duẩn, được gởi học ở Trung Quốc rồi tiếp tục sang Liên Xô du học.

Ngay khi về nước năm 1978, ông được Liên Xô tài trợ mở Trường Thực nghiệm Giảng Võ dạy theo phương cách thực nghiệm của Liên Xô.

Bộ tài liệu dạy tiếng Việt hình vuông, tròn, tam giác đã bắt đầu mang vào thử nghiệm ngay khi trường được mở.

Nhưng vì số lượng học sinh có giới hạn nên việc chọn học sinh vào trường theo tiêu chuẩn quen biết và gởi gấm. Kết quả là hầu hết học sinh là con em trong ngành giáo dục.

Trường Thực Nghiệm Giảng Võ một hình thức công khai đầu tiên của nhóm lợi ích. Liên quan đến lợi ích tinh thần hơn là tiền bạc.

Thầy được dạy điều mình tin không dạy theo Nghị quyết. Phụ huynh được chọn lựa việc học cho con em.

Nếu nhóm lợi ích mang lợi ích thiết thực cho xã hội thì đó là một điều đáng mừng.

Nhóm lợi ích phát triển

Để thống nhất giáo dục, bộ sách giáo khoa đầu tiên được soạn dạy bắt đầu từ năm 1981 hoàn tất năm 1992.

Mặc dù là con rể của Lê Duẩn nhưng cách suy nghĩ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là cách suy nghĩ phản giáo dục chính thống, phản giáo dục cách mạng không tuân theo Nghị Quyết như ông đã bộc lộ trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/6/2014 :

"Chúng ta dạy hiện nay là dạy bắt chước, bắt chước thế nào cho khéo nhất và như vậy như việc chúng ta dạy khỉ".

Cách suy nghĩ này động chạm đến chuyên môn và quyền lợi của trường phái chính thống muốn bảo vệ giáo dục mang nặng dấu ấn Trung Quốc thời Mao Chủ Tịch và của đa số giới chức cầm quyền thời đó.

Thời kỳ này, Liên Xô suy yếu và cuối cùng sụp đổ. Trong khi đó Trung Quốc đang cải cách, vươn lên, nên ý thức hệ chính thống hoàn toàn thắng thế.

Nhờ là con rể của Lê Duẩn nên ông mới không bị đi học tập cải tạo, nhưng phương cách thực nghiệm và sách giáo khoa của ông được đưa ra biên giới dạy cho trẻ em vùng núi.

Cha mẹ các em vùng núi không nói tiếng Việt, không biết viết chữ. Con em họ được đến trường có miếng ăn là họ mừng rồi.

Đến năm 1989, Trường Thực nghiệm Giảng Võ cũng trở thành trường Trung học Phổ thông Thực nghiệm.

Từ năm 1980, việc cho mướn, bán sách giáo khoa, thu phí, học thêm, chạy tiền để con được đi học chỗ tốt đã bắt đầu hoạt động công khai. Đồng tiền bắt đầu ảnh hưởng nhóm giáo dục chính thống.

Rõ ràng nhóm lợi ích trong ngành giáo dục đã tồn tại từ lâu, không như một số người cho rằng nhóm lợi ích chỉ bắt đầu khi Việt Nam theo kinh tế thị trường.

Ba lần thay sách giáo khoa

Lần thay sách giáo khoa thứ nhất 1981-1992 vừa xong, tháng 10/1993 Bộ Giáo Dục đã vay được 78 triệu Mỹ kim từ Ngân hàng Thế giới cho Dự án Phát triển Giáo dục.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều khoản vay khác từ nguồn vốn ODA để phục vụ cùng mục tiêu.

Chương trình đổi mới giáo dục và sách giáo khoa cho ra bộ sách giáo khoa thứ hai 1996-2008.

Gây tốn kém ngân sách nhưng bộ sách giáo khoa mới bị chỉ trích là không có gì mới lạ, vẫn rập khuôn sao chép bộ giáo khoa cũ với nhiều lầm lỗi nghiêm trọng.

Quốc hội khóa 10 năm 2000 thông qua Nghị quyết 40 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa và bảo vệ Bộ Giáo dục độc quyền trong việc in và bán sách giáo khoa cũng như tìm viện trợ ODA từ quốc tế.

Bộ sách giáo khoa thứ hai vừa xong năm 2008 thì Bộ Giáo dục lại bắt đầu thực hiện Đề án Đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa một lần nữa.

Đề án bắt đầu soạn vào năm 2009, đưa ra từ 2011, được duyệt từ 2014 và bắt đầu áp dụng từ niên khóa 2019-2020.

Trường học mới Việt Nam

Khoảng năm 2010, Bộ Giáo dục còn nhận được từ Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ 84,6 triệu Mỹ để đầu tư cho Giáo dục tiểu học xây dựng Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam.

