Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/02/2017

Học giỏi mà leo cầu thang không nổi thì giỏi làm gì ?

Phúc Lai

Làm sao để gây dựng những thế hệ có tinh thần lành mạnh trong cơ thể khỏe mạnh là một vấn đề thực sự quan trọng, cần kíp.

"Vấn đề đổi mới giáo dục thể chất, thể thao trong trường học không phải lần đầu đặt ra nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đây phải là một nội dung quan trọng của đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này, phải làm quyết liệt, trở thành nhận thức của lãnh đạo ngành giáo dục, thể thao. Giáo dục là toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ… Cách dạy, cách học môn thể dục phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán" [1]

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong buổi làm việc vừa mới đây với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo.

Là phụ huynh của hai em nhỏ đều đang học phổ thông, tôi rất chia sẻ với những trăn trở này. Bởi thiếu không gian, thiếu những hoạt động vận động hấp dẫn bọn trẻ đang là vấn đề chung mà xã hội phải đối mặt. Trong khi đó, giáo dục thể chất trong nhà trường đến nay hầu như vẫn còn mang tính hình thức. Tiếp tục như vậy, bài tóan cải thiện tầm vóc, thể chất người Việt đến bao giờ mới giải được ?

Thiếu không gian...

Bọn trẻ ngày nay được cải thiện rất nhiều về vật chất, nhưng lại đối mặt với một vấn đề không có chỗ chơi, quá nhiều phương tiện làm chúng không muốn chơi ngoài trời nữa. 

Như phường tôi ở chẳng hạn, vốn dĩ đã rất ít khoảng không dành cho cộng đồng, nay do nhu cầu bãi trông giữ xe mà ao làng còn bị rào lại. Rất may là từ khi thi công xong, chắc do có ý kiến của các cụ cao tuổi mà đến nay chính quyền vẫn đắn đo chưa đưa nó vào hoạt động.

Đây có lẽ là tình trạng chung của toàn thành phố chứ không riêng gì phường nào quận nào. Đất chật, người đông…, để chen vào thành phố ở người ta phải hi sinh nhiều thứ, mà trước hết là khoảng không để đi dạo, hít thở, vận động. Vì thế, trẻ em muốn được chơi ngoài trời, cũng phải đi khá xa, và với giao thông đông đúc không mấy trật tự của thành phố, lại đòi hỏi phải có người lớn đưa đi.

Bọn trẻ bây giờ cao lớn hơn thế hệ chúng ta, nhưng lại dễ mắc thừa cân, béo phì, do thừa dinh dưỡng, thiếu vận động. Thỉnh thoảng xem những bức ảnh lễ khai giảng hay các chương trình giải trí thiếu nhi, chúng ta dễ dàng nhận ra điều này, khi có khá nhiều "bé mập". Ngay đến lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng cách đây vài ngày cũng chia sẻ "trăn trở vì học sinh béo phì quá nhiều".

Cận thị thực sự thành "nạn", có những lớp học quá nửa số học sinh bị cận, kể cả những cháu bị cấm gần như hoàn toàn với tivi và thiết bị điện tử. Phải chăng đây cũng là do sự mất cân bằng giữa học tập và vận động, mắt các em ít tiếp xúc không gian ngoài trời, nơi có nắng, gió đặc biệt có cây xanh… ?

Thời còn đi học, chúng ta thường xuyên có những buổi lao động tập thể, cắt cỏ, đào hố… Còn bọn trẻ bây giờ chắc cả năm có một vài buổi trải nghiệm ở trang trại nào đó, ngó nghiêng cho biết là chính và đương nhiên do phụ huynh chi tiền.

hocgioi1

Các hoạt động thể dục thể thao rất cần cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa : Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016. Ảnh : Dân trí

...thiếu cả thời gian 

Trong khi đó tại các trường học, thể thao, giáo dục thể chất vẫn chưa được coi trọng đúng mức hoặc còn nặng tính hình thức. Con cái chúng ta đến trường, có giờ học thể dục và cũng… hết ! Hầu như không có các phong trào chơi thể thao đến mức tiệm cận chuyên nghiệp, "màu cờ sắc áo," trò nào thích chơi gì về tự chơi, bố mẹ phải tự lùng sục đi tìm xem có câu lạc bộ nào để con chơi môn đó trong thành phố hay không… Không khó hiểu khi Việt Nam hiếm những học sinh, sinh viên vừa học xuất sắc vừa là vận động viên thể thao.

Còn nhớ mấy năm trước, sau thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic London, có vị nguyên lãnh đạo tổng cục Thể dục thể thao đã nhìn nhận : "Thể thao trường học ở Việt Nam kém nhất Đông Nam Á" [2]

Gần đây thể thao học đường có vẻ được quan tâm hơn, nhưng lại cũng có bất cập riêng. Một số giải thể thao mở ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu kiếm thêm điểm cộng để các cháu vào lớp 10, nghĩa là một hướng phát triển rất phi thể thao. 

Và cuối cùng là vấn đề là thời gian nào để vận động, chơi thể thao ? Như hai con tôi luôn luôn bị giục học tập trung, hoàn thành bài cho nhanh còn có thời gian chơi, đọc sách… nhưng lượng bài vẫn quá nhiều. Không chỉ vậy, bài của cháu còn rất khó, thầy cô giao những bài ngoài chương trình của bộ, và buộc cháu phải đi học thêm mới giải quyết được những "pháo đài" đó.

Làm sao để gây dựng những thế hệ có tinh thần lành mạnh trong cơ thể khỏe mạnh là một vấn đề thực sự quan trọng, cần kíp. Bởi học giỏi nhưng yếu ớt về thể chất, leo cầu thang không nổi thì giỏi để làm gì ? 

Phúc Lai

Nguồn : VietnamNet, 26/02/2017

[1] "Giáo dục thể chất cần phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán", Tin Tức, 21/02/2017.

[2] "Thể thao trường học ở Việt Nam kém nhất Đông Nam Á", Tuổi trẻ, 15/08/2012.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phúc Lai
Read 709 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)