Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2018

Vụ Thủ Thiêm : Sau ‘khóa miệng’, báo chí nhà nước lại được cho ‘mở miệng’ !

Minh Quân

Tròn 4 tháng sau khi bị ‘khóa miệng’ đột ngột bởi Ban Tuyên giáo trung ương và một thế lực chính trị kèm lợi ích nào đó, một lần nữa các tờ báo nhà nước lại được cho ‘mở miệng’ để đăng tải kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn.

thuthiem1

Người dân kêu gào nhưng báo chí nhà nước luôn bị bịt miệng. Ảnh : Zing.vn 

Nhưng xem ra sau lần bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, nhiều tờ báo nhà nước đã cảm thấy nỗi nhục ê chề khi bị biến thành một thứ công cụ - không chỉ công cụ chính trị cho chế độ cầm quyền - mà còn gián tiếp trở thành công cụ ‘tống tiền truyền thông’ cho một nhóm lợi ích cá mập nào đó.

Vào tuần đầu tiên của tháng Năm, 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được "mở miệng" gần như không hạn chế và một vài Facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài "đánh" phe nhóm Lê Thanh Hải.

Khi đó, thậm chí có những tờ báo còn dám chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy.

Lê Thanh Hải là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về "cướp đất vàng" ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là "đệ tử ruột" của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.

Nhưng sang tuần tiếp theo của tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ : cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó ‘khóa miệng’.

Sau này mới biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo không cho báo chí đăng tiếp vụ Thủ Thiêm.

Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn "đốt lò" vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí "câm miệng," còn "lò" tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để "đập chuột nhưng không vỡ bình ?".

Và phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là "đi đêm" giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để "chuyển giao lợi ích" và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan ?

Có lẽ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ vụ bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, vào lần này nhiều tờ báo nhà nước không còn quá nhiệt tình khi thông tin về kết uận thanh tra Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, cho dù so với những kết luận thanh tra trước đây thì bản kết luận này là chi tiết hơn nhiều và cũng chỉ ra được một số sai phạm của các cơ quan quản lý, tuy vẫn né tránh nêu đích danh tên họ quan chức.

Báo chí nhà nước đã có quá nhiều bài học bị ‘việt vị’ và bị ‘khóa miệng’ bởi một chế độ ‘Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luật và tự do báo chí’. Thủ Thiêm chỉ là một trong rất nhiều minh họa, bởi còn rất nhiều vấn nạn từ chính trị đến tham nhũng và lỗ hổng kinh tế mà báo chí nêu ra nhưng sau đó đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông cấm cản triệt để và hết sức thô bạo.

Vào năm 2015 khi xuất hiện hiện tượng trang mạng Chân Dung Quyền Lực, một nhà báo nhà nước và chính là đại tá an ninh Nguyễn Như Phong đã thốt lên một triết lý để đời ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy !’.

Trong thực tế, tỷ lệ số tờ báo nhà nước còn mang tính phản biện hoặc có hơi hướng phản biện chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 850 tờ báo mà có thể tuyệt đại đa số ban biên tập của những tờ báo này đã và vẫn mang quan niệm ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy !’.

Ngay cả những giọt nước mắt ‘thương vay khóc mướn’ của một số tờ báo về vụ Thủ Thiêm trong tháng Năm năm 2018 cũng bị đặt nghi ngờ là ‘nhận tiền để khóc’.

Có thể vì lý do quá tế nhị trên, những tờ báo thật sự muốn phản biện cũng không còn quá nặng lòng với vụ Thủ Thiêm bởi mối nghi ngờ nặng nề vào bất kỳ động thái thanh - kiểm tra và điều tra nào của các cơ quan ‘có trách nhiệm’ nhưng rất dễ nặng mùi tiền bạc của các nhóm quyền lực chính trị và lợi ích tư bản đỏ.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 10/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)