Mô hình 'Trường học mới' được thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên toàn quốc.

Trường học mới bắt đầu từ lớp 2. Lớp 1 là các lớp thí điểm học sách giáo khoa công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Tài liệu Trường học mới dạy dựa trên sách lớp 2 một số môn học tại Colombia rồi biên soạn lại dựa vào bộ sách giáo khoa chính thống.

Mô hình Trường học mới bị chỉ trích là không hơn gì loại Trường học cũ thậm chí còn kém hơn vì thiếu ngân sách, thiếu sửa soạn, thiếu huấn luyện, được áp dụng tràn lan và ý thức hệ không có gì thay đổi.

Tài liệu Công nghệ Giáo dục

Giáo sư Hồ Ngọc Đại công khai cho biết Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã "lách luật", cho phép dạy "thí điểm" các tài liệu Công nghệ Giáo dục.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói về "Công nghệ Giáo dục" -VTC1, 10/09/2018

Các tài liệu này không phải là sách giáo khoa nên chỉ được dạy "thí điểm", nhưng chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi còn tại chức xuống tận các địa phương để đẩy mạnh chương trình thí điểm nhằm "buôn chữ, bán sách".

Rõ ràng nhóm lợi ích khai thác Công nghệ Giáo dục đã ảnh hưởng lên tới tận Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và cả Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi cho phép tiếp tục "thí điểm" trên 800.000 học sinh.

Chỉ riêng năm học 2018-2019 có 800.000 học sinh được dạy thí điểm. Mỗi bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục giá 340.000 đồng nếu 800.000 phụ huynh phải bỏ ra mua sách thì đã lên đến 272 tỷ đồng.

Số tiền không phải là nhỏ, chưa kể ngân sách và ưu đãi dành cho việc dạy Công nghệ Giáo dục.

Vì vậy, xã hội cần được biết rõ ai là người hưởng lợi về tiền bạc từ các quyết định thí điểm này.

Giáo dục thực nghiệm

Phương cách Công nghệ Giáo dục được Giáo sư Hồ Ngọc Đại giải thích như sau :

"Học sinh tự học hết, giáo viên chỉ hướng dẫn quá trình tự học, hướng dẫn học sinh tự làm lấy bài vở, nhà trường lo hết việc giáo dục, về nhà học sinh không cần phải học thêm".

50 năm về trước, trên Đài Truyền hình Sài Gòn băng tầng số 9, đã có chương trình 'Học mà chơi - Chơi mà học' dạy theo phương cách thực hành cho học sinh xem chơi, nên người miền Nam trước 1975 đã biết về giáo dục thực hành.

Tìm hiểu về thầy Đại tôi nhận ra khá nhiều suy nghĩ của thầy Đại về giáo dục, thật ra không hơn gì phe chính thống.

Lấy thí dụ thầy Đại là còn trăm nghìn các cô các thầy dạy thực nghiệm khác, họ là con người, nên mỗi người truyền đạt giáo dục mỗi khác, họ không thể theo mô hình thầy Đại đưa ra hay lấy thầy Đại làm gương được.

Tôi được hưởng nền giáo dục ở miền Nam tự do, ở đó mỗi thầy mỗi cô dạy mỗi khác và đều được học trò kính mến một cách khác nhau.

Có được sống tự do mới hiểu thế nào là tự do và hiểu tại sao người miền Nam chúng tôi đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do.

Tại Úc học sinh tiểu học không sử dụng sách giáo khoa. Mỗi ngày các em đến lớp cô thầy phát cho tài liệu được in bằng máy photocopy xong hướng dẫn các em cho đến khi cả lớp nắm vững bài học. Về nhà các em không cần ôn bài, làm bài gì nữa.

Các em lớp lớn mỗi tuần tự chọn sách truyện mang về tự đọc xong vào lớp kể lại hay thảo luận với bạn bè.

Cha mẹ chỉ có mỗi việc là ký xác nhận các em ở nhà có tự đọc sách.

Thầy cô không cho điểm nhưng cuối mỗi học kỳ có đánh giá việc học các em gởi về cho cha mẹ. Giáo viên có gặp riêng cha mẹ và học sinh để nâng đỡ các em khi cần.

Nền giáo dục Úc dựa trên nguyên tắc tổ chức bất vụ lợi (non-profit organisation) trái ngược với hiện trạng "buôn chữ, bán sách" như tại Việt Nam ngày nay.

Tôi được dạy đếm và làm toán cộng trừ bằng bó đũa trước khi được dạy số, dạy tính toán cộng trừ bằng số.

Bởi thế phương cách dạy tiếng Việt theo hình vuông, tròn, tam giác theo tôi nghĩ chẳng có gì là mới lạ.

Điều đáng nói là phương cách này đã được "thí điểm" trên hằng triệu trẻ em từ 40 năm qua mà cả xã hội không hề hay biết vì không hề được giáo sư Đại đem ra công khai bàn luận.

Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng những người làm chuyên môn hay của thể chế chính trị.

Việc sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục kiểm duyệt là lý do chính trị không phải về chuyên môn.

Thầy cô và phụ huynh chính là những người có bổn phận và trách nhiệm chọn sách giáo khoa, chọn phương cách dạy, chọn trường lớp và ngay cả chọn một nền giáo dục cho học sinh.

Phụ huynh có bổn phận và trách nhiệm chọn thầy cô thích hợp cho con em mình.

Thầy cô cũng phải được quyền từ chối dạy các em không thích hợp với lớp họ dạy.

Ngày nay nhiều phụ huynh có tiền gởi con em ra nước ngoài học vì họ không còn tin vào giáo dục tại Việt Nam.

Tại Việt Nam ngày nay có khá nhiều trường tư thục ngoại quốc dạy theo chương trình ngoại quốc nên những trường thực nghiệm được hoạt động là chuyện bình thường.

Giáo sư Ngô Bảo Châu học chữ vuông, tròn

Giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa rồi thố lộ "Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe".

Lời thổ lộ này nếu là người khác không có gì đáng nói. Nhưng với một người thầy một người làm giáo dục lại công khai so sánh trò này với trò khác theo tôi là một điều không nên.

Riêng với thầy Đại lại còn mâu thuẫn với chủ trương không chấm điểm học trò.

Thầy Đại còn cho biết "Kỳ 1 của lớp Giáo sư Ngô Bảo Châu không học chữ mà chỉ học hình vuông, tròn", nhưng lại không nói rõ có phải là nhờ học Trường Thực nghiệm Giảng Võ năm 1978 mà giáo sư Châu trở nên nổi tiếng hay không.

Giáo sư Ngô Bảo Châu được đào tạo chuyên môn và thành công tại Pháp, một môi trường giáo dục hoàn toàn khác với môi trường giáo dục Việt Nam.

Riêng Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có lần 'bật mí' về nguyên nhân chinh phục toán học của mình là vào năm học lớp 6, khi ấy 12 tuổi :

"Tôi may mắn được học với các thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với học trò khi học cấp 2. Các thầy cô đã khuyến khích, giúp tôi đối diện với thách thức, làm tôi tự ái khi thi trượt vào lớp chuyên. Bởi khi gặp lại, các thầy cô đều nói với tôi rằng : Em rất ít có cơ hội vào lớp đó. Điều này khiến tôi không muốn gặp lại giáo viên của mình và vùi đầu vào… học, đấy cũng là lý do khiến tôi yêu thích môn toán hơn".

Về sách giáo khoa trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ ngày 11/5/2014, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho ý kiến nên : "công bố hoàn toàn nội dung sách giáo khoa lên mạng".

Mọi sách giáo khoa kể cả tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục đều được soạn từ ngân quỹ quốc gia nên lẽ ra mọi người được quyền in để sử dụng, việc độc quyền xuất bản rồi bán như hiện nay là hoàn toàn sai trái.

Cần thay đổi thể chế

Việt Nam ngày nay kinh tế mở cho một nhóm người đi buôn quyết định, trong khi chính trị vẫn đóng do một nhóm người cầm quyền quyết định nên các nhóm lợi ích mới cấu kết tranh nhau tiếp tục đưa trẻ em ra làm vật thí nghiệm.

Tiếng nói của người dân trong việc đóng thuế, chi thu ngân sách, vay mượn quốc tế hầu như không có.

Tiếng nói của Nghiệp đoàn Giáo chức đại diện cho thầy cô tầng lớp bị ảnh hưởng trực tiếp các cuộc tranh giành phe nhóm trong ngành giáo dục hầu như không có.

Tiếng nói của Hội Phụ huynh học sinh về thân phận họ và số phận con em mình bị liên tục mang ra làm thí nghiệm cũng hầu như không có.

Ý thức hệ và guồng máy đã hỏng nên càng "cải cách" lại càng sa lầy, vì thế việc thay đổi thể chế là một nhu cầu thiết yếu cho Việt Nam.

Có thay đổi thể chế mới có được một nền giáo dục tự do và lành mạnh đào tạo những thế hệ tiếp nối đầy đủ đức, trí và tài vừa giữ gìn đất nước vừa đưa đất nước đi lên kịp đà tiến bộ của nhân loại.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 11/9/2018

Nguyễn Quang Duy 

Quay lại trang chủ
Read 735 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